1.  Định nghĩa về ám ảnh

Theo từ điển Từ và ngữ Việt Nam NXB Tổng hợp TPHCM do Giáo sư Nguyễn Lân chủ biên đã định nghĩa “ám ảnh” theo nghĩa Hán – Việt: ám là tối, ngầm; ảnh là hình bóng. Ám ảnh có nghĩa là một trạng thái luôn suy nghĩ, không yên tâm về điều gì đó (điều làm cho mình cứ phải nghĩ đến).

Trong tiếng anh, nỗi ám ảnh được gọi là obsession. Nỗi ám ảnh (obsession) ngoài định nghĩa theo nghĩa từ Hán Việt còn có nhiều định nghĩa trong nghiên cứu y học và tâm lý học. Trong y học, nỗi ám ảnh được chia làm ám ảnh tâm lý và ám ảnh bệnh lý. Nỗi ám ảnh tâm lý là những những suy nghĩ lặp đi lặp lại trong tâm trí khi con người trải qua một việc khó khăn, một niềm vui nào đó… mà chúng gây ấn tượng mạnh đến nỗi người đó cứ nhớ mãi vấn đề đó nhưng không hướng tới một hành động tiêu cực. Còn nỗi ám ảnh bệnh lý còn có tên gọi là Rối loạn ám ảnh cưỡng bức hành vi dị thường (Obsessive Compulsive Disorder picture – viết tắt là OCD). Đó là những ý nghĩ, sự thôi thúc hay những hình ảnh lặp đi lặp lại và dai dẳng mà chủ thể phải trải nghiệm như một sự chịu đựng và vô lí, khiến cho chủ thể lo lắng và khổ sở một cách đáng kể.

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD) là một trạng thái bất lực mãn tính. Nó đặc trưng bởi những ý nghĩ ám ảnh buộc chủ thể phải làm một số hành động hoặc những việc làm mang tính nghi thức nào đó để không xảy ra điều tồi tệ. Khi thực hiện những hành động, việc làm như vậy thì trạng thái lo âu cũng giảm đi. Những ý nghĩ thường thấy là sự phê phán luôn gắn với xung quanh, sự lo sợ bị nhiễm bệnh- đây là điều có thể dẫn tới gây hại cho người khác. Những hành động hay những ý nghĩ nhằm chống lại nỗi sợ hãi có thể kể đến như cọ rửa các vùng da trên cơ thể một cách nghi thức và lặp đi lặp lại, kiểm tra đi kiểm tra lại tới 20 lần hành động mình đã làm, tiến đến là các hành vi, ý nghĩ mang tính nghi thức, cứng nhắc. DSM (Diagnostic and Statistic Manual of Mental Disorders) – IV – TR đã định nghĩa về ám ảnh và cưỡng bức như sau: ám ảnh là những ý nghĩ, sự thôi thúc hay những hình ảnh lặp đi lặp lại và dai dẳng mà chủ thể phải trải nghiệm như một sự chịu đựng và vô lí, khiến cho chủ thể lo lắng và khổ sở một cách đáng kể. Hơn nữa, đó không chỉ đơn giản là những lo lắng quá mức của các vấn đề trong đời sống thực. Chủ thể luôn cố gắng để quên đi hay kìm nén chúng lại bằng những ý nghĩ hay hành động khác. Chủ thể nhận biết được rằng tự bản thân họ sinh ra các ý nghĩ đó.

Còn Cưỡng bức là những hành vi lặp đi lặp lại (như rửa tay, kiểm tra) hay các hoạt động tinh thần (cầu nguyện, nhẩm đi nhẩm lại một số từ nào đó) khiến chủ thể cảm thấy mình bị lôi kéo vào các phản ứng với những nỗi ám ảnh và các quy tắc cứng nhắc. Các hành vi hay các hoạt động tinh thần nhằm ngăn cản hay làm giảm đi nỗi khiếp sợ hoặc các tình huống hoặc sự kiện gây khiếp sợ thường là quá mức, xa rời với các cách vô hiệu hoá hay ngăn cản thông thường. Để có thể chẩn đoán là OCD thì sự cưỡng bức này phải gây ra cho chủ thể sự khổ sở đáng kể ít nhất là mỗi ngày một giờ hoặc cản trở các chức năng thông thường của chủ thể. Mặc dù mức độ lâm sàng của các hành vi ám ảnh rất ít, ước tính chỉ khoảng 3% dân số (Karno và cs. 1988), Rachman và Silva (1978) đã chỉ ra rằng ở một mức độ nào đó, các ý nghĩ ám ảnh có thể thấy ở hầu hết 90% các mẫu phi lâm sàng. Rối loạn điển hình này nếu xuất hiện lúc nhỏ tuổi thì nó sẽ khởi phát mạnh và thời gian mắc bệnh kéo dài hơn. Với những người trưởng thành, trong nghiên cứu của Karno thì có 20% mắc bệnh từ khi còn nhỏ và 29% là mắc bệnh ở tuổi trưởng thành. [17]

Nguyên nhân rối loạn ám ảnh cưỡng bức do: yếu tố di truyền, cơ chế sinh học. Về yếu tố di truyền, các bằng chứng khác nhau nguy cơ di truyền của OCD cũng rất khác nhau. Chẳng hạn Carey và Gottesman (1981) cho thấy con số cùng mắc bệnh của các cặp sinh đôi cùng trứng là 87% và các cặp sinh đôi khác trứng là 47%, điều này phần nào minh chứng cho vai trò của yếu tố di truyền trong nguy cơ dẫn đến rối loạn này. Trái lại, Andrews và cs. (1990) lại không tìm thấy bằng chứng nào về tỉ lệ cùng mắc bệnh nhiều hơn của các cặp sinh đôi cùng trứng so với các cặp sinh đôi khác trứng. Các nghiên cứu gia đình cũng đưa ra những kết quả rất khác nhau. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ những người bị rối loạn trong số họ hàng của những người bị OCD cao hơn so với cộng đồng, Black và cs. (1992) khảo sát trên một mẫu lớn và chỉ phát hiện thấy 2,5% những người họ hàng của những người bị OCD là có rối loạn còn ở nhóm đối chứng và cộng đồng con số này là 2,3% [17].

Về cơ chế sinh học, các nhà sinh học đã đưa ra hai hệ thống não bộ nối liền với nhau có liên quan đến OCD. Hệ thống thứ nhất là một nhánh nối liền vùng trán trên ổ mắt nơi xuất phát của những xung động tình dục, hung tính và những xung động bản năng khác thường với vùng đồi thị, nơi mà chủ thể sử dụng nhận thức nhiều hơn và có thể từ đó đưa ra các hành vi phản ứng. Nhánh thứ hai cũng nối vùng ổ mắt với vùng đồi thị, nhưng qua thể vân. Vùng thể vân được xem là nơi kiểm soát mức độ hoạt hoá trong nội bộ các hệ thống. Nó có xu hướng lọc ra những hoạt hoá mức độ cao trong vùng ổ mắt do vậy mà vùng đồi thị không trả lời cho những xung động ban đầu này. Trong OCD, nó có thể sẽ thất bại khi điều chỉnh hoạt động quá mức trong nhánh võng mạc – đồi thị, và kết quả là chủ thể phản ứng quá mức với các kích thích của môi trường, không thể ngăn chặn những phản ứng về nhận thức và hành vi của họ. Hệ thống đầu tiên thì được điều hoà bởi chất DTTK axit glutamic. Hệ thống thứ hai được điều hoà bởi một số những chất DTTK bao gồm seretonine, dopamine và GABA.

Trong nghiên cứu tâm lý học, theo mô hình của mình, Freud (1922) cho rằng OCD là kết quả của nỗi sợ hãi của chủ thể về những xung động bản năng và phản ứng của họ sử dụng các cơ chế phòng vệ của cái tôi nhằm giảm đi những lo âu tiếp theo. Cuộc chiến giữa hai thế lực đối nghịch này không xảy ra trong vô thức. Thay vào đó, nó là những suy nghĩ và hành động rõ ràng và đầy kịch tính. Những xung động bản năng thường được thấy qua những suy nghĩ ám ảnh, trong khi sự dồn nén là kết quả của sự phòng vệ của cái tôi. Hai cơ chế phòng vệ của cái tôi đặc biệt phổ biến trong OCD là: phủ định và tổ chức phản ứng. Sự phủ định bao gồm những hành vi công khai nhằm ngăn cản những hậu quả đáng sợ như: cọ rửa để tránh bị nhiễm bệnh, v.v… Tổ chức phản ứng bao gồm việc chấp nhận những hành vi hoàn toàn đối nghịch với những xung động không thể chấp nhận. Chẳng hạn, người sạch sẽ một cách bị ép buộc có thể che giấu những xung năng tình dục bất thường ẩn đằng sau sự sạch sẽ và ngăn nắp của họ.

AD

Freud coi OCD bắt nguồn từ những khó khăn trong giai đoạn hậu môn trong sự phát triển. Ông ta cho rằng những đứa trẻ trong giai đoạn này đạt được sự thoả mãn thông qua hoạt động đại tiện. Nếu bố mẹ chúng ngăn cấm hay kiềm chế những khoái cảm này từ đầu đến cuối như quá sốt sắng rèn luyện cho chúng ngồi bô thì có thể dẫn tới trạng thái giận dữ và kích động mang tính xung động bản năng biểu lộ qua việc làm bẩn hay các hành vi phá phách khác. Nếu bố mẹ chúng đáp lại những việc này bằng sự ép buộc mạnh hơn, và nếu họ gây khó khăn cho đứa trẻ nhằm cố gắng khuyến khích nó luyện tập đi vệ sinh thì đứa trẻ có thể cảm thấy những hành vi của chúng là đáng xấu hổ và tội lỗi. Vì vậy, sự thoả mãn của cái “nó” bắt đầu đấu tranh sự kiểm soát của cái “tôi”. Nếu cứ tiếp tục như vậy, đứa trẻ có thể bị cắm chốt ở giai đoạn này và phát triển một nhân cách ám ảnh. Những tổn thương trong giai đoạn trưởng thành có thể dẫn tới một sự thoái lui về giai đoạn này nếu như trong suốt quá trình trải qua nó chưa được hoàn thiện.

Freud cho rằng sự hẫng hụt của xung lực libido là nguyên nhân của lo hãi; nhưng ông đã coi kinh nghiệm cá nhân về quá trình sinh đẻ bình thường của con người là hình thức cổ nhất của tất cả các hình thức lo hãi: “Còn về trạng thái xúc cảm mang đặc trưng lo hãi, chúng ta có thể biết nó theo ấn tượng đã lùi xa được tái hiện bằng cách lặp đi lặp lại như thế nào. Đó chỉ có thể là sự sinh đẻ, tức là hành vi trong đó tụ hội tất cả những cảm giác cực nhọc, tất cả những xu hướng giải tỏa và tất cả những cảm giác thân thể mà toàn bộ những cái đó giống như một nguyên mẫu (prototype) của hậu quả do một nguy cơ nghiêm trọng gây ra và từ đó chúng ta đã cảm nhận nhiều lần như trạng thái lo hãi. Chính sự tăng lên rất lớn của sự kích thích, do sự đổi máu bị ngừng lại (tức là việc thở bên trong ngừng lại) gây ra, là nguyên nhân của cảm giác lo hãi: như vậy, sự lo hãi đầu tiên mang bản chất nhiễm độc (nature toxique), Từ lo hãi (tiếng Pháp là angoisse, từ tiếng latin angustiae, sự chật hẹp; Angst trong tiếng Đức) đã nói lên việc khó thở, nghẹt thở như hậu quả của tình huống có thật lúc đó (sinh đẻ) và ngày nay vẫn đều đặn tái hiện trong trạng thái xúc cảm. Chúng ta cũng thấy một điều có ý nghĩa nữa là trạng thái lo hãi đầu tiên này là do sự tách rời giữa mẹ và con gây ra. Tất nhiên chúng ta nghĩ tới thiên hướng lặp đi lặp lại trạng thái lo hãi đầu tiên này, qua vô số thế hệ, đã đưa vào cơ thể đến mức không một người nào có thể thoát khỏi trạng thái xúc cảm ấy, dù rằng giống với nhân vật truyền thuyết Macduff, nó “được lôi ra từ trong bụng mẹ chàng”, nghĩa là được đẻ ra khác với sự sinh đẻ tự nhiên.” [17, Introduction à la psychanalyse, 1916-1917, Payot, p.424].

Không phải tất cả các thuyết tâm lí động thái đều tán thành với Freud, mặc dù tất cả đều nhất trí rằng rối loạn là sự phản ánh cuộc đấu tranh giữa những xung động mang tính xâm kích và những cố gắng trong việc kiểm soát chúng. Những nhà phân tâm học theo lí thuyết của Klein đưa ra giả thuyết rằng hậu quả của trạng thái căng thẳng ở một số người có thể khiến họ mất khả năng nhìn thấy cả cái tốt và cái xấu trong cùng một vật. Đúng hơn là họ coi chúng vừa tốt vừa xấu: vẫn chia ra tốt và xấu song họ không cảm giác được sự phân biệt giữa chúng. OCD tăng lên khi chủ thể tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng những hành vi ám ảnh để chống lại những ý nghĩ “xấu” có thể khiến họ trở thành một người “xấu”. 

            2. Ám ảnh và hành vi

Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người (cụ thể đó là những cảm xúc, ý chí và hành động). Dựa trên quan điểm triết học duy vật thực chứng của Comte (1798 – 1857) quan niệm rằng mọi lập luận phải được xây dựng trên cơ sở những chứng cứ khách quan, quan sát được, những thành tựu của các nhà sinh lý học thần kinh và tâm lý học động vật, John B. Watson (1878 – 1958) – một nhà tâm lý học người Mỹ đã khởi xướng một phương pháp làm việc mới mang tên gọi chung là “tâm lý học hành vi” (behaviorism) – một phương pháp khoa học nghiên cứu hành vi – tức những gì con người khả thi cảm nhận thấy được. Tuyên ngôn của Tâm lý học hành vi, như Watson đã nhấn mạnh: “chúng tôi cần bắt đầu làm việc trong những lĩnh vực tâm lý học và đặt ra mục đích khách quan cho cuộc đấu tranh của chúng tôi không phải là ý thức mà là hành vi.” Theo Watson (thuyết kích thích – phản ứng: S – R), có 4 loại hành vi: hành vi bên ngoài, hành vi bên trong, hành vi tự động minh nhiên và hành vi tự động mặc nhiên. Theo ông, mọi việc con người làm kể cả suy nghĩ đều thuộc một trong bốn loại hành vi này. Nghiên cứu dùng các phương pháp khoa học khách quan, sử dụng phương pháp ghi chép các sự kiện kiểm soát được về quá trình cơ thể, thích nghi với môi trường. [20]

Để lí giải những hành vi của nỗi ám ảnh, theo trường phái hành vi thì mô hình hành vi về OCD dựa trên cơ sở mô hình hai giai đoạn của Mowrer (1947): sự sợ hãi trước những kích thích đặc biệt được hình thành thông qua điều kiện hoá cổ điển được duy trì bởi quá trình điều kiện hoá tạo tác. Điều phân biệt OCD với ám sợ hay rối loạn hoảng sợ là sự lo lắng tăng lên trong những điều kiện mà chủ thể không dễ gì thoát ra được. Kết quả là, sự khổ sở chỉ có thể giảm đi bằng cách chủ thể bắt đầu giấu diếm hoặc công khai những nghi thức ám ảnh hay hành vi ám ảnh, như việc kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần hoặc rửa tay, hoặc lặp lại những chuỗi nhận thức, hành vi được tạo ra nhằm giảm sự lo lắng có liên quan tới những kích thích đặc biệt đó. Những điều này tạo nên sự giải thoát hoặc những hành vi né tránh, và giảm sự lo lắng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng lại duy trì sự lo lắng và hành vi tránh né kéo dài, vì cá nhân không thể biết rằng sẽ không có một sự nguy hiểm nào xảy ra khi họ vắng mặt. Họ cũng luôn cố gắng ngăn chặn sự tiếp xúc ban đầu với kích thích đáng sợ.

Lí giải theo cách tiếp cận nhận thức, hai nhóm lí thuyết về nhận thức riêng biệt đã cố gắng để giải thích những hiện tượng liên quan đến OCD. Các lí thuyết thiếu hụt nhận thức (Reed 1985) đã giả định rằng hành vi ám ảnh là kết quả của sự thiếu năng lực tổng thể trong việc kiểm soát nhận thức, trí nhớ không đầy đủ và các khả năng ra quyết định. Về cách tiếp cận này, Salkovskis và Kirk (1997) đã có ý kiến tranh luận rằng những lí thuyết này chưa chỉ ra một cách đầy đủ những nét đặc trưng của OCD. Đặc biệt họ nhấn mạnh: “Những người bị OCD không có nghĩa là họ có vấn đề về trí nhớ nói chung và về khả năng ra quyết định: vấn đề của họ là các tình huống đặc biệt.” Chẳng hạn họ có thể kiểm tra lại nhiều lần rằng cửa ra vào hay nhà của họ đã được khoá hay chưa, song họ không có vấn đề gì khi khoá cửa chạn bếp cả. Tương tự như vậy, những người bị OCD có thể bị khiếp sợ bởi một thứ đồ ô uế đặc biệt hoặc sợ bị nhiễm bệnh từ một nguồn đặc biệt nào đó. Họ không có vấn đề tổng thể nào trong việc quyết định xem cái gì là sạch và cái gì là bẩn.

Những người bị ám ảnh không có dấu hiệu cho thấy có vấn đề về trí nhớ ngoại trừ khu vực liên quan trực tiếp đến những vấn đề về ám ảnh. Họ kiểm tra nhiều lần vì họ quan tâm đến trí nhớ của họ chứ thực chất không phải bởi bất cứ sự thiếu năng lực nào.

Mô hình riêng của Salkovskis (Salkovskis & Kirk, 1997) là sự phát triển của những mô hình hành vi của OCD. Ông đã đưa ra giả thuyết sự ám ảnh là những nhận thức bị ép buộc mà chủ thể bị thuyết phục, chỉ dẫn rằng họ phải chịu trách nhiệm về việc gây hại cho chính bản thân mình hoặc những người khác nếu như họ không thực hiện một số hành động để ngăn chặn. Niềm tin này dẫn tới một trạng thái sợ hãi hoặc đau khổ mà chủ thể luôn cố gắng làm giảm đi bằng cách khoả lấp những ý nghĩ đó và thực hiện những hành động nhằm giảm trách nhiệm của mình với bất cứ một hậu quả xấu nào. Việc thực hiện những hành động có thể bao gồm hành vi bị cưỡng bức, sự tránh né các tình huống có liên quan tới những ý nghĩ ám ảnh, và tìm kiếm sự đảm bảo an toàn chắc chắn nhằm giảm đi hoặc chia sẻ cho vơi bớt trách nhiệm.[12]

Những nỗ lực làm biến mất những ý nghĩ kia lại có tác dụng ngược lại: những ý nghĩ này lại càng thường xuyên xuất hiện và càng nổi bật hơn. Trong một cuộc thí nghiệm hiện tượng này, Salkovskis và Kirk (1997) đã công bố một loạt những trường hợp nghiên cứu đơn trong đó những người mắc chứng OCD sử dụng nhật ký để ghi lại những ý nghĩ ám ảnh cưỡng bức thường xuyên xảy ra trong một loạt những ngày kế tiếp nhau mà họ cố gắng kìm hãm và không kìm hãm. Người ta đã thấy một sự khác biệt rõ rệt về số lượng những ý nghĩ ám ảnh cưỡng bức trong mỗi giai đoạn của cuộc nghiên cứu: trong những ngày “kìm hãm”, mức độ của những ý nghĩ ép buộc gấp hai lần trong những ngày “không kìm hãm”. Sự né tránh hoặc trốn chạy khỏi tình huống sợ hãi sẽ ngăn chặn việc dập tắt phản ứng lo sợ. Theo đó, cả hai loại nỗ lực ứng phó này có thể khiến cho các ý nghĩ ám ảnh cưỡng bức, những phản ứng xúc cảm tiêu cực và những hành vi bị ép buộc liên tục phát triển theo chiều hướng xấu đi.

Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức thông qua các cách tiếp cận hành vi và nhận thức hành vi, can thiệp dược lí và tiếp cận phẫu thuật. Phương pháp trị liệu hành vi với người bị OCD điển hình bao gồm việc để chủ thể biểu lộ ra bên ngoài và ngăn chặn các phản ứng. ở đây, chủ thể biểu lộ những kích thích gây sợ hãi của mình ra, thường là theo một cách thức đã được phân loại, và sau đó họ được giúp đỡ để ngăn chặn sự né tránh thông qua cách họ sử dụng những nghi thức chạy trốn, đó là: “làm bẩn” những bàn tay và sau đó thì không rửa chúng. Điều này là để dập tắt phản ứng sợ hãi khi họ thấy không có sự liên quan giữa những ý nghĩ về sự nguy hiểm xảy ra với những hậu quả tiêu cực mà họ nghĩ. Cũng có thể luyện cho họ cách thư giãn để ứng phó khi có những rối nhiễu cơ thể ở mức độ cao có liên quan tới những phản ứng sợ hãi. Rất nhiều nghiên cứu lâm sàng sử dụng cách tiếp cận này đạt được thành công nhất định, mặc dù chỉ có dưới 50% số người tham gia vào chương trình trị liệu là thuyên giảm hoàn toàn (Salkovskis và Kirk 1997). Những cách trị liệu hành vi phức tạp hơn được ứng dụng với những người trầm tư hoặc những người không có hành vi nghi thức, việc từ chối trị liệu và từ bỏ giữa chừng cũng khá phổ biến. Theo đó, khi mô hình của sự rối loạn phát triển, thì những chương trình trị liệu cũng phát triển, mà hiện nay, chúng tập trung ngày càng cao vào các yếu tố nhận thức góp phần duy trì rối loạn. Trị liệu nhận thức tập trung vào việc giảm mức độ thường xuyên của các hành vi ám ảnh thấy được (như kiểm tra) hay cả giấu diếm (ví dụ, những nghi thức có nhận thức) bằng cách: hướng dẫn cho những bệnh nhân biết rằng những ý nghĩ ám ảnh thì không liên quan gì tới hành động khác. Cảnh báo sự giải thích về những ý nghĩ ám ảnh – đặc biệt là trong trường hợp không thừa nhận sự hiểu sai về trách nhiệm. Không thừa nhận niềm tin rằng những hậu quả của việc không thực hiện những hành vi an toàn sẽ rất thảm khốc.

Cách tiếp cận nhận thức vẫn bao gồm đối mặt với những kích thích gây sợ hãi và ngăn chặn phản ứng. Tuy nhiên, quy trình này được tăng cường bởi một loạt những chiến lược về nhận thức gồm sự bác bỏ những ý nghĩ không phù hợp, những thử nghiệm về tinh thần, sự kiểm tra các hành vi giả định và ngừng suy nghĩ. Thử nghiệm về tinh thần cho phép chủ thể kiểm tra tính có căn cứ của những chờ đợi của họ, đặc biệt là tập trung vào mối đe doạ có liên quan tới những ý nghĩ của họ. Đối với một số người sợ những suy nghĩ của họ có thể giết chết một ai đó thì nên khuyến khích họ có thể kiểm tra tính thực tế của băn khoăn này bằng một cuộc thực nghiệm tinh thần, trong đó các nhà trị liệu rồi thân chủ kiểm tra giả định tương tự – hãy để chúng ta hi vọng mà không có bất kì một kết quả xấu nào! Ngừng suy nghĩ là sự trái ngược của việc thử thách nhận thức. Trong kĩ thuật này, thân chủ được học cách làm giảm những ý nghĩ của mình hơn là thách thức lại nội dung của những suy nghĩ đó. Luyện tập cách ngừng suy nghĩ gồm một chuỗi liên liếp các bước thực hiện. Trước tiên, thân chủ sẽ thư giãn trong một chiếc ghế êm ái, dễ chịu và được yêu cầu nghĩ về những ý nghĩ mà họ muốn xoá bỏ. Khi những ý nghĩ đó bắt đầu, nhà trị liệu sẽ ngắt chuỗi suy nghĩ này bằng cách làm khách hàng giật mình thoát ra khỏi chúng (nhà trị liệu nói to “Ngừng lại!” và tạo ra nhiều tiếng ồn). Vào lúc này, thân chủ được yêu cầu tập trung vào một tưởng tượng hoặc một suy nghĩ được chuẩn bị trước, thông thường chúng khác với những suy nghĩ và tưởng tượng ban đầu của họ. Bước này là để nhắc lại, dần dần giảm cường độ của những kích thích bên ngoài và sau đó làm chúng trở thành những tín hiệu bên trong mà việc suy nghĩ từ “dừng lại!” gắn với một quá trình chuyển đổi từ những ý nghĩ hoảng sợ tới một suy nghĩ hoặc tưởng tượng khác. Kết quả là có thể làm giảm đi những ý nghĩ đó bởi theo như cơ chế của phản ứng có điều kiện cổ điển: thân chủ có thể gợi ra phản ứng đó khi họ cảm thấy bị lấn áp bởi chính những ý nghĩ gây lo lắng của mình.

ad

Sự so sánh giữa cách tiếp cận hành vi cách tiếp cận nhận thức đã không thống nhất được cách nào tốt hơn; thực tế, cũng có một nghiên cứu tìm ra rằng phương pháp trị liệu nhận thức ít có hiệu quả hơn so với trị liệu hành vi. McLean và cs. (2001) đã so sánh hiệu quả của can thiệp thuần tuý về hành vi (bộc lộ ra bên ngoài và ngăn chặn phản ứng) với can thiệp nhận thức bao gồm cả việc thử thách những ý nghĩ nhận thức để chống lại rối loạn, nhấn mạnh sự thổi phồng trách nhiệm, đánh giá quá mức mối đe doạ, và tính không dung nạp của những điều không rõ ràng. Các nhà nghiên cứu đã xác định tiêu chuẩn phục hồi lâm sàng là: có bằng chứng giảm sút “đáng tin cậy” những triệu chứng và “trạng thái hoạt động không bình thường”. Sử dụng tiêu chuẩn này, 16% những người tham gia vào nhóm trị liệu nhận thức và 18% trong nhóm trị liệu hành vi đã lần lượt có những sự phục hồi quan trọng đáng kể vào cuối đợt trị liệu. Trong ba tháng tiếp sau đó, con số bình phục lần lượt là 13% và 45%.

Thật không may, phương pháp trị liệu nhận thức được sử dụng trong cuộc nghiên cứu không tối ưu cho lắm. Trong chương trình trị liệu hành vi, những người tham gia đã phải đối mặt với những kích thích gây sợ hãi của họ rất nhiều lần với sự có mặt của những nhà trị liệu. Những kích thích này còn lưu lại trong trí não của họ mà không hề có phản ứng hành vi an toàn nào, tạo điều kiện để dễ dàng dập tắt những phản ứng lo sợ của họ cho đến khi những lo lắng của họ giảm đáng kể (và điều này có thể làm thay đổi nhận thức: Trong trị liệu nhận thức, những người tham gia cũng phải đối mặt với những kích thích sợ hãi chỉ đơn giản là để thực hành những kỹ năng về nhận thức của họ. Họ không bị ám ảnh mãi bởi những kích thích sợ hãi đó cho đến khi nỗi lo sợ của họ giảm đi. Họ có thể bỏ qua sự có mặt của những kích thích sợ hãi trong khi vẫn còn lo lắng cao độ. Quy trình này có thể vì thế mà còn duy trì hoặc thậm chí làm trầm trọng thêm những hành vi ám ảnh, làm tăng thêm mức độ lo lắng ban đầu của họ. Sự thất bại sau đó của cách tiếp cận nhận thức là điều không đáng ngạc nhiên.

Cottraux và cs. (2001) thì lại thấy không có sự khác nhau rõ rệt nào giữa trị liệu nhận thức và trị liệu hành vi khi sử dụng phương pháp trị liệu nhận thức theo cách thách thức những sự thừa nhận là cơ sở của hành vi ám ảnh chứ không sử dụng kĩ thuật đối mặt và ngăn chặn phản ứng. Cuối cùng, Van Oppen và cs.(1995) đã tìm ra rằng trị liệu nhận thức kết hợp với kĩ thuật đối mặt và ngăn chặn phản ứng là dạng có ưu thế hơn cả trị liệu hành vi. Và dường như can thiệp thuần tuý nhận thức không có sự đối mặt/ngăn chặn cũng kém hiệu quả hơn so với đơn thuần là đối mặt/ ngăn chặn phản ứng. Tuy nhiên sự kết hợp cả hai cách tiếp cận có thể có hiệu quả hơn. Quan điểm này được giữ vững với khẳng định của Teasdale rằng thay đổi nhận thức qua các buổi trị liệu mới chỉ mang tính tạm thời. Chỉ khi thay đổi được diễn ra ở cấp độ hành vi thì những nhận thức thay đổi mới bắt đầu thâm nhập đầy đủ vào trong sơ đồ nhận thức của chủ thể. Điều trị bằng can thiệp dược lí, cho tới khi có SSRIs, người ta vẫn thường sử dụng clomipramine, một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng để trị liệu OCD. Tuy nhiên hiệu quả của nó còn phụ thuộc tuỳ từng trạng thái cảm xúc. Ví dụ, Nhóm hợp tác nghiên cứu Clomipramine (1991) đã thấy tỉ lệ giảm các triệu chứng OCD sau khi trị liệu bằng clomipramine là 40%, so với 5% nhóm dùng placebo. Người ta cũng so sánh hiệu quả trực tiếp của clomipramine và SSRIs và thấy rằng tác dụcg của chúng ngang nhau, mức độ tác dụng phụ cũng giống nhau(Freeman và cs. 1994). Hầu hết bệnh nhân đều tái phát sau khi ngừng trị liệu sớm, và có thể phải mất rất nhiều tháng để có thể đạt được mức độ đáp ứng cao nhất. Pato và cs. (1988) đã cho biết 16 trong số 18 người trị liệu bằng clomipramine đã tái phát trong vòng 7 tuần sau khi ngừng sử dụng thuốc, mặc dù vài người trong số họ đã từng sử dụng thuốc trước đó hơn 1 năm.

Đối với cách điều trị bằng tiếp cận phẫu thuật, Điều trị OCD bằng cách này nói chung chỉ sử dụng khi vấn đề rất trầm trọng mà các cách tiếp cận khác đều không hiệu quả. Quy trình phẫu thuật phổ biến nhất cho chúng ta là phẫu thuật lập thể cắt đường dẫn truyền dưới nhân đuôi. Nó cũng có một số kết quả đối với một số bệnh nhân nhất định. Chẳng hạn, Jenike và cs. (1991) nhận thấy có 25-30% các ca trị liệu có những tiến bộ đáng kể sau khi phẫu thuật.

Tuy nhiên, 9% số họ lâm vào động kinh, 10% chuyển sang tự sát. Tuy vậy cũng chưa thể xác định được liệu đây là kết quả của sự thay đổi tâm trạng do phẫu thuật, thất vọng do trị liệu không có kết quả, hoặc cũng có thể ý tưởng tự sát đã có từ trước. Một trong số không nhiều nghiên cứu tương tự sử dụng các nhóm đối chứng để đánh giá phương pháp trị liệu OCD bằng phẫu thuật là của Tan và cs. (1971). Các tác giả đã đánh giá hiệu quả của phẫu thuật chất trắng 2 bên. (Phẫu thuật này hiện nay không sử dụng nữa do những tác dụng xấu của nó rất lớn). Năm năm sau, 50% số bệnh nhân phẫu thuật được đánh giá là có cải thiện rất đáng kể về những triệu chứng ám ảnh so với nhóm trị liệu thuốc là 23%. Về mức độ lo âu đo được thì tỉ lệ tương ứng của hai nhóm là 89% với nhóm phẫu thuật và 63% với nhóm trị liệu thuốc. Đây cũng là một trong số ít nghiên cứu về hậu quả kéo dài của phẫu thuật tâm thần trong OCD. Bằng cách nào mà phẫu thuật tâm thần đạt được hiệu quả của nó đến nay vẫn chưa được rõ ràng, dù vậy giả thuyết hợp lí nhất vẫn là sự chia cắt sự liên hệ giữa vùng trán trên ổ mắt và vùng đồi thị, làm giảm dần hoạt động của vòng này và loại bỏ được các triệu chứng OCD.

       3. Ám ảnh và nhân cách

Nhân cách là nói về con người có tư cách là một thành viên của xã hội nhất định; là chủ thể của các mối quan hệ, của giao tiếp và của hoạt động có ý thức; là toàn bộ những đặc điểm, phẩm chất tâm lý của cá nhân qui định giá trị xã hội và hành vi xã hội của người đó [19]. Những suy nghĩ ám ảnh trong một con người góp phần hình thành nhân cách của họ. Những nỗi ám ảnh ấy được gọi là Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, tên tiếng anh viết tắt là OCPD (Obsessive Compulsive Personality Disorder). Đây là một trạng thái không bình thường của nhân cách, có đặc tính là sự quan tâm quá mức tới những chi tiết, quy tắc, sắp xếp trật tự và hoàn hảo. Mặt khác lại rất sợ phạm sai lầm, hay nghiền ngẫm và thích lý luận suông, hệ quả là không dám làm và hay lưỡng lự. Về cảm xúc thường đè nén, trở ngại trong giao tiếp, thiếu khôi hài, cởi mở. Khi thương lượng với người khác thường cứng nhắc . Đây là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn nhân cách. Rối loạn nhân cách (Personality disorders) là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng. Khái niệm về rối loạn nhân cách là một khái niệm tiến triển và thay đổi theo sự phát triển của ngành tâm thần. J.Reich cũng như Kaplan đều đưa ra các con số là từ 6 tới 11,1% dân số có vấn đề về rối loạn nhân cách. Rối loạn nhân cách là chẩn đoán có thể gây tranh cãi, căn bệnh tác động lên hầu hết thái độ và hành vi của người mắc. Vấn đề thường gặp phải là sự cản trở trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội. Hiện nay vẫn chưa thống nhất nguyên nhân và cách điều trị. Tên gọi đã bao hàm căn nguyên của bệnh nảy sinh từ tính cách. Trên thực tế họ có hành vi và cảm xúc khác bình thường. Nhưng thế nào thì được coi là bình thường, dĩ nhiên nó thay đổi từ nền văn hoá này sang nền văn hóa khác và chẩn đoán cần phải căn cứ trong bối cảnh cụ thể của luật pháp, nghĩa vụ và sự mong chờ của một cộng đồng cụ thể. Có rất nhiều dạng rối loạn nhân cách nhưng chúng đều có đặc điểm chung sau: phần lớn những hành vi thể hiện sự rối loạn nhân cách xuất hiện trong thời kỳ cuối thời thơ ấu hoặc thanh niên và sẽ tiếp tục xuất hiện khi trưởng thành. Rối loạn nhân cách ở trẻ em hay vị thành niên đôi khi được mô tả như là hạnh kiểm kém. Nhưng không phải bất cứ đứa trẻ nào có hạnh kiểm kém đều nhất thiết dẫn đến rối loạn nhân cách khi trưởng thành sau này. Người rối loạn nhân cách có thái độ và hành vi là nguyên nhân gây ra những vấn đề lớn cho chính bản thân họ và người khác. Ví dụ như cách họ nhìn cuộc sống, cách họ nghĩ, quan hệ với người khác, làm việc. Người được chẩn đoán rối loạn nhân cách có thể không có tính mềm dẻo trong cư xử.

Tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM (sổ tay hướng dẫn chẩn đoán bệnh tâm thần của Mỹ) hướng đến hành vi hoặc đặc điểm tính cách kéo dài từ thời ấu thơ đến thời điểm hiện tại. Rối loạn nhân cách được mô tả như là tập hợp các hành vi là nguyên nhân gây ra sự suy giảm lớn về chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc gây ra cảm giác đau buồn chủ quan. Rối loạn nhân cách là một dạng bất biến của quá trình sống và cư xử đi lệch ra ngoài nền văn hóa tương quan với người đó, có tính chi phối và cứng nhắc, thường xuất hiện vào đầu tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, hằng định với thời gian và là nguồn gốc gây đau khổ hoặc sút giảm chức năng. Theo hệ thống DSM có 3 nhóm rối loạn nhân cách [18]. Nhóm A (Kỳ quái/lập dị) gồm Rối loạn nhân cách hoang tưởng, Rối loạn nhân cách phân liệt. Nhóm B (Kịch tính/nhiều cảm xúc/bất định) gồm: Rối loạn nhân cách không ổn định; Rối loạn nhân cách kịch tính; Rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội có biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật, không quá ngạc nhiên khi các nghiên cứu chỉ ra rằng căn bệnh này có tỷ lệ cao ở tù nhân (những người thường có hành vi bạo lực), tương tự như vậy người lạm dụng rượu và các chất gây nghiện cũng được ghi nhận là có khả năng mắc cao hơn cộng đồng. Và Rối loạn nhân cách ái kỷ, có biểu hiện qua ảo tưởng và hành vi tự cao tự đại, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, tham vọng thành công chói sáng trong mọi lãnh vực và thiếu sự đồng cảm với người khác.[18]

Nhóm C (Lo âu) gồm Rối loạn nhân cách trực thuộc, Rối loạn nhân cách tránh né: có đặc điểm chung là sự ức chế về mặt xã hội, tự đánh giá thấp bản thân và rất nhạy cảm đối với phán xét không thuận lợi của người khác đối với mình. Đối với một số tác giả căn bệnh này là một kiểu ám ảnh sợ xã hội lan tỏa. Người bệnh nghèo nàn trong các mối quan hệ, họ thường chỉ có vài người bạn, ít tham gia vào các hoạt động chung. Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: có đặc tính là sự quan tâm quá mức tới những chi tiết, quy tắc, sắp xếp trật tự và hoàn hảo. Mặt khác lại rất sợ phạm sai lầm, nghiền ngẫm và lý luận suông, hệ quả là không dám làm và hay lưỡng lự. Về cảm xúc thường đè nén, trở ngại trong giao tiếp, thiếu khôi hài, cởi mở và khi thương lượng với người khác thường cứng nhắc.[18]

Người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế phần nào hiểu rõ tính chất vô ích của ám ảnh. Chính họ cũng công nhận ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế của họ là phi lý (80% người bị OCD cho ám ảnh của mình là vô lý). Nhưng phần lớn họ không có nhận định chắc chắn về sự sợ hãi của mình hoặc thậm chí có niềm tin mạnh mẽ rằng những hành vi đó là phù hợp.

Những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế phải đấu tranh rất quyết liệt để xua những ý nghĩ không mong muốn và hành vi cưỡng chế. Rất nhiều người có thể ngăn các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế xuất hiện trong nhiều giờ khi họ ở trong lớp học hay ở nơi làm việc. Nhưng qua thời gian đó sự kháng cự yếu đi và họ bị chi phối bởi hành vi ám ảnh mang tính chất lễ nghi rất mạnh, nó ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của bệnh nhân và đôi khi khiến họ khó có thể ở một nơi nào đó ngoài căn nhà của mình. Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế kéo dài trong vài năm thậm chí hàng chục năm. Các triệu chứng có thể giảm độ khốc liệt theo thời gian và đạt độ ổn định lâu dài ở dạng nhẹ nhưng đối với phần lớn người bệnh các triệu chứng là mãn tính.

Về tính cách, những người có tính cách cầu toàn dễ bị mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (và nhiều rối loạn tâm thần khác). Tuy nhiên, không được nhầm lẫn sự khác biệt cơ bản giữa họ bởi vì không phải người cầu toàn nào cũng bị bệnh này, với những người luôn mong trở thành hoàn hảo sự khác biệt là ở chỗ hành vi mang tính ép buộc thường phục vụ một mục đích có giá trị như là thành công trong công việc, nó khác với nhứng ám ảnh và các hành vi mang tính chất nghi lễ của người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường không đem lại lợi ích thực tế.

  • Ám ảnh của Gatsby

AD

Gatsby là một trong những nhân vật mở đầu cho kiểu nhân vật thuộc “thế hệ mất mát” trong văn học Hoa Kỳ và Châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Là nhân vật mâng trong mình tâm tư của Fitzgerald về nước Mỹ thế kỉ XX. Ngay ở chương đầu, người kể chuyện – Nick, đã nhận xét: “Gatsby là người đại diện cho mọi thứ mà anh khinh bỉ. Nếu như bản tính con người là những chuỗi thể hiện thành công liên tục của họ, như thế thì anh ta quả thật là tốt đẹp. Với những nhạy cảm cao độ có thể cảm nhận được tương lai, anh ta giống những bộ máy phức tạp có thể ghi nhận được những trận động đất cách sâu cả vạn dặm. Phản ứng nhạy cảm này của anh không liên quan gì tới cái khả năng nhạy cảm yếu đuối ủy mị đáng kính trọng dưới cái từ “tính khí sáng tạo”. Nó chỉ là một năng khiếu về sự hy vọng hiếm có, một tư thế sẵn sàng đầy tính lãng mạn mà tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ ai và cũng có thể sẽ không bao giờ tìm được. Kết cục Gatsby lại là người tốt, chính cái đã dày vò ám ảnh Gatsby, chính cái lớp bụi bẩn thỉu bay lơ lửng bên trên giấc mơ vừa tỉnh giấc của anh đã tạm thời khép lại sự quan tâm hứng thú của tôi về những nỗi đau buồn và những niềm vui ngắn ngủi của con người “. Với nhận xét mở đầu như lời tổng kết ấy đã mang đến cho người đọc tò mò về một nhân vật đặc biệt mà Fitzgerald cố công dựng. Trong bối cảnh xã hội đương thời, Gatsby đã bị xâu xé bởi những thứ được gọi là “đám bụi nhơ bẩn độc hại” và những giấc mơ nơi Gatsby cũng bị giằng nát, tan vỡ lần. Ở Gatsby tồn tại nỗi ám ảnh bởi chính đời sống tinh thần của bản thân về tình yêu, ám ảnh đời sống vật chất hào nhoáng giàu sang của xã hội. Với khả năng nhạy bén, tư duy thức tỉnh lãng mạng đã dẫn tới nỗi ám ảnh sâu sắc hơn ở Gatsby đó là sự vỡ mộng vào tình yêu và giấc mơ xây dựng nước Mỹ giàu sang. Nỗi ám ảnh ấy như là một bóng ma theo đuổi Gatsby qua những suy nghĩ ngộ nghĩnh, được đăng trên Guardian, của cô bé 6 tuổi: “Con nghĩ cuốn sách này kể về một công viên chủ đề bị ám và nó phù phép lên một chàng trai và anh ấy thì vừa là người tốt vừa là người xấu. Và anh ta cố gắng thoát ra khỏi các hồn ma. Con nghĩ là đến cuối truyện, vì bị ma ám nên anh ta đã cố gắng đốt cháy công viên này”.

Trần Thị Kim Thương

Gatsby vĩ đại (The great Gatsby)

Francis Scott Fitzgerald và tác phẩm Gatsby vĩ đại

Vấn đề ám ảnh trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – yếu tố của đời sống tinh thần trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – những biểu hiện vật chất trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Sự vỡ mộng về tình yêu trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Vỡ mộng về giấc mơ Mỹ trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald