Giờ tôi đã ra trường và đi làm, những lo toan bộn bề của cuộc sống mưu sinh quấn lấy tôi đến nghẹt thở, cái không khí xứ người đâu trong lành như ở quê, cái tình người nơi đất khách lạc lẽo như miếng nước lã, đâu có thắm thiết như làng như xóm. Thế mà tôi cũng “sống sót” qua được ngần ấy thời gian ở chốn đô thị, suy tư, quằn quại.

Mỗi lần nhớ nhà, tôi lại cắm phone nghe bài “Quảng Ngãi nhớ thương” của cô ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, cái giọng lúc ấm lúc ngân vang ấy lại khiến tôi thả hồn theo những ngày ấu thơ rong ruổi cùng đám bạn. Quãng Ngãi hiện về đẹp như một bức tranh sơn thủy. Bài hát làm cho tôi hoài niệm lại một chuỗi ký ức về những ngày còn ở quê. Ngư dân chài lưới ven sông, tấm thân gầy cồm, đen sộm bên chiếc thúng cũ nát, lưới từng con cá con cua để kịp buổi chợ, để có chút tiền dành dụm cho con đi học. Những đêm trăng tròn, đầu trên xóm dưới âm vang tiếng trẻ thơ gọi nhau í ới, nào là trốn tìm, nào là rượt đuổi, rồi chồng chén lên mây.

cong-to-vo-ly-son-quang-ngai-le-minh-the..jpg

Thế mà cũng đi qua một đời người.

Sài Gòn hoa lệ nhưng không có chỗ cho nỗi nhớ, những con người lập lờ mang nhiều lớp mặt nạ cứ vô tư đi ngang qua nhau, lơ đãng, vô vọng. Rất nhiều đêm tôi trăn trở, có nên về quê lập nghiệp hay là ở lại bon chen. Những lúc như thế này hình ảnh của Má lại ùa về, nước mắt lưng tròng tôi nghĩ mình càng phải mạnh mẽ hơn. Thèm một lần được thưởng thức hương vị trứng cá chuồn, được vây quanh mâm cơm với mớ cá luộc, Má gắp trứng cá bỏ chén tôi rồi bảo: “Ăn đi cho có chất đạm”, ông anh hai ngồi cạnh lại bảo: “Con gái mà ăn trứng cá, sau này mặt mọc đầy mụn trứng cá, xấu lắm!” anh vừa nói vừa làm ra vẻ nghiêm trọng, thế là tôi gắp vội miếng trứng bỏ qua chén của anh, vì sợ mình bị xấu. Ngày đó, tôi chẳng biết chất đạm là gì, chỉ nhớ là hôm đó, Má lùa vội miếng cơm và liếc nhìn chúng tôi với nụ cười giấu nơi khóe chén.

Tôi thường xuyên theo dõi tin tức ở quê, cũng lo lắng phập phồng, cũng thở phào nhẹ nhõm. Thương mấy em nhỏ hiếu học vượt khó, thương người nông dân đến vụ mùa thu hoạch, chạnh lòng khi biết thuyền của ngư dân im lìm nằm ở bến… Chắc có lẽ, cả một đời người, dù bươn chải ở nơi đâu cũng không thể quên được nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nỗi lòng người con xa nhà cứ âm ỉ mãi trong lòng, ngọn lửa cội nguồn cứ cháy mãi không nguôi.

AD

Nhớ vụ dưa ở mùa trước, may mà người dân chung sức chung tình để cùng giúp nhau vượt qua cơn nguy kịch. Dưa được chuyển vô tận Sài Gòn để bán, đi ngang con đường Phan Văn Trị, tôi rớt nước mắt với dòng chữ “Mỗi quả dưa, một tấm lòng”. Ngày nào đi làm về, tôi cũng ghé để mua một quả, vị ngọt mát của dưa như xua đi cái nắng nóng nơi Sài Thành, làm dịu mát con tim bé bỏng lâu ngày bị bỏ quên. Đi đâu cũng vậy, người Quảng Ngãi nổi tiếng chăm học, chịu khó, chăm làm, lắm lúc tôi cũng tự hào. Mỗi lúc như thế, tôi lại nhắc nhở bản thân phải không ngừng cố gắng phấn đấu để không phụ lòng gia đình, để một ngày nào đó lại được về quê cống hiến chút sức lực nhỏ nhoi cho mảnh đất đầy tình nghĩa.

Chiều buông, Sài Gòn đến mùa mưa cứ thê lương thế nào ấy, ướt át nhưng chóng kho hanh, tôi kệ cho sự đời, chạy xe một mạch về phòng trọ, vừa đi vừa ngân nga:

Có dòng sông nào không bắt nguồn từ con suối,
 Có bài hát nào không bắt đầu từ lời ru của mẹ,
 Và mỗi con người ai cũng có một quê hương.
 Quảng Ngãi ơi, ta thương nhớ nào nguôi!
 Quảng Ngãi ơi, ta thương nhớ nào nguôi!

Sài Gòn, ngày nhớ.

Vĩ Như