Vài nét về tác giả

William Makepeace Thackeray (1811 – 1863), ông được sinh ra tại Calcutta, Ấn Độ – thuộc địa của nước Anh lúc bấy giờ. Cha ông là viên chức của một công ty Đông Ấn, giữ chức tài phán uỷ viên. Năm ông được 4 tuổi thì cha ông qua đời, ông được đưa về Anh sống và được gửi vào học ở Southampton rồi Chiswick Mall, Charterhouse. Lối giáo dục nghiệt ngã nơi đây, roi vọt, những hình phạt ở trường học đã ám ảnh ông, khiến ông có lần bỏ trốn. Điều này cũng trở thành tình tiết nguyên mẫu mà ông đưa vào chương đầu trong kiệt tác Hội chợ phù hoa của mình.

Sau đó, ông vào học trường Trinity, thuộc Cambrigde nhưng nhận thấy sự khô khan, khó tiếp xúc nên cũng bỏ ngang rồi đi du lịch khắp nơi. Khi ông về nước, với món tiền 20.000 bảng do cha để lại, Thackery sống một đời sống thượng lưu, cờ bạc rượu chè, đầu tư vào tờ báo “Chuẩn mực quốc gia” nhưng tờ báo này sớm đóng cửa vào số tiền cha ông để lại cũng không còn. Từ đó, ông bắt đầu tự lo cho cuộc sống bằng việc học hội hoạ ở Paris và trở thành hoạ sĩ vẽ tranh biếm hoạ cho một số tờ báo.

Năm 1836, ông lấy một cô gái Ailen nghèo làm vợ. Sau khi sinh được ba người con (một trong số đó đã qua đời khi chưa đầy tuổi), thì vợ ông bị bệnh tâm thần. Ông tìm mọi phương pháp chữa trị cho vợ nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ông làm việc rất nhiều, đi thăm Ailen, đến phương Đông, sang Mỹ giảng bài. Năm 1863, ông qua đời đột ngột vì xuất huyết não ở Kensington khi đang viết dở dang cuốn Denis Duval. 

AD

Về sự nghiệp, các sáng tác của Thackeray có tính chất khá thuần nhất. Ông viết nhiều thể loại, kí hoạ, phê bình, tiểu luận, cả truyện thiếu nhi và truyện lịch sử nhưng nhìn chung các tác phẩm của ông đều mang tính châm biếm, nhằm đả kích xã hội tư sản quý tộc ở Anh đương thời. Có thể nhắc đến tên tuổi của Thackeray với một số tác phẩm sau:

– Tập lý hoạ xứ Ailen (1843)

– Từ Cornhill tới Cairo (1846)

– Hội chợ phù hoa (1848)

– Cuốn sách của các vị thời thượng (1848)

– Truyện Pendennis (1848 – 1850)

– Lịch sử về Henry Esmond (1852)

– Gia đình Newcome (1853 – 1855)

– Chiếc nhẫn và bông hồng (1855)

– Những cuộc phiêu lưu của Philip (1862)

Trong đó, Truyện Pendennis, Gia đình Newcome, Những cuộc phiêu lưu của Philip được xem là ba cuốn trong bộ ba Truyện Pendennis.

Tóm tắt tác phẩm

Tiểu thuyết Hội chợ phù hoa mở đầu bằng ngày tốt nghiệp của Amelia Sedley và Rebecca Sharp từ trường Chiswick Mall. Amelia (Emmy) là con gái một thương gia giàu có, lớn lên với cuộc sống giàu sang sung sướng, nàng có tính cách nhân hậu, đoan trang, hiền lành và đa cảm. Với gia thế của nàng nên tại trường Mall, nàng được trọng vọng, quý mến. Trong khi đó, Rebecca (Becky) lại xuất thân từ gia đình tầm thường, cha là hoạ sĩ, lại say sưa nghiện ngập, mẹ là một vũ công, không có vốn liếng. Với sự tinh ranh và ương ngạnh, Rebecca không được lòng nhà trường. Ngày tốt nghiệp, Amelia trở về nhà với tương lai rộng mở, còn Rebecca phải bắt đầu cuộc sống tự lập bằng nghề gia sư cho một gia đình quý tộc vùng quê.

ad

Trong hoàn cảnh đó, ngay từ khi còn nhỏ Rebecca đã dự tính cho tương lai của mình với hi vọng được đổi đời. Lợi dụng những gì mình có, sự khôn khéo, vẻ đẹp quyến rũ, khả năng sử dụng tiếng Pháp thành thạo, cô đã lập ra nhiều kế hoạch để tiếp cận với các chàng trai trong giới quý tộc để hoà nhập vào cuộc sống thượng lưu.

Mục tiêu đầu tiên trong kế hoạch bước chân vào giới thượng lưu của Rebecca là anh trai của Amelia – Joeseph Sedley. Kế hoạch không thành, cô vào làm gia sư cho gia đình quý tộc Pitt Crawley. Đây là một gia đình phức tạp và hỗn loạn, gồm một tay quý tộc lố bịch, hám gái và hai cậu con trai: Pitt Crawley và Rawdon Crawley. Rawdon là một người dốt, thích ăn diện, cờ bạc nhưng lại được lòng bà cô già giàu sụ Crawley và còn được cô muốn cho cho cả gia tài. Rebecca thấy bà cô của Rawdon giàu có thì cũng tìm cách tiếp cận, cậu Rawdon cũng thích Rebecca nên thường xuyên gặp gỡ khi cô đang ở tại nhà của bà cô. Bất ngờ, bà Crawley (mẹ của Rawdon) mất. Thì ngay sau đó, ngài Pitt đã ngỏ ý cưới Rebecca. Nhưng nàng đã từ chối với lý do là nàng đã có chồng và người đó chính là cậu con Rawdon. Với danh tiếng dòng họ Crawley, Rebecca đã trở thành mệnh phụ quý tộc đài các, sống nhàn nhã, xa hoa bằng đủ thứ mánh khoé, thủ đoạn. 

Về phần Amelia, sau khi ra trường với gia thế giàu có, vẻ đẹp đoan trang hiền dịu nên nàng trở thành mục tiêu chú ý của nhiều chàng trai, trong đó có William Doblin và George Osborne mặc dù tình cảm của Amelia đã dành hết cho George. Mặc dù bố của George luôn muốn con trai mình cưới một cô gái tỉ phú da đen nên phản đối kịch liệt. Cuối cùng George và Amelia cũng kết hôn với nhau với sự giúp đỡ của Dobbin. Hai đôi vợ chồng trẻ ( Rawdon – Rebecca; George – Amelia) gặp lại nhau. Trước sức quyến rũ của Rebecca, George và Rebecca đã nhiều lần hò hẹn nhưng Amelia và Rawdon đều không hay biết.

Chiến tranh bùng nổ, George và Rawdon cùng ra trận. George tử trận còn Rawdon trở về sau chiến tranh chấm dứt, được thăng hàm thiếu tá. Hai vợ chồng Rawdon đến Paris chơi. Tại đây, họ quen biết được rất nhiều người trong giới thượng lưu và bắt đầu sống những ngày tháng xa hoa, có một con trai là Rawdy. Cô kiếm tiền bằng cách quyến rũ bọn hám sắc, trong đó có lão quý tộc Lord Steyne. Sự việc đổ vỡ, Rawdon dứt tình với vợ và đi Coventry nhận nhiệm vụ mới của chính phủ. Đứa con trai Rawdy được nuôi dưỡng bởi vợ chồng Pitt Crawley.

Còn gia đình của ông Sedley bị phá sản, lâm vào hoàn cảnh túng thiếu nên đành lòng để con trai là Georgy về ở hẳn với ông nội mong nó được sống sung sướng và được học hành. Amelia dành cả ngày chăm sóc cha mẹ già và tôn thờ hình ảnh quá cố của chồng. Sau khi ông Osborne qua đời, để lại phân nửa gia sản cho cháu nội Geogry và chu cấp cho Amelia trở lại cuộc sống sung túc như trước.

Về Rebecca, sau khi bị hất ra khỏi giới thượng lưu, bị chồng dứt tình, con trai không nhìn mặt mẹ, cô đi hết nơi này đến nơi khác nhưng luôn bị khinh miệt, xa lánh. Cuối cùng gặp lại Amelia và được giúp đỡ. Sau đó, Rebecca muốn lấy Joeseph nhưng không may anh ta qua đời, con trai Rawdy vẫn trợ cấp cho cô đều đặn nhưng không nhìn mẹ, chồng cũ là Rawdon cũng mất tại đảo Coventry vì bệnh. Amelia và Dobbin đến với nhau, sống một cuộc sống hạnh phúc, có một con gái là Janey, về ở gần và dần thân thiết gia đình Crawley.

Nhận xét

Viết Hội chợ phù hoa, Willam Makepcace Thackeray có một thái độ phủ định rõ rệt đối với chế độ phong kiến tư bản tàn bạo và thối nát. Ngòi bút châm biếm của tác giả đã phơi bày mọi thứ lố lăng, phù hoa và giả dối của xã hội thượng lưu nước Anh. Ẩn sau những thứ phù phiếm ấy là tất cả sự xấu xa đê tiện: giả nhân, giả nghĩa tính toán vụ lợi, cạnh tranh lường gạt… Giá trị căn bản của tác phẩm là ở chỗ đã cung cấp được những tài liệu phong phú, những chân dung tiêu biểu về một cuộc sống mà đồng tiền đang ngự trị. Tác phẩm cũng thấm đẫm màu sắc lịch sử và đặc biệt thành công trong những trang dựng lại cảnh sinh hoạt của nước Anh. 

Hội chợ phù hoa đánh dấu cuộc cách mạng của tiểu thuyết Anh thế kỷ XIX trong việc rời bỏ hình thức của tiểu thuyết luận đề để hướng sang tiểu thuyết lấy việc miêu tả xã hội làm trọng tâm. Tác phẩm ghi nhận tài năng xuất sắc của Thackeray trong việc xây dựng những nhân vật điển hình. Phần lớn các nhân vật của ông đều được khai thác ở những nét tâm lý phong phú, đa dạng nhưng tính chất lại tập trung. Bút pháp châm biếm của ông cũng không đơn điệu mà rất uyển chuyển, đặc biệt là những lời bình xen vào giữa những đoạn văn miêu tả là phần cấu thành không thể tách rời của tác phẩm.

Tính hiện thực trong tác phẩm Hội chợ phù hoa.

Cách nhìn về cuộc sống qua tác phẩm Hội Chợ Phù Hoa

ĐHKHXH&NV