• Ám ảnh thân phận

Trước hết, nỗi ám ảnh nơi Gatsby là nỗi ám ảnh thân phận. Thân phận con người được đặt trong bối cảnh xã hội đương thời xem trọng vật chất và giá trị của con người được soi dưới những đồng tiền, xe hơi, biệt thự,… Nỗi ám ảnh về thân phận con người cũng là điều mà Fitzgerald băn khoăn trong cuộc đời của mình. Như đã giới thiệu ở phần tác giả, Fitzgerald lúc mười sáu tuổi đến học ở Đại học Princeton đã gặp phải bức tường ngăn cách của đẳng cấp và giàu nghèo cũng như định kiến về địa vị xã hội được đánh giá qua đồng tiền: “ở đám đông không ai hỏi anh xuất thân từ đâu mà hỏi anh có bao nhiêu đô la” [7, trang 359 – 360]. Với một lý tưởng và ước mơ phải có địa vị trong xã hội, Fitzgerald lao vào tiếp xúc với tầng lớp thượng lưu nhưng vẫn bị đánh bật ra. Ông gia nhập quân đội vì tin tưởng vào bộ quân phục và lý tưởng về sự công bằng nơi nó nhưng cuối cùng Fitzgerald phải thất vọng vì bộ quân phục không hề xoá bỏ thân phận và địa vị thấp kém trong xã hội. Có thể thấy rằng, Gatsby là nhân vật được Fitzgerald tái hiện lại bản thân và gửi gắm tâm trạng vào đó.

Gatsby xuất thân từ một gia đình nghèo miền Trung Tây Mỹ nên khi nhìn vào tương quan của một xã hội Mỹ giàu sang hào nhoáng và tình cảnh thiếu thốn vật chất của gia đình khiến cho anh ta có nhiều suy nghĩ. Anh ý thức sâu sắc thân phận của mình bị phân cách bởi bức tường giàu – nghèo và ngay từ nhỏ đã có những việc làm nhằm cải thiện địa vị bản thân. Ở chương 9, cha của Gatsby đã cho chúng ta biết một nghị lực vươn lên đáng nể phục của anh: “lúc nó bỏ nhà ra đi thì gia đình chúng tôi còn nghèo mạt, nhưng bây giờ nghĩ lại thì tôi hiểu rằng nó đi là có lý do. Con trai tôi đã thấy cả một tương lai tươi sáng trước mặt nó. Rồi sau đó, sau khi đã thành công, nó đã rất rộng rãi với tôi”, “Xem đây, quyển sách này là của nó khi nó còn bé, chứng tỏ nó là người như thế nào.”, “Trong trang cuối của quyển sách có viết chữ “thời khóa biểu” và ngày ghi trên đó là tháng Chín, ngày 12 năm 1906. Dưới đó viết:

Thức dậy . . . . . . . . . . . . . . . . 6.00 A.M.

Tập tạ tay và leo tường . . . . . . 6.15-6.30 ”

Học điện , vv . . . . . . . . . . . . 7.15-8.15 ”

Đi làm. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 8.30-4.30 P.M.

AD

Chơi bóng chày và thể thao . . . . . . . . . . . . . 4.30-5.00 ”

Tập cách ăn nói và làm sao duy trì được tư thế chững chạc 5.00-6.00 ”

Nghiên cứu những sáng kiến cần thiết . . . . . . . . . . . 7.00-9.00 ”

NHỮNG QUYẾT TÂM CHUNG Không lãng phí thời gian ở nhà Shafters hay (ghi tên một người nào đó, tôi không đọc được). Bỏ hút thuốc, bỏ nhai kẹo. Tắm gội hai ngày một lần. Hàng tuần đọc một quyển sách hay một tạp chí chuyên về nâng cao kiến thức. Để dành $5.00 (gạch bỏ) $3.00 một tuần. Cư xử tốt với cha mẹ.

Trong trí tưởng tượng của mình, Gatsby tự nhận là con của thượng đế, nếu đúng theo nghĩa của nó, thế nên anh phải phụng sự việc làm của chúa cha, phụng sự một sắc đẹp bề ngoài rộng lớn bao la, phàm tục và giả tạo. Và “Mỗi đêm, khi cả một thế giới lòe loẹt sặc sỡ không sao diễn tả được đang hiện ra trong trí óc của anh, thì lúc đó chiếc đồng hồ đặt trên giá rửa mặt tiếp tục kêu tích tắc và vành trăng trải những dải sáng ướt át làm ướt đẫm mấy mảnh quần áo đang nằm vung vãi trên sàn. Mỗi đêm Gatsby mỗi chấm phá thêm những nét mới vào trong mơ tưởng của mình, cho tới khi nó được khép lại bằng một cảnh tượng huy hoàng sặc sỡ, rồi trở nên mơ màng lãng quên khi anh chìm dần trong giấc ngủ. Trong một khoảng thời gian, những sự mơ tưởng này giúp cho anh một lối thoát cho cho trí tưởng của mình” . Trí tưởng tượng của Gatsby khẳng định sự tự ý thức về thân phận một cách sâu sắc. Anh không phải là người thường mà là con của thượng đế, anh cũng thuộc nòi giống giàu sang nên không thể chấp nhận được bức tường rào ngăn cách bởi sự giàu – nghèo kia được. Sau khi rời nhà, với tài trí của mình Gatsby trở thành người thân cận của nhà tỷ phú Dan Cody và được Cody để di sản lại cho Gatsby – hai mươi lăm ngàn đô. Thế nhưng anh ta đã không được nhận. Gatsby không bao giờ hiểu được cái thủ đoạn pháp luật gì đã được sử dụng để cản trở, tất cả những triệu đồng còn lại đều hoàn toàn rơi vào tay của Ella Kaye.

Xã hội thượng lưu phức tạp cùng những con người giả dối mưu mẹo đã dồn Gatsby đến bức đường cùng. Nhưng với một sự kiên cường đến nể phục của bản thân, Gatsby đã vào quân đội vì anh hy vọng khi khoác lên mình bộ quân phục thì anh cũng sẽ được đối xử bình đẳng. Nhưng rồi khi vào dự một buổi tiệc tại nhà Daisy, Gatsby nhận thức và vỡ mộng vì bộ quân phục chẳng thể nào thay đổi được thân phận của bản thân. Sau khi chiến tranh kết thúc anh đã lao vào làm ăn phi pháp để làm giàu lên chứ không còn ngây ngô tin vào thứ công bằng mà quân đội mang lại nữa. Tất cả những điều trên chứng tỏ sự tự ý thức về thân phận của một người xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn trước một tầng lớp thượng lưu giàu có đã ăn sâu vào tư tưởng của Gatsby ngay từ thuở nhỏ. Chúng trở thành nỗi ám ảnh chi phối hành động của Gatsby nhằm mục đích làm cho thân phận được cải thiện. Gatsby lao vào làm giàu bằng những việc làm ăn phi pháp và giàu lên nhanh chóng nhưng vấp phải thái độ khinh miệt của những người thượng lưu giàu từ nhiều thế hệ. Họ chê những người mới phất lên như Gatsby là những con người thân phận nghèo nàn, cố chen chân vào giới thượng lưu và họ không chấp nhận những người như Gatsby. Tom nói đến sự giàu có của Gatsby bằng giọng khinh khi: “Gatsby này là ai?”, “Có phải là một tên buôn lậu nào đó không?” , “Tôi không nghe được ở đâu cả. Tôi chỉ tưởng tượng ra thôi. Có rất nhiều những người mới trở nên giàu có đều là dân buôn lậu, anh biết đó.”

  • Ám ảnh tình yêu

Ám ảnh về đời sống tinh thần của nhân vật Gatsby không chỉ ở nỗi ám ảnh về thân phận mà nỗi ám ảnh về tình yêu cũng rất là sâu sắc. Gatsby là chàng trai lãng mạn, anh yêu say đắm Daisy – một cô gái xinh đẹp giới thượng lưu. Hai người gặp nhau khi trung đoàn của anh đến dự tiệc tại nhà của Daisy. Gatsby biết rằng khi anh ta “cúi hôn người con gái này thì mãi mãi những viễn ảnh không thể nói thành lời của anh sẽ gắn liền với hơi thở dễ tàn rụi của nàng. Tâm trí của anh sẽ không bao giờ được thanh thản như tâm trí của thượng đế”. Fitzgerald đã lồng ghép từng phân mảnh quá khứ – hiện tại đan xen nhau cùng với cách miêu tả đặc dị những tình yêu của hai nhân vật càng làm cho nỗi ám ảnh về tình yêu ăn sâu và thúc dục Gatsby hành động. Qua nhân vật Nick, chúng ta biết được sự khao khát tìm lại tình yêu đã bị mất của Gatsby cùng với việc thực hiện một giấc mơ mà anh đã theo đuổi không ngừng suốt năm năm qua của cuộc đời mình. Gatsby mắc kẹt bởi những giấc mơ về tình yêu lý tưởng với Daisy như kim đồng hồ kẹt lại ở khoảng thời gian đồng hồ ngừng làm việc. Quá khứ tình yêu của chàng với Daisy cũng cứ lặp đi lặp lại chi phối hành động của chàng, thôi thúc chàng làm tất cả mọi việc để dành lại tình yêu ấy. Lúc trước, vì ám ảnh về thân phận cho nên Gatsby đã cố gắng từng chút, từng chút một hoàn thiện bản thân, chuẩn bị hành trang để bước vào xã hội thượng lưu. Cho đến bây giờ, tình yêu của anh đối với Daisy càng là lý do để cho anh cố gắng làm giàu, bởi anh nghĩ rằng có tiền anh sẽ tìm lại được những thứ anh bị mất. Anh sưu tầm lại các bài báo viết về Daisy cũng như đi đến bất cứ nơi nào mà cô có mặt. Hình ảnh “điểm sáng duy nhất màu xanh lá cây, nhỏ xíu và rất xa ở cuối bến tàu” cứ lặp đi lặp lại. Nó xuất hiện ở cuối chương một như gợi một điều gì đó bí ẩn cần được giải đáp và lặp đi lặp lại ở chương năm và một lần nữa ở cuối cuốn sách như muốn nhấn mạnh niềm tin vào tình yêu của Gatsby. Ánh sáng ở cuối bến là điểm đánh dấu nhà của Daisy bên kia bờ vịnh và nhân vật Gatsby cứ đứng lặng im và nhìn vào điểm sáng đó. Ánh sáng màu xanh lá cây đại diện cho nhiều điều: cho hi vọng, cho nghị lực hướng về phía trước, tiền bạc,… Ở trong tác phẩm nó đại diện cho giấc mơ của Gatsby với tình yêu của anh ta dành cho Daisy.

Một nỗi ám ảnh tinh thần nữa tuy không trực tiếp tác động đến tinh thần của Gatsby nhưng nó qua miêu tả của nhân vật Nick khiến chúng ta thấy một niềm tin bao trùm cả tác phẩm: “cặp mắt của bác sĩ T. J. Eckleburg trên tấm biển quảng cáo cao” cứ lặp đi lặp lại mãi trong tác phẩm như muốn gửi gắm một điều gì đó mà nhân vật trăn trở. Cặp mắt ấy cũng gián tiếp tạo cho Gatsby suy nghĩ về một niềm tin, sự mơ mộng về tình yêu. Trong tác phẩm này, nhà văn đã tạo dựng chi tiết nghệ thuật có tính tượng trưng sâu sắc mà nổi bật nhất có thể nói đến hình tượng đôi mắt kính khổng lồ dựng lên lừng lững ở thung lũng tro bụi. Đó là biển quảng cáo kính mát với hai con mắt của bác sĩ T.J. Ekleberg “xanh lơ khổng lồ, nhìn mọi người qua một cặp kính vàng kếch sù đặt trên một cái mũi khuyết… đăm chiêu nhìn xuống bãi đổ tro hoả táng mênh mông này”. Đôi mắt khổng lồ ấy đặt trong mối liên hệ với hàng loạt đôi mắt thịt người trần nhỏ bé của các nhân vật trong tác phẩm như: Đôi mắt trống rỗng không chứa đựng một ham muốn nào của Daisy, đôi mắt xám mệt mỏi của Baker, đôi mắt xấc xược của Tom, đôi mắt trợn trừng vì lòng ghen của Myrtle, đôi mắt xanh nhạt đờ đẫn của Wilson và đôi mắt mơ mộng của Gatsby… Đôi mắt mơ mộng của Gatsby luôn hướng về điểm sáng cuối bến tàu nhà Daisy, luôn hướng về tình yêu lý tưởng nơi quá khứ anh đã có được. Cái cửa sổ tâm hồn phần nào soi chiếu được bản chất từng con người một. Nhưng đôi mắt vĩ đại kia giữa một vùng tro bụi chết chóc, ngự trị ở miền hư vô như một đôi mắt Chúa. Chúa nhìn thấy hết mọi diễn biến đời sống, nhận rõ cảnh tượng tương phản của những khung cảnh sang – hèn, những con người đầy dẫy dục vọng và tàn nhẫn; nhưng Chúa vẫn dửng dưng, xa lạ. Đôi mắt ấy đăm chiêu nhìn thơ ơ vào khoảng không vô dịnh, mặc con người với những lầm lạc của mình phiêu dạt trong cõi hư vô.

Có thể tóm lại, nỗi ám ảnh nơi tinh thần của Gatsby là sự kết hợp của ba nỗi ám ảnh về tình yêu, ám ảnh thân phận và ám ảnh vào một đôi mắt nhìn thấu tất cả mọi thứ. Trong ba nỗi ám ảnh ấy, ám ảnh về thân phận và ám ảnh về tình yêu với Daisy giữ vai trò chủ đạo chi phối những suy nghĩ và hành động của Gatsby. Với tài năng xây dựng nội tâm nhân vật, Fitzgerald đã phản ánh được nỗi ám ảnh của cả thế hệ con người Mỹ những năm 20, 30 của thế kỷ XX nói chung và đã chạm được vào nơi đấy tâm hồn của nhân vật Gatsby nói riêng trong bối cảnh xã hội tình – tiền ở hai đầu cán cân.

Trần Thị Kim Thương

Gatsby vĩ đại (The great Gatsby)

Francis Scott Fitzgerald và tác phẩm Gatsby vĩ đại

ad

Vấn đề ám ảnh trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – yếu tố của đời sống tinh thần trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – những biểu hiện vật chất trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Sự vỡ mộng về tình yêu trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Vỡ mộng về giấc mơ Mỹ trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald