Mẹ sẽ kể cho con nghe về đồng đội của mẹ, họ đã chiến đấu anh dũng như thế nào với cây súng 2cm của mình khi leo Phan-xi-păng. Những chuyến đi luôn làm mẹ cảm thấy như được sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, từng hơi thở của thời gian.

LẠ

Hà Nội, cuối thu. Ngồi trên chiếc xe bus nồng nặc mùi hỗn hợp, thập cẩm tứ phương làm mẹ lân lân vài phút, nhưng cũng cố bấm chặt hai cánh mũi để đôi mắt có thời gian chiêm ngưỡng cảnh sắc hai bên đường Hà Nội. Chú Đạt ngồi cạnh cứ bảo: “Dần dần sẽ quen” thế mà cả đoạn đường, mẹ chỉ thở bằng miệng. Người Hà Thành thanh lịch thật, giờ mẹ mới thấy, cái gì họ cũng “Vâng, xin”, khổ lắm cơ, đến cái biển quảng cáo, họ cũng lịch sự đề: “Mời quảng cáo + số điện thoại”, vậy mà mẹ đi hết Sài Gòn chẳng thấy cái biển nào mời cả.

phan-xi-pang-hanh-trinh-3143m-ivivi.vn

Chị và hoa sưa

Hơn hai giờ bay, thêm gần một tiếng đồng hồ ngồi xe bus, đồng đội của mẹ cùng đi bộ đến nhà Bác của cô Hiền để gửi đồ. Ai cũng đói. Cái mùi thịt nướng bên đường của cô gái bán bánh mỳ thơm quyện vào hơi khói xế chiều làm ai cũng chép chép nước miếng. Đoạn đường đi bộ dường như xa hơn.

Cô Hương, trong chiếc váy xanh nước biển dịu dàng nhìn cây hoa sữa rồi hỏi: “Hoa gì zậy bây”, “hoa sữa đó chị”, cô bảo ở xứ của cô không có loài hoa này, kỳ lạ thật. Mùa hoa sữa còn sót lại của đầu thu thoang thoảng làm cô Linh thốt lên “Thơm chị ha”, ít thì thơm nhẹ, chứ nhiều thì nồng lắm, có khi sặc cả mũi ấy chứ, hoa sữa mà_nồng nàn ngất ngây. Chiếc khăn quàng cổ tinh khôi cùng màu với chiếc váy, mái tóc thả ngang vai, đôi kính cận vừa nâng lên, nắng chiều vừa kịp nhả vài sợi vàng, ánh nhìn đổ về phía cô Hương, thoáng nghĩ chắc không ai biết cô đã có chồng.

Thu mỏng

AD

Hà Nội 12 mùa hoa, mẹ đến vào mùa hoa Cúc. Trễ vài bước là đến mùa của loài Thạch Thảo tím biếc, luôn chung thủy với tình yêu của mình.

Cùng cô Linh ném thử cốm gạo trong khi chờ mọi người, mẹ không nghĩ là mình đã đặt chân đến Hà Nội, câu thơ của ai đó cứ chạy dọc trong đầu mẹ:

“Em nói với anh mùa thu mỏng, mong manh dễ vỡ 

Nên hai đứa mình nâng niu nhé anh ơi 

Hà Nội mùa thu, nỗi nhớ cứ chơi vơi… 

Để trong anh, trong em – Mùa thu dịu dàng lắm”

Chiếc cầu Thê Húc không quyến rũ với cái màu đỏ chói, mà nó lại trơ ra khi gánh quá nhiều đôi tình nhân.

“Hàng liễu xanh duyên dáng buông mành khẽ lay bên cạnh Hồ Gươm, sự thinh lặng nằm suông của làn nước, rùa biếng lười trốn đi vì không tìm thấy kiếm, nắng tắt rồi nên mẹ không thể thấy thần Kim Quy.”

Có khi sự lạnh lùng của Hà Nội lại trở nên quyến rũ với những kẻ sĩ, họ kể về Hà Nội trong thơ của mình làm mẹ cứ ngỡ nơi đây có sức hút thần thánh , sao với mẹ Hà Nội không đẹp như trong tranh.

Nhạt

Tô Phở Sướng nằm ở Ngõ Trung Yên, Hàng Bạc như xua đi cái đói của ngày, hôm đó ai cũng ăn thịt bò, riêng cô Toàn thì không, tô ai cũng có hành, mẹ thì không. Vị nước lèo làn lạt, nhạt toét nhưng không ai chê cả, vì dù sao đây cũng là lần đầu thưởng thức đặc sản ở Thủ Đô, hoặc do Phở không phải là món mẹ ghiền, cũng có thể nhờ vị đậm thơm mát lạnh của ly sữa Ngô nên vớt vát được chút hương sót lại của ngày thu.

Đến Hà Nội nên đi với đồng đội, đừng đi với người thương

Cơn mưa nhỏ rì rào rải vào khoảng không tối trời, chút gió bên bờ Hồ không đủ lạnh để đôi tình nhân ngồi đếm những hạt mưa, chàng trai ngồi cạnh cũng không phải gỡ tóc vướng sợi cho cô gái, mưa chỉ đủ cho đồng đội của mẹ ngồi bên nhau tán dốc mấy câu rồi cười phá lên, ngây ngô và bình lặng đến mức mẹ nghĩ thời gian lúc này mang màu xanh.

ad

Rồi cũng chuẩn bị lên xe để đi Sapa, lê la ở Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội một hồi, mẹ ăn ké vài miếng xôi trứng trước cổng trường với chú Đạt mà thấy là lạ làm sao, đời nào xôi lại ăn với trứng gà chiên, tanh tanh lại còn khô khốc.

May nhờ có gói cốm non xanh mượt, nõn nà thơm lừng mùi lúa nếp tươi của cô Hiền mang tới mà Hà Nội còn lắng đọng lại trong mẹ một chút của xôn xao, hạt cốm dẻo mềm được gói gém cẩn thận trong lá sen mộc mạc, giản dị đến vô thường.

Hương cốm còn giữ lại ở đầu lưỡi, vị thanh khiết của đồng quê hòa cùng làn gió cuối cùng của mùa thu ru mẹ vào một giấc ngủ mê man.

Đến Hà Nội nên đi với đồng đội, đừng đi với người thương.

Mưa hoài

Xe đến Sapa lúc nào mẹ cũng không hay biết, thuốc say xe vẫn chưa đủ giờ để tan hết trong người mẹ. Mưa. Dai dẳng. Lạnh. Ướt át.

Và mọi trần ai, gian nan bắt đầu từ đây.

phan-xi-pang-hanh-trinh-3143m-ivivi.vn

Cùng đồng đội quốc bộ về đại điểm họp mặt để chuẩn bị đồ leo Fan, mẹ vốn không thích mưa, nay mưa lại làm mẹ ghét hơn nữa. Nhớp nháp. Lê thê.

Thế mà cũng mất gần một giờ mới xong xuôi, may mà mẹ kịp trả lại cái quần cho chú Đạt, vì chú ấy cho mẹ mượn mặc lúc lên xe ở Hà Nội. Có chút gì đó buâng khuâng trong mẹ. Tô bún chả thịt nóng hổi cũng không kịp bốc khói bởi cái lạnh đè xuống. Ai cũng húp vội chứ sợ nguội, rổ rau xanh mướt được dịp ngoe nguẩy khi hôm nay có thêm nhiều khách tứ phương.

Xe đưa đồng đội cùng mẹ lên Trạm Tôn ở độ cao 1.800 m, đường ngoằn ngoèo, quanh co, trời thì vẫn rơi lệ không ngừng, cái lạnh lại lộ rõ ngồ ngộ làm sao. Chắc hẳn, phanh xe ở đây ăn dữ lắm, tay lái cũng lụa lắm mới qua nỗi những khúc cua ngắc ngoẻo thế này.

Cửa xe mở, mẹ bước xuống, cái đầu tiên ập vào mặt mẹ, người mẹ, toàn cơ thể mẹ là sự lạnh, cái lạnh như muốn nuốt chửng tất cả con người ở đây, gió thì hú gọi bầy đàn, réo rét, cỗ vũ cho cuồng phong. Lật đật mặc bộ quần áo mưa vào, ai cũng truyền nhau câu “Sao lạnh zậy hả trời”, mẹ chỉ kịp cười chứ giờ cũng không thốt thành lời, răng va vào nhau, đôi môi bắt đầu vờn với cái không khí chỉ chừng 10 độ C, nó tim tím.

Từ độ cao 1.800m đến trạm 2.200m

Điểm danh và câu nói hùng hồn giống như trong quân ngũ của chú quản lý “Nhớ gom rác đem về thì mới được trao giấy chứng nhận, huy chương”.

AD

Trời vẫn mưa. Âm ỉ. Mỗi người được phát hai chai nước, chú Đạt cầm hộ mẹ.

Đoạn đường đầu, đồng đội mẹ vẫn leo rất tốt, tinh thần phấn chấn với những bô ảnh của chú Vũ. Chia nhau miếng sô cô la, hớp vội miếng nước để kịp giờ, ai cũng nhợt nhạt dần trong vũ điệu của gió và mưa, trong cái lạnh se sắt, trong tiếng gọi nhau của người đi trước kẻ đi sau.

Nắm xôi của rừng

Viên kẹo Dynamite bạc hà được cô Hương đưa cho, mẹ ngậm trong miệng, vị thanh thanh nơi cuốn họng, nhân sô cô la tan chảy, chút ngào ngọt nằm gọn trong thân lưỡi, mềm mại, du dương, kiểu như bất ngờ ẩn chứ từ bên trong vậy. Chú Duy Chương và cô Hiền bị bỏ lại phía sau, không ai còn nhìn thấy hay nghe được tiếng nói của cô chú đó.

Mẹ là người tới điểm dừng chân đầu tiên, lúc đó khoảng hơn 12 giờ trưa, ánh mắt dáo dát, lục tìm, từ hy vọng đến thất vọng, thế mà mẹ vẫn không kiếm được đồng đội của mình. Hỏi anh hướng dẫn thì được biết họ chưa lên tới, lòng nao nao, lo lắng, mẹ đi qua đi lại, trời vẫn lạnh và mưa vẫn rả rích trơ trẽn nhìn mẹ cười ngạo nghễ, nhìn thấy đội của người ta quay quần bên mâm cơm, lòng mẹ nặng xuống, tự hỏi không biết đồng đội của mẹ leo có nổi không. Thế mà lúc nảy, mẹ lại đi bon bon như sắp chết, cứ ngỡ mình bị bỏ rơi lại phía sau, cứ ngỡ mọi người đã đi trước tới nơi rồi, cứ ngỡ… những mông lung.

Lòng như mở hội khi được nhìn thấy mặt tất cả mọi người. Bữa trưa đạm bạc mà ấm cúng, giản đơn mà chứa bao tình người. Ngày thường, mẹ vốn không thích ăn xôi, thế mà gói xôi muối đậu lại khiêu gợi đến mức mẹ phải đưa ngay vô miệng nhai lấy nhai để, như thế đó là lần đầu tiên được ăn sau cơn đói kéo dài một thế kỷ. Ngày thường, mẹ không ăn được chả, thế mà miếng chả nằm gọn trong miệng mẹ một cách ngon lành. Đĩa chuối không tươi xanh, cũng không còn lành lặn thế mà cũng đủ để bơm thêm năng lượng cho mọi người.

Lên tới độ cao này, dường như ai cũng bắt đầu thấm mệt, cái lạnh gầy co ro nép khẽ lay lay trong từng cơ thể của mỗi người. Cô Linh thích thú, cười cười khi trong hơi thở của mình có khói, như hẳn đó là lần đầu được nhìn thấy thứ mờ ảo, đùng đục, phảng phất. Thời gian trôi khẽ khàn, tình yêu lúc này từa tựa như làn mây mù, lơ lửng, vô định.

Anh Duy Trương có vẻ đuối lắm, chị Hiền quần quật chạy qua chạy lại, ngần ngại, lo lắng, chăm chút.

Chú Vũ vẫn lạc quan cười cười như thể động viên mọi người, chú bỏ tay mình vô bụng, xoa xoa, chắc có lẽ ở giây phút này bụng là nơi chứa nhiều hơi ấm nhất. Cô Hương nũng nịu đòi chồng làm cho vài bô ảnh, chú Vũ lười lười đưa luôn cái điện thoại để cô tự sướng. Cô Toàn quờ quạng tìm đôi giày của mình, chú Trung vẫn ngồi đó, chậm rãi nhai. Chú Phúc ăn xôi mà như thể đang ăn hải sản ở nhà hàng 5 sao, cười ngon đến độ để lộ hai cái răng khểnh duyên dáng đang làm kiểu nơi khóe miệng. Chú Khánh ngồi đó, nhìn lơ đãng, rồi lại đưa miếng chả cắn nhẹ , nắm xôi vơi dần theo nhịp tích tắc của đồng hồ, theo tiếng í ới của của các đội khác chuẩn bị để lên đường đi tiếp. Đầu tóc chú Đạt ướt mem, chú lại lật đật lấy chiếc khăn lau qua lau lại, cũng may mọi thứ điều kịp khung giờ của nó.

Tiếp tục hành trình 2.200m đến 2.800m

AD

Trời vẫn không ngừng kéo những sợi mưa, gió vẫn không ngừng kéo những hơi lạnh.

Địa hình núi ở đoạn đường này hiểm trở, lúc lên, lúc xuống, lúc sình lúc trơn. Đồng đội của mẹ, ai cũng uể oải lê từng bước. Tim đập nhanh hơn, thở gấp và đôi chân không vâng lời mình nữa, đôi môi khô khốc giữa tiết trời ướt đẵm những giọt mưa.

Người đi trước, kẻ đi sau, có lần mẹ với chú Khánh đồng hành cả đoạn đường, nhờ thế mẹ mới biết chú sợ độ cao, vách núi đứng, mẹ liều lĩnh bước qua, chú e ngại chọn cho mình phương pháp an toàn là đi phía dưới. Thường ngày, mẹ hay gọi chú là Đại Ca, bởi chú có cái họ và tên lót rất giống với mấy cậu, mẹ ấn tượng với hàm râu quay nón của chú từ thuở gặp chú lần đầu tiên, người xưa bảo, đàn ông mà có hàm râu quay nón thì trông dữ lắm nhưng tính tình lại hiền lành và ôn hòa, cô gái nào lấy được chú Khánh sẽ hạnh phúc lắm.

Mẹ gặp chú Vũ, vẫn tinh thần lạc quan cao độ giữa núi rừng, giữa khí trời tê buốt như cắn từng miếng thịt của người ta, chú cười rồi hớp vội ngụm nước để kịp chạy đua với ánh sáng teo tóp giữa trời chiều.

“Em bái phục chị”

“Em bái phục chị” là câu nói của mẹ dành riêng cho cô Hương, mẹ cũng không biết vì sao mình lại hay nói câu đó mỗi khi gặp cô trên từng chặng đường.

Có thể mẹ cảm thấy khâm phục cô, và mẹ muốn cỗ vũ tinh thần của cô nữa.

Trước khi chuyến đi Phan này, cô Hương còn bị bệnh, không có tập thể lực, cũng chẳng leo cầu thang như mọi người thế mà cô lại đi băng băng như cô gái mở đường trong bài hát của nhạc sĩ Xuân Giao.

Thêm vào đó là sự nhẫn nại, kiên trì trong cô, cô là một người vợ tuyệt vời.

Nhiệt độ lúc này là 2cm

Thời tiết khắc nghiệt đến nỗi các chú trong đội mẹ chiêm nghiệm rằng nhiệt độ chỉ còn 2cm, rung rẩy, co ro, teo riết, nhỏ bé.

Mẹ là người đến trạm dừng chân 2800 m đầu tiên trong đội, vẫn là cái cảm giác lạc lõng giữa nơi rừng thiên nước độc, trời bắt đầu sập sờ tối, đôi bàn tay và bàn chân cứng đơ, mẹ chẳng nghĩ được gì ngoài việc trông cho đồng đội của mình đi thật nhanh, chứ lúc đó mẹ đang đứng đợi mọi người giữa cái rét kinh hồn và tốc độ cuồng phong của gió.

Đội mẹ leo Phan vào thời điểm gió mùa Đông Bắc đầu tiên trong năm, mưa, gió, lạnh là điều khó tránh khỏi ở nơi gọi là Tây Bắc này.

Mẹ tìm người hướng dẫn, rồi mẹ được vô một căn phòng ấm được lót gỗ, tối tăm, ồn ào, mẹ mệt…

Một lúc sau, chú Vũ và chú Khánh cũng đến, mẹ gặp hai chú mà mừng như vừa nhặt lại được sổ gạo.

Một lát sau, cô Hương vào phòng, niềm vui lại nhân lên gấp bội, mẹ lại nói “em bái phục chị”, nụ cười ngây ngô của bốn người trong căn phòng lạnh toát cũng đủ để sưởi ấm một trái tim đang bơ vơ tìm chỗ trú ngụ.

Chú Vũ và cô Hương hôn nhau, nụ hôn ngọt ngào ngưng đọng như thể đấy là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, như thể hai tâm hồn cách biệt lâu lắm, nụ hôn ngon như ánh nắng đầu xuân, ấm như hơi thở gấp gáp của cặp tình nhân trong màn dạo đầu, tình yêu của cô chú chân thành mà giản dị. Mẹ chỉ kịp nghĩ, có lẽ, đi hết cuộc đời này mẹ cũng không thể nhìn thấy và cảm nhận nụ hôn nào lại nồng nàn và ý nghĩa đến như thế.

Bữa cơm hạnh phúc

Cô Hương chạy đôn đáo, dáo dác lo cho mọi người chưa lên tới, không biết có lên kịp chứ trời tối mất thì khó mà leo. Rồi cô Toàn cũng đến, mẹ dẫn cô Toàn về phía sau thay đồ. Lúc vô, mẹ thấy chú Phúc, chú Đạt, cô Linh, hồ hởi, vui mừng, ríu rít. Căn phòng ấm hơn bởi tiếng cười nói râm rang, lời hỏi thăm nhau trong thời khắc bi kịch nhất.

phan-xi-pang-hanh-trinh-3143m-ivivi.vn

Rồi chú Trung cũng tới, như con chim lạc bầy tìm được tổ mẹ, chú cười hạnh phúc rồi kể chuyện có đoạn chú phải đi một mình. Mọi người ai cũng dồn dập hỏi, nào là chú có sợ không, có lạnh không, thế mà chú an nhiên trả lời một cách gọn gẽ: “Sợ gì, lạnh gì”. Chú Trung là thế đó, con người của sự kiệm từ ngữ, và đôi khi có lẽ chú là kẻ thù của những câu nói dong dài đầy đủ thi vị, vài lần mẹ nghĩ rằng, cô gái người yêu của chú thương chú bởi điều gì, chắc có lẽ là do con người chú biết tiết kiệm “từ”.

ad

Mọi người bắt đầu lo cho cô Hiền, và chú Duy. Cô Hương lại lo lắng đi qua đi lại, cô như một người chị cả trong gia đình, sợ những đứa em nhỏ yếu ớt không vượt qua được nghịch cảnh để đến với ánh sáng.

Cô Hiền vỡ òa khi gặp được đồng đội, những giọt nước mắt viên mãn lăn khẽ trên đôi gò má nhỏ nhắn, chú Duy như muốn khụy gối. Đôi tình thân thủ thỉ những lời ngọt ngào ngồi cùng phòng với mẹ, ánh mắt âu yếm nhìn nhau như muốn nói với nhau rằng: “Em có thể dối anh trong lời nói, nhưng làm sao có thể dối nhau qua ánh mắt”, chú Duy nhìn cô Hiền cũng vậy.

Bữa cơm ở độ cao 2800m thật sự làm cho con người ta muốn hoàn lương, nước canh không nem ném nhưng đủ vị để làm ấm lòng những kẻ tha hương đang bơ vơ giữa núi rừng hiểm trở. Món thịt kho đậm mùi ăn kèm với cơm trắng ngon đến độ như muốn hét lên, nói theo kiểu của cậu là: “ngon đến nhức cái nách”. Miếng đậu hủ còn nóng hổi khi đưa lên miệng tan dần theo hơi lạnh ngoài trời, ngon đúng điệu đậu đời. Tay rung rung cầm chén cơm, thưởng thức cái lạnh tầm tầm 2 độ C, ai cũng theo đuổi cho mình những dòng suy nghĩ về sự dũng cảm, về một chặng đường cứ ngỡ mình sẽ không vượt qua, vậy mà mình đã làm được, chút hân hoan lan tỏa, ai cũng cười. Để có những ngày nắng, phải đi qua những ngày giông tố.

Rồi mọi người nhắc tới cô Uyên, cô bị sốt đột ngột nên không tham gia chuyến đi này cùng mọi người được, nhưng chắc cũng may cho cô, chứ dưới cái lạnh 2cm này thì chắc cô cũng không chịu nỗi.

“Phan – xi – păng anh còn chinh phục được, huống gì là trái tim của em”, đó là câu nói nửa vời của chú Phúc, ai nấy cười nắc nẻ, vậy mà chú ấy một mực không chịu leo đoạn còn lại vì đinh ninh cho rằng: “Ba nghìn mốt thì cũng như hai nghìn tám”.

Ủ mình trong cái chăn dày, chú Đạt hà chút hơi ấm cuối cùng còn sót lại vào bàn tay tê cứng của mẹ, tay chú xoa xoa bàn chân cóng đơ làm mẹ bâng khuâng cười mỉm. Cái lạnh làm cho đồng đội của mẹ gần nhau hơn, cảm nhận được sự quan tâm ấm áp từ vòng tay của mọi người rõ hơn. Những chuyến đi luôn cho con người trải nghiệm đáng giá mà bỏ ra tiền tỷ cũng không mua nổi.

Nhờ chai dầu cao của cô gái nằm cạnh mà mẹ chìm vào một giấc ngủ sâu không mộng mị.

“Những ngày lạnh thèm một màu nắng ấm  

Những ngày đau thèm một chút dịu dàng  

Em vắng mãi biết ngày nào trở lại  

Gượng dậy rồi, ngồi thở những tàn phai”

Tô mỳ cho bữa sáng

2h30′ sáng phải luồm cuồm ngồi dậy, tranh thủ chuẩn bị đồ để đi tiếp đoạn đường còn lại, mọi người ai cũng chìm vào giấc ngủ, ai cũng mệt mỏi, rên rỉ nên chỉ có mẹ, chú Vũ, cô Hương là người tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Tô mỳ tôm bữa sáng làm ấm cái bụng, chắc đi chuyến này về, mọi người học thêm được cách ở dơ, học được cách ăn sáng không cần đánh răng của người Pháp.

Lên đỉnh 1°C

Đó là đoạn đường kinh hoàng, khủng khiếp, trời tối đen, những ánh đèn pin yếu ớt, những hơi thở thoi thóp hiu quạnh bên lề những vách đá dựng đứng

Nước là thức uống xa sỉ cho đội của mẹ lúc này, ai cũng khe khẽ húp ngụm rồi để dành cho tiếp sức đoạn sau.

Cái lạnh rít chặt chạy dọc sống lưng, nỗi sợ lúc này của mẹ là lạnh chứ không phải thần chết.

Nhầy nhụa, nhớt nháp. Bùn rã ra tới mắt cá chân. Dốc đứng, dốc trề.

Đôi tay mẹ như muốn tứa máu, nhịp tim nhảy tá loạn trong hơi lạnh của cơn gió đầu mùa nơi đỉnh dốc. Chú Vũ cho mẹ nương nấu đôi tay trong bụng, cũng ấm dần nhưng vẫn không thể xua đi cái không khí chỉ 1 độ C này.

Sự lạnh lẫn át sự mệt.

Mẹ đến đỉnh mà không cảm thấy sung sướng, chỉ thấy cái lạnh bao vây như muốn nghiền nát con người mẹ ra từng phân đoạn.

Mẹ đã vượt qua được chính mình, mẹ không bỏ cuộc, mẹ đã làm được.

Xuống núi

Gã thời tiết xấu xí tô màu xám cho ngày leo lên đỉnh, thì hôm nay, may thay gã được nụ hôn của thần mặt trời nên mụ mị tô màu quang đãng hơn.

Xuống núi cũng là một cực hình cho đôi chân.

Miếng lương khô của một cô gái ở đội khác cho như cứu lấy linh hồn của ba con người đang ngụp lặn trong tiếng tích tắc của dạ dày.

Bữa cơm trưa qua loa ở trạm dừng chân 2800m. Cơm bữa đó sống nhăn, thịt lại lạnh tanh, ba người không ai nuốt nổi, bụng lưng chừng đói.

Mây tan dần theo ánh nắng của mặt trời, cảnh đẹp hiện ra, lồ lộ sự hùng vĩ của núi rừng, hiên ngang của các dãy núi. Phải chăng đó là phần thưởng của tạo hóa, phần thưởng cho những ai đã can đảm đi qua ngày giông bão.

Chân vẫn cố rượt theo chiều của kim đồng hồ, đói meo.

Chú Vũ nhặt miếng bánh mỳ bên lề đường mà người ta vứt chia cho cô Hương và mẹ, nhai ngấu nghiến trong miệng mà chẳng nghĩ gì cả, chỉ biết là phải ăn chứ không là đói, và đói sẽ không đi được. Trong những giây phút như thế này, con người ta hình như chẳng có nỗi buồn nào cả, bởi sự mệt đeo bám hút máu liên tục nơi chủ thể.

Ba người mẹ bất ngờ khi gặp lại cô Hiền và chú Duy, còn một số đồng đội của mẹ đi trước thì chắc đã cập bến an toàn.

Hoa nở giữa rừng

Trên đoạn đường mẹ đi, điều làm mẹ suy nghĩ là những bông hoa. Đôi lúc mẹ tự hỏi, vì sao những cánh hoa mỏng manh lại mạnh mẽ nhô mình giữa rừng núi khắc nghiệt bao la, mênh mông, hùng vĩ này. Hoa không rực rỡ, kiêu sa, không có hương thơm quyến rũ, cũng chẳng được con người chăm chút, nâng niu, nhưng những đóa hoa dại lại mang trong mình vẻ đẹp bình dị, giản đơn cùng sức sống mãnh liệt không ngừng.

Đời của một người con gái cũng giống như những bông hoa, tuy là hai phạm trù khác nhau nhưng lại gắn kết như một, sớm nở tối tàn, may mắn thì thì được nâng nui, không thì bị vùi dập cho tan nát, cốt là phải biết vươn lên để tìm lấy hạnh phúc cho chính mình.

Hoa và phụ nữ vốn điều dịu dàng và cần được che chở. Bởi vậy, trong cuộc đời, đàn ông cần có một bông hoa để giữ riêng bên mình.

Cửu vạn

Một lần khuân vác hơn 20 kg trên vai, cả đi lẫn về trên đoạn đường leo lên Phan – Xi – Păng chỉ có 300 nghìn đồng, cửu vạn có quyền nhận vác thêm hành lý của người đi đường để kiếm thêm bù vào chút thu nhập ít ỏi.

Nghề này không đòi hỏi vốn liếng hay tay nghề, chỉ cần người có sức khỏe và có kinh nghiệm leo núi, nên thu hút đông người, mà chủ yêu là dân tộc Mèo, có cả đàn ông, đàn bà hay các cô gái ở tuổi mới lớn. Họ cũng chỉ muốn duy trì một cuộc sống nơi trần tục này nên đã bán lưng cho số phận.

Bàn chân chai cứng trong đôi dép tổ ong thần thánh, những porter leo núi theo điệu nhảy lắc lư của khúc nhạc tình trên tay cầm theo chiếc ô.

Say

Lúc xuống được tới trạm Tôn thì trời cũng chập tối, chú Vũ, cô Hương và mẹ cùng quây quần bên hơi ấm nghi ngút khói của cô bán đồ nướng. Mùi cơm lam hòa quyện vào mùi thịt nướng, thơm quyến rũ, cái dạ dày cũng nhảy múa theo âm thanh tách ống tre của chú ngồi cạnh.

Cô Hương lo lắng cho mọi người ở nhà, không biết có khách sạn chưa, không biết mọi người đói không và đã ăn gì chưa. Thế đó, mà bị chú Vũ la: “Mấy đứa đó lớn rồi, tự lo được mà”, cô Hương cười cười rồi mắt lơ đãng theo dòng khói bay ra ngoài cánh cửa. Cô Hương rất hay quan tâm đến mọi người, mẹ cảm thấy vậy, hay hỏi han và bảo ban đồng đội.

Rồi cô Hiền và chú Duy cũng đến.

Trên đường về Sa Pa, mẹ mông lung nghĩ về ngày mai, hy vọng trời nắng để còn kịp thấy cái tinh khôi của cảnh vật. Mẹ bị say, không phải say rượu, cũng chẳng say vì tình, mà mẹ say … xe.

Người mẹ lã đi.

Khi lên được phòng, mẹ òa khóc, mẹ khóc ngon ơ như một đứa trẻ lên ba. Mẹ không nghĩ mình đã leo được tới đỉnh. Khóc cho nỗi sợ hãi bay đi theo cơn gió. Khóc cho những ngày không được khóc.

Cô Toàn và cô Linh hoảng hốt, người xoa dầu, người dỗ dành mẹ. Nỗi sợ lúc này của mẹ nực cười làm sao, người mẹ nóng rang, đầu mẹ đau và choáng. Mẹ sợ mình bị sốt. Nỗi ám ảnh bởi những lần mẹ thu mình trong chiếc chăn cô độc, chinh chiến với những trận sốt kinh hồn. Mẹ lại sợ cái cảm giác phải một mình men theo bờ vực giữa cái cô đơn và mạnh mẽ. Lúc này đây mẹ lờ đờ nhận ra, người mạnh mẽ vẫn rất cô đơn.

Ly trà gừng của chú Đạt kéo mẹ về với thực tại, mẹ khẽ quệt tay lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt, dụi đầu vào chiếc gối trên giường như vừa bị ai đó phát hiện ra một bí mật trong con người mình vậy.

Đêm đó, mọi người đi ăn, còn mẹ nằm ở nhà.

Sapa thơ mộng

Đi một vòng, mẹ thấy Sapa thơ mông từ cảnh vật đến con người.

Trời trong xanh, nắng nhẹ đủ để mẹ và đồng đội của mình cảm nhận trọn vẹn hương vị của gà nướng, cá chiên, nấm xào, măng kho, xôi màu.

Sapa một ngày có bốn mùa, có lẽ đội của mẹ đến trễ một bước, những cánh đồng trơ rạ, nhấp nhô lên xuống, chú trâu tinh nghịch nhảy từ ruộng bậc thang này qua bậc thang kia. Không còn những cánh đồng lúa chín vàng ve vẩy trong nắng thu, để tha hồ thả ánh nhìn bay theo gió.

“Chưa đi chưa biết Sa Pa

Đi rồi mới thấy mây ba bốn tầng”.

Đến Sapa nên đi với người tình đừng đi với người thương

Đêm buông xuống, cơn mưa lác đác trong tiết trời se lạnh, Sapa trở nên dịu dàng, lạnh lẽo. Thắng cố có lẽ là món quà bất ngờ của người Mông đem lại cho đội mẹ. Hương vị đặc trưng, nồng nàn, hấp dẫn của thịt, lục phủ ngũ tạng xen cùng sả, gừng, tỏi, tiêu, ớt, lá chanh, lá ớt non… tạo nên mùi thơm hấp dẫn, thưởng thức nồi lẩu khi khí trời ngoài kia đang lạnh khiến ta dễ chết choáng trong men rượu táo mèo.

Những chuyến đi luôn cho con người có thêm nhiều mạnh mẽ để dễ dàng từ bỏ một thứ thứ gì đó gắng kết lâu dài, kể cả tình yêu.

Sau những phút rong chơi, nhiều khi mẹ cảm thấy mình chênh vênh ngay trong cái tuổi hai nhăm của mình.

Vì “cuộc đời là lễ hội hóa trang” nên những kỷ niệm được mẹ giấu kỹ trong màng mưa nay lại ùa về trong ký ức. Tình yêu đầu trôi xa đến độ mẹ không chạm tay tới được. Hạnh phúc mong manh, dễ vỡ như hạt mưa chạm đất.

Điều khó khăn nhất của mẹ bây giờ là giấu đi những giọt nước mắt. Mong những hạt mưa đừng mang thêm buốt giá để kẻ tha hương không phải cảm thấy mình quá đơn côi.

Mẹ nhịp theo lời bài hát: “Theo thời gian những hạt mưa như nặng thêm. Xóa hết thương yêu mặn nồng ngày nào giữa chúng ta. Đưa bàn tay cố kìm nén những cảm xúc. Vùi mình vào đêm đến em chẳng tìm thấy lối ra.”

Mưa.

Lạnh.

Nơi mẹ làm việc là một gia đình, không phải một công ty

Hồ Gươm trong lành bên những con chó cụt đuôi được người ta dắt đi dạo trong buổi sáng mát trời.

Quẩy nóng giòn giòn nhũn ra trong tô phở bì bõm nước.

Quán cà phê Cộng nép mình trong con số 54 định mệnh. Lăng Bác vẫn đứng đó với hai mặt trời hiên ngang . Quốc Tử Giám nhộn nhịp với những trai thanh nữ tú chen nhau chụp hình lưu niệm.

Hồ Tây im lìm bên hàng liễu phất phơ. Ngõ Trúc Bạch rộn ràng với món phở cuốn ngon đúng điệu.

Những giây phút được sống trọn bên đồng đội là điều làm cho mẹ cảm thấy hạnh phúc nhất. Được cười tẹt ga, được sống là chính mình, được cùng nhau đồng hành, khám phá miền đất mới thì còn gì vui hơn nửa.

Nơi mẹ làm việc là một gia đình, không phải một công ty.

Vĩ Như