Như đã giới thiệu ở phần bối cảnh, nước Mỹ thế kỉ XX có nhiều biến động. Đây có thể nói là thế kỉ phồn thịnh về vật chất và thứ vật chất đó đã gây cho con người nỗi ám ảnh sâu sắc. Biểu hiện của sự phồn thịnh về vật chất được thể hiện rõ trong tác phẩm Gatsby vĩ đại. Gatsby vĩ đại là âm hưởng châm biếm của nhà văn giễu nhại để phản ánh những âm thanh hỗn loạn xô bồ của xã hội với những con người mà giọng nói chứa đầy tiền bạc. Thành ra ở nơi ấy, “Gatsby là một nhân vật của một truyện hoang đường lạc vào một cuốn tiểu thuyết, một thanh niên điển hình ở dưới tỉnh lên mà muốn trở thành ông thị trưởng, và muốn đánh thức Hằng Nga ngủ trong rừng bằng một cái hôn” (Charles E. Shain, Những bậc thầy văn chương thế giới, NXB Lao động 2006) [9, trang 2].

Ngay mở đầu tiểu thuyết Gatsby vĩ đại, chúng ta đã bắt gặp hình ảnh của một nước Mỹ sung túc, giàu sang nhìn toàn xe hơi, biệt thự, những người giới thượng lưu ra vào tấp nập với vẻ hoà hoa phong nhã chìm đắm trong tiệc tùng. Sự giàu có hiện lên trong cách miêu tả của nhân vật Nick về kiến trúc tòa lâu đài của Gatsby được xây dựng công kĩ: “Căn nhà bên phải của tôi là một tòa nhà kiến trúc khổng lồ nếu so sánh từ bất cứ phương diện nào. Nó được xây dựng dựa theo kiến trúc của một tòa thị sảnh nào đó ở Normandy bên Pháp. Tòa nhà còn mới nguyên núp dưới hàng dây thường xuân lưa thưa, nó bao gồm một ngọn tháp xây ở bên hông, một hồ bơi bằng đá hoa cương, cùng hơn bốn mươi mẫu cây cỏ vườn tược”. Và ngôi nhà của vợ chồng Tom Buchanan cũng chẳng kém cạnh gì: “Tòa nhà của họ ở được xây quá công phu và cầu kỳ hơn tôi tưởng. Nó là một dinh thự kiến trúc theo kiểu thời thuộc địa Georgian, sơn hai màu trắng đỏ vui mắt, hướng mặt nhìn ra khắp vùng vịnh. Thảm cỏ dài gần một phần tư dặm, bắt đầu từ ngoài biển trải dài vào tận đến cửa trước, nhẩy cắt qua những đồng hồ mặt trời, những lối đi lát gạch, những khu vườn rực rỡ, cuối cùng khi đến tới tòa nhà thì làm như đang trên đà chạy, nó trườn lên bên hông biến thành những dây leo rực rỡ. Mặt tiền tòa nhà được gắn một hàng những cánh cửa sổ kính cao rộng. Những cánh cửa màu vàng ròng này giờ đang chói sáng vì nắng phản chiếu và đang được mở rộng để chào đón buổi chiều lộng gió nóng”. Sự giàu có còn biểu hiện ở cách chi tiêu của con người trong xã hội với: thành phố New York tạo cái cảm giác gấp gáp mạo hiểm về đêm và sự thỏa mãn khi nhìn những nét lung linh chập chờn liên tục từ dáng những người nam, người nữ và xe cộ đang hiện ra trước mặt. Những chiếc xe taxi đang đậu chờ đợi, những giọng nói reo vui, những tiếng cười từ những câu nói đùa không nghe rõ, những đốm lửa trên đầu thuốc lá phác họa thành điểm nổi bật, đường tối đen của đường Forties chen chúc năm hàng xe taxi chật ních khách nối đưôi nhau hướng về khu nhà hát… Trong cái tranh tối tranh sáng như có bùa mê của đô thành tráng lệ, đôi khi con người bị nỗi cô đơn ám ảnh. Gatsby cô đơn trong những bữa tiệc linh đình mà anh đã tạo ra, khách đến và đi, không ai biết đến anh, có chăng chỉ là những câu chào hỏi mang tính xã giao. Một nỗi cô đơn ám ảnh, cảm nhận nó được từ những người khác: từ những anh nhân viên văn phòng trẻ tuổi nghèo nàn đứng lảng vảng trước những cửa sổ để đợi tới giờ được vào trong quán ăn bữa chiều yên tịnh, hay từ những người thư ký trẻ thơ thẩn trong bóng tối nhá nhem, bỏ lãng phí đi những giây phút chua cay nhất của đêm đen và đời người.

Fitzgerald với tài năng xây dựng các hình ảnh đối lập nhau đã làm hiện lên sự phù phiếm giả dối, vô nghĩa của nhiều con người và trong khi ai đó bay bổng với những ảo tưởng lãng mạn thì vẫn có nhiều người phải ngụp lặn trong bụi đời khổ ải. Sự tương phản ấy có thể thấy từ hai vùng đất hình quả trứng ở Long Island. Có một sự “tương phản kỳ quặc và khá bi thảm giữa hai nơi”: toà nhà đồ sộ giá cho thuê mười hai đến năm nghìn đô cho một lần nghỉ mát của Gatsby, biệt thự lộng lẫy của vợ chồng Daisy và căn nhà của Nick tám mươi đô một tháng. Anh chàng Nick đã khá hài hước khi tự nhủ: “được cái an ủi là sống cạnh những bậc triệu phú”. Một khu giàu có kinh khủng, đặc biệt hơn nữa là sự xuất hiện của Gatsby cùng những bữa dạ tiệc linh đình ở căn nhà khổng lồ của anh ta như là minh chứng cho sự xa hoa không thể tả sau khi Gatsby giàu có. Trong khi đó đối lập một cách xa lạ là thung lũng tro bụi trên con đường đi đến New York: “cả một vùng thung lũng này bị chìm ngập dưới một lớp bụi dầy xám như tro, trông chẳng khác nào một trang trại quái đản, nơi tro mọc lên như lúa mì, thành gò, thành đống, thành những vườn tược kỳ quái, nơi tro mang hình những ngôi nhà, những ống khói lò sưởi và cả làn khói toả ra từ những ống khói ấy, và cuối cùng với một cố gắng vượt bậc, nó mang hình những con người xám ngoét lờ mờ di dộng hoặc chỉ chực khuỵu ngã trong một bầu không khí mù mịt”. Vùng đất đựng đầy tro hỏa táng với những đám mây hình thù kỳ dị, những con người nhợt nhạt, chìm trong tro bụi, hình ảnh cửa hiệu sửa xe nghèo nàn xơ xác của Wilson và cái vẻ nhu nhược, xanh rớt, yếu đuối của anh ta tương phản rõ rệt với những ngôi biệt thự lộng lẫy, những chiếc Roll Roice được dùng như xe buýt đưa đón khách đến dự tiệc suốt ngày đêm, đèn đuốc sáng trưng, âm thanh rộn rã, và bao quý ông quý bà sang trọng, khoẻ mạnh. Một gã Tom ba mươi tuổi, lực lưỡng, ngạo mạn và hung hăng “Đôi mắt long lên xấc xược áp đảo cả khuôn mặt … hai bắp chân Tom nhét chật căng đôi ủng bóng loáng đến mức gần làm đứt tung cả dây buộc, và có thể nhìn thấy những bắp thịt cuồn cuộn nổi lên từng múi mỗi khi Tom cử động đôi vai dưới chiếc áo vét tông mỏng. Đây là một cơ thể có sức khoẻ ghê gớm, một tấm thân tàn bạo”. Một Daisy, Baker xinh đẹp, nhàn hạ, sung sướng đến nỗi cảm thấy vô vị, không biết phải làm gì cho hết thời gian, không biết phải nói chuyện về cái gì nên chú ý cái mũi của người hầu phòng.

Sự phù phiếm của thứ vật chất bao quanh cuộc sống của con người Mỹ phần nào chân thật hơn trong lòng độc giả khi mà Fitzgerald cố ý để cho Nick – người chứng kiến kể lại. Bằng cách để cho nhân vật Nick ở phía bên bờ Tây chứ không phải bờ Đông, sống trong một căn nhà thuê nhỏ liền kề với biệt thự của Gatsby, trả tám mươi đô la một tháng, chứ không phải là ba ngàn hay bốn ngàn đô la mỗi tháng như các ngôi nhà xung quanh anh ta thuê. Chi tiết này ngay lập tức làm độc giả thấy sự khác biệt giữa “có” và “không có”. Mặc dù cả hai phía đều có biệt thự đẹp: Đông trứng là nơi những người thượng lưu giàu có từ nhiều thế hệ, Tây trứng cũng có những người mới phất lên gần đây nhưng cũng đủ gợi một ẩn dụ về sự nhạy cảm của người dân về phân biệt sự giàu có của hai thế hệ mới và cũ, giữa người giàu có và không giàu có. Những giá trị đạo đức cũng dần vỡ tan trong xã hội thực dụng, tôn thờ vật chất đó.

Có thể nói, xã hội Mỹ lúc đương thời bị chi phối bởi đồng tiền và con người trong xã hội đó là nô lệ của vật chất – mà cụ thể là đồng tiền. Khi đến nhà của Daisy, chứng kiến nơi cô ở rất đỗi diễm lệ, xa hoa và nếu Gatsby muốn được gần cô thì phải ở vào khung cảnh đó, phải là một trong số những người thượng lưu đó. Gatsby hoà mình vào dòng người chìm đắm trong vẻ hào nhoáng của vật chất, anh ta cũng lao vào làm bất kì cách nào để làm giàu. Gatsby lao vào làm ăn phi pháp, anh bắt tay với Wolfshiem – một tay cờ bạc để làm giàu. Ba năm sau Gatsby phất lên nhanh chóng, anh mua một ngôi biệt thự nguy nga tráng lệ và mở nhiều bữa tiệc thâu đêm suốt sáng khiến nhiều người hoài nghi về tài sản cũng như thân thế của anh. Có người bảo Gatsby “từng là kẻ giết người”, “người ta nói anh ta là cháu trai hay anh em họ gì đó của hoàng đế Đức Willhelm. Tất cả tiền của anh ta từ đó mà ra cả”… Và vẫn có lời đồn lãng mạng về Gatsby rằng: “ngay cả những kẻ đã chán chẳng buồn thì thào gì mấy về cõi thế gian này cũng vẫn phải thì thào về anh ta”. Sau này, khi Gatsby tiết lộ cho Nick về việc từ một thân phận khác anh đã cố gắng để giàu lên, để hoà chung vào sự giàu sang của thời đại đã cho chúng ta thấy được vật chất đã ảnh hưởng rất sâu vào tâm tưởng và nó đã trở thành nỗi ám ảnh của Gatsby.

Sự giàu có còn biểu hiện ở cách chi tiêu của các nhân vật trong tác phẩm Gatsby vĩ đại. Qua nhận xét Nick, gia đình của Tom vô cùng giàu có và “ngay từ lúc còn học đại học, cách thức Tom tự do tiêu xài tiền bạc đã gây nên bao chỉ trích phê bình. Bây giờ tuy Tom đã rời Chicago để về sống ở miền Đông, cách sống của anh vẫn làm người ta nín thở, thí dụ như cách anh ta đã đem theo từ Lake Forest đến đây nguyên cả một bầy ngựa chơi polo. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng một thanh niên trẻ sanh cùng thế hệ như tôi mà đã giàu có đến độ tiêu xài cỡ đó.” Còn với Gatsby, biểu hiện thế giới vật chất ở cách tổ chức các buổi tiệc.

AD

Gatsby bằng nghị lực của bản thân đã xây dựng được một xã hội Mỹ thu nhỏ với âm thanh hỗn độn, hình người ngả nghiêng trong các buổi dạ tiệc linh đình: sự ồn ào, đông khách khứa, ngập tràn thức ăn, bia rượu, các trò chơi ùa ra từ các cửa sổ, cửa lớn của toà nhà. Fitzgerald luôn luôn để cho các nhân vật của mình sống trong cảnh xa hoa phù phiếm của đám đông khách khứa tiệc tùng. Ở chương ba, trong những tháng mùa hè, Gatsby được biết đến bởi sự xa hoa của những bữa tiệc và sự hào phóng. Nick nhận xét: “Từ nhà hàng xóm của tôi, tiếng nhạc vang vọng không lúc nào ngơi suốt những đêm hè. Trong khu vườn màu thiên thanh của Gatsby, nam nữ dập dìu đến và đi như loài bướm đêm, giữa những tiếng cười nói thì thầm, giữa những ly rượu sâm banh và giữa những vì tinh tú trên trời”. “Những người khách của Gatsby chơi nhảy phóng nước từ miếng ván bè, hay nằm phơi nắng trên bãi cát nóng ngoài bãi biển phía sau nhà, trong khi hai chiếc xuồng máy rẽ sóng ngoài mặt vịnh kéo theo những miếng ván trượt nước lướt qua những khối bọt nước tung tóe. Vào những ngày cuối tuần, chiếc xe Rolls Royce của Gatsby biến thành một chiếc xe buýt nhỏ đưa khách đến và đi từ thành phố suốt từ chín giờ sáng tới quá nửa đêm, trong khi chiếc xe hơi có khoang chở hàng của anh thì như con bọ vàng chạy vút nhanh qua lại sân ga đón những chuyến tàu. Sang đến mỗi thứ Hai, tám gia nhân, cộng thêm người làm vườn, lại trang bị giẻ lau, bàn chải, búa và kéo cắt cây, vất vả làm việc cả ngày sửa chữa những gì đã bị tàn phá từ đêm hôm trước”.

Buổi tiệc được chuẩn bị rất công phu như để xứng với địa vị những người khách của nó: “Mỗi thứ Sáu, năm kiện cam và chanh được gửi đến từ một cửa hàng bán hoa quả ở New York. Rồi sang mỗi thứ Hai sau đó, những trái cam và chanh này lại được đưa ra từ cửa sau nhà Gatsby theo từng đống cao, trái nào cũng đã được cắt nửa, vắt hết nước chỉ còn vỏ. Ở trong bếp có một máy vắt trái cây, chỉ cần người quản gia bấm vào cái nút nhỏ xíu chừng hai chục lần thì nó có thể vắt hai trăm trái cam trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Ít nhất hai tuần một lần, một đoàn người từ công ty phục vụ ẩm thực lại kéo đến với mấy trăm thước vải bạt và rất nhiều đèn màu trang trí, đủ để biến nguyên khu vườn khổng lồ của Gatsby thành cây noel. Trên những chiếc bàn để đồ ăn tự chọn, các món ăn được bày biện ê hề, nào là những món khai vị óng ả, nào là thịt giăm bông nướng gia vị nằm chen giữa những lá rau xà lách xếp lớp đủ màu, nào là những miếng xúc xích cuộn bánh bột phồng, nào những con gà tây như bị ma thuật nướng thành vàng nghệ. Ở trong tòa đại sảnh, một quầy rượu được dựng lên với giá đựng bằng đồng chứa đầy những loại như rượu trắng, rượu cất và rượu khai vị”. Dàn nhạc cũng được chuẩn bị chu đáo: “Không phải là loại dàn nhạc chỉ có năm nhạc cụ, nhưng là loại có cả một dàn obe, trombone, saxophone, viol, cornet, piccolos, trống cao, trống thấp.”, “Xe hơi đến từ NewYork đậu năm dãy dài trong sân”. Những người khách đến rất đông nhưng Gatsby với sụ hào phóng của mình, cung cấp cho các vị khách ấy rất chu đáo từ khâu ăn uống, giải trí, xe cộ… tất cả đều rất sang trọng và đến mức dư thừa: “Trong những hành lang, phòng tiếp khách và hiên nhà, nơi nào cũng tràn đầy màu sắc, những kiểu tóc bới chải theo nhiều kiểu lạ khác nhau và những khăn choàng Castile nằm mơ cũng không thấy. Quầy rượu vô cùng bận rộn, những khay cocktail được đưa ra tràn đầy khu vườn bên ngoài, hết đợt này đến đợt kia cho đến khi không khí bừng sống lên với tiếng nói huyên thuyên, với tiếng cười đùa náo nhiệt, với những câu nói bóng gió vô tình, với những lời giới thiệu vừa mới nói xong đã bị quên ngay tại chỗ, và với những gặp gỡ sôi nổi nhiệt tình của những phụ nữ chưa bao giờ biết tên nhau”. Thông qua tiệc tùng linh đình, Fitzgerald đã tái hiện thành công sự phồn thịnh về vật chất của nước Mỹ những thập niên 20 – 40 của thế kỉ XX. Đồng thời, đây cũng là lời bình luận thẳng thắn của Fitzgerald vào cuộc sống trong thời đại nhạc Jazz: một xã hội mà con người chỉ biết hưởng thụ và một cuộc sống vô nghĩa bên cạnh sự hào nhoáng đó.

Xem xét toàn thể tác phẩm, chúng ta biết rằng quyết tâm theo đuổi một xã hội vật chất và làm giàu của Gatsby một phần không nhỏ vì tình yêu với Daisy. Nhưng tự trung lại, con người sống trong một xã hội mà vật chất cứ nổi lên trước mắt, vật chất là thứ chi phối về thân phận, quyền lực… thì con người ấy cũng phải cố gắng đuổi theo thứ vật chất đó dù muốn hay là không. Với Gatsby cũng vậy, Gatsby đã chứng tỏ sự giàu có gây dựng bằng bản lĩnh của bản thân để chứng minh mình có thể hoà nhập vào xã hội giàu có này. Hình ảnh ngôi biệt thự to lớn, chiếc xe “màu kem đậm, mạ kềng bóng loáng, dài khủng khiếp, lồi chỗ này phình chỗ kia với nhiều hộc để đựng nón, đựng hộp đồ ăn và đựng hộp đồ nghề. Phía trên cao gắn chằng chịt những kiếng chắn gió có thể phản chiếu cả chục mặt trời”,… là minh chứng. Đặc biệt, chi tiết Gatsby lấy ra một đống áo sơ mi và ném chúng vào không khí trước mặt Daisy, khiến Daisy phải khóc và thốt lên chưa thấy nhiều áo đẹp như thế này. Lời nói của Daisy – một người đại diện giới thượng lưu một lần nữa đã khẳng định bản lĩnh của Gatsby.

Qua biểu hiện của vật chất ám ảnh nhân vật Gatsby, Gatsby vĩ đại của Fitzgerald là tiếng kêu thương về giấc mộng giàu có đổi đời, vật chất tác động đến lối sống của con người mà Gatsby cũng là một con người bị cuốn vào đó. Fitzgerald tỏ thái độ tố cáo trực diện vào một thời đại, một xã hội thực dụng, tôn thờ vật chất. Coi vật chất để đánh giá một con người mà quên mất hạnh phúc nơi biệt thự, tiệc tùng, phô trương tiền của không là bất diệt như lối sống lành mạnh nơi đạo đức của con người.

Trần Thị Kim Thương 

Gatsby vĩ đại (The great Gatsby)

Francis Scott Fitzgerald và tác phẩm Gatsby vĩ đại

Vấn đề ám ảnh trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – yếu tố của đời sống tinh thần trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – những biểu hiện vật chất trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Sự vỡ mộng về tình yêu trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Vỡ mộng về giấc mơ Mỹ trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald