Trong Gatsby vĩ đại (The Great Gatsby), Fitzgerald cung cấp cho người đọc hàng loạt chủ đề: công lý, quyền lực, tham lam, sự phản bội, giấc mơ Mỹ, sự vỡ mộng… Ở chủ đề vỡ mộng của Gatsby, Gatsby không chỉ bị vỡ mộng khi nhận ra tình yêu không lý tưởng như anh muốn mà còn bị vỡ mộng về giấc mơ Mỹ. Gatsby là một người trẻ tuổi lịch lãm, có lối nói “cầu kì chỉ một tí nữa thôi là thành ra ngớ ngẩn”. Anh mang “dáng điệu khoẻ khoắn đặc biệt Mỹ”, có nụ cười “hiếm hoi có cái phẩm chất khiến cho ta thấy yên lòng mãi mãi, có lẽ cả đời chỉ gặp được bốn năm lần. Nó chỉ hướng ra toàn bộ thế giới bên ngoài một khoảnh khắc thôi – hoặc chỉ có vẻ là như vậy – rồi tập trung hết vào ra với một cảm tình không thể cưỡng lại được”, và ở anh toát lên phong thái khác hẳn khách khứa của mình về vẻ “đúng mực” trong các buổi tiệc. Trong một ý nghĩa, câu chuyện thành công của Gatsby từ nghèo khổ trở nên giàu có làm cho anh ta là hiện thân của giấc mơ Mỹ. Anh bắt đầu cuộc sống là con trai của nông dân sau tự nguyện xa lánh mình khỏi gia đình và tự đối diện với rất nhiều việc anh xử lý trong cuộc sống. Gatsby tự đổi tên, cơ hội để tái tạo lại chính mình, và chỉ duy nhất do sự khéo léo của mình, Jimmy Gatz trở thành Jay Gatsby. Như vậy, cuộc sống đã trở nên khác nhau. Gatsby bắt đầu thực hiện những điều trong quá khứ mình mong muốn: làm giàu. Và sau đó anh đã yêu, một sự cố định mệnh đã làm thay đổi cuộc đời mình mãi mãi. Sau khi gặp Daisy, tất cả mọi thứ anh làm là vì mục đích duy nhất về chiến thắng của mình. Tiền bạc được đặt làm quan trọng và sự kiên trì của Gatsby trong việc có được mục tiêu, thực hiện mục tiêu của mình rất đáng khen ngợi. Ông là một người đàn ông tự lập (trong tất cả các khía cạnh) và như vậy, là đáng ngưỡng mộ. Gatsby mang đặc điểm tiêu biểu của người Mỹ ở tính lạc quan, một nghị lực không bờ bến và khắc sâu nguyên tắc về việc đề cao cá nhân: “Trong lập pháp, tập quán, khẩu hiệu và qua thể nghiệm nhiều người, mục tiêu bao trùm là mỗi cá nhân đi con đường của mình, bất kể chủng tộc, giai cấp hay sự phân biệt nào khác. Xã hội Mỹ cho phép tự do đến cao độ.”[2, trang 44,45].

Tâm lý vươn lên của người Mỹ không nhằm vào tu thân, hoặc thương yêu người khác. Các nhà tâm lý Mỹ chứng minh là hi sinh của các vị thánh chỉ là một triệu chứng không thích ứng với môi trường xã hội thôi. Do không khí cạnh tranh gay go trong xã hội nên có rất nhiều người bị suy sụp thần kinh [2, trang 140-141] . Gatsby cũng ở tâm thái vươn lên trước sự cạnh tranh gay gắt làm giàu trong những năm 1920. Người Mỹ tự tạo cho mình áp lực. Nhiều lúc họ đã giàu có nhưng luôn suy nghĩ “có tiền chưa phải là có tất cả, kiếm thêm tí nữa thì có lẽ sướng hơn”. Nhưng Gatsby cũng chìm trong văn hoá Mỹ: sự chăm chú của cá nhân tìm cách vươn lên khiến cho nhiều khía cạnh quan trọng của cuộc đời bị lãng quên.

  1. Giấc mơ Mỹ (The American Dream)

The American Dream – Giấc mơ Mỹ, giấc mơ duy mỹ về một cuộc sống đẹp đẽ và hoành tráng nhất mà loài người từng có khi những con người từ châu Âu bi thảm – nạn nhân của những giấc mơ đẫm máu về một thế giới bình đẳng hạnh phúc và giầu có – lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất non tơ kì vĩ và choáng ngợp trước “vồng ngực tươi trẻ xanh mướt của thế giới mới” [5]. Tiểu thuyết Gatsby vĩ đại xoay quanh cái chết của Giấc mơ Mỹ và biểu hiện của “thung lũng của đống tro tàn.” Với sự điêu luyện tuyệt vời, Fitzgerald mô tả một khu đất hoang cằn cỗi mà có lẽ có ít để làm với cảnh quan New York và thay vào đó phục vụ để nhận xét về sự sụp đổ của xã hội Mỹ. Có vẻ như là giấc mơ Mỹ đã được xuyên tạc, đảo ngược. Gatsby sống ở Tây trứng và Daisy ở Đông trứng, vì vậy, Gatsby trông Đông với khao khát, chứ không phải là phương Tây, theo hướng truyền thống của những tham vọng biên giới nước Mỹ [16]. Fitzgerald miêu tả Tom với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và trong một ánh sáng rất tiêu cực, nhạo báng rõ ràng ở tầm nhìn tận thế của mình trong những cuộc trò chuyện về nền văn minh bị tan rã. Hàm ý của Fitzgerald dường như là xã hội đã bị hư hỏng đủ và không đòi hỏi sự biến đổi.

Vậy Giấc mơ Mỹ là gì? Nó được tuyên cáo khi nước Mỹ ra đời và trở thành một quốc gia độc lập ngày 4/7/1776: We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness. Nó chẳng lạ gì đối với người Việt Nam, vì chính lời tuyên cáo ấy đã được chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn làm lời mở đầu cho bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Nhưng thật ra Giấc mơ Mỹ không phải là lời tuyên cáo ấy. Giấc mơ Mỹ là cái hứa hẹn rằng chỉ có ở nước Mỹ lời tuyên cáo hùng hồn ấy mới có cơ hội trở thành hiện thực đối với tất cả những ai có can đảm theo đuổi nó đến cùng; vì chỉ ở Mỹ con người mới có bình đẳng về cơ hội. Ở đoạn kết bài quốc ca của mình, người Mỹ hát rằng đất nước họ là the land of the free and the home of the brave-đất của những con người tự do và nhà của những con người can đảm.

Theo Trịnh Lữ Gatsby vĩ đại không phải là một tụng ca về Giấc mơ Mỹ đâu, cũng hoàn toàn không phải là một câu chuyện về “rượu gin và tình dục như hai món chơi quốc hồn quốc túy của Mỹ” như một bài của tờ The New York Times đã viết một cách rất vô trách nhiệm, mà là một áng thơ cay đắng diễm lệ về sự rỗng tuyếch của Giấc mơ Mỹ. Bạn đọc hãy để ý thật kỹ đoạn mở đầu và đoạn kết thúc của tiểu thuyết này. Chúng khiến cho toàn bộ những rác rưởi vô bổ trong hầu hết câu chuyện trở thành quặng vàng của những tư tưởng cao nhã đến nghẹt thở. Tôi ghét tất cả các nhân vật trong The Great Gatsby, trừ người kể chuyện. Ông cho rằng Nick Carraway là hóa thân văn chương tuyệt luân của F. S. Fitzgerald. Với Nick, ông đã vỡ ra được một điều rất giản dị: mọi tuyên ngôn về bình đẳng chỉ là giả hiệu, và cái bất bình đẳng tai hại nhất của xã hội loài người không phải là cái bất bình đẳng về cơ hội, mà là cái bất bình đẳng về “chuẩn mực nhân cách cơ bản”. Không, ông bố Nick và Nick, nghĩa là chính Fitzgerald, đã không “hợm hĩnh” tí nào đâu khi dám nói ra điều ấy. Chính cái tiên thiên bất túc này của con người đã khiến cho giấc mơ duy mỹ lớn lao cuối cùng của mình mãi mãi chỉ là quá khứ [10, Lời người dịch].

2. Vỡ mộng nền văn minh bị phá sản

Tan vỡ giấc mộng Mỹ là chủ đề quen thuộc trong văn học Hoa Kỳ thế kỉ XX. Fitgerald được coi là nhà văn hiện đại đầu tiên phản ánh sự bi đát này một cách tài tình bằng lối viết chặt chẽ giữa chủ đề viết và kĩ thuật viết [5, trang 611]. Dễ dàng nhận thấy Gatsby là mảnh phân thân gần gũi với tác giả. Đó là một con người khao khát trở thành một người Mỹ đích thực với quan niệm tiền tài và địa vị xã hội có thể giải quyết hết mọi chuyện và từ chiêm nghiệm nỗ lực phi thường và thất bại để đúc kết nên bài học cay đắng về con người trong kỉ nguyên của mất mát, tan vỡ mọi thứ. Qua những thông tin mà nhân vật Nick mang đến, người đọc hình dung đầy đủ hơn về nhân vật Gatsby với những mộng tưởng về tương lai huy hoàng và quyết tâm thực hiện bằng được giấc mơ hoang đường của mình.

AD

Fitgerald phát hiện ra cả một thế giới hoang hoải trong sự phồn thịnh về vật chất. Đấy không chỉ là vấn đề của riêng cá nhân một ai mà là vấn đề chung của thời đại. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ là điều kiện dễ tạo cho người ta những ảo tưởng [5, trang 612]. Miền Đông trứng, nơi Nick dẫn đường chúng ta để kiếm tìm cuộc sống an nhàn, không chỉ có đời sống vật chất xa hoa mà còn có tình trạng hỗn loạn tinh thần, sự đổ vỡ của những giá trị đạo đức. Chương cuối cùng của Gatsby vĩ đại đưa người đọc mặt đối mặt với phía xấu xí của giấc mơ Mỹ về sự xuống cấp đạo đức của con người: “Tom và Daisy là những kẻ vô tâm, họ đã phá nát mọi vật mọi người và sau đó rút lui vào trong đống tiền của họ, hoặc vào trong sự vô tâm mênh mông rộng lớn của họ, hay là bất kỳ cái gì đó đã giữ họ lại với nhau. Họ để mặc cho những người khác thu dọn những đổ nát xáo trộn mà họ đã gây ra”; vẻ mặt chán chường, kênh kiệu của Jordan Baker trung có che đậy một điều gì đó; những vị khách của Gatsby: người thì bị vào trại cải huấn, người tự tử, buôn lậu, bài bạc… Trong suốt câu chuyện, Gatsby đã được tổ chức như là một ví dụ về một trong những người đã đạt được giấc mơ Mỹ – ông có tiền, tài sản, độc lập, và nhiều người muốn được xung quanh.

Các nhân vật khác cũng được Fitzgerald tiết lộ về tình trạng mục nát đạo đức của những người còn sống thậm chí còn tồi tệ hơn bất kỳ bí mật của Gatsby. Trong lần Tom đưa Nick đến gặp tình nhân của anh ta, Nick chứng kiến cảnh bạo lực gây sốc: Tom đánh Myrtle dù Nick biết rằng anh ta có khả năng trình bày vũ phu ngay lần đầu tiên gặp. Thông qua hành động này của Tom, Fitzgerald không chỉ miêu tả rõ hơn về nhân vật Tom về sự bạo lực và nhẫn tâm với con người mà còn cho thấy một khía cạnh ẩn của thời đại nhạc Jazz. Mặc dù hầu hết mọi người đều có thời gian tốt đẹp và vô tư với ảo tưởng của những năm 1920, Fitzgerald cho thấy một khía cạnh đen tối hơn. Nó khám phá ra cuộc sống thực với những Tom và Daisy với cuộc sống gia đình hạnh phúc trống rỗng, giả tạo; vận động viên Baker xinh đẹp nhưng lúc nào cũng hờ hững, mệt mỏi, chán chường với mọi thứ xung quanh. Còn những vị khách của Gatsby như thế nào? Thủ pháp liên tưởng so sánh, cường điệu hoá; giọng điệu châm biếm, giễu nhại Fitzgerald sử dụng khá nhiều thủ pháp so sánhvới một kiểu hài hước đặt biệt. Trong kể chuyện, miêu tả với giọng trầm tĩnh, khách quan, nhà văn hay chen vào vài lời nhận xét hóm hỉnh, những so sánh liên tưởng buồn cười. Chẳng hạn, Myrtle thô lỗ, ẽo ợt, kênh kiệu “giọng cười, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của Myrtle mỗi lúc một vênh váo hơn và con người bà ta càng nở to ra thì gian phòng càng co nhỏ lại xung quanh bà ta cho đến khi dường như bà ta quay xung quanh một cái trục kêu kẽo kẹt om sòm trong bầu không khí mù mịt khói”, Baker “nằm duỗi dài ở một đầu đi văng, hoàn toàn bất động, cằm hơi hếch lên một chút như thể đang đỡ ở chóp cằm một vật gì lăm le chực rơi…”.v.v… Nhà văn còn khai thác nghệ thuật cường điệu hoá để làm tăng thêm tính lố bịch, phù phiếm giả dối của con người và xã hội. Cảnh tượng tiệc tùng nhộn nhịp, xa xỉ với bao nhiêu vị khách sang trọng đáng kính, đến đây để thoả mãn thú ăn chơi, hay cơ hội để tán tỉnh, bàn chuyện làm ăn… Đa số là những vị khách không mời: “cư xử theo phép xử sự ở một công viên giải trí”, “Khách có khi đến rồi về mà chẳng hề gặp chủ nhân. Họ đến dự cuộc vui với sự hồn nhiên được coi là giấy vào cửa”. Hình ảnh khá hài hước của cô ca sĩ vừa hát vừa khóc “những giọt nước mắt lăn xuống má nhưng không chảy thành dòng vì khi chạm phải hai hàng mi tô chì rất đậm thì chúng ngả sang màu mực rồi chảy tiếp từ từ thành những rãnh nhỏ đen đen”, các cô gái hay các quý bà giả vờ ngã vào vòng tay người khác hay vị khách mắt cú vọ say khước trong thư viện ngạc nhiên về những chồng sách thật, không phải giấy bồi. “anh chàng này là một nhà dàn cảnh ngoại hạng. Không chê vào đâu được! Trông giống thật biết bao” lột tả hết tính chất giả tạo, rỗng tuếch, bát nháo khiến chúng ta liên tưởng đến những con người và xã hội vô nghĩa lý của nhà văn Vũ Trọng Phụng. [9, trang 4]

Sự tan vỡ giấc mộng Mỹ không phải là bi kịch đổ vỡ của sự giàu sang như thường thấy ở các tác phẩm trước Gatsby vĩ đại và cũng không phải là bi kịch vỡ mộng của tình yêu. Cả nỗi ám ảnh về tiền bạc và tình yêu của Gatsby là phương tiện để bộc một bi kịch đổ vỡ của con người bơ vơ, lạc lõng không tìm được chỗ đứng nào cho mình trên đời. Những điểm tựa về tiền bạc hay tình yêu mà trước đó các nhà mộng mơ Mỹ có thể lấy đó làm điểm tựa để tồn tại và thống trị xã hội nay hoàn toàn bị phá sản. Gatsby là nhân vật trực tiếp hứng chịu sự vỡ mộng về một giấc mộng Mỹ, nhưng nhân vật này không hề nhận thức được bi kịch đó. Fitzgerald để cho nhân vật của mình lao vào làm giàu, chỉ biết làm giàu bằng mọi cách, chỉ biết yêu say đắm cho đến khi chết. Sự vỡ mộng của Gatsby do chính xã hội mang lại, cái xã hội đầy ắp những con người mà Nick gọi là: “Bọn họ chỉ là một lũ không ra gì. Mình anh còn đáng giá bằng mấy lũ ấy gộp lại”. Gatsby cố gắng lao vào làm giàu và đã giàu để mong được những người thượng lưu công nhận. Nhưng trên thực tế, anh sẽ không bao giờ được chấp nhận bởi như bất cứ người “mới phất” nào, đều bị giới thượng lưu bấy giờ cho là thân phận thấp hèn, giàu có chỉ là cách họ đua nhau chen vào giới thượng lưu nên họ bị khinh thường. Cho dù đã cố gắng với một nghị lực phi thường nhưng Gatsby vẫn phải đối mặt với sự cô đơn, bơ vơ lạc lõng trong xã hội. Bằng việc tổ chức tiệc tùng, Gatsby để cho những người thượng lưu ra vào tự nhiên ngôi biệt thự của mình để chứng tỏ sự giàu có. Nhưng cuộc sống của Gatsby chỉ ồn ào, náo nhiệt khi anh còn sống và còn khả năng phụng sự đám khách khứa tham ăn. Khi chết đi rồi thì đám khách ấy chẳng ai nhỏ cho anh một giọt nước mắt.

Sự vỡ mộng của Gatsby cũng chính là sự vỡ mộng của Fitzgerald. Cái chết của Gatsby mang sự vỡ mộng này đến đỉnh điểm. Đám tang của Gatsby gặp gỡ với đám tang của lão Goriot trong tác phẩm của Balzac về sự bi đát. Lão Goriot khi chết đi bị con cái bỏ mặt, không một ai đến đưa tang mặt dù khi còn sống ông đã hết lòng vì con cái. Đám tang của Gatsby ảm đạm, vắng vẻ, không vị khách nào đã từng ăn chơi ở nhà anh (trừ ông mắt cú), kẻ làm ăn với anh, cả người tình yêu dấu trong mộng của anh đến đưa tang hay gửi lời chia buồn, liệu có khác gì đâu đám ma cụ Tổ đông đúc, ồn ào, phô trương nhưng toàn là giọt nước mắt thuê mướn, nỗi đau đóng kịch, cơ hội khoe của, khoe áo sống, cười tình, chim chuột lẫn nhau… trong Số đỏ. Qua lời ông Mắt Cú Vọ nói “Trời ơi, tại sao, những người lui tới đó thường lên đến cả mấy trăm người.” càng làm cho người đọc thấy não nùng vì tình người của con người trong xã hội đó. Fitzgerald cũng cường điệu tính nhẫn tâm, cạn kiệt tình người ở một cái đám tang anh chàng Gatsby hào phóng, hy sinh cho tình yêu, để rồi người yêu dấu không thèm đoái hoài đến cái chết của anh, sau khi anh chết một thời gian vẫn có những chiếc xe thỉnh thoảng chạy qua vì tưởng cuộc vui chưa tàn. Chi tiết cuộc điện thoại bất ngờ tưởng để chia buồn nhưng chỉ với mục đích nhờ gửi đôi giày tennis để kịp đi cắm trại của một vị khách nào đó từng ăn dầm ngủ dề tại nhà Gatsby càng tô đậm thêm tính châm biếm, giễu cợt và cả sự chua xót, bi kịch của thân phận con người. Giọng châm biếm của Fitzgerald tỏ ra khá trầm tĩnh, khách quan. Nhân vật Nick đóng vai trò quan sát, nhận định và cả tham gia vào câu chuyện nên lời kể của anh vừa như ở ngoài lại cả ở trong, là một vai hành động cuốn theo cuộc sống cùng với những nhân vật khác, nhưng lại có thể tách ra, ngẫm nghĩ suy tư.

Con đường vươn lên và những khát vọng của Gatsby, cho đến cái chết vô nghĩa lý, tất cả phản ánh một bi kịch lớn của thời đại, của giấc mộng Mỹ đang sụp đổ trước phát đại bác của nền văn minh vật chất. Cái chết của Gatsby đánh dấu sự kết thúc của một thời đại. Trong nhiều khía cạnh, Gatsby là giấc mộng bên trong tất cả mọi người. Mặc dù sự cổ vũ anh ấy khi theo đuổi giấc mơ của mình, người ta cũng biết rằng chủ nghĩa lý tưởng thuần túy không thể tồn tại trong thế giới hiện đại khắc nghiệt. Tác phẩm đã thành công khi nói lên “hình ảnh cái bản ngã Hoa Kỳ đã bị xoá bỏ” (Charles E. Shain- Những bậc thầy văn chương thế giới. NXB Lao động 2006) qua một số phận con người với giấc mơ tình – tiền lẫn lộn [9, trang 7].

Tan vỡ giấc mộng về giấc mộng Mỹ của Gatsby là bi kịch con người bị cho ra rìa của xã hội. Gatsby bơ vơ, lạc lõng trong cuộc sống dù cố gắng đến đâu cũng không được công nhận. Nước Mỹ là một nước đề cao sự cố gắng của cá nhân nhưng đến những năm đầu thế kỉ XX thì nguyên tắc ấy bị sự phát triển tự do, vật chất vô độ dẫn đến thân phận con người bị khinh rẻ, bị tuyệt vọng. Chủ nghĩa cá nhân thái quá như khẩu hiệu của bang New Hampshire: “sống tự do hay là chết” dẫn đến những điều tồi tệ: con người lâm vào cảnh tuyệt vọng, bạo lực, phân biệt chủng tộc, phân biệt giàu nghèo… [2, trang 44 – 45]. Từ câu chuyện của Gatsby về cái ánh sáng xanh hư ảo trong đời, Nick khái quát về cuộc sống của “chúng ta”, những con người của kỉ nguyên tan vỡ, những con người chỉ biết tiến về quá khứ: Gatsby đã tin vào cái ánh sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm năm lại năm đang dần lùi xa dần trước chúng ta. Rồi thì nó lảng tránh chúng ta, nhưng chuyện đó không thành vấn đề – ngày mai chúng ta sẽ chạy nhanh hơn, vươn cánh tay ta ra xa hơn… và một sớm đẹp trời… [5, trang 620].

Gatsby là một trong những nhân vật mở đầu cho kiểu nhân vật thuộc “thế hệ mất mát” trong văn học Hoa Kỳ. Là hiện thân của những nhà văn như Fitzgerald sống trong “một thời bất trắc, thay đổi quá nhanh, cảm thấy lạc lõng, mất liên hệ với những giá trị và chuẩn mực của thời đại cha mẹ ngày trước” [2, trang 164]. Họ tham gia chiến tranh tưởng là sang Châu Âu đánh một trận cuối cùng nhưng rồi lại vỡ mộng, thất vọng về xã hội Mỹ với những giá trị của nó và giải pháp họ đặt ra là lánh vào trong quá khứ, theo đuổi quá khứ với mong muốn tìm lại được những điều đã mất ở quá khứ.

  • KẾT LUẬN

Gatsby vĩ đại được coi cuốn tiểu thuyết sâu sắc nhất của văn học Mỹ giai đoạn những năm đầu của thế kỷ XX. Tác phẩm này được xếp vào truyền thống văn chương nhân loại, được ca ngợi không chỉ vì nội dung sâu sắc của nó mà còn bằng nghệ thuật thể hiện độc đáo, có tính cách tân mới mẻ. Trong lời giới thiệu tiểu thuyết Gatxby vĩ đại, dịch giả Hoàng Cường đã nhận định: “Cùng với Faulkner, Fitzgerald là nhà văn duy nhất trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới mà tiếng nói được các nhà văn lớp sau lắng nghe. Có lẽ đó là vì hơn ai hết, Fitzgerald đã thể hiện niềm u hoài và nỗi cô đơn chứa chất ở đáy tâm hồn người Mỹ. Nhưng có lẽ còn vì ông là một trong những nhà văn của thời kỳ này, ngoài nội dung còn chăm lo đến văn phong, luôn chú trọng đến hình thức và cấu trúc tác phẩm” (Hoàng Cường – Lời giới thiệu Gatxby vĩ đại- NXB Tp HCM, 1985).

Fitzgerald đã phản ánh tâm trạng u hoài, chán chường ở đáy sâu tâm hồn những thế hệ con người những năm 20, 30 của thế kỷ XX bằng một nghệ thuật châm biếm – trữ tình đặc sắc và nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặc biệt thành công ở cách xây dựng tâm lý nhân vật. Nỗi ám ảnh của nhân vật Gatsby trong tác phẩm Gatsby vĩ đại không chỉ là nỗi ám ảnh về tinh thần, về yếu tố vật chất của một xã hội thay đổi nhanh chóng mà còn là bi kịch của sự vỡ mộng trong tư tưởng của con người.

Nỗi ám ảnh của Gatsby mang dáng dấp là nỗi ám ảnh của chính Fitzgerald về thời đại mình đang sống. Gatsby là một chàng thanh niên với ý chí vươn lên trong cuộc sống. Nỗi ám ảnh thân phận là động lực chi phối những hành động của Gatsby ngay thuở ấu thơ. Nhưng sau đó, ám ảnh tình yêu với Daisy cứ lớn dần, lớn dần trong suốt năm năm càng là động lực để ý chí Gatsby một lần nữa lớn dần. anh lao vào làm giàu nhưng cuối cùng cũng vỡ mộng. Gatsby lâm vào vỡ mộng bởi tình yêu của nàng Daisy bây giờ khác xa với tình yêu quá khứ anh vẫn đang tìm lại. Gatsby bị mắc kẹt vào giấc mơ do chính mình tạo ra đó. Anh làm giàu và một khi đã giàu có vẫn không được người thượng lưu giàu có từ nhiều thế hệ công nhận. Chàng rơi vào bi kịch của một con người cô đơn, lạc lõng, cố gắng đến mấy cũng không có nơi nào dung thân. Anh là chân dung của một người Mỹ tự lập, cố gắng bằng sức lực của bản thân mong được công nhận nhưng cuối cùng phải vùng vẫy bỡ một về một giấc mơ Mỹ.

Cuộc sống về cơ bản là một trò bịp và điều kiện của nó là những thất bại. Và rằng những điều cứu chuộc không phải là hạnh phúc và niềm vui nhưng sự hài lòng sâu sắc hơn rằng khi ra khỏi cuộc đấu tranh. Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn đam mê câu chuyện chàng Gatsby, bởi giấc mơ và ý chí lãng mạn của Gatsby phải chăng cũng có chút gì đó trong ta. Chẳng qua, ở mỗi thời đại, nó lại biểu hiện theo những cách khác nhau, thực ra ai trong chúng ta mà không có chút giấc mộng Gatsby. 

Trần Thị Kim Thương

ad

Gatsby vĩ đại (The great Gatsby)

Francis Scott Fitzgerald và tác phẩm Gatsby vĩ đại

Vấn đề ám ảnh trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – yếu tố của đời sống tinh thần trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Ám ảnh – những biểu hiện vật chất trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Sự vỡ mộng về tình yêu trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald

Vỡ mộng về giấc mơ Mỹ trong tác phẩm Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald