AD

Chiến tranh Serbia trong Anna Karenina của Lev Tolstoy

AD

 1. Tác giả, tác phẩm

1.1. Tác giả Lev Tolstoy Cuộc đời Lev Nhikolaievich Tolstoy (1828 – 1910) sinh tại điền trang Yasnaya Polyana tại Tula guberniya vùng Trung Nga. Tuổi thơ của Lev Tolstoy trải qua nhiều mất mát: mẹ ông qua đời khi ông chưa đầy hai tuổi và cha ông mất khi ông lên chín. Nhà văn cùng với ba người anh trai và cô em gái được người cô họ xa Tachiana Ergonskaya nuôi lớn. Chính người cô này đã phát hiện ra tài năng văn chương của Lev Tolstoy, khuyến khích ông dấn bước trên con đường này. Mặc dù xuất thân dòng dõi quý tộc nhưng ông có ý thức về vấn đề giai cấp rất sâu sắc, những điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến những trang viết của ông về sau. Năm 1844, sau khi thi vào khoa Triết với kết quả không như mong muốn, ông thi lại và đậu vào Ban ngôn ngữ phương Đông của trường Đại học tổng hợp Kazan, sau đó một năm ông lại chuyển sang học ở khoa Luật. Tại đây, nhà văn thấy nhiều bất cập trong giáo dục khô khan và khuôn sáo không hợp với tư tưởng của mình nên đã quay về Yasnaya Polyana lúc ông 19 tuổi với mong muốn trở thành người địa chủ tốt có ích cho nông dân nhưng rồi sớm chìm vào thất vọng. Mùa xuân năm 1851 chán nản với cuộc sống vô nghĩa và những món nợ cờ bạc ông đến vùng núi Kavkaz và từ năm 1852, ông xin gia nhập binh chủng pháo binh và tham dự vào cuộc chiến tranh Nga – Thổ ở Krym. Ông tán thành giải phóng nông nô nhưng lại phản đối việc dùng bạo lực, tại đây ông chứng kiến mặt trái của chiến tranh và thấy được tinh thần chiến đấu của binh lính từ đây ông bắt đầu quan tâm đến vấn đề dân cày. Năm 1857, ông đi du lịch rất nhiều nước như Đức, Pháp, Anh, Bỉ…chứng kiến được cảnh bần cùng hóa của người dân hoàn toàn đối lập với cuộc sống xa hoa của tầng lớp tư sản và khi về nước, một lần nữa Tolstoy chứng kiến được sự thật của xã hội Nga. Sau khi về nước ông bắt đầu viết sách dạy học cho con em nông dân, năm 1862 ông đã mở đến 21 trường dạy học cho người lớn và trẻ em. Cũng trong thời gian này ông cầu hôn Sofia Andreyevna Behrs và được nàng đồng ý, sau đó ông tiếp tục dạy học và sáng tác văn chương và chính người vợ của ông đã trở thành thư kí riêng giúp ông trong việc ghi chép và soạn thảo. Đầu những năm của thập niên 80 bất mãn với tầng lớp thống trị và cảm thông sâu sắc với sự khốn cùng của nhân dân cuối cùng Tolstoy đứng về phía nông dân lập ra hệ thống triết học – đạo đức riêng của mình và đứng lên đả kích vào chế độ Sa hoàng, Giáo hội. Lev Tolstoy là người có những mâu thuẫn ngay trong chính bản thân, đã có lúc ông phủ định nhiều tác phẩm tiến bộ của mình (như Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina – những tác phẩm đem lại tên tuổi cho nhà văn) vì muốn vứt bỏ tất cả những gì có liên quan đến cuộc sống quý tộc. Những năm cuối cùng trong cuộc đời ông xảy ra mâu thuẫn gay gắt với gia đình và nhiều lần định bỏ nhà ra đi. Cuối cùng ông đã âm thầm rời khỏi trang trại Yasnaya Polyana, dọc đường ông bị sưng phổi và chết tại một nhà ga nhỏ vào năm 1910. Đám tang của ông không có rửa tội, không có sám hối và trong một chiếc quan tài của người nghèo khó và cũng không có bia tử niệm theo đúng di chúc của ông. Sự nghiệp văn chương Lev Tolstoy được tôn vinh là “con sư tử thật sự của văn học” (lời của nhà văn I. Gontsarov). Bên cạnh ba tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn là Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina và Phục sinh thì ông có một sự nghiệp sáng tác vô cùng đồ sộ. Phác thảo văn học đầu tiên của Lev Tolstoy xuất phát từ việc nhà văn viết nhật ký (bắt đầu từ năm 1847, Lev Tolstoy có thói quen viết nhật ký) Câu chuyện ngày hôm qua. Năm 1851, Lev Tolstoy tình nguyện phục vụ trong quân đội ở Kavkaz, tham gia chiến tranh Krym và bắt đầu hoạt động văn học với tiểu thuyết bộ ba – tác phẩm Thời thơ ấu bao gồm: Thời thơ ấu (1852), Thời niên thiếu (1854), Thời thanh niên (1857). Năm 1852, Lev Tolstoy xin gia nhập binh chủng pháo binh. Trong thời gian này thì truyện ngắn Đột kích (1853) ra đời. Sau đó là các truyện ngắn được tập hợp lại thành Những truyện ngắn Sevastopol đăng trên “Người đương thời” gồm Sevastopol tháng chạp (1854), Sevastopol tháng năm (1855) và Sevastopol tháng tám (1855). Những năm cuối của thập niên 50, ông trở về sống ở điền trang Yasnaya Polyana và cho ra mắt các tác phẩm: Louserne (1857), Buổi sáng của một địa chủ (1858), Anbert (1858), Hạnh phúc gia đình (1859), Ba cái chết (1859). Năm 1860, ông hoàn thành truyện Những người Cô dắc. Năm 1865, Lev Tolstoy có ý định sáng tác tác phẩm về Những người tháng Chạp. Sau đó, ông đổi tên thành Năm 1805, rồi lại đổi thành Mọi cái kết thúc tốt đẹp đều tốt đẹp, cuối cùng ông đổi tên thành Chiến tranh và hòa bình. Từ năm 1863 đến năm 1869 ông viết Chiến tranh và hòa bình. Năm 1869, tác phẩm ra mắt công chúng Nga. Từ năm 1872 đến năm 1875 ông viết sách học vần Azbuki cho thiếu nhi. Từ năm 1873 đến năm 1877 Lev Tolstoy viết Anna Karenina, bắt đầu xuất bản năm 1877, đầu 1878 toàn bộ tiểu thuyết ra mắt bạn đọc. Những năm cuối thập niên 70, nhà văn khủng hoảng tư tưởng sâu sắc, ông chuyển hẳn sang viết các tác phẩm chính luận, có thể kể đến: Nghiên cứu thần học giáo điều (1879), Phúc âm giản yếu (1880 – 1881), Lời tự thú (1879 – 1882),… Giữa những năm 80, tư tưởng của nhà văn dần thoát khỏi khủng hoảng, ông viết kịch Quyền lực của bóng tối (1886), hài kịch Thành quả giáo dục (1886 – 1890) và Bản sonat Kreyser (1887 – 1889), truyện ngắn Cái chết của Ivan Ilich (1882 – 1886). Năm 1877, Lev Tolstoy nghe được câu chuyện của một người tên là A. Koni, nhà văn đã xin Koni cho mình cốt truyện đó để làm tư liệu sáng tác. Từ năm 1889 đến năm 1899 Lev Tolstoy dành 10 năm để hoàn thành tiểu thuyết lớn thứ ba Phục sinh sau Chiến tranh và hòa bình cùng Anna Karenina. Những năm đầu thế kỷ XX, sức khỏe nhà văn yếu dần nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Những tác phẩm ra đời vào khoảng thời gian này là: Khatgi Murat, Sau lễ hội (1902), kịch Cái thây sống, Thuộc về thần thánh và thuộc về con người (1903 – 1904), Những ghi chép còn lại của trưởng lão Fiodor Kuzmich (1905). Nhà văn cũng trăn trở về việc viết phần II cho tiểu thuyết Phục sinh nhưng đến cuối đời ông vẫn chưa hoàn thành được những dự định đó. 1.2. Tác phẩm Anna Karenina Ra mắt công chúng năm 1877, là một trong ba tiểu thuyết lớn trong sự nghiệp sáng tác của Lev Tolstoy (bên cạnh Chiến tranh và hòa bình và Phục sinh), Anna Karenina đánh dấu “sự hoàn mĩ của một tác phẩm nghệ thuật, nó ra đời thật đúng lúc và không có gì trong văn học châu Âu đương đại có thể sánh được với nó” (Dostoevsky, Nhật ký nhà văn). Tóm tắt Anna – một phụ nữ thượng lưu xinh đẹp, trẻ trung bị người cô ép lấy Karenin – một người đàn ông giàu có nhưng tâm hồn cằn cỗi vì ham tiền và địa vị chứ không phải vì tình yêu. Anh trai của Anna – Oblonsky ngoại tình với cô giáo dạy bọn trẻ bị bà vợ là Dolly bắt quả tang nên nhờ Anna đến hòa giải. Trên chuyến tàu đến nhà anh trai, Anna làm quen và trò chuyện với mẹ của Vronsky. Xuống ga, Oblonsky đến đón Anna, còn Vronsky đến đón mẹ mình. Đấy là lần đầu tiên Anna và Vronsky gặp gỡ nhau. Cũng trong thời gian này, Levin từ bỏ điền trang của mình để đến Moskva cầu hôn Kitty – một cô gái mới 18 tuổi, vừa bắt đầu gia nhập cuộc sống của thượng lưu. Kitty xinh đẹp, dịu dàng nên được nhiều người để mắt đến, trong đó có Vronsky. Kitty đứng trước hai sự lựa chọn; hoặc là Levin – một điền chủ quanh năm chỉ sống ở nông thôn nhưng đem lại cho cô sự quý mến và tin cậy; hoặc Vronsky – một chàng trai tuấn tú, giàu có, quý phái và có tương lai xán lạn; song trái tim cô chỉ hướng đến Vronsky nhiều hơn nên cô đã từ chối lời cầu hôn của Levin. Anna khi đến Moskva, bằng sự thông minh và vẻ đẹp của mình, cô đã hấp dẫn được mọi người xung quanh, đồng thời cũng giải quyết được mâu thuẫn cho gia đình anh trai mình. Trong một buổi khiêu vũ, có cả Anna – Vronsky – Kitty, Vronsky đã say mê trước vẻ đẹp của Anna. Điều đó khiến Kitty vô cùng đau khổ. Về phía Anna, cô cũng nhận ra trái tim mình rung động với Vronsky, cô thấy có lỗi với chồng mình và lập tức rời Moskva lên tàu về Saint-Petersburg. Cô không ngờ rằng, Vronsky đã theo sát cô và tỏ tình với cô ngay trên chuyến tàu. Sự xuất hiện của Vronsky là nguyên nhân làm tan vỡ gia đình cô. Cuộc hôn nhân của Anna kéo dài trong những ngày tháng buồn tẻ, đến khi cô gặp Vronsky thì trái tim yêu thương của cô bắt đầu trỗi dậy. Cô đấu tranh suy nghĩ với việc ở hay đi, song cô đã làm theo tiếng gọi con tim mình, Anna quyết định theo Vronsky ra nước ngoài sinh sống và từ bỏ đứa con trai của mình. Còn về Levin, sau khi bị Kitty từ chối, anh trở về điền trang và lấy công việc làm nguồn an ủi. Một lần tình cờ khi đang làm việc, anh thấy cỗ xe ngựa của Kitty chạy ngang. Nhận ra tình cảm dành cho Kitty vẫn còn nên anh quyết định cầu hôn Kitty lần nữa. Và lần này thành công. Đám cưới của Levin và Kitty nhanh chóng diễn ra và họ sống hạnh phúc bên nhau và cuộc sống của họ càng viên mãn hơn khi họ chào đón đứa con trai đầu lòng. Anna sau khi ra nước ngoài sinh sống, cô những tưởng cuộc sống từ đây sẽ hạnh phúc cùng với Vronsky; nhưng không phải thế, khi sống bên Vronsky, nỗi nhớ về đứa con trai luôn ám ảnh cô. Vronsky mặc dù yêu cô nhưng cũng cảm thấy chán nản về mối quan hệ không chính thức với Anna. Tình yêu của hai người chịu sự gièm pha của dư luận cùng với sức ép của những người xung quanh làm cho mối quan hệ ngày trở nên căng thẳng. Mối quan hệ của họ dần đi vào bế tắc. Anna quyết định giải thoát cho mình bằng cách lao đầu vào xe lửa chết để trả thù Vronsky. Vronsky đau đớn khi hay tin Anna tự tử, mặc lời can ngăn của mẹ, Vronsky quyết định gia nhập tình nguyện quân Nga giúp dân tộc Serbia chống đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Kết thúc tác phẩm là dòng suy nghĩ của Levin về ý nghĩa cuộc sống và điều thiện.

2. Chiến tranh Serbia trong Anna Karenina

2.1. Lev Tolstoy với Chủ nghĩa sùng Slav và Chủ nghĩa hòa bình

Năm 1857, Lev Tolstoy có cơ hội ra nước ngoài, ông ghé thăm Pháp, Anh, Thụy Sỹ, Italia, Đức, chứng kiến cảnh thế giới tư bản phát triển ở các nước này khiến ông không khỏi đau lòng trước những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản. Điều này được ghi nhận trong truyện ngắn Louserne. Ông phê phán văn minh phương Tây, đây chính là một biểu hiện của những người thuộc phái “sùng Slav”. Phái này “khẳng định rằng nước Nga phải phát triển theo một con đường độc đáo, riêng biệt, con đường phương Đông. Họ bảo vệ chế độ quân chủ, họ muốn sửa đổi, nhưng không muốn đụng chạm đến nền tảng của nó…Họ phản ánh quyền lợi của một bộ phận quý tộc muốn phát triển nước Nga nhưng bằng con đường hòa bình, chậm chạp, không bùng nổ cách mạng, vẫn duy trì những đặc quyền kinh tế chính trị của giai cấp quý tộc…” (Nhiều tác giả (2012), Lịch sử Văn học Nga, NXB. Giáo dục, Hà Nội) bất đồng với phái “sùng phương Tây”, phái này “họ tán thành chế độ quân chủ lập hiến của phương Tây, họ ca ngợi trật tự tư sản, lấy Anh, Pháp làm kiểu mẫu. Họ đấu tranh đòi hủy bỏ chế độ nông nô, nhưng cũng “dần dần”, bằng con đường cải cách từ trên xuống, bằng chủ nghĩa tự do cải lương” (Nhiều tác giả (2012), Lịch sử Văn học Nga, NXB. Giáo dục, Hà Nội). Cả hai cây đại thụ của nền văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX là Tolstoy và Dostoevsky đều thuộc phái sùng Slav nhưng mức độ đậm nhạt được thể hiện trong tác phẩm của họ là hoàn toàn khác. Tolstoy có quan điểm chống lại bạo lực cách mạng, vì thế ông không ca ngợi cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp và lấy Anh, Pháp làm kiểu mẫu như những người sùng phương Tây. Tolstoy còn được biết đến như một nhà văn theo đuổi chủ nghĩa hòa bình. Ở Nga, số người theo Chính thống giáo rất đông, Tolstoy cũng là một trong số đó, tuy nhiên quan điểm của ông về đức tin rất khác so với những người sùng đạo khác, ông không dành nhiều thời gian để đi nhà thờ. Ông quan niệm bản thân phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện, làm điều thiện dưới ánh sáng của Chúa, sống hòa bình và “không dùng bạo lực để chống cái ác” Ông là nhà văn viết rất nhiều về chiến tranh, tuy vậy, ông không nhằm mục đích cổ xúy chiến tranh mà ông viết chỉ để mọi người nhận biết được những cái hại, mất mát của nó gây ra cho nhân loại. Các tác phẩm của ông đều đề cập đến chiến tranh không ít thì nhiều. Từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, năm 1852 Lev Tolstoy gia nhập quân đội. Tác phẩm Đột kích viết năm 1853 đề cập đến cuộc sống chiến đấu của những người lính Nga ở Kavkaz. Năm 1854, Tolstoy và đơn vị của ông được điều động xuống vùng Sevastopol và trong khoảng thời gian ở đây ông đã cho ra đời Những truyện ngắn Sevastopol (bao gồm truyện ngắn Sevastopol tháng chạp viết năm 1854; Sevastopol tháng năm và Sevastopol tháng tám viết năm 1855) nói về cuộc chiến tranh Krym. Còn trong tác phẩm vĩ đại Chiến tranh và hòa bình viết trong khoảng thời gian từ 1863 – 1869, Lev Tolstoy đề cập đến hai cuộc chiến tranh lớn của nhân dân Nga: cuộc chiến thứ nhất chống lại quân đội của hoàng đế Pháp Napoléon năm 1805 và cuộc chiến thứ hai là cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812. Mặc dù là tiểu thuyết tâm lý –xã hội nêu lên những vấn đề nổi trội của xã hội Nga bấy giờ như vai trò người phụ nữ trong gia đình, cái chết, đức tin thì trong Anna Karenina vẫn có đề cập đến chiến tranh. Đó là cuộc chiến tranh của nhân dân Serbia chống lại Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự giúp đỡ của tình nguyện quân Nga. Ngoài ra còn truyện ngắn Người tù Kavkaz được Lev Tolstoy chấp bút năm 1872 lấy bối cảnh là cuộc chiến tranh Kavkaz (1817 – 1864), … Đối với Lev Tolstoy thì mọi cuộc chiến tranh đều vô nghĩa. Ông cho rằng, mọi cuộc chiến nhân danh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ các nước anh em khỏi sự xâm lược, giành lấy quyền lợi, hòa bình cho nhân dân…đều là ngụy biện, thực chất đều là vì quyền lợi riêng của một tổ chức chính trị nào đó nhằm lợi dụng sức mạnh, của cải của nhân dân để đạt được mục đích gì đó. Trong Chiến tranh và hòa bình chúng ta thấy anh chàng Andre Bonkolsky vốn thần tượng hoàng đế Pháp Napoléon, anh ta ra trận một phần vì muốn gặp được thần tượng của mình, một phần vì muốn tìm kiếm vinh quang lập công trạng. Nhưng khi nghe một câu nói của Napoléon: “Thật là một cái chết đẹp” thì anh ta thấy thất vọng và hình tượng vị hoàng đế lẫy lừng kia lập tức sụp đổ. Anh nhận ra rằng chiến tranh quá vô nghĩa. Các bên tham chiến đều đang thực hiện hành vi tội ác nhân danh chiến tranh để giết người vô tội mà thôi. Trong Anna Karenina, cuộc chiến tranh Serbia được đề cập đến trong quyển cuối – quyển 8. Sau khi Anna tự tử thì Vronsky đã quyết định gia nhập quân tình nguyện Nga giúp đỡ những người Slav – Serbia chống lại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Thật ra, thực chất cuộc chiến giữa Nga và Thổ là tranh giành ảnh hưởng trên bán đảo Balkan. Nhân vật Levin là nhân vật được Tolstoy gửi gắm lý tưởng, nên có thể xem suy nghĩ của chàng cũng là ý kiến của Tolstoy về cuộc chiến tranh Serbia.

2.2. Nguyên nhân, mục đích dẫn đến cuộc chiến tranh Serbia

Chiến tranh Serbia chống lại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (diễn ra năm 1877) chỉ được nhắc đến một phần nhỏ trong quyển cuối cùng – quyển thứ 8 của tiểu thuyết Anna Karenina thông qua cuộc tranh luận giữa các nhân vật Sergey Ivanovich – anh trai Levin, Catavaxov, lão Quận công và Levin. Họ tranh luận với nhau về việc ủng hộ chiến tranh Serbia của Nga là đúng hay sai và phân thành 2 chiến tuyến rõ rệt. Lão Quận công và Levin phản đối còn Sergei Ivanovich, Catavaxov thì ủng hộ hành động giúp đỡ những người anh em Slav, vì tinh thần Slav. Nhưng thực chất mục đích của việc ủng hộ chiến tranh Serbia của Nga là gì? Thực ra, việc Nga gửi tình nguyện quân đến giúp đỡ Serbia chỉ vì muốn đánh thắng Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở vùng bán đảo Balkan, nhưng chính quyền Nga lại mượn cớ nhân danh anh em với nhân dân Slav để tranh thủ sự giúp sức tiền bạc, của cải, sức lực của nhân dân Nga. Xuất phát từ lợi ích cho riêng mình, Nga đã tổ chức quyên góp tiền cũng như cử những tình nguyện quân sang Serbia chiến đấu. Sử dụng báo chí Nga làm phương tiện hỗ trợ Chính quyền Nga, giả vờ tuyên truyền những hành động của tình nguyện quân Nga là hoàn toàn xuất phát từ tinh thần Slav, cảm thông trước việc người anh em của mình bị một đế quốc hùng mạnh, khác tôn giáo (Nga và Serbia theo Chính thống giáo còn Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo) xâm lược. Chính nhờ những lời tuyên truyền của báo chí cộng với lời nói của vài trăm tình nguyện quân làm cho quần chúng Nga tin tưởng rằng cuộc chiến giúp Serbia chống Thổ là chính nghĩa. Rất nhiều người đã quyên góp tiền cho tình nguyện quân.

2.3. Ảnh hưởng của chiến tranh Serbia đến xã hội Nga

Trước tình hình chiến tranh ở Serbia như vậy, thì xã hội Nga đã xuất hiện hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất ủng hộ cuộc chiến tranh này đối lập với khuynh hướng thứ hai là phản đối chiến tranh. Chúng tôi sẽ làm rõ qua phần phân tích dưới đây:

2.3.1. Những nhân vật ủng hộ chiến tranh Nhân vật Sergey Ivanovich (anh trai của Levin) và Catavaxov Để bác lại quan điểm của Levin là tư nhân không được tham gia chiến tranh thì Sergey Ivanovich khẳng định rằng: “Ở đây không có vấn đề tuyên chiến mà chỉ có sự biểu hiện của tình cảm cơ đốc, nhân đạo. Có kẻ đang giết hại anh em cùng nòi giống của chúng ta, cùng tôn giáo. Cứ tạm cho họ không phải là anh em, cũng chẳng phải người cùng tôn giáo mà chỉ là đàn bà, trẻ con và người già, tình cảm sẽ nổi dậy và người Nga sẽ tới và chấm dứt sự tàn bạo đó…”. Sergey Ivanovich cũng như những người dân Nga không hiểu rõ được bản chất của cuộc chiến tranh này không phải nhằm mục đích cao cả như đã lên tiếng. Ông cũng không thể hiểu nổi nếu chiến tranh xảy ra dù bên nào thắng đi nữa thì người chết vẫn là những người vô tội, và mọi của cải, sức lực của người đi giúp đỡ đều không được sử dụng chính đáng vào mục đích tốt nhất. Ông ta ủng hộ chỉ vì cho rằng mục đích của chính quyền Nga giúp đỡ nhân dân Slav là vì cùng tôn giáo, hay đó là hành động giúp đỡ của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Những người ủng hộ này họ còn nhìn chiến tranh trên phương diện chính nghĩa và phi nghĩa, họ cho rằng quân Thổ đi xâm lược Serbia là phi nghĩa. Vì thế, với tư cách là nhân dân anh em họ rất ủng hộ chiến tranh, ủng hộ sự hi sinh của nhân dân Nga. Còn đối với Levin thì đó không phải là vấn đề hi sinh mà là sát nhân: “Xin lỗi nhưng đây không phải là vấn đề hi sinh, là việc giết những người Thổ”, “nhân dân tự quên mình và vui lòng hi sinh mọi thứ khi linh hồn mình bị đe dọa nhưng không phải nhằm mục đích sát nhân”. Anh của Levin và Catavaxov cho rằng cần phải phục thù và sát nhân, vì đó là tư tưởng và ý chí của nhân dân. Catavaxov nghĩ sở dĩ chính quyền Nga đi chiến đấu quân Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ nhân dân Slav là do nguyện vọng của toàn nhân dân, chính nhân dân đã buộc chính phủ làm như vậy: “Có thể trường hợp chính phủ không làm theo nhiệm vụ của nhân dân, chính lúc đó xã hội cần buộc chính phủ thể theo ý chí của mình”. Nhân dân ở đây là vài trăm quân tình nguyện đủ thứ hạng người, các cơ quan báo chí chuyên mượn những vấn đề nóng hổi như chiến tranh để tăng lợi nhuận. Những người này cho rằng, cuộc chiến trên là vì lợi ích công cộng, và hành động trên là hành động cho điều thiện. Cả Sergey Ivanovich lẫn Catavaxov đều quan niệm về cái thiện rất khác với Levin và lão Quận công. Một bên lại nghĩ dùng chiến tranh giải quyết mọi xung đột của một quốc gia bị xâm lược đối với một quốc gia đi xâm lược là hành động chính nghĩa, những tổn thất của kẻ hi sinh vì chính nghĩa là không thể tránh khỏi còn những mất mát, chết chóc của kẻ thù là đáng tội. Còn Levin và lão Quận công lại nghĩ, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa nếu đã sử dụng đến bạo lực thì đều là cái ác, tàn khốc và thú vật, đều sát hại những con người vô tội không hề biết gì về những âm mưu, thủ đoạn tranh giành ảnh hưởng nhau giữa các phe đối đầu chính trị. Như vậy đó là sự đối lập giữa một bên có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết xung đột, một bên dùng hòa bình để không ảnh hưởng đến cuộc sống thanh bình của nhân dân lao động; một bên đứng trên quan điểm chính trị để giải quyết vấn đề, một bên lại đứng trên giá trị của con người, của sự sống, của hạnh phúc để suy nghĩ và tìm ra hướng giải thoát nhưng tuyệt đối không phải bằng con đường bạo lực. Một bộ phận nhân dân lao động Nga Đa số những người ủng hộ cuộc chiến tranh này thật ra là những người hoàn toàn không biết gì mục đích của những người đề xuất ra nó. Những người ủng hộ này đa số là những tệ nạn xã hội; những thương nhân huênh hoang; những sĩ quan giải ngũ và trải đủ mọi nghề, “nói chuyện vô bổ và dùng danh từ khoa học không đúng chỗ”. Cũng có kẻ đi vì lòng thương hại thật sự những người dân Slav hoặc đi theo số đông, chẳng hạn như một anh pháo thủ khi được Catavaxov hỏi vì sao lại tham gia cuộc chiến này, anh ta trả lời: “Tôi chỉ làm như mọi người khác thôi. Cũng cần giúp đỡ người Serbia một tay. Tội nghiệp họ”, có cả những người lính tồi nghỉ dài hạn thì nghiện rượu và ăn cắp. Hay điển hình nhất là Vronsky, chàng trai quý tộc, ưu tú có người yêu vừa mới tự tử, đi tình nguyện chỉ vì: “tôi sung sướng tìm được một lý do để từ bỏ cuộc sống chẳng những không chút cần thiết mà còn nặng nề với tôi.”. Những quân tình nguyện này ra đi để không chỉ giết hại chính mình, đánh cược cuộc đời mình với may mắn mà chính họ còn là những kẻ sát nhân ngu ngốc. Phần lớn họ đối lập với Levin, họ không phải là những người trăn trở vì sao mình tồn tại? Mình tồn tại có ý nghĩa hay không? Và như Levin “hoặc sống có ý nghĩa hoặc chết đi”. Đa số họ là những người sống cho bản thân chứ không hề có khái niệm hi sinh vì người khác hoặc khiếp sợ “sự ngu dốt” như Levin, vì thế họ là những con người vô nghĩa, trá hình đạo đức và cuộc chiến tranh dù có chiến thắng đi nữa đối với họ chẳng quan trọng. Vì cuối cùng họ không cần cuộc chiến tranh đó, đối với họ thắng thua không đáng quan tâm, ai chết chóc mặc ai. Lev Tolstoy đã xây dựng những con người ủng hộ trong tác phẩm như vậy nhằm làm rõ hơn nữa quan điểm theo chủ nghĩa hòa bình của mình, làm rõ những mặt trái của chiến tranh. Ông cho rằng cuộc chiến tranh này hoàn toàn là rất tàn khốc, ông phê phán tất cả chiến tranh dù là chính nghĩa hay phi nghĩa. 2.3.2. Những nhân vật phản đối chiến tranh Konstantin Levin Konstantin Levin là nhân vật có nhiều điểm tương đồng với nhà văn Lev Tolstoy, như một kiểu nhân vật tự thuật. Lev Tolstoy đã gửi gắm vào trong nhân vật này những suy tư, trăn trở của ông về nhiều vấn đề của đời sống nông thôn nước Nga trong năm năm tương đối bình lặng của thập niên 70 thế kỉ XIX. Nhân vật Levin là nhân vật chính yếu của bộ tiểu thuyết Anna Karenina, là người đại diện phát ngôn cho nhà văn Lev Tolstoy. Những vấn đề về nông nô, địa chủ luôn thường trực trong tâm trí Levin. Không chỉ vậy, chàng còn trăn trở về mục đích sống, lẽ sống trên cõi đời này. Chàng luôn tự hỏi mình những câu hỏi: Mình là cái gì? Mình sống để làm gì? Hạnh phúc ở đâu? Chàng vốn là một người không theo đạo, chàng không bao giờ đi lễ nhà thờ cả. Nhưng khi Kitty sinh con trong đau đớn vật vã chàng đã cầu nguyện. Có thể thấy đức tin của Levin đang dần thay đổi, từ một người vô thần trở thành người có đức tin, tin vào Chúa. “Giờ đây, chàng có cảm tưởng không giáo lí nào của Giáo hội có thể làm tổn thương điều chủ yếu: lòng tin ở Chúa, ở điều thiện như là mục tiêu duy nhất ở con người”. Levin không ngừng suy nghĩ phải làm thế nào để cuộc sống của nông nô tốt hơn, chàng muốn cùng lao động với họ, nói chuyện thật dịu dàng với họ mà không hề nổi cáu nhưng có vẻ như điều này rất khó thực hiện. Levin vẫn khó lòng mà có thể không phát điên lên được với người đánh xe. Là một điền chủ nhưng suy nghĩ của Levin là suy nghĩ của những người cấp tiến, mong muốn giải phóng nông nô. Levin luôn luôn thấy áy náy vì mình sống trên sức lao động của nông nô. Kiểu suy nghĩ của Levin thật ra chính là suy nghĩ của nhà văn Lev Tolstoy. Nhà văn vốn là quý tộc sở hữu cả một điền trang rộng lớn Yasnaya Polyana, mặc dù sống trong cảnh giàu có nhưng nhà văn vẫn luôn canh cánh về cuộc sống của những người nông nô. Levin là nhân vật phát ngôn những tư tưởng của nhà văn Lev Tolstoy cả về vấn đề cuộc chiến tranh Serbia. Levin phản đối cuộc chiến tranh này và cũng không thể hiểu nổi những người tình nguyện quân Nga đang làm gì. Levin đã trả lời Catavaxov khi anh chàng này hỏi Levin: “Tại sao tư nhân lại không có quyền tham gia chiến tranh?”. Câu đáp này thể hiện rõ sự phản đối của Levin cũng như tư tưởng của Tolstoy về cuộc chiến tranh: “Chiến tranh là điều rất khủng khiếp, rất thú vật và rất tàn khốc mà không một ai, khoan nói đến tín đồ Cơ đốc giáo vội, có thể lấy tư cách cá nhân gánh lấy trách nhiệm khởi chiến: chỉ có chính phủ mới làm thế được, đó là nhiệm vụ của nó và nó tất yếu bị lôi cuốn vào chiến tranh. Mặt khác theo khoa học và lương tri, trong công việc quốc gia và nhất là trong thời gian chiến tranh, những công dân phải hy sinh mọi ý chí cá nhân”. Đối với Levin chiến tranh là tội ác, con người đang chém giết lẫn nhau mà không ai được vinh danh là chính nghĩa cả, những tình nguyện quân người Nga đến giúp người Serbia – những người cùng thuộc dân tộc Slav anh em nhưng liệu sự giúp đỡ này có phải chỉ đơn thuần là tình anh em của những người Slav hay còn có mục đích khác nữa. Levin không chấp nhận được rằng tại sao người ta lại có thể thản nhiên giết những con người vô tội như thế được. Levin cho rằng những người tình nguyện gia nhập đội quân giúp đỡ người Serbia không chỉ có hàng trăm mà là hàng vạn người thất thế hoặc những tên ngoài vòng pháp luật, chiến tranh giúp những người này thoát khỏi những bế tắc riêng tư, đi theo chiến tranh họ nghĩ mình sẽ được vinh danh hay để tự tử với một lý do chính đáng còn hơn là ở nhà để bị đòi nợ vì cờ bạc, bị phê phán vì đủ thói hư tật xấu, bị xem thường. Và những người dân ủng hộ tiền cho quân đội Serbia chẳng qua chỉ vì họ làm theo số đông chứ thật ra họ không biết số tiền mình quyên góp được sử dụng vào mục đích gì. Levin cùng lão Quận công cũng lên tiếng phê phán sự ồn ào của báo giới các kiểu đã làm lệch lạc ý chí của người dân hướng người dân vào việc cổ vũ cuộc chiến tranh này nhằm tư lợi riêng vì mỗi khi có chiến tranh thì lợi nhuận của các tờ báo này lại tăng gấp đôi. “Xin lỗi nhưng đây không phải chỉ là vấn đề hy sinh, mà là việc giết những người Thổ”. “Nhân dân tự quên mình và vui lòng hy sinh mọi thứ khi linh hồn mình bị đe dọa nhưng không phải nhằm mục đích sát nhân”. “Chàng không thừa nhận một dúm người, trong số đó có ông anh chàng, chỉ dựa vào những lời của vài trăm tình nguyện quân ba hoa đã tới thủ đô, xưng xưng tự cho mình có quyền cùng với báo chí nhận là đại biểu cho ý chí và tư tưởng của nhân dân mà họ khẳng định là phải biểu lộ bằng sự phục thù và sát nhân. Chàng không thể thừa nhận điều đó, vì chưa bao giờ chàng thấy những tư tưởng đó bộc lộ trong nhân dân là lớp người chàng đang chung sống cũng như trong bản thân chàng (mà chàng thì không thể không tự coi mình là bộ phận khăng khít của nhân dân Nga) và nhất là vì, chẳng khác gì nhân dân, chàng không hiểu và cũng không thể hiểu lợi ích công cộng là gì; trái lại, chàng đinh ninh rằng người ta chỉ có thể đạt tới lợi ích công cộng đó bằng cách nghiêm chỉnh tuân theo quy luật điều thiện đã bày ra trước mắt mọi người; cho nên chàng không có tâm địa nào mong muốn hoặc tuyên truyền chiến tranh dù mục đích của nó có đại diện đến đâu chăng nữa”. Đó là những lí lẽ của Levin hay của Lev Tolstoy về việc phản đối cuộc chiến tranh Serbia. Bởi nó hoàn toàn không phải nguyện vọng của toàn dân. Nó chỉ là của một nhóm người gồm tình nguyện quân Nga mà chỉ toàn là những người muốn gia nhập quân tình nguyện để tìm đến cái chết hoặc thua bạc nợ ngập đầu,…cùng với báo chí thêu dệt nên những câu chuyện không thật thuyết phục về tư tưởng của nhân dân. Chỉ là ý kiến của vài trăm con người không thể là đại diện thuyết phục cho ý chí toàn dân Nga được. Lão Quận công Là cha vợ của Konstantin Levin, hai người rất hợp ý với nhau từ ngày Levin chưa trở thành chồng của Kitty. Trong chuyện liên quan đến vấn đề chiến tranh Serbia này, lão Quận công cũng đồng ý với quan điểm của Levin, ông phản đối việc những tình nguyện quân Nga và những người Nga khác giúp đỡ người Serbia một cách không rõ ràng, mù quáng như vậy. Lão Quận công thắc mắc những tình nguyện quân Nga đó đi đến đâu và đánh nhau với ai. Ông cho rằng tư nhân không thể tham gia chiến tranh nếu như không được phép của Chính phủ. “Lúc đó tôi đang ở nước ngoài, tôi có đọc báo và xin thú thực là ngay từ trước khi xảy ra hành động tàn bạo ở Bungari, tôi vẫn không hiểu tại sao người Nga đột nhiên lại yêu thương những người anh em Slav đến thế. Bản thân tôi thì không cảm thấy chút tình ái hữu nào đối với họ. Điều đó làm tôi rất phiền lòng tôi nghĩ có lẽ mình là một con quái vật hay mình bị ảnh hưởng suối nước nóng Kaclơxbat chăng. Đến khi về đây, tôi mới yên tâm: Tôi nhận thấy ngoài tôi ra, còn có những người quan tâm đến nước Nga nhiều hơn là đến những anh em Slav của chúng ta”. Suy nghĩ của lão Quận công cũng như của Levin khi họ cùng cho rằng những người tình nguyện quận và báo chí đã làm quá lên cái gọi là ý chí toàn dân. Nhân dân không hề biết đến cái gọi là ý chí của toàn dân đó. Việc họ đóng góp tiền cho những người Slav chẳng qua là vì họ nghe cha đạo nói là có một cuộc lạc quyên cho việc đạo thế là họ đóng góp chứ họ hoàn toàn không hiểu họ đang quyên góp cho cái gì. Đối với việc báo chí làm rầm rộ lên tinh thần Slav anh em, lão quận công ví von báo chí như “cóc nhái trước cơn dông” và “chúng khiến cho người ta không còn nghe thấy gì được nữa”. Lão Quận công dẫn ra câu nói của Anfôngxơ Kar trong chiến tranh với Phổ: “Các ngài cho chiến tranh là không thể tránh được à? Tốt lắm. Vậy tất cả những ai ủng hộ chiến tranh hãy họp lại thành một binh đoàn đặc biệt ở tiền duyên và hãy dẫn đầu xung phong lên xem” như một biểu hiện của việc phản đối một phần người dân Nga đang làm công việc ủng hộ chiến tranh Serbia bằng cách gia nhập tình nguyện quân và lạc quyên trong khi không hiểu rõ mục đích của những việc mình đang làm là gì.

3. Kết luận

Qua tác phẩm Anna Karenina, mà cụ thể là qua cuộc chiến tranh Serbia thể hiện trong tác phẩm, Lev Tolstoy đã làm nổi bật lên quan điểm của mình về cách nhìn nhận chiến tranh. Ông nhìn nhận chiến tranh như là một phương tiện và người dân bị lợi dụng như một công cụ để những nhà cầm quyền đạt được tham vọng của mình. Ông phê phán các bên lợi dụng sự khác biệt tôn giáo để làm lý do cho các cuộc xâm lược lẫn nhau. Qua nhân vật Levin, ông cũng mượn lời nhân vật để phê phán lối sống quá đề cao lý trí, ông đề cao “cuộc sống linh hồn”, chỉ có nó là cái “duy nhất mà chúng ta đáng sống và đáng coi trọng” bởi vì ông cho rằng “lý trí vạch cho con người ta thấy cuộc cạnh tranh sinh tồn và quy luật đòi hỏi phải áp bức tất cả những ai cản trở sự thỏa mãn dục vọng của ta, lý trí không dạy ta yêu thương đồng loại vì làm thế là điên rồ”, do những cạnh tranh, những dục vọng ấy mà con người đã lao vào các cuộc chiến tranh liên miên, khiến bao người vô tội phải đổ máu và nước mắt. Ông khuyên con người tin vào điều thiện, luôn học hỏi và cải thiện bản thân mình, luôn biết sống vì người khác. Ông cũng tin rằng con người sống mà luôn hướng đến chân lý “thiện” thì con người đã tìm ra được ý nghĩa của sự tồn tại. Chính vì điều thiện ấy, con người sẽ tránh xa cái ác, cái bạo lực từ đó chiến tranh sẽ không còn và con người sẽ được sống trong hạnh phúc của một cộng đồng hòa bình. Qua nhân vật Levin ông cũng cho rằng, cái thiện là cái mà cả đời con người tu dưỡng nhằm gạt bỏ mọi dục vọng, xem đó là mục tiêu sống cả đời, duy nhất của con người chứ không phải là cái thiện theo đám đông, những cái nhân danh cái thiện để che giấu những mục đích xấu xa của mình. Tóm lại, thông qua những vấn đề có liên quan đến chiến tranh Serbia, Tolstoy chỉ muốn mọi xung đột, mâu thuẫn được giải quyết theo con đường hòa bình, và khuyên con người cần tỉnh táo trước những quyết định ủng hộ chiến tranh. Tất cả đều nhằm hướng đến một cuộc sống “thiện” có ý nghĩa, hướng đến những giá trị nhân văn cao cả của con người. Anna Karenina vì thế mà trở nên vĩ đại!.

Viết một bình luận

AD
AD Sticky Ad
×