Cách nhìn của tác giả về xã hội thượng lưu
Những nhân tố cấu thành xã hội thượng lưu
Nước Anh vào thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất về nhiều lĩnh vực đặt biệt là giai đoạn trị vì của nữ hoàng Victoria. Trước đó, cuộc Cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ XVIII đã đưa nước Anh tiến một bước khổng lồ, trở thành một quốc gia giàu có trên thế giới. Cuộc cách mạng này tiếp tục có nhiều thành tựu ở thế kỷ sau đó, kéo theo nhiều sự biến đổi sâu sắc không chỉ về kinh tế mà còn chính trị, xã hội. Dân số tăng lên nhanh chóng, người dân tập trung về các đô thị lớn và vùng ven đô thị ngày càng đông, chiếm hơn 2/3 dân số cả nước, đây chính là nguyên nhân sâu xa của sự phân hoá giàu nghèo. Vì thế, cơ cấu xã hội nước Anh lúc bấy giờ hết sức phức tạp bởi cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo chính trị giữa hai tầng lớp quý tộc và tư sản diễn ra. Thêm vào đó, từ năm những năm 30, xuất hiện một lực lượng thứ ba tranh giành quyền thống trị là giai cấp vô sản. Vì vậy, xã hội Anh lúc bấy giờ đằng sau sự giàu sang, lộng lẫy và sự đói khát, khó khăn, là bộ mặt xấu xa, đen tối của tầng lớp quý tộc.
Trong bối cảnh đó, văn học hiện thực là dòng văn học chủ lưu vào thế kỷ XIX ở phương Tây nói chung và nước Anh nói riêng. Hai đại diện ưu tú giai đoạn này là W.M.Thackeray và C.Dickens với nhiều tác phẩm mang đậm giá trị hiện thực, đả kích mạnh mẽ vào đời sống xa hoa, sự phô trương lố bịch, thói đạo đức giả, dối trá của bọn thượng lưu. Tuy nhiên, với điểm nhìn khách quan, Thackeray có ưu thế hơn Dickens bởi lối văn tự nhiên, đào sâu tâm lý các nhân vật để làm tăng thêm giá trị hiện thực của tác phẩm.
.jpg)
Hội chợ phù hoa – cuốn tiểu thuyết hay nhất của Thackery, gợi cho người đọc suy nghĩ ngay từ nhan đề. Bởi cái xã hội mà tác giả miêu tả trong tác phẩm không phải là một xã hội bình thường mà là một “hội chợ” sầm uất, náo nhiệt, có vô số cuộc vui chơi và đủ thứ mặt hàng được đem ra mua bán. Điều đặc biệt của hội chợ trong tiểu thuyết của Thackery là người ta mua bán những thứ như “danh vọng”, “cấp bậc”, “địa vị”, “niềm vui”, “khoái lạc”, thậm chí đến cả tình yêu và nhân cách con người cũng được đong đếm bằng tiền. Cái hội chợ náo nhiệt ấy trong tác phẩm không diễn ra trong một ngày, một tuần mà nó kéo dài hơn mười lăm năm, nó mang không khí lúc thì hứng khởi, đông vui khi thì chán chường, cô đơn, đầy tuyệt vọng; bối cảnh của nó khi thì ở nước Anh, khi thì mặt trận Waterloo (Bỉ) cũng có khi ở Đức, Pháp. Chính vì những thứ được đem ra mua bán ở đây không cầm nắm, không nhìn thấy nên tất nhiên nó cũng chứa đựng sự xảo trá, bịp bợm. Tác giả vẽ một bức ký hoạ với đầy đủ các nhân vật, mà mỗi nhân vật dù là hầu tước Steyne, tôn ông Pitt Crawley, Rebecca hoặc các nhân vật đầy tớ dù được nhắc đến rất ít trong tác phẩm nhưng cũng sắm một vai hoàn hảo, góp phần làm nên diện mạo chung của bức tranh xã hội hiện thực đương thời.
Ở ngay lời đề từ của cuốn tiểu thuyết, tác giả viết: “A novel without a hero”. Từ “hero” ở đây có thể hiểu theo ba nghĩa, đó là nhân vật anh hùng, nhân vật chính và nhân vật chính diện. Tác giả có lần cho rằng George là một người anh hùng, đã hy sinh tại mặt trận Waterloo, nhưng nhân vật này cũng mang quá nhiều thói xấu và không xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Hội chợ phù hoa cũng không có nhân vật chính, bởi tần suất xuất hiện và vai trò của các nhân vật gần như nhau, Rebecca hay Amelia, Pitt Crawley hay hầu tước Steyne, George hay Rawdon, nhân vật nào cũng được tác giả dành cho sự quan tâm nhất định. Nhân vật chính diện lại càng không thấy, bởi tác giả chỉ xây dựng hai nhân vật có thể xem là chứa đựng nhiều tính tốt nhất là Amelia và Dobbin nhưng vẫn mờ nhạt hơn so với các nhân vật khác. Mặc dù thế, nhưng ta vẫn thấy rằng, toàn bộ cuốn tiểu thuyết từ những trang đầu tiên cho đến kết thúc, tác giả tập trung vào làm nổi bật nhân vật Rebecca Sharp – một cô gái xuất thân từ tầng lớp dưới, luôn muốn chen chân vào xã hội thượng lưu và trèo lên đỉnh cao của danh vọng, còn những nhân vật khác như những bức ghép để tạo nên một bức ký hoạ toàn diện về xã hội Anh bấy giờ.
Pitt Crawley và hầu tước Steyne là hai kẻ đứng trên đỉnh và là bộ mặt xấu xa nhất của tầng lớp thượng lưu, là kẻ “kẻ giật dây điều hành thế giới phù hoa”. Tôn ông Pitt Crawley là đại diện tiêu biểu nhất cho quý tộc nông thôn, bóc lột tá điền hết sức tàn nhẫn và là một tên keo kiệt, bủn xỉn, tính toán đến từng đồng xu lẻ. Chính cái gia sản của lão mang đến cho lão mọi khoái lạc vật chất trên đời mà cũng chính nó làm cho lão trở nên xấu xa, đê tiện. Vì thế mà lão cũng chẳng thiết gì đến niềm tin tôn giáo và coi thường mọi thứ tình cảm cao quý. Còn hầu tước là Styene là đại diện cho quý tộc ở triều đình, địa vị cao, tiền tài lắm mà cũng hết sức xảo trá, bịp bợm. Steyne hơn Pitt Crawley ở chỗ thông minh hơn, lịch sự hơn nhưng cũng tàn nhẫn và nhiều thủ đoạn hơn. Lão coi khinh tất cả mọi thứ trên đời kể cả đứa con trai cũa lão và cũng chẳng thiết gì đến tôn giáo.
.jpg)
Đến tầng lớp tư sản, ngòi bút đả kích của tác giả vẫn hết sức mạnh mẽ, sâu cay. Đại diện cho tầng lớp này có gia đình Sedley và Osborne, nhưng tác giả hướng sự phê phán của mình đến ông Osborne nhiều hơn. Ông ta chịu ơn gia đình Sedley những cũng sẵn sàng phản bội, cắt đứt mối thông gia đã định từ trước giữa hai bên, ông yêu quý con trai của mình (George Osborne) nhưng cũng sẵn sàng “xoá tên con khỏi sách Kinh thánh” bởi anh ta dám chống lại ý lão, lấy con gái một gia đình phá sản làm vợ.
Như đã nói, tuy tác phẩm không có nhân vật chính, nhưng có thể thấy Rebecca là nhân vật trục của tiểu thuyết, mọi nhân vật, tình tiết được tác giả xây dựng nên đều xoay quanh nhân vật này và góp phần nổi bật thêm chủ đề của tác phẩm. Xuất thân từ một gia đình tầm thường, lợi dụng vẻ đẹp quyến rũ và sự lanh lợi, cô ta từng bước đặt chân vào xã hội thượng lưu và trở thành trung tâm quyến rũ của những buổi dạ hội. Dục vọng của Rebecca dường như không có đích đến, khi đã trở thành vợ của Rawdon rồi, cô lại khao khát những thứ cao hơn, sang trọng và quý phái hơn. Khi bị hất cẳng ra khỏi xã hộithượng lưu, cô ta vẫn kiên trì, cố gắng xây dựng lại cho mình một địa vị mới, dù nó chưa tượng hình đã bị người ta đạp đổ một cách tàn nhẫn.
Tầng lớp quý tộc ra sức tô vẽ cho cuộc sống thượng lưu
Trong cái xã hội của Hội chợ phù hoa, người nào có tấm áo quý tộc khoác bên ngoài đều phải ăn mặc, nói năng, hành động theo những chuẩn mực được quy định của giới thượng lưu. Không đợi đến người đọc, người xem đánh giá, bản thân Geogre cũng tự mình nói rằng: “Gia đình anh đã quen sống trong một xã hội tiền trao cháo múc, giữa những ông chủ ngân hàng, những ông tài phiệt. bất cứ họ khi nói chuyện đều xóc xóc cái túi kêu xủng xoảng”. Ở đó, ngoài việc có tài sản, sự kiểu cách cũng là một thước đo cho sự giàu sang, họ càng trang nhã, lịch sự, kiểu cách chừng nào thì được kính nể chừng ấy. Điển hình của sự kiểu cách đến máy móc ấy là Pitt Crawley (con trai lớn của tôn ông Pitt Crawley), anh ta chú trọng vẻ hình thức đến buồn cười, bắt đầy tớ phải đặt thư vào khay rồi mới đưa cho anh ta và thà chịu chết đói chứ không bao giờ chịu dùng bữa mà thiếu chiếc cà vạt quàng ở cổ.
Em trai của Pitt là Rawdon cũng thế, anh ta không chấp nhận sự nóng nảy, giận dữ và ăn nói thiếu nhã nhặn dù đó là bố đẻ của mình: “Người ta không dám dùng từ “dám làm” để nói với một đại uý trong quân đội nước Anh”. Còn đối với các quý bà, cách ăn mặc đúng quy cách với áo có đuôi dài quét đất, phải đội mũ có gài một túm lông và phải đc đưa vào triều kiến đức kim thượng thì mới được công nhận là người có địa vị trong xã hội, được kính nể. Cuộc triều kiến như là con dấu chứng thực một người đàn bà lương thiện, được phong sắc “tiết hạnh khả phong”, trở nên “trong như ngọc, trắng như ngà”. Cứ thế, bằng cách này hoặc cách khác, những người thuộc dòng dõi quý tộc như gia đình Crawley, Sedley, Osborne,… đều ra sức tô vẽ cho cuộc sống phong lưu, thời thượng thêm nhiều màu sắc. Không ít lần tác giả để cho nhân vật, như ông Osborne tự thốt lên những câu như là phương châm để khẳng định vị thế của gia đình: “nếu tôi biết anh (nói với con trai George) đilại với những người có danh vọng, tôi sẽ không tiếc tiền cho anh tiêu vì tôi biết rằng trong xã hội thượng lưu không có điều gì xấu,… hãy đi giao thiệp với bọn trai trẻ con nhà quý phái…”. Đó chính là những bằng chứng cho thấy xã hội Anh đương thời chỉ chú trọng tô điểm hình thức bên ngoài, bằng lời nói, hành động, tình yêu, nhân cách hay bất cứ thứ gì có thể, họ đều thể hiện một cách tốt nhất theo những quy chuẩn thượng lưu để được trọng vọng và kính nể. Ngay đến đám tang của tôn ông Pitt Crawley cũng là dịp để gia đình chứng tỏ sự giàu sang bằng tấm biển treo báo tin cụ tạ thế cũng hết sức sặc sỡ và lộng lẫy.
.jpg)
Nhưng sự phù hoa, xa xỉ không phải chỉ có trong xã hội người lớn, trong không gian những buổi dạ hội, tiếp khách mà nó đã ăn sâu vào tâm thức của những đứa trẻ, bén rể đến các ngôi trường. Ở đó, cũng như xã hội bên ngoài, có sự phân biệt rõ rệt giữa những đứa trẻ con nhà dòng dõi và những đứa trẻ xuất thân từ gia đình tầm thường. Con trai của George là Georgy khi về ở với ông nội trở nên ra vẻ hẳn, tuy còn ít tuổi nhưng được thuê hẳn một người chuyên chăm lo việc ăn mặc cho cậu, cưỡi ngựa non thì luôn có bác xà ích đi kèm, lại còn học hỏi và có nhiều cử chỉ như một tay quý tộc thực thụ. Chúng lại luôn bắt nạt, nhục mạ không tiếc lời thậm chí còn gọi cả tên tục cha mẹ của những đứa trẻ nhà tầm thường. Trường hợp của Dobbin, ngày còn đi học, anh ta vốn là con một lái buôn nên từng bị bạn bè coi như những đồng xu lẻ: “Nếu một cân mỡ cừu giá bảy xu rưỡi thì Dobbin giá bao nhiêu?”.
Giới quý tộc giàu sang, tiếp xúc với những người thượng lưu đã quen nên khi sa cơ thất thế, họ không thể chấp nhận cuộc sống thiếu thốn. Đối với họ, địa vị và danh dự là thứ quý giá nhất, với những gì có được, họ bằng mọi giá phải thể hiện phong cách thời thượng của mình. Dù bị phá sản, nhưng ông Sedley khi nói chuyện với đại uý Dobbin có vẻ vẫn muốn chứng tỏ với mọi người rằng mình còn bạn bè trong giới thượng lưu. Con ông cũng thế, anh ta vẫn sinh hoạt đầy đủ tiện nghi trong khi gia đình thiếu nợ, vẫn vui vẻ bình thường và dùng cơm ở hiệu ăn quen thuộc, vẫn uống rượu, vẫn dùng xe ngựa đi chơi và vẫn đánh bài. Trong thế giới phù hoa đó, người ta chú trọng hình thức đến mức lố lăng, kệch cởm mà không chỉ có ông Sedley, bà Bute Crawley cũng thế. Bà ta sau khi vỡ mộng việc ngỡ được chia gia tài của bà em chồng sau khi bà ta chết, nhưng chỉ nhận được có năm nghìn đồng. Bà ra sức tiết kiệm chi tiêu nhưng lại nghĩ hàng trăm cách để che giấu sự thiếu thốn. Bà dẫn con gái đến những chỗ dạ hội, đi chơi những nơi công cộng, thết đãi bạn bè khá lịch sự tại nhà thờ, tiếp khách thường xuyên hơn. Mấy cô gái thì ăn diện sang hơn, đi đâu cũng đi bằng xe ngựa, thường xuyên đi xem đua thuyền và ngựa, nhắc đến tên bà Crawley một cách âu yếm trước mặt người khác trong khi ở nhà phải bóp mồm bóp miệng chịu khổ sở. Trong cái xã hội đó, người ta cố với lấy một địa vị và một cỗ xe tứ mã, giữ gìn, trân trọng và coi nó là thứ đồ chơi quý báu hơn là bất kì niềm hạnh phúc nào.
Hơn thế nữa, trong cái hội chợ náo nhiệt ấy, những người quý tộc không bỏ sót một cuộc vui chơi nào, săn chuột, chơi quả lăn, giong xe tứ mã,… người ta đều học đòi tất cả những thứ quý phái ấy ngay khi tuổi còn nhỏ. Hay như lão mục sư Bute Crawley, không có trò vui nào mà thiếu mặt lão ta, cá cược, rượu chè, săn bắn, lại thêm cả nợ nần chồng chất. Đó thực sự là những thói xấu xa đằng sau bộ mặt hào nhoáng, bóng bẩy của xã hội. Đến cả khi lên đường sang Bỉ chuẩn bị chiến đấu mà cuộc sống phù hoa của tầng lớp thượng lưu Anh vẫn không suy giảm. Trong các cuộc nói chuyện, chủ đề chính của các quý bà thường là trang phục, âm nhạc, kịch, hay cách cư xử sao cho lịch sự, duyên dáng, hội hè tiệc tùng kéo dài liên miên mãi cho tới khi chiến sự nổ ra, lại còn có một cuộc dạ hội lịch sử được tổ chức, giới phụ nữ bàn tán sôi nổi về cuộc dạ hội, họ còn quan tâm hơn cả đối với những tin tức kẻ thù ngoài mặt trận. người ta đánh nhau, vận động nhau, van xin nhau để có một vé dự dạ hội.
Xã hội trong thế giới phù hoa ấy luôn biến chuyển, được mất chỉ trong cái chớp mắt, không có địa vị nào là bền vững. Người ta tìm mọi cách để có được tiền bạc, rồi dùng tiền để mua danh vọng, cấp bậc, địa vị, họ tranh nhau một chỗ đứng trong xã hội, bày hết cơ mưu này đến thủ đoạn khác để khẳng định, để thăng tiến, để được kính nể. Nhưng cũng trong phút chốc, mọi thứ tan thành mây khói, như Rebecca lên voi xuống chó, từ một mệnh phụ quý tộc, là trung tâm quyến rũ ở các cuộc dạ hội nhưng thoáng cái đã phải rày đây mai đó, cô đi từ Boulogne đến Dieppe, từ Dieppe đến Caen, rồi đến Tours… đi đến đâu cũng bị xa lánh, ruồng rẫy. Hay như ông Sedley, một thương gia giàu có, kẻ hầu người hạ, không ít lời ca ngợi nhưng khi nằm dưới nấm mồ cũng chả có ai đoái hoài khi gia đình phá sản. Ở cái xã hội đó, những người quý tộc thì tìm mọi cách giữ gìn và nâng cao gia thế của mình còn người khác thì tìm mọi cách để chen chân vào tầng lớp thượng lưu rồi đứng vững. Mọi động cơ cho mọi suy nghĩ, hành động đều hướng đến mục đích cuối cùng ấy.
Cách nhìn của tác giả về con người
Đồng tiền là thước đo tình cảm, giá trị con người
Với bức ký hoạ về xã hội nước Anh của mình, tác giả Thackeray đã dày công xây dựng rất nhiều nhân vật, mà mỗi người đều góp phần làm cho bức ký hoạ ấy thêm sinh động và chân thật. Mỗi nhân vật, tác giả có vẽ một nét tính cách riêng nhưng nhìn chung tất cả đều tham gia vào cuộc chạy đua có chung một đích: đồng tiền.
Trong cuộc đua đó, người ta yêu thương nhau, thù ghét nhau chỉ trong chốc lát, người ta khinh bỉ, miệt thị không tiếc lời với người không có tiền bạc, địa vị, ngay đến gia đình Crawley quanh năm thù ghét lẫn nhau nhưng đến dịp Giáng sinh tụ hội bên nhau và trước mặt bà cô Crawley thì quý nhau như vàng. Bà cô Crawley có một gia sản kếch xù nên bà được săn sóc tận tình, chu đáo, sự quan tâm đó được ưu ái dành cho bà nhưng đều mong muốn chúc thư để lại có tên mình thừa kế. Sự chăm lo, săn đón đến lố bịch, buồn cười khi hai ông anh trai thi nhau thờ phụng bà Crawley, tranh nhau đưa gối cho bà tựa, đưa cà phê cho bà uống, hai bố con ông Pitt và Rawdon thi nhau xem ai tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến người đang nằm (tức bà cô Crawley).
.jpg)
Ngay đến cô Amelia luôn dễ dàng chiếm được tình cảm của người khác cũng phải khổ sở vì mọi thành viên trong gia đình Osborne không có cảm tình với cô, nhưng chỉ trong một buổi tối họ đã vây lấy cô triệu phú da đen Swarts. Trong cái xã hội rởm đời ấy, người không có tiền thì bị đẩy ra ngoài rìa, như Amelia từng bị bà Clapp đối xử với cô đến hèn hạ khi trở lại cuộc sống sung túc thì săn đón, tấm tắc khen nhà cửa, đồ dùng cái gì cũng sang, khẳng định người như Amelia xài đồ quý đến đâu cũng chưa xứng. Đồng tiền đúng là có một mãnh lực đặc biệt, nó hút mọi người về phía người nắm giữ nó, thế nên mới có những chuyện buồn cười, ngược đời như trường hợp của Amelia. Khi bố chồng cô mất thì thư chia buồn chất đống trong khi trước đó bố đẻ cô qua đời thì chẳng ai quan tâm bởi khi đó gia đình cô còn nhiều túng thiếu, ngay đến anh trai cô cũng thay đổi cách cư xử với em gái. Thackeray thẳng thắn đặt ra lời thách thức với toàn bộ người Anh quốc và với cả bạn đọc rằng: ai dám bảo hai tiếng “giàu có” là không trang trọng, thú vị. Tiền bạc làm người ta vồ vập nhau, tâng bốc nhau nhưng cũng chính nó khiến người ta khinh bỉ nhau, đoạn tuyệt nhau.
Hơn thế nữa, để có đồng tiền, để thoả mãn những nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày, người ta cũng sẵn sàng đánh đổi thậm chí là lòng tự trọng. Dù không coi tiền bạc, địa vị là mục đích sống ở đời nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc, Amelia cũng đành chấp nhận hi sinh mọi thứ kể cả lòng tự trọng để mưu cầu hạnh phúc cho những người thân. Cô đã chịu đựng bao sự thiếu thốn và khinh bỉ để phụng dưỡng cha mẹ, cô chấp nhận cầm tiền của con trai là Georgy mang về, nhặt những mẫu bánh thừa thãi trên bàn ăn của bố mẹ chồng để đem về nuôi cha mẹ.
Đồng tiền trong xã hội phù hoa quan trọng như thế, nên dần dần nó trở thành thước đo giá trị của con người. Chính nó là nguyên nhân trực tiếp đẩy người ta lên vị trí một ông vua, một bà hoàng và cũng chính nó nhấn chìm người ta xuống tầng lớp dưới của xã hội. Trong tác phẩm, tác giả đã cho thấy sức mạnh của đồng tiền trong hai đám tang của ông Sedley và hầu tước Steyne, một đằng là không một ma nào buồn để ý đếnkhi gia đình Sedley phá sản, còn một bên là báo chí đưa tin rầm rộ: “Ngài chết đi, quần chúng nghèo khổ và nền mỹ thuật mất một người che chở rộng lượng, xã hội thượng lưu mất một thành viên tiêu biểu nhất, nước Anh mất một chính khách đại tài, một nhà ái quốc cao quý…”. Đó là cách cân đo giá trị của một con người khi họ chết đi nhưng cũng có lần tác giả nhắc đến anh Dobbin chỉ đáng giá mấy đồng xu lẻ.
Con người bị suy đồi về đạo đức
Xin nói đến một thứ hàng hoá cũng mua bán được bằng tiền: tình yêu. Khi người ta chỉ còn biết đến tiền bạc, danh vọng thì mọi thứ tình cảm, kể cả tình yêu cũng trở thành vật thừa, hoặc nếu có thì chỉ là những trò vui để cuộc sống thêm thú vị và cũng để khẳng định mình. Tình cảm không xuất phát từ lòng nhiệt thành, sự rung động thế nên trong hội chợ phù hoa, nó cũng được đem ra bán chát, đong đếm bằng tiền. Vì gia đình Sedley phá sản nên cuộc nhân duyên giữa George và Amelia bị cắt đứt, ông Osborne tuyên bố sẽ từ con nếu đại uý Osborne lấy con gái một người bị phá sản làm vợ. Người ta xem tình yêu là phương tiện để khẳng định mình trong xã hội, ra sức xây dựng các mối quan hệ đặc biệt là hôn nhân giữa các gia đình quý tộc, tìm thông gia với những cái địa vị như nam tước, sĩ quan quân đội,… Ông Osborne mơ về tương lai xán lạn của anh con trai khi muốn con lấy cô triệu phú Swartz: hi vọng anh ta sẽ vào Quốc hội, sẽ mở đầu cho một dòng dõi toàn những vị nam tước danh giá.
Suy cho cùng, người ta đến với nhau bởi thứ tình cảm hờ hững, không có tình yêu chân thật, thế nên tình cảm gia đình cũng dửng dưng, lạnh nhạt. Trong Hội chợ phù hoa, Rebecca không hề yêu ai, cô săn đón Joe Sedley, lấy Rawdon làm chồng, thân mật với Pitt Crawley, George, hầu tước Steyne đều vì họ là những kẻ lắm tiền. Vì vậy, Rebecca không quan tâm chồng mình mà chỉ luôn suy nghĩ về địa vị, về thú vui và còn lo tìm cách leo lên cao hơn trên bậc thang danh vọng. Trong khi Amelia đau khổ, lo lắng cho sự an nguy của Geogre ngoài mặt trận thì Rebecca lại hí hửng, ngủ một giấc thoải mái và xem xét kỹ tờ di chúc của Rawdon để lại, cô còn nghĩ nếu có chuyện rủi ro, cô vẫn có thể bắt đầu lại cuộc đời với sáu bảy trăm đồng vốn liếng.
Từ cái hiện thực xã hội đầy dục vọng, xấu xa với những người chỉ thiết đến tiền và danh vọng, tác giả lại vạch rõ một khía cạnh đáng phê phán nữa. Những đứa con quên chính cha mẹ mình vì lạc thú vui chơi, vì những tờ di chúc để lại, dửng dưng với người thân của mình. Joe và bạnbè cứ chè chén với nhau, trong khi ấy ngay trên gác, ông lão cứ trút dần sinh lực của mình như cát trong chiếc đồng hồ. Sự dửng dưng đó đáng lên án mạnh mẽ, họ coi sinh mạng một con người chẳng đáng giá là bao nếu người đó chẳng có chút tài sản gì. Bằng chứng cho thấy khi bà Crawley bệnh thì cả nhà đều mong chờ lập di chúc, rồi lại lo lắng, chăm chút cho bà trong khi Crawley phu nhân bệnh nặng hơn nhưng bị bở một mình trơ trọi trong phòng, kiệt sức dần dần, chẳng ai buồn để ý đến, y như đối với một ngọn cỏ trong vườn. Còn tôn ông Pitt Crawley thì đã vội mời thậm chí là quỳ dưới chân Rebecca để mong cô về nhà với tư cách là Crawley phu nhân khi vợ mới vừa mất.Pitt Crawley thì không tỏ ra đau xót mà việc đầu tiên thoáng qua trong suy nghĩ của anh ta là làm sao trả xong nợ nần bằng tiền mặt và khôi phục lại việc làm ăn trong trại. Một cảnh tượng cũng khôi hài diễn ra, đám ma của cụ giống như một vở kịch được diễn hết sức gượng gạo: cầm khăn tay sẵn sàng khóc nhưng ko có nước mắt. Thực sự thì mọi người trong gia đình Crawley đều làm ra vẻ cho đúng hình thức đám tang, tìm cách để tạo ra nước mắt bởi họ đều không quan tâm đến việc còn mất của của ông Crawley mà chỉ ngắm vào gia sản của ông.
Về phần Rebecca, cô ta đúng là một “nhà trượt băng vô địch” của Hội chợ phù hoa, cô lướt đi trên bề mặt hào nhoáng của giới quý tộc một cách khéo léo, êm ái. Cô say mê cuộc sống thời thượng mà vứt bỏ tình mẫu tử thiêng, bỏ mặc thằng bé Rawdy mà cô ta đã rứt ruột đẻ ra đến nỗi “nhiều bận không có tôi cho ăn thì thằng bé chết đói”. Tác giả tuy không xây dựng cho tiểu thuyết một nhân vật chính diện nhưng rất chăm chút cho Amelia, bởi đây là nhân vật được lấy làm đối trọng để làm bật lên tính tương phản giữa cặp nhân vật nữ Rebecca – Amelia, đồng thời góp phần làm rõ nét những thói tật của xã hội đương thời qua Rebecca. Trong khi Amelia vật vã, đau xót vì phải gởi con cho ông nội, ngày chia tay thằng bé, cô khóc lặng lẽ còn Rebecca thì gửi con cho một chị vú nuôi, lúc chia tay con về Anh cũng chẳng mảy may xúc động, lúc nghe con khóc cũng chẳng buồn đứng dậy.
Cách nhìn hai chiều của tác giả về các nhân vật
Tuy nhiên, dù vạch ra hàng loạt những mặt xấu xa, đen tối đằng sau tấm áo choàng quý tộc, tác giả để cho mọi việc trôi chảy một cách tự nhiên với ngòi bút nhân đạo của mình. Dễ dàng nhận thấy, với nhân vật nào ông cũng tìm cách để bào chữa cho mọi hành động tiến thân trong xã hội phù hoa. Rebecca ngay từ khi vừa rời khỏi ghế nhà trường đã tính đến bước đường tương lai của mình, lập ra những kế hoạch làm sao để chen chân vào giới thượng lưu, làm sao để trở thành một mệnh phụ quý tộc. Cô ta săn đón hết anh quý tộc này đến chàng công tử khác, không quan tâm đến chồng con. Thế mà Thackeray tỏ ra thông cảm cho cô, ông cho rằng vì hoàn cảnh ngặt nghèo, vì khao khát được đổi đời cô mới làm thế, chứ như cuộc đời của Amelia được trải thảm sẵn, có mẹ lo cho việc kiếm một tấm chồng thì cô cũng chẳng cần phải bươn chải mà lo xa.
Amelia đôi lúc không quan tâm đến sự thiếu thốn của cha mẹ cũng được biện hộ hết sức tài tình. Cô đã bán chiếc khăn san mà cô rất quý để mua cho thằng bé Georgy mấy cuốn sách trong khi nhà không có cái ăn, tiền nợ thì bủa vây khắp phía. Nhưng đó cũng là do cô quá thương con mình chứ không phải chạy theo tiền tài, địa vị. Hay đến cái thói trăng hoa của George cũng được cho rằng là do hoàn cảnh. Từ thượng cổ đến nay, trong hội chợ phù hoa, sau những chiến thắng về quân sự thì chiến thắng trong ái tình vẫn là nguồn kiêu hãnh đối với đàn ông, thế nên việc Rebecca đeo bám làm cho anh ta thấy kiêu hãnh lắm. Mà không chỉ đến tác giả, Amelia cũng tự mình tìm mọi lý do để bào chữa cho thói tật của chồng.
.jpg)
Con người dù chứa đựng nhiều thói tật đến đâu cũng có một vài đức tính quý báu, tác giả cho rằng việc Rawdon lấy vợ là việc làm lương thiện nhất và anh ta yêu con trai mình hơn bất cứ thứ gì anh ta có được. Cùng với Thackeray, văn học hiện thực còn nổi trội một tên tuổi khác, C.Dickens với ngòi bút phê phán, đả kích mạnh mẽ. Trong suốt tác phẩmHội chợ phù hoa, ta vẫn thấy ở các nhân vật đôi lúc le lói lên tình cảm con người, nhưng nó cũng mau chóng lụi tàn, chính cách miêu tả như thế càng làm tăng thêm tính hiện thực của tác phẩm. Điều này làm cho người đọc có cách nhìn hai chiều về các nhân vật, họ vừa yêu mà cũng vừa ghét, vừa phẫn nộ trước thói phù hoa, sự tha hoá về bản chất nhưng đồng thời cũng thông cảm với những lý do buộc nhân vật phải xử sự như những con rối bị sợi dây vô hình của xã hội điều khiển.
Nghệ thuật
Yếu tố đầu tiên để đưa Hội chợ phù hoa trở thành kiệt tác của văn học hiện thực là cách xây dựng nhân vật của tác giả. Như đã trình bày ở trên, tác giả không tạo nhân vật anh hùng, nhân vật chính hay chính diện mà mỗi nhân vật là một mảnh ghép tạo thành bức ký hoạ sống động về xã hội Anh. Cách xây dựng nhân vật như vậy làm cho độc giả có cái nhìn đa chiều về đời sống xã hội chứ không phiến diện khi nhìn vào nhân vật chính. Ngoài ra, tác giả miêu tả cuộc đời của các nhân vật hết sức tự nhiên để nội tâm các nhân vật cũng được dần dần bộc lộ rõ qua từng trang tác phẩm. Nếu so sánh với sáng tác của Dickens và ngôi kể thứ nhất thì việc vận dụng ngôi kể thứ ba của Thackeray càng làm tăng tính hiện thực của tác phẩm.
Xuyên suốt tiểu thuyết, ta thấy tác giả đan xen rất nhiều lời bình luận ở mỗi nhân vật, chi tiết, hành động. Có nhiều lời bình luận tỏ ra thương xót, đồng cảm với nhân vật nhưng cũng có nhiều lời bình luận châm biếm, đả kích sâu cay vào đời sống lố lăng, xấu xa của tầng lớp thượng lưu. Giọng văn của những lời bình luận có khi chứa đựng nhiều tình cảm, sự sôi nổi nhưng có khi lạnh lùng, tàn nhẫn.
Tổng kết
Viết Hội chợ phù hoa, Willam Makepcace Thackeray có một thái độ phủ định rõ rệt đối với chế độ phong kiến tư bản tàn bạo và thối nát. Ngòi bút châm biếm của tác giả đã phơi bày mọi thứ lố lăng, phù hoa và giả dối của xã hội thượng lưu nước Anh. Ẩn sau những thứ phù phiếm ấy là tất cả sự xấu xa đê tiện: giả nhân, giả nghĩa tính toán vụ lợi, cạnh tranh lường gạt... Giá trị căn bản của tác phẩm là ở chỗ đã cung cấp được những tài liệu phong phú, những chân dung tiêu biểu về một cuộc sống mà đồng tiền đang ngự trị. Tác phẩm cũng thấm đẫm màu sắc lịch sử và đặc biệt thành công trong những trang dựng lại cảnh sinh hoạt của nước Anh.
Hội chợ phù hoa đánh dấu cuộc cách mạng của tiểu thuyết Anh thế kỷ XIX trong việc rời bỏ hình thức của tiểu thuyết luận đề để hướng sang tiểu thuyết lấy việc miêu tả xã hội làm trọng tâm. Tác phẩm ghi nhận tài năng xuất sắc của Thackeray trong việc xây dựng những nhân vật điển hình. Phần lớn các nhân vật của ông đều được khai thác ở những nét tâm lý phong phú, đa dạng nhưng tính chất lại tập trung. Bút pháp châm biếm của ông cũng không đơn điệu mà rất uyển chuyển, đặc biệt là những lời bình xen vào giữa những đoạn văn miêu tả là phần cấu thành không thể tách rời của tác phẩm.
ĐHKHXH&NV
Tóm tắt tác giả và tác phẩm Hội chợ phù hoa: https://ivivi.vn/hoi-cho-phu-hoa