Tác giả F. Scott Fitzgerald (1896 – 1940)

Fitzgerald là nhà văn sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết Hoa Kỳ, người được xem là linh hồn của Thời đại nhạc Jazz. Fitzgerald sinh tại St Paul, Minnesota. Là hậu duệ của một nhà văn, nội ngoại đều giàu có nhưng đến đời cha thì gia đình rơi vào cảnh sa sút. Dẫu thế, gia đình vẫn tạo điều kiện cho Fitzgerald vào học đại học Princeton vào năm 1913, nhưng ngay lúc mới là sinh viên Fitzgerald đã vấp phải bức tường ngăn cách của đẳng cấp giàu và nghèo cũng như về định kiến xã hội được đánh giá qua đồng tiền giống như đã biết qua lời Mark Twain mà ông tưởng chỉ có ở tiểu thuyết: “…ở đám đông không ai hiểu anh xuất thân từ đâu mà chỉ hỏi anh có bao nhiêu đô-la” [7, trang 359]. Với tuổi trẻ được môi trường giáo dục tạo cho lý tưởng và ước mơ phải có địa vị, Fitzgerald lao vào tiếp xúc với giới thượng lưu bằng mọi cách nhưng vẫn bị đánh bật ra.

Ông gia nhập quân đội từ năm 1917-1919 vì được tuyên truyền về lý tưởng, vinh quang, công bằng… của bộ quân phục. Động cơ vào lính của Fitzgerald ban đầu vì sự háo hức say mê binh nghiệp nhưng sau đó sớm bị đổ vỡ bởi thực tế từ chiến hào Châu Âu vọng về bên cạnh thực tế nước Mỹ cho anh thấy đã lầm: quân đội không hề xoá bỏ thân phận và địa vị thấp kém, con người vẫn bị coi thường, rẻ rúng. Nỗi thất vọng đó sau này được ông đã viết trong cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của mình Gatsby vĩ đại (The great Gatsby, 1925).

Cũng trong khoảng thời gian này ông bắt tay vào viết bản thảo cuốn tiểu thuyết Phía bên này thiên đường (This side of paradise, 19920), gặp gỡ và yêu Zelda Sayre. Xuất ngũ vào tháng 2/1919, Fitzgerald đến New York làm việc cho một hãng quảng cáo. Chỉ mấy tháng sau ông quay trở về St Paul, viết tiếp cuốn tiểu thuyết và cưới Zelda vào năm 1920.

Thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tay đã mang lại cho Fitzgerald khoản tiền lớn đủ để đi du lịch Châu Âu. Ông gặp Hemingway ở Paris. Hai người kết bạn và thường xuyên lui tới sa lông văn học của Gertrude Stein. Năm 1922, Fitzgerald cho in tập truyện ngắn Chuyện của thời đại Jazz (Tales of the Jazz age). Độc giả tán dương cách viết mới lạ của ông nhưng ông thực sự chinh phục được đỉnh cao văn học khi tiểu thuyết Gatsby vĩ đại (The great Gatsby, 1925) hoàn thành. Cuốn sách miêu tả khát vọng giàu sang và sự trống rỗng đầy bi kịch trước cuộc sống vật chất xa hoa kiểu Mỹ những năm 1920. Fitzgerald được mệnh danh tiêu biểu của Thời đại nhạc Jazz. Bản thân ông cũng là thành viên của “Thế hệ vứt đi” (Lost generation).

Năm 1934, tác phẩm Dịu dàng là đêm (Tender is the night) lấy cảm hứng chủ yếu từ những vùng đất Châu Âu – nơi hai vợ chồng đã sống. Trong những năm 1935-1937, do ảnh hưởng vì cơn bệnh thần kinh của vợ, Fitzgerald rơi vào nghiện rượu, bệnh tật đã làm gián đoạn mạch sáng tác của ông. Fitzgerald mất khi chưa hoàn thành cuốn tiểu thuyết Tỷ phú cuối cùng (The last tycoon) nhưng cuốn sách vẫn được xuất bản vào năm 1941, một năm sau khi ông qua đời.

Kiểu nhân vật đặc trưng của Fitzgerald là những con người có nhân cách, tôn trọng nguyên tắc sống nguyên tác sống cơ bản của con người, thể hiện sự nhanh nhạy và chú động trước cuộc sống. Tuy nhiên, Fitzgerald được biết đến nhiều hơn với kiểu “nhân vật mất mát”. Kiểu nhân vật này về sau được xem là điển hình nhất cho lối sống Mỹ trong những thập niên từ 1920 đến 1940 [5, trang 596]. Đây là kiểu nhân vật được xây dựng bằng những thủ pháp hiện đại, khác nhiều với truyền thống. Đó là những hình tượng mang tâm trạng chán nản, hoài nghi, không còn tin tưởng vào những chuẩn mực cũ, sống cô đơn, lạc lõng mất phương hướng, không tin vào những khái niệm trừu tượng mà tin vào những gì cụ thể, có thể kiểm định trên cuộc đời, tự mình đề xuất những tiêu chí sống cho riêng mình.

Là nhà văn hiện đại, Fitzgerald nắm bắt được thần thái của sự xô bồ trong kỉ nguyên vật chất và sự lắng đọng bi kịch của tình người qua hành văn dung dị, trực tiếp, khách quan hoá cao độ. Cách viết của Fitzgerald vì thế đã ảnh hưởng nhiều đến các nhà văn hiện đại lớp sau, danh tiếng của ông, do vậy càng vang dội suốt thập niên 1940 [5, trang 341].

Tác phẩm Gatsby vĩ đại

Bối cảnh ra đời

AD

Thế kỷ XX xã hội Mỹ có nhiều biến đổi sâu sắc. Đây là giai đoạn có thể nói là sự phồn thịnh về vật chất và cũng vừa là đổ vỡ của những giá trị đạo đức. Dưới đây là phần giới thiệu về bối cảnh của The Great Gatsby trong một tài liệu được sử dụng rộng rãi trong các trường học tại Mỹ hiện nay [10, Lời người Dịch]:

“Về mặt chính trị, đó là một giai đoạn tăng trưởng và phồn thịnh, và cũng là một thời hoàng kim của tham nhũng. Sau Đại chiến I, khi Warren G. Harding lên làm tổng thống năm 1920, mục đích chính của ông là phát triển kinh tế dựa vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền của ông lại tràn ngập tham nhũng và bê bối, bị giới lao động căm ghét và là mục tiêu hối lộ của các tội ác có tổ chức. Chính quyền chỉ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp với những chính sách bất cập và lúng túng về những vấn đề cơ bản như mức lương tối thiểu, hợp đồng lao động, tổ chức công đoàn, vân vân. Ngoài ra, cả Harding lẫn tổng thống kế nhiệm ông là Calvin Coolidge đều có những chính sách thuế chỉ làm lợi cho doanh nghiệp và người giầu. Chính sách kinh tế cũng khiến cho các ngành nông lâm nghiệp và khai thác mỏ lâm vào tình trạng đình đốn, dẫn đến hiện tượng người nghèo ở nông thôn kéo nhau ra thành phố tìm đường sinh sống, gây nên nạn đô thị hóa tràn lan còn để lại di hại cho đến tận hôm nay. Đại đa số những người nghèo ấy không bao giờ thoát khỏi thân phận sống lay lắt ngoài lề xã hội, như những người trong thung lũng bụi mà The Great Gatsby đã mô tả.

Về mặt kinh tế, thập kỷ 1920 là thời kỳ hoàng kim của tầng lớp trên trong xã hội Mỹ. Giai đoạn 1922-1929, lợi tức thu được từ cổ phiếu tăng 108 phần trăm, lãi của các công ty tăng 76 phần trăm, và lương bổng tăng 33 phần trăm. Nhân vật Nick Carrway tìm đường sang miền Đông buôn trái phiếu là có lý do thực tế. Tiến bộ công nghệ và năng suất gia tăng đã làm giảm giá thành sản xuất, và kinh tế tăng trưởng rất nhanh.

Phát triển thương mại dẫn đến tình trạng xã hội chỉ còn quan tâm đến vật chất, phản ánh rất sắc nét trong The Great Gatsby. Người ta bắt đầu có tiền, và bắt đầu mua sắm. Càng mua sắm nhiều thì lời lãi càng tăng, sản xuất hàng hóa càng nhiều, và người ta càng kiếm được nhiều tiền hơn, khiến cho kinh tế gia tăng như trong một vòng tròn xoáy ốc. Người ta bắt đầu tiêu tiền để mua ôtô, đài đóm, điện thoại, tủ lạnh… với tốc độ chóng mặt. Và người ta bắt đầu tiêu tiền và thời giờ để ăn chơi giải trí. Thể thao bắt đầu thành chuyên nghiệp và một thứ kinh doanh với đủ thứ bê bối tham nhũng của riêng nó. Báo chí, phim ảnh và nhà hát bắt đầu góp phần phổ biến và khuyến khích tư tưởng hưởng thụ vật chất ngày càng gia tăng, đến mức độ tục tĩu vô liêm sỷ, như những màn trình diễn gái nhẩy hoa hậu được nhắc đến trong The Great Gatsby.

Để ngăn chặn tình trạng đạo đức suy đồi, năm 1919, chính phủ thông qua Tu chính án thứ 18 của Hiến pháp Hoa Kỳ, cấm sản xuất, mua bán hoặc chuyên chở tất cả mọi loại rượu, cho rằng nạn uống rượu là nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội khác. Mặc dù được hàng triệu người ủng hộ, hàng nhiều triệu người Mỹ khác vẫn bất tuân luật pháp, và sản xuất buôn bán rượu lậu đã trở thành một hoạt động phi pháp lời lãi kinh khủng, với sự tham gia của các tổ chức tội ác. Hiện tượng này, cộng với và được thúc đẩy bởi sự tham nhũng của chính quyền, đã sản sinh ra một tầng lớp đại gia mới giầu mà đại diện là Gatsby và Wolfsheim trong cuốn tiểu thuyết này. Có thể hiểu được tại sao Fitzgerald lại có nhiều nhân vật uống và say rượu đến thế trong The Great Gatsby. Năm 1933, Tu chính án này đã được loại bỏ khỏi Hiến pháp Mỹ, chấm dứt thời kỳ hoàng kim của các đại gia buôn rượu lậu.

Về mặt xã hội, những năm 1920 đánh dấu một thời kỳ của những thay đổi lớn, đặc biệt là với phụ nữ. Để chứng tỏ mình đã được giải phóng, phụ nữ Mỹ bắt đầu cắt tóc ngắn, không mặc nịt vú và những thứ áo bó khác vẫn được dùng để làm nổi bật những nét nữ tính của mình như ngày xưa, và họ bắt đầu công khai hút thuốc và uống rượu, đi đôi với hành vi tình dục bừa bãi và tư tưởng coi ngoại tình là tự nhiên, là thời thượng. Các nhân vật nữ trong Gatsby vĩ đại (The Great Gatsby) đã phản ánh sinh động hiện tượng đổi thay này.

Tóm tắt tác phẩm

Fitzgerald lấy chủ đề của Gatsby vĩ đại theo các chủ đề được ông đề cập đến trong hai cuốn tiểu thuyết trước đó: Phía bên này thiên đường, Những kẻ tài sắc bị đoạ đày và rất nhiều truyện khác. Có thể nói đó là mảng chủ đề xuyên suốt làm nên diện mạo phong cách của ông: chủ đề và sự nối tiếc một quá khứ huy hoàng đã qua, mong ước được trở lại những giờ phút đắm say đã mất, cố gắng làm sống lại ký ức tươi đẹp với hy vọng hão huyền, để rồi tất cả vỡ vụn trước thực tế phũ phàng [5, trang 598 – 599].

Trong Gatsby vĩ đại, tác giả gợi lại nhiều kỉ niệm cá nhân trong khi kể lại một cách trào phúng một câu chuyện thời sự về tình và tiền vào những năm cuồng loạn ở Mỹ sau Đại chiến I, những năm được mệnh danh là “Những năm 20 ầm ĩ” (The Roaring Twenties). Nó là sự phản ánh thời đại mà bản thân Fitzgerald gọi là “thời đại nhạc Jazz”. Ngay sau Thế giới chiến thứ I và cuộc đại suy thoái 1929 – 1933 tác phẩm vô cùng sâu sắc về tinh thần của thế hệ đương thời Fitzgerald. Ông miêu tả một xã hội giàu có, ăn chơi phè phỡn, có bộ mặt lộng lẫy giả tạo, thiếu văn hoá, đạo đức chán ngấy qua lời của nhân vật Nick. Nhiều người trong số những sự kiện từ thời thơ ấu của Fitzgerald xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Gatsby vĩ đại (The Great Gatsby), xuất bản năm 1925. Như Fitzgerald, Nick Carraway là một người đàn ông chu đáo trẻ từ Minnesota, học tại một trường Ivy League (trong trường hợp của Nick, Yale), người di chuyển đến New York sau chiến tranh. Cũng tương tự như Fitzgerald là Jay Gatsby, một thanh niên nhạy cảm thần tượng sự giàu có và sang trọng và những người rơi vào tình yêu với một người phụ nữ trẻ đẹp trong khi đóng quân tại một doanh trại quân đội ở miền Nam.

F. Scott Fitzgerald và cuốn tiểu thuyết để đời The Great Gatsby
F. Scott Fitzgerald và cuốn tiểu thuyết để đời The Great Gatsby

Tiểu thuyết Gatsby vĩ đại gồm các nhân vật là Nick – một thanh niên vì muốn tự lập nên rời bỏ gia đình ở miền trung tây Hoa Kỳ về New York để theo đuổi nghề chứng khoáng; Jordan Baker – một phụ nữ trẻ hấp dẫn và là một vận động viên thể thao; Daisy – một phụ nữ xinh đẹp, lúc nào cũng tỏ ra vẻ ngây thơ trong sáng; Tom Buchanan – một tên tỉ phú, độc tài; Myrtle – người tình của Tom; Chồng của Myrtle là George; những vị khách giới thượng lưu và nhân vật chính là Gatsby – chàng thanh niên đầy nghị lực và lãng mạng.

Tiểu thuyết kể về cuộc đời vinh quang và tủi nhục của Gatsby, nhân vật chính trong tác phẩm. Qua lời kể của Nick người đọc biết được Gatsby, tên thật là James Gatz, là một tay lãng tử, ít học mà lãng mạn, yêu say đắm Daisy – một phụ nữ giàu có và xinh đẹp. Anh ta xuất thân từ một gia đình nghèo miền Trung Tây Mỹ. Giải ngũ sau khi tham gia chiến tranh năm 1917 – 1918, Gatsby đã bất chấp những thủ đoạn mờ ám nhằm chinh phục người đẹp. Gatsby tham gia vào đường dây làm ăn phi pháp và giàu lên rất nhanh. Trong toà lâu đài của Gatsby ở New York, anh ta tiếp hàng trăm khách thượng lưu, đa số là những tên vô vị và trống rỗng. Bị ám ảnh bởi tình yêu trong quá khứ với Daisy, nhưng cô này đã cưới một tỷ phú tên là Tom Buchanan. Gatsby làm cố làm giàu và khoe của chỉ cốt để chiếm lại Daisy nhưng không được. Vào một ngày, Vợ chồng Daisy mở tiệc mời Baker, Nick và Gatsby. Cả nhóm kéo vào thành phố thuê phòng ở khách sạn và khi trở về Daisy lái xe hơi của Gatsby vô tình chẹt chết Myrtle – tình nhân của Tom mà không biết. Ai cũng cho là Gatsby đã gây tai nạn, Gatsby giữ kín sự thật để bao che cho Daisy. Thế nhưng, từ khi bước chân vào thế giới thượng lưu Mỹ ở vùng Long Island, Gatsby chỉ thấy những trò giải trí vô bổ, những thói lẳng lơ của người đẹp. Xã hội đó lợi dụng và hất cẳng chàng, Daisy cũng rũ bỏ chàng, khiến Gatsby thất vọng. Qua chỉ dẫn của Tom, Chồng Myrtle lần theo dấu vết chiếc xe màu vàng và tìm đến biệt thự của Gatsby, giết Gatsby và tự bắn vào đầu mình để tự sát. Các bạn bè, đồng bọn, những vị khách giới thượng lưu vẫn hay đến dự tiệc đều bỏ rơi Gatsby, dự đám tang của Gatsby chỉ có cha anh, Nick và một người ân khách cũ đến đưa tang.

Gatsby là một trong những nhân vật mở đầu cho kiểu nhân vật thuộc “thế hệ mất mát” trong văn học Hoa Kỳ và Châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Những nhân vật này dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể hoà nhập lại với đời sống bình thường. Họ tìm niềm vui trong hoan lạc, rượu và du ngoạn. Rốt cuộc càng cố vượt thoát nỗi cô đơn bao nhiêu họ càng rơi vào cảnh cô đơn bấy nhiêu. Họ luôn là những kẻ bên lề cuộc đời, xa lạ với mọi toan tính ích kỷ của người đời, để cuối cùng họ là nạn nhân của những toan tính ấy.

Trần Thị Kim Thương

ad

Gatsby vĩ đại (The great Gatsby)

Francis Scott Fitzgerald và tác phẩm Gatsby vĩ đại

Vấn đề ám ảnh trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – yếu tố của đời sống tinh thần trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

 Ám ảnh – những biểu hiện vật chất trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Sự vỡ mộng về tình yêu trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Vỡ mộng về giấc mơ Mỹ trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald