Có thể nói, Odysses là sự kết tinh toàn thiện của nghệ thuật sử thi Hy Lạp, của con người và những vùng đất Hy Lạp cổ đại. Tìm về với Odysses là tìm về với cuộc sống, với con người Hy Lạp, với lịch sử Hy Lạp buổi đầu ấy.

fUJuHBmL.jpg

Những vấn đề chung

Về bối cảnh xã hội thời Homer

Hy Lạp cổ đại là một đất nước có vị trí địa lý thuận lợi, là một đầu mối giao lưu gặp gỡ và hòa trộn của nhiều nền văn minh khác nhau thời cổ đại. Sự giao thoa đó đã tạo nên sự độc đáo cho văn hóa Hy Lạp và biến nó thành một trong những cái nôi của văn minh nhân loại.

Xã hội Hy Lạp cũng sớm hình thành và ổn định trên cơ cấu thành bang, một cơ cấu cho phép xác lập tính cộng đồng ổn định và xác lập các hình thức, phong tục sinh hoạt xã hội. Các thành bang cũng là nơi giao lưu buôn bán, gặp gỡ trao đổi, nơi người ta kể cho nghe những câu chuyện từ những miền đất khác nhau.

Iliade và Odyssey ra đời trên cơ sở lịch sử xã hội Hy Lạp vào khoảng thế kỉ VIII tr.CN. Đây là thời kì mà cộng đồng dân cư Hy Lạp chuyển mình bước vào gian đoạn mới. Họ rũ bỏ thời kì dã man, chia tay với quá khứ dã man, với chế độ công xã thị tộc để đi vào thời kì văn minh với một hình thức nhà nước mới – nhà nước chiếm hữu nô lệ – được thiết lập trên cơ sở các đơn vị thành bang. Các nghệ sĩ hát rong đã truyền tụng, phổ biến các truyền thuyết về anh hùng, trong đó có truyền thuyết về cuộc chiến tranh thành Troy, một cuộc chiến tranh bộ lạc điển hình, tiêu biểu trong trí nhớ dân gian, diễn ra trong vào khoảng thế kỉ thứ XII tr. CN. Các nghệ sĩ khi tái hiện quá khứ huyền thoại đã gửi gắm trong các ảo tưởng mang tính chất thần thoại các ý tưởng của hiện tại và tương lai, như vậy họ đã kết nối các thời đại với nhau, cho dù sự kết nối này là tự phát và cảm tính. Họ đã truyền tới công chúng vẻ đẹp của quá khứ, của lý tưởng cộng đồng, họ ca ngợi những con người Hy Lạp sống vẻ vang, oanh liệt, họ thổi vào công chúng lòng tự hào về những con người Hy Lạp sống vững chãi trước sóng gió đại dương, với thiên nhiên ác liệt, với kẻ thù.

Về tác giả Homer và sử thi Odyssey

Homer là một người con đặc biệt của Hy Lạp thần thánh, đất nước của các vị thần bất tử, đất nước của những sáng tạo thần thoại đặc sắc, vô song. Bản thân tác giả Homer là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Cho đến nay đã có chín bản tiểu sử khác nhau về Homer và có bảy đến mười một thành phố tranh nhau vinh dự là quê hương của ông. Câu chuyện được phổ biến nhiều hơn cả kể rằng Homer được sinh ra ở bên bờ sông Melen và được đặt tên là Melexigien. Có thể nói rằng Homer là một thiên tài nghệ thuật, trưởng thành và được nuôi dưỡng trong lòng nghệ thuật hát rong Hy Lạp, trong lòng văn học dân gian Hy Lạp, xuất hiện vào thế kỷ IX hoặc thế kỷ VII tr. CN ở đất nước Hi Lạp cổ đại. Ông là tác giả của hai thiên anh hùng ca nổi tiếng là Iliade và Odyssey.

AD

Nếu Iliade là bài ca về thành Iliông (còn gọi là Troy) gồm 15.683 câu thơ nói về cuộc chiến tranh 10 năm ở thành Troy thì Odyssey là sự nối tiếp sử thi Iliat gồm 12.110 câu thơ, chia thành 24 khúc ca. Odyssey kể lại cuộc hành trình trở về quê hương của Ulysses sau chiến thắng chiếm đánh thành Tơroa kéo dài 10 năm. Sử thi Odyssey ca ngợi trí tuệ, dũng khí và nghị lực của con người với khát vọng chinh phục thế giới chung quanh và niềm mơ ước về một cuộc sống hoà bình, yên vui, hạnh phúc. Nó còn ca ngợi tình yêu quê hương, tình vợ chồng, cha con, tình bạn cao cả, thuỷ chung.

Tóm tắt sử thi Odyssey

Sau khi chiến thắng ở Troy, quân Hi Lạp lần lượt kéo về xứ sở. Odyssey cùng đoàn dũng sĩ của mình vượt qua chặng đường dài vô cùng nguy hiểm trên biển cả mênh mông. Đoàn chiến thuyền của Odyssey gặp bão dạt từ đảo này sang đảo khác, trôi đến bờ biển châu Phi, xứ sở của những người trồng “quả lú”, rồi lại trôi đến phía tây Địa Trung Hải. Chàng cùng các chiến hữu lọt vào đảo những tên khổng lồ “một mắt” Polyphemus, lần sang mảnh đất của bọn khổng lồ “to như trái núi”, vào nhà mụ phù thuỷ Circe, xuống “thế giới những linh hồn”, lách qua eo biển của hai con quái vật Charybdis và Scylla trấn giữ, bước lên đảo thần Mặt trời Helios… Quá đói khát, các bạn đồng hành của Odyssey ăn mất mấy con bò trong đàn bò của thần nên đã bị thần Zeus gây ra một trận bão lớn để trừng phạt. Sau bao nhiêu tai hoạ dồn dập, bạn bè của Odyssey dần dần chết hết. Odyssey trôi giạt đến đảo của nàng tiên Calypso xinh đẹp. Nàng tiên mê đắm Odyssey, dâng thần đơn linh dược cho chàng trở thành bất tử để cùng chàng kết bạn trăm năm. Sau 7 năm trời bị Calypso lưu giữ, Odessey mới được thần linh giải thoát, chàng tiếp tục vượt biển đến ngày thứ 18, thì bạn bè Odyssey bị thần Poseido gây bão tố đánh chìm để trả thù cho con trai là gã khổng lồ Polyphemus đã bị chàng chọc mù mắt. Odysses trôi dạt vào vương quốc Phaeacians, được công chúa Nausicaa cứu giúp, và nhà vua Alkinoos tiếp đãi ân cần, cấp cho thuyền nhẹ bay như cánh chim để chàng về quê hương. Trong bữa tiệc tiễn đưa, nghe nghệ nhân hát ca ngợi về chiến công con ngựa gỗ thành Troy, Odessey xúc động rơi lệ. Nhà vua gạn hỏi mới biết tên tuổi thật của chàng. Nhà vua ngỏ ý muốn chàng thuật lại hành trình từ khi rời khỏi Troy. Nghe chàng kể những gian truân, nguy hiểm đã qua, nhà vua và triều thần vô cùng cảm động. Odyssey đến Ithaque quê hương sau 20 năm trời chinh chiến. Chàng giả dạng người hành khất đến gặp người chăn lợn cũ Eumaeus, sau đó chàng bí mật gặp lại con trai Telemachus. Hai cha con bàn mưu giết bọn cầu hôn. Sau 10 năm trì hoãn, cuồi cùng Penelope, vợ chàng phải ra điều kiện, ai bắn trúng một phát xuyên qua 12 vòng trong của 12 cái rìu thì nàng sẽ lấy người đó. Odyssey vào cung điện của vợ mình trong vai hành khất. Nhũ mẫu Eurycleia theo phong tục đã rửa chân cho chàng, phát hiện ra Odyssey qua vết sẹo bị lợn lòi húc ở chân. Chàng đã ra hiệu cho Eurycleia giữ bí mật. Cuộc tỉ thí bắt đầu, 108 vị cầu hôn đều thất bại, chỉ có người hành khất đã bắn xuyên 12 chiếc rìu. Hai cha con Odyssey đã trừng trị bọn cầu hôn và lũ người nhà phản bội. Nhưng Penelope vẫn không chịu nhận chàng. Chỉ đến lúc Odyssey chỉ ra cái dấu riêng của chiếc chân giường là một cái gốc cây, Penelope mới chịu nhận ra chồng nàng. Cuộc dàn xếp với thân nhân bọn cầu hôn bị giết diễn ra những ngày sau đó.

Nội dung tìm hiểu

Hình tượng Ulysses – người anh hùng đại điện cho trí tuệ và lý tưởng Hi Lạp cổ đại

Người anh hùng trí tuệ

Sartre đã từng nói: “Mỗi con người chúng ta vào đời để rồi tô vẽ nên bộ mặt của mình và ngoài bộ mặt ấy ra không còn cái gì khác nữa”. Cũng như một tác phẩm để sống mãi với thời gian phải xây dựng một nhân vật sống động mang đầy đủ tính chất Người; để rồi khi “bước vào đời” họ làm nên những giá trị mĩ học cao cả. Chính nhân vật Ulysses trong sử thi Odyssey đã làm nên “bộ mặt” đẹp nhất đại diện cho con người Hi Lạp như một nhà văn nhận định : “Homer đã xây dựng Ulysses thành nhân vật đã kết tinh được phẩm chất cao đẹp nhất mà người Hi Lạp đang khao khát vươn tới”.

Nhân vật anh hùng là những nhân vật trung tâm của tác phẩm sử thi. Vẻ đẹp ấy trước tiên toát lên từ ngoại hình. Họ thường có tầm vóc đẹp, có kích thước lớn lao hơn chính bản thân nó. Họ mang vẻ đẹp tạo hình theo quan điểm thẫm mĩ, theo chuẩn mực riêng của cộng đồng. Anh hùng là những con người dũng cảm, có phẩm chất tốt đẹp, tài trí hơn người, lập được nhiều chiến công hiển hách, biết hi sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ cộng đồng. Một phẩm chất khác cũng không kém phần quan trọng của người anh hùng sử thi là phải mang một lí tưởng cao cả, một khát vọng lớn lao. Người phương Tây nói chung và người Hy Lạp nói riêng đều cho rằng lí tưởng của người anh hùng là khát vọng chiến công, lập vinh quang nơi chiến trận. Và chiến công đó phải mang một ý nghĩa lớn lao, mang quyền lợi danh dự và hạnh phúc cho bộ tộc cộng đồng.

Nếu trong Iliat con người luôn tìm kiếm vinh quang khẳng định cái tôi cái ta bằng chiến tranh để rồi kết cục là những mất mát đau thương, thì Odyssey lại là bài ca của khát vọng trở về. Theo lẽ đó, hình tượng người anh hùng trong Iliat sẽ là những người giỏi trong chiến đấu, nhanh trong chiến trận. Ngược lại người anh hùng trong Odyssey sẽ là những con người thông minh như những đấng thánh linh, họ phải dựa vào mưu trí của mình vượt qua hành trình gian truân tìm lại chốn bình yên nhân bản.

Ulysses là người kế tục Achille và là người có phẩm chất trí tuệ cao cả mà ngay cả trong Iliat, Ulysses cũng được miêu tả là có trí tuệ sánh ngang thần Zeus. Sự thông minh lanh lợi này được Homer miêu tả trên nhiều phương diện như những kế sách mà chàng nghĩ ra, những cách ứng xử khôn ngoan hay đơn giản chỉ là những hành động, những việc làm khó khăn nhưng Ulysses lại giải quyết rất chỉn chu.

Ngay từ cuối thi phẩm Iliat đầu Odyssey trí tuệ của Ulysses đã được bộc lộ qua việc dùng mưu con ngựa gỗ và chiếm được thành Troy. Và sau đó là liên tiếp những thử thách buộc Ulysses phải sử dụng sự tinh nhuệ của mình. Trí tuệ của Ulysses được thể hiện qua những suy nghĩ, lời nói, hành động, và cách chàng ứng xử với mọi người, nhất là rất biết cách chiều lòng các vị thần.

Trí tuệ của Ulysses được bộc lộ trước tiên ở phương diện lời nói. Chiến tranh kết thúc, các trai bạn của Ulysses đều đã tìm đường và trở về nhà, chỉ riêng mình Ulysses vẫn đang hằng ngày vẫn luôn phải lênh đênh nơi cõi người xa vắng. Khi ở tại động của nữ thần Calypso chàng vẫn ngày ngày ra ngồi ngoài bờ biển, nước mắt chan hòa, luôn tha thiết muốn nhìn thấy dù chỉ là một làn khói bốc lên từ đất quê hương và chỉ mong được chết. Theo lệnh của Zues, Calypso buộc phải để chàng đi. Có lẽ sống trong sự kìm hãm ràng buộc quá lâu đã làm cho con người ta khi có lại được tự do lại cảm thấy nghi ngờ lo lắng khôn nguôi. Ulysses cảnh giác khi được Calypso đồng ý cho trở về đất mẹ. Chi tiết này cũng chứng tỏ chàng là người nhanh nhạy, đến Calypso cũng phải thốt lên rằng “chàng chẳng phải là kém khôn ngoan”. Nhưng theo tình Calypso cũng cảm mến người anh hùng giỏi giang này, nếu không vì lệnh của thần Zues ắt hẳn nàng sẽ không để chàng đi, miệng nói nhưng lòng chưa dứt, nàng vẫn luyến lưu kìm giữ chàng. Nàng tự hào với Uylysses rằng mình cũng chẳng thua kém gì Penelope “vì phụ nữ trần nào lại sánh lại được với các vị thần bất tử về vóc dáng và sắc đẹp”. Sự khôn ngoan trong lời nói của Ulysses đã được chàng ứng dụng, chàng rất biết làm khéo lòng người khác khi luôn ca ngợi đúng thời. Ca ngợi Calypso, không mang vợ mình và vị nữ thần kiêu hãnh này ra cân đo với nhau, chàng rất khéo khi biết giữ lời cho cả hai phía gia đình và người tình. “Về vóc dáng và sắc đẹp Penelope khôn ngoan không sao bì được với nàng, vợ tôi là một phụ nữ phàm trần, còn nàng là một vị thần bất tử và trẻ mãi. Tuy vậy, ngày ngày tôi vẫn mong muốn và ước ao được trở lại nhà, được thấy ngày về trên đất quê hương”. Nghe những lời có cánh như vậy làm sao Calypso có thể giữ chàng lại được nữa?

Ulysses không chỉ là người khéo ăn khéo nói mà còn là vị anh hùng tài ba, chàng rất giỏi kĩ nghệ kĩ xảo. Dường như tài năng sinh ra là để dành cho con người tài hoa này? Khi Calypso chỉ cho cách đóng bè để ra đi chàng làm thuần thục như một vị thần lành nghề. “Người hạ hai mươi cây tất cả, đẽo bằng rìu đồng, gọt thật khéo, rồi nãy mực chặt ngang bằng tất cả; khoan hết các thân cây, dùng búa đóng mộng ghép lại với nhau…đẽo cột buồm, tra tay buồm, làm bánh lái, bọc cả tấm bè với những liếp mây…”

Sau bao ngày chuẩn bị công phu, Ulysses đã được ra đi. Nhưng số phận thật trớ trêu chàng lại phải chịu thêm thật nhiều chướng ngại khổ ải. Vị thần oai linh lay chuyển mặt đất vẫn mang hận trong lòng, thần không phục khi Ulysses được trở về quê nhà nhưng lại không thể một mình chống lại tập thể các vị thần và nhất là không thể chống lại thần Zues, thần đành phải gây khó cho Ulysses. Thần đánh chàng vật vã trên biển bao ngày liền; nhưng có khó khăn nào chàng chưa từng vượt qua cơ chứ, “dù bị đọa đày Người cũng không quên chiếc bè, người vượt song bơi theo chộp được nó và bơi vào giữa.” Trông thấy cảnh tượng thương tâm này, thần Ino gót đẹp không cầm được lòng mình và đã ra tay cứu giúp người anh hùng xấu số, nàng đã trao cho chàng chiếc khăn thần giúp chàng tránh được tai họa và cái chết không đáng. Nhưng sự thông minh của người con xứ Ithaque đã khiến chàng suy nghĩ lại và quyết định chưa vội dùng tới chiếc khăn, có lẽ sẽ có lúc cần đến hơn. Cuối cùng sự dũng cảm, mạnh mẽ và khôn ngoan đã giúp chàng chiến thắng một cách đáng hoan nghênh một lần nữa.

Trên những bước đường cam lộ của mình, Ulysses lại một lần nữa phải dùng tới tài ăn nói để tự giải thoát mình. Khi trôi dạt vào vùng đất Phaeacians, người đầu tiên chàng gặp là nàng công chúa kiều diễm Nausicaa. Biết mình không thể xử sự một cách thô thiển với người con gái cao quý chàng bèn nói với nàng những lời êm dịu và khôn khéo mong nhận được sự giúp đỡ của quý nhân. Cũng như nữ thần Calypso, công chúa Nausica cũng công nhận rằng “xem chừng ông không phải là người thiếu khôn ngoan”. Và người đọc còn được trông thấy cái sự “không phải thiếu khôn ngoan” này khi chàng cúi xuống ôm chân hoàng hậu Arete xin giúp đỡ cho mình được về quê. Và có lẽ cũng nhờ sự khôn khéo này mà chàng đã chiếm được cảm tình của cả vua Alkinoos và công chúa Nausicaa. Chàng đã nhận được sự hậu đãi của vua tôi đất nước thân thiện này, được nghe những bài ca ca ngợi chiến công của mình từ những nghệ nhân lừng danh.

Không chỉ biết ứng xử với những người đáng kính, ngay cả những tên gian ác, những con thú hung độc Ulysses cũng có cách giải quyết của mình. Khi hành trình tới vùng đất của bọn khổng lồ mắt tròn Cyclopes số phận lại một lần nữa trêu ngươi Ulysses và những trai bạn của ông. Nhưng với cái miệng dẻo xinh chàng đã ra sức dụ dỗ gã khổng lồ Polyphemus, chàng mời mọc nó thứ rượu thượng hạng, dùng những lời có cánh với Polyphemus hòng mong nó thương tình cho đoàn người vượt qua vùng đất lạ, nhưng tên khổng lồ này lại vô cùng tàn nhẫn và độc ác, đến Zues mà chúng còn không mảy may lo sợ nữa là. Nhưng người xưa có câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, cái độc ác xấu xa của tên quỷ ăn thịt người bù lại đã có tài trí siêu phàm của Ulysses đấu lại. Người đọc vô cùng thỏa thê khi đọc tới cảnh Ulysses hạ thủ tên quỷ gớm. Không cam tâm nhìn thấy đồng đội của mình đang dần bị tên khổng lồ ăn thịt hằng ngày ngay trước mặt mình, Ulysses đã phải vận dụng trí não bày ra mưu cách để hòng thoát khỏi nơi tồi tệ này. Mấy ai có thể nghĩ được cái tên “chẳng có ai” để lừa gạt tên Polyphemus như Ulysses? Mấy ai có thể vận dụng tình hình, lợi dụng những chú cừu đực của chính hắn để đu bám thoát ra ngoài như Ulysses? Và cũng mấy ai có thể nghĩ ra cách đẽo cây cảm lãnh thành những cây chùy mà chọc thủng mắt hắn như Ulysses? Tất cả chúng ta đều phải nghiêng mình khâm phục sự khôn ngoan của trí tuệ người anh hùng xứ Ithaque.

ad

Vượt qua vùng đất Cyclopes chưa phải là cái đích mà Ulysses và những trai bạn được dừng, vẫn còn những khó khăn tác động đến tinh thần, ảnh hưởng tới cái lý trí mà Ulysses phải tự mình chống đỡ. Như việc phải đi qua vùng đảo của những nàng tiên nguy hiểm, đó là mụ phù thủ Circe hung ác, nàng Sirens quyến rũ nhưng có giọng hát “chết người”. Nếu Ulysses không nhanh trí bàn với các anh em hãy để mình chàng nghe họ hát, hãy nhớ phải lấy dây trói chặt Người vào cột buồm, buộc Người phải đứng yên một nơi, “dù cho van xin hay ra lệnh cũng không được thả mà cứ phải trói chặt hơn nữa” thì Người và đồng đội đã không thể tiếp tục hành trình của mình.

Odyssey là bài ca ca ngợi con người đi khám phá bí ẩn thiên nhiên để từng bước chinh phục nó, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Hoạt động chinh phục thiên nhiên đòi hỏi chủ yếu là sức mạnh trí tuệ. Có nhiều tình huống đòi hỏi Ulysses và đồng đội nếu không có trí tuệ thì không thể nào vượt qua thử thách. Đặc biệt hơn, cuộc hành trình không chỉ gặp những khó khăn từ ngoài tác động mà còn là từ chính chủ thể những đồng đội trong chuyến khứ hồi. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự mạnh tay của những vị thần…đã làm họ nản chí. Giờ đây Ulysses lại phải dùng sự khôn khéo trong lời nói để khuyến khích họ. “Chúng ta không phải là những người chưa qua thử thách. Tai họa đang chờ đợi chúng ta chưa hẳn đã ghê gớm hơn hồi tên Xiclop nhưng chúng ta đã thoát nạn. Vậy bây giờ các bạn hãy can đảm lên, tất cả hãy nghe ta.”

Sau bao khổ nhọc Ulysses đã trở về được mảnh đất Itac của mình. Nhưng sự nhanh trí của con người khôn ngoan đã cho chàng biết rằng sẽ không đơn giản để mình lấy lại những gì đáng thuộc về mình nếu mình không cẩn trọng. Chàng đành phải giả dạng thành một ông già nghèo bấn tới gặp lão chăn lợn Eumaeus ưu tú để chắc chắn rằng vẫn còn ít nhất một người tôi tớ trung thành với chàng, và thật may là ông lão đã không phụ người có lòng. Ulysses còn phải cẩn trọng tìm gặp người con trai Telemachus hiếu thảo cùng thực hiện mưu kế trừng trị bọn gia nhân phản chủ và bọn cầu hôn hống hách. Có lẽ phần cuối tác phẩm là phần người đọc cảm thấy thú vị và hồi hộp nhất, từ lúc bà nhũ mẫu Eurycleia phát hiện ra Ulysses đến khi chàng tham gia cuộc thi bắn cung và trừng trị thích đáng được những tên xấu xa. Nhưng đỉnh điểm của câu chuyện có lẽ phải là lúc trí thông minh nhanh nhẹn của Ulysses thể hiện khi chàng phải vượt qua thử thách của người vợ Penelope chỉ ra dấu hiệu riêng của chiếc giường – vật minh chứng cho tình cảm vợ chồng. Và đây mới là lúc độc giả vỡ òa cảm xúc vì thỏa mãn, sung sướng.

Trí tuệ của Ulysses còn là sự tin tưởng vào những đấng thánh linh, tin vào những vị thần. Ngay từ những chi tiết đầu tác phẩm người đọc đã được biết đến điều này khi nghe Zues nói chuyện với nữ thần Athena, chíh Người cũng công nhận rằng Ulysses là người “thông minh hơn hết thảy mọi người trần và dâng lễ nhiều nhất cho các thần bất tử trên trời bát ngát”. Thường xuyên cầu nguyện, dù là trước khi ăn uống, hay chuẩn bị bước vào những cuộc chiến căng go. Chàng luôn ăn nói rất nhẹ nhàng khôn khéo đối với thần linh, khi bị tên khổng lồ Cyclopes đối xử phủ phàng chàng vẫn rất bình tĩnh mà rằng “xin ngài hãy tôn trọng thần linh. Chúng tôi đến với ngài như những kẻ cầu van Zues báo thù cho những kẻ cầu van và khách trú ngụ”. Hay những khi bất trắc chàng và những người bạn đều luôn nghĩ tới và cầu nguyện những đấng thánh thần. Tin tưởng thần linh không chỉ là vì tôn giáo mà còn là vì tâm con người. Phải chăng Ulysses nhận thức được rằng chàng đang sống dưới bầu trời và mặt đất của thần linh, sự tôn thờ cung phụng sẽ có một sự chú ý và để tâm đáng kể. Có ai phủ nhận rằng chính khả năng nhận thức này của người anh hùng trí tuệ đã giúp chàng nhận được cái nhìn thiện cảm và nhận được sự giúp đỡ tận tình từ những vị thần.

Nói tóm lại Odyssey là bài ca ca ngợi con người đi khám phá bí ẩn thiên nhiên để từng bước chinh phục nó, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Hoạt động chinh phục thiên nhiên đòi hỏi chủ yếu là sức mạnh trí tuệ. Có nhiều tình huống đòi hỏi Ulysses và đồng đội nếu không có trí tuệ thì không thể nào vượt qua thử thách tìm về với quê hương gia đình. Nếu ở Iliade Achille là hình ảnh tiêu biểu của sứ mạnh thể chất, sức mạnh cơ bắp thì Ulysses lại là sức mạnh trí tuệ, là phẩm chất trí tuệ Hy Lạp. Cả hai kết hợp với nhau tạo ra một chỉnh thể sức mạnh – biểu tượng của Hy Lạp.

Người anh hùng mang tình cảm cao đẹp
  • Tình yêu quê hương

Suốt bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, sau chiến thắng Ulysses đã cùng bạn bè vội vàng trở về quê hương của mình – xứ sở Ithaque thân yêu.

Trên chặng đường ấy, chàng đã đến xứ sở của người Lotobophagio. Miền đất với các loại thức ăn kỳ quái, chỉ cần ăn vào thì chẳng còn nhớ gì đến quê hương của mình nữa. Ở đây có mọc một loài cây gọi là Lotus (hoa sen), nếu ăn phải quả cây này thì họ lập tức chẳng muốn trở về quê hương nữa. Nhận thấy vùng đất này quá nguy hiểm cho bạn bè và chính mình nên chàng bằng mọi giá đã không ăn thứ gì, đồng thời ngăn cản không cho bất cứ người nào được phép ăn gì cả để bảo vệ tình cảm quê hương trong trái tim họ và cũng là giữ trọn tình cảm dành cho quê hương của chính mình.

Hay là khi chàng bị nữ thần Calypso giữ lại trên đảo. Đây là một hòn đảo với cảnh trí có thể nói là tuyệt vời. “Chung quanh động là một khu rừng xanh tốt… Một cây nho cành lá sum sê, quả sai chi chít, bám vào thành động. Bốn con suối, nước trong leo lẻo ở liền bên nhau và chảy ra bốn phía khác nhau. Khắp nơi quanh động là những cánh đồng mơn mởn đầy đồng thảo và rau mùi đang độ nở hoa. Đến đây dù là một thần linh bất tử cũng phải trầm trồ vì cảnh đẹp và khoan khoái trong lòng”. Ấy vậy mà vẫn không ngăn được nỗi nhớ quê hương da diết trong lòng chàng. Nỗi nhớ ấy ngày càng lớn hơn, cảnh đẹp kia với chàng chẳng là gì cả, một cuộc sống bất tử như thần linh mà mọi người hằng mong muốn, thế nhưng với chàng tất cả, tất cả những điều ấy điều trở nên vô vị, bởi chàng đang ở nơi đất khách. Hằng ngày, “Người đăm đăm nhìn ra biển khơi luôn luôn chuyển động mà khóc dầm dề”. Với chàng, “chỉ có nơi quê nhà là đẹp hơn cả”. Điều đó đủ cho ta thấy tình yêu quê hương của chàng sâu đậm đến nhường nào.

Sâu thẳm trong tận đấy lòng chàng, tình cảm dành cho quê hương ấy luôn luôn thường trực, chàng luôn tự hào về nơi mà mình đã từng trị vì. Vì thế, khi đến vùng đất Phêaxi màu mỡ, phát triển thịnh vượng với những con người hiếu khách chàng đã thuật lại cho họ nghe hành trình trở về của mình bằng một câu mở đầu: “Không gì êm dịu bằng quê cha đất tổ”. Tình cảm ấy đã luôn âm ỉ trong chàng bấy nhiêu lâu nay.

Và sau hai mươi năm lưu lạc, đặt chân lên quê nhà, Ulysses đã cúi xuống ôm hôn mặt đất – mảnh đất Ithaque mà chưa lần nào chàng không tưởng nhớ đến và sẵn sàng rời bỏ tất cả để được nhìn thấy “dù chỉ là một làn khói bốc lên từ đất quê hương”.

Qua đây, ta thấy rằng: Chính nhờ thứ tình cảm thiêng liêng ấy đã giúp chàng có thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua những thử thách, khó khăn mà nhiều lúc tưởng chừng như có thể bỏ mạng ở nơi đất khách quê người kia.

  • Tình yêu gia đình

Trên suốt hành trình ấy, chàng đã gặp được biết bao nhiêu là “bóng hồng” xinh đẹp, với những tình yêu say đắm, với những lời cám dỗ đường mật. Thế nhưng, chàng đều từ chối tất cả các người đẹp bởi vì trong lòng chàng chỉ dành tình yêu cho người vợ đang chờ đợi chàng mòn mỏi mà thôi.

AD

Vượt qua sự cám dỗ của phù thủy Circe, bằng bùa mê thuốc lú nhưng vẫn không làm chàng khuất phục được, bởi tình yêu của chàng dành cho vợ thật sự quá lớn lao, phù phép cùng trở nên vô hiệu hóa với tình cảm chân thật cao cả ấy.

Chàng được nữ thần sông núi tóc quăn xinh đẹp Calypso yêu say đắm, luôn muốn giữ chàng bên cạnh để chung sống với nàng. Nàng còn hứa sẽ cho chàng “cuộc sống bất tử và muôn đời trẻ mãi” nhưng chàng một mực từ chối. Điều này đủ thấy tình cảm chàng dành cho vợ lớn đến nhường nào. Mặc dù biết sắc đẹp của vợ mình không thể sánh bằng nàng Calypxô, mặc dù biết rằng cuộc đời vợ chồng với nàng Penelope không phải là vĩnh cửu, thế nhưng, chàng vẫn một lòng một dạ với vợ, chung thủy với người vợ phàm tục ấy.

Các nàng Sirens với giọng hát du dương, mê đắm lòng người, khi đã nghe thì chỉ muốn ở lại đây với họ. Hay nàng công chúa Nausicaa xinh đẹp, vậy mà các mỹ nhân ấy vẫn không sao quyến rũ được chàng. Chàng là một người chồng chung thủy, sắt son, không bao giờ lung lay tình cảm trước những cái đẹp đang cám dỗ mình.

Và không phụ lòng chàng, Penelope – một người vợ chung thủy chờ chàng hai mươi năm, trải qua khó khăn, dùng kế lừa bọn cầu hôn trong 4 năm. Khi đã hạ bọn cầu hôn nàng dùng chi tiết chiếc giường để thử Ulysses, hai vợ chồng nhận ra nhau, những giọt nước mắt hạnh phúc của hai trái tim yêu đương, Ulysse cảm thông và chân trọng với người vợ đáng thương của mình: “Ulysses càng thêm muốn khóc. Chàng ôm lấy người vợ siết bao yêu thương, người bạn đời chung thủy của mình”. Chàng đã trở về với người vợ thân yêu với đứa con Telemachus để gia đình đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách.

Chính tình yêu gia đình là động lực để con người ta vượt qua mọi chuyện, vươn tới những tình cảm cao đẹp, thực hiện lý tưởng lớn lao.

  • Người anh hùng mang lý tưởng cao đẹp

Nếu Iliade là bản anh hùng ca hào hùng của chiến trận khốc liệt, nơi sự sống và cái chết được định đoạt trong gang tấc thì Odyssey lại là bản anh hùng ca của cuộc sống yên ấm hòa bình, dù rằng, sự yên ấm này cũng được đánh đổi bằng không ít gian nguy và thử thách. Qua cuộc trở về của Ulysses, bản trường ca ca ngợi sức mạnh của ý chí và nghị lực con người trước những gian nan, nguy hiểm mà số phận và định mệnh đã sắp đặt sẵn.

Xuyên suốt Odyssey, khát vọng cao cả và mãnh liệt nhất luôn thường trực trong trái tim và khối óc Ulysses chính là sự trở về. Nhưng không phải chỉ cần đóng một chiếc bè, đoán được hướng gió, có những người anh em sống chết cùng nhau là có thể xuôi chèo mát mái. Cuộc đời chẳng bao giờ dễ dàng. Hành trình trở về có lắm những hiểm nguy rập rình thật khiến con người ta nản lòng. Nào xứ sở quả lú (lotus) tận vùng châu Phi xa xôi, mà chỉ cần cắn một mẫu là quá khứ, quê hương, thậm chí mình là ai cũng sẽ chỉ như những cơn gió đi hoang, không quan trọng và không thể gợi nhớ. Nào vùng đất của người khổng lồ một mắt Cyclopes, nơi tên Polyphemus ngu ngốc nhưng tràn đầy sức mạnh cư ngụ. Bị bất ngờ trước sức mạnh và sự tàn bạo của Polyphemus, Ulysse và các trai bạn bị giam cầm trong hang tối, cùng với những con cừu “lông xoắn tít như mây”, để rồi khi bình minh xuất hiện, vài người trong số họ phải nhận lấy kết cục bi thảm. Ulysse – người được mệnh danh “có trí tuệ sánh ngang thần Zues” đã tự mình nghĩ ra được cách đâm mù mắt Polyphemus, giải thoát bản thân và các trai bạn khỏi cái chết rập rình. Và còn nữa những con quái vật Charybdis, Scylla, những nàng tiên cá xinh đẹp và nguy hiểm Sirens, những cơn bão biển bất ngờ và dữ dội mà thần Poseidon giáng xuống, Ulysses vượt qua tất cả bằng mưu kế và sự tinh khôn, sự giúp sức của các vị thần, nhưng nếu không có nghị lực, sự kiên trì và quyết tâm chiến thắng số phận thì mọi chuyện biết đâu lại rẽ sang hướng khác?

Thiên nhiên trong Odyssey cũng là một chướng ngại mà Ulysses phải vượt qua. Có lúc thiên nhiên hiền hòa ẩn mình trong một dòng suối, khi ủ rũ âu sầu theo tâm trạng của Ulysses rồi lại biến mình mạnh mẽ thành những cơn bão biển. Những chi tiết mô tả thật đáng sợ “Poseidon lay chuyển mặt đất làm nổi lên một ngón sóng rất to, khủng khiếp, rùng rợn, cao như một cái vòm trên đầu người và nhằm thẳng người mà đổ xuống…Người nhảy lên, ôm lấy phiến đá nhưng lại bị ngọn sóng dội lại cuốn đi và vứt người ra xa ngoài biển” (Ca khúc V). Ulysses dù có can đảm và mưu lược đến đâu thì chàng cũng chỉ là một con người, có những hạn chế của người thường và chịu sự chi phối của số phận. Bởi vậy mà khi đối diện với những con sóng mà không một vị thần nào khác ngoài Poseidon vĩ đại tạo ra, Ulysses bị kiệt sức, “hai bàn tay dũng cảm của Ulysses cũng bị toạt da, và người bị dìm xuống sóng” nhưng chàng không bỏ cuộc, lại tiếp tục bơi tìm một cửa sông khác. Tìm hy vọng. Cái cách mà Ulysses hiên ngang vượt qua những cơn bão biển, những hiểm họa khôn lường được tạo ra bởi sự giận dữ của Athena, cơn cuồng nộ vì sự trả thù của vị thần biển Poseidon khi đã giết chết đứa con yêu bằng sự thông minh, lòng quả cảm chính là sự mong ước chế ngự thiên nhiên của con người. Sinh mạng và định mệnh nằm trong tay mình, chỉ cần con người ta cố gắng và quyết tâm thì cả thiên nhiên cũng phải cúi đầu, còn thần linh thì giúp đỡ và ngợi ca.

Một người anh hùng can đảm là thế trong cuộc chiến thành Troy, vượt qua thử thách Poseidon tạo ra một cách oanh liệt là thế, nhưng không thể ngăn mình bật khóc “ngồi trên bờ biển, ở nơi người vẫn thường ngồi, người đang khóc, lòng tan thành nước mắt và lời than vãn đau thương. Người đăm đăm nhìn ra biển khơi luôn luôn chuyển động mà khóc dầm dề” (Ca khúc V) khi nghĩ về quê hương quá xa vời, mà mình lại bị cầm chân ở nơi này, dù cái “nơi này” ấy là hòn đảo Ogypgia thần tiên thơ mộng làm đến thần Hermes cũng ngẩn ngơ một đỗi trước khi hoàn hồn và được nữ thần “sông núi tóc quăn xinh đẹp” Calypso ở bên chăm sóc, muốn kết nghĩa phu thê. Trước Calypso, Ulysses cũng là được rất nhiều người phụ nữ đem lòng yêu thương như phù thủy Circe độc tài đã biến hai mươi người của Ulysses thành lợn, nàng công chúa Nausicaa ngây thơ và tốt bụng đã giúp cuộc trùng phùng với quê cha đất mẹ của Ulysses được nhanh chóng hơn. Đó là những thử thách rất thực được đặt ra cho Ulysses bởi lẽ thường tình, mấy anh hùng qua được ải mỹ nhân, nhất là khi đi kèm với mỹ nhân là sự bất tử, là bước một bước rất gần đến ngôi vị tôn quý của các vị thần. Có thể nói, Ulysses cần sự co thắt dồn dập của một trái tim kiên định và một ý chí thần thánh hơn là sức mạnh trí tuệ mới vượt được qua những cửa ải này. Cầu xin Calypso được trở về, người anh hùng Hy Lạp đã bộc bạch những tâm sự rất thực: “Tôi biết rõ là về vóc dáng và sắc đẹp, Penelope khôn ngoan không sao bì được với nàng. Vợ tôi chỉ là một phụ nữ phàm trần, còn nàng, nàng là một vị thần bất tử, muôn đời trẻ mãi” (Ca khúc V). Chính vì điều đó mà hành động của Ulysses khi “mặt trời lặn và bóng đêm đã xuống. Hai người cùng vào cuối động, nằm nghỉ bên nhau ân ái” đối với Calypso hoàn toàn không mâu thuẫn với tâm lí của nhân vật mà Homere đã ra sức miêu tả từ đầu tác phẩm, mà ngược lại, càng củng cố thêm cho tâm hồn trắc ẩn của hình tượng Ulysses: một sự đền đáp ân nghĩa.

Đối với người vợ rất mực yêu thương của mình cũng vậy, xa cách hai mươi năm đằng đẵng, khi hai mắt chạm nhau, những tưởng Ulysses sẽ chạy đến và ôm chầm đến Penelope cho thỏa những cơn nhớ nhung quay quắt. Nhưng Homere đã không để Ulysses làm thế, ông buộc Ulysses phải trải qua thử thách của vợ – thử thách của sự nhẫn nại. Penelope đưa ra câu hỏi về chiếc giường – chi tiết mà chỉ hai vợ chồng biết với một sự ngờ vực không giấu giếm. Ulysses bình tĩnh đáp lại vợ, chính xác và rành mạch, đã đánh tan mọi nghi ngờ của Penelope. Những giọt nước mắt hạnh phúc lặng lẽ rơi trên khuôn mặt ngỡ ngàng vì vẫn chưa tin vào sự thật, Ulysses càng thêm cảm thông và yêu thương người bạn đời chung thủy “Ulyssey càng thêm muốn khóc. Chàng ôm lấy người vợ siết bao yêu thương, người bạn đời chung thủy của mình” (Ca khúc XXIII).

AD

Ulysses là sự hòa trộn của những phẩm chất tốt đẹp nhất ở một con người: sự quả cảm và tinh khôn, mưu trí và sáng tạo, nghĩa tình và thủy chung. Điều này là chuẩn mực của người anh hùng trong xã hội Hy Lạp cổ đại, một xã hội đề cao tính cộng đồng. Người anh hùng trong Odyssey không chỉ biết cho bản thân mình. Trong tất cả những nguy nan, Ulysses không bao giờ bỏ chạy một mình, chàng luôn tìm cách cứu nhiều nhất có thể những người bạn bè, anh em đã sống chết cùng mình. Ulysses còn có một niềm tin mãnh liệt vào công lý và bản thân mình, trước những thử thách, Ulysses không bao giờ thỉnh cầu một sự trợ giúp nào từ thần linh tối cao, chàng luôn suy nghĩ mình phải làm gì và có thể làm gì trước tiên. Đối mặt với bọn cầu hôn, Ulysses chưa hẳn đã vội xưng danh, chàng chấp nhận thử thách như một người cầu hôn bình thường. Penelope, với mong muốn làm một trăm lẻ tám tên cầu hôn sớm bỏ cuộc đã đưa ra một thử thách quá khó khăn, đó là mở cuộc thi bắn cung và tuyên bố ai giương nổi cung bắn một mũi tên qua mười hai cái vòng của mười hai cái rìu thì sẽ được lấy nàng. Chẳng ai trong số những tên vô dụng ấy giương nổi cây cung thì làm sao chinh phục được thử thách hóc búa của nàng Penelope? Chỉ có mỗi Ulysses làm được điều này. Thật ra, Ulysses có thể xưng danh ngay khi trở về và giết chết bọn cầu hôn bằng một liều thuốc độc, trong lúc bọn chúng sơ hở. Nhưng sự cao cả đang thấm đẫm trong dòng máu của một người anh hùng không cho Ulysses trả thù một cách lén lút. Chàng phải đường đường chính chính cho những tên cầu hôn hợm hĩnh và ngạo mạn thấy rõ ai mới là người xứng đáng làm chủ xứ Ithaca xinh đẹp và làm chồng người phụ nữ tuyệt vời Penelope. Rồi sau đó Ulysses nói rõ mình là ai, chàng lấy danh nghĩa là người chủ gia đình trở về đòi lại những gì là của mình đã trừng trị đích đáng những người đã chà đạp lên danh dự và sự tự tôn của chàng bằng sức mạnh công lý.

Trần Kiêm Đạt đã nhận xét: “Nếu Achille là sự lý tưởng hóa cái sức mạnh thể chất thì Ulysse là sự lý tưởng hoá cái súc mạnh của trí tuệ con người, là một yếu tố rất cần thiết trong thời kỳ người Hy lạp tiến hành tìm hiểu thế giới xung quanh, mở rộng tầm mắt và địa bàn hoạt động”. Đầy màu sắc hoang đường với hệ thống các thần, những con quái vật nửa người nửa thú, những loài lạ lùng chỉ xuất hiện trong tưởng tượng, hành trình dài dằng dặt của Ulysses không đơn thuần là hành trình trở về, mà còn là một sự khám phá thế giới của một con nguời khát khao tìm hiểu thế giới xung quanh. Khát khao khám phá của Ulysses là một sở thích, một đam mê hay một bản năng mà khi đi đến bất kỳ một vùng đất mới nào: Xứ sở của những người khổng lồ Cyclopes, xứ của mụ phù thủy Circe,… hầu như lúc nào Ulysses cũng có chung một câu hỏi: “Những người ăn bánh mì nào đang làm chủ mảnh đất này?”. Để rồi khi hiểu rõ vùng đất ấy, chuẩn bị cho một sự thoát thân và giải cứu mình và bạn bè khỏi những hiểm nguy, Ulysses và trai bạn lại tiếp tục lên đường, tiếp tục khám phá.

Đọc Odyssey càng thấm thía, có những khi con người bị sự chông chênh của số phận đánh gục, tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Hay là ta buông xuôi? Hay là ta bỏ cuộc?”. Ulysses chiến đấu để trở về, để đoàn tụ, trở về lại gặp phải sự ngăn cản của bọn cầu hôn, những kẻ muốn cướp đi tất cả: mái nhà, của cải, sự yên bình và buộc chàng bắt đầu một trận chiến mới. Điều đáng nói là dù trong hoàn cảnh nào, Ulysses cũng chiến đấu hết mình và dùng nghị lực của bản thân làm vũ khí để vượt qua. Hóa ra cuộc đời vẫn công bằng lắm, mỗi thử thách qua đi lại có giá trị riêng của nó để hạnh phúc thêm được trân trọng và gìn giữ. Tình nghĩa vợ chồng, tình cha con, sự yêu mến đầy bản năng vùng đất sinh ra mình càng làm cho hình tượng người anh hùng của Ulysses thêm sáng chói qua những dòng miêu tả của Homer. Khát vọng được trở về, được đoàn tụ của Ulysses không chỉ là khát vọng của riêng mình nhân vật, mà nó ẩn chứa trong đó cả khát vọng của những người anh hùng thầm lặng, không tên nhưng đã sống, đã chiến đấu ở khắp mọi chiến trường, không chỉ ở Hy Lạp – xứ sở của Zeus mà của cả thế giới, bởi vậy mà hình tượng Ulysses là biểu tượng của nghị lực con người và có “tính nhân bản sâu sắc”.

Những biện pháp kỹ thuật sử thi trong Odyssey

Anh hùng ca là một tác phẩm kể chuyện, phản ánh khái quát một giai đoạn lịch sử dài của một dân tộc. Nó kể lại những biến cố lịch sử có ý nghĩa lớn lao, quyết định đối với vận mệnh của toàn thể nhân dân, những biến cố không phải xảy ra trong một quá khứ gần gụi mới đây mà là trong một quá khứ xa có thời gian hàng thế kỉ. Nhà thơ trong khi kể chuyện, một mặt dựa vào chất liệu truyền thống, tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, chặt chẽ của truyền thống, mặt khác không thể nào không có sự cải biên sửa đổi. Vì thế trong khi kể chuyện, nhà thơ sử thi tiến hành hai việc: vừa làm cổ hóa và vừa hiện đại hóa hiện thực. Do yêu cầu và đặc tính của nghệ thuật kể chuyện trong hoàn cảnh lịch sử của chế độ công xã thị tộc đã hình thành nên biện pháp kĩ nghệ của nghệ thuật sử thi.

Yếu tố tự sự đòi hỏi phải đạt đến một trình độ hoàn thiện trong việc sử dụng ngôn ngữ để từ đó có thể khái quát lên toàn bộ hình tượng mà nó xây dựng, toàn bộ thế giới cộng đồng kì vĩ mà nó đang miêu tả. Ngôn ngữ sử thi là ngôn ngữ đậm chất hùng tráng và giàu tính trữ tình. Nhân vật mang tính cách mạnh mẽ và tình cảm nồng thắm. Dưới cách kể và tả của tác giả sử thi, cảnh vật và con người rất nên thơ, có nét đẹp hồn nhiên, có tâm hồn đắm say yêu người. Một thứ ngôn ngữ có sức lôi cuốn và mê hoặc dẫn người đọc vào một thế giới thần tiên mà hầu như tất cả mọi vật đều có hồn, đều lung linh, huyền ảo. Nếu xét về phương thức biểu hiện thì đây là một thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, hình tượng với nhiều biện pháp tu từ khá đặc biệt tạo nên một vẻ đẹp của sự cân xứng, hài hòa về ngữ âm, về ý nghĩa về ngữ pháp và về hình thức bố cục… Ngôn ngữ sử thi là ngôn ngữ rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày trong đời sống sinh hoạt tập thể, tuy nhiên ngôn ngữ sử thi lại mang tính chất của thơ ca, của nhạc và của kịch. Những giá trị về mặt hình thức ngôn ngữ được lồng với những giá trị về nội dung làm cho sử thi có sức trường tồn khiến người nghe, người đọc luôn luôn say sưa trong thế giới vừa thực vừa ảo, tràn đầy mơ ước và khát vọng của các dân tộc tộc thời kì cổ xưa. Đúng như Gorki đã nhận xét một cách sâu sắc: “Cái đẹp được nhận thức là sự kết hợp nhiều chất liệu khác nhau, kể cả âm thanh, màu sắc, từ ngữ, nhờ đó mà con người, nhà thiện nghệ chế tạo nên một hình thái tác động vào cảm xúc và lý trí như một sức mạnh khiến cho mọi người đều ngạc nhiên, tự hào và vui sướng”.

Trong phần này, xin được tìm hiểu về những biện pháp kỹ thuật của sử thi được sử dụng trong “Odysses” đã làm nên vẻ đẹp của ngôn ngữ sử thi Odysses, đưa sử thi Odyssey của Homer trở thành một thiên anh hùng ca mẫu mực đạt đến độ hoàn thiện của nghệ thuật sử thi.

Lối miêu tả chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ

Khác xa với loại hình sân khấu về sau này với sự tham gia diễn xuất của nhiều diễn viên theo lối phân vai cụ thể, với lời thoại cụ thể, hành động cụ thể, được gia cố thêm trang phục và phông nền trong khi diễn, sử thi chủ yếu chỉ được truyền miệng và đến với công chúng thông qua hoạt động diễn xướng của các nghệ nhân hát rong, mà cụ thể ở Hy Lạp người ta vẫn gọi đó là các aedes hay rhapsodes (người khâu nối các bài ca). Chính “người khâu nối các bài ca” này sẽ “một tay” đưa đến cho người nghe, người đọc toàn bộ mọi sự vật, con người trong thế giới mà họ kể. Điều này đòi hỏi một lối miêu tả cụ thể, chi tiết và tỉ mỉ làm cơ sở cho sự tái hiện, chuyển tải phông nền, bối cảnh, con người, như thể các aedes đang nhào nhặn cuộc sống, nhân vật, sự kiện mà bày ra trước mắt mọi người để họ được chiêm ngưỡng tận mắt vậy.

Với lối miêu tả này, Homer trong thiên anh hùng ca Odyssey đã vẽ nên bức tranh sinh động thể hiện trước mắt chúng ta hình ảnh về những con người Hy Lạp bước vào cuộc sống mới với khao khác chinh phục những vùng đất mới, gây cho chúng ta một sự xúc động nghệ thuật mạnh mẽ và những ấn tượng nghệ thuật sâu sắc.

Đoạn miêu tả Ulysses đóng bè ra đi và gặp bão táp “…Người vượt sóng bơi theo, chộp được nó và trèo lên ngồi vào giữa, mong thoát chết. Những ngọ sóng khổng lồ liền đẩy chiếc bè khắp chốn, lắc lư theo dòng nước. Như những cây gai mắc chằng vào nhau thành một bó bị gió bắc mùa thu quét đi khắp cánh đồng, chiếc bè cũng bị đẩy đó đây trên mặt biển, khi thì gió nam trao cho gió bắc, khi thì gió đông nhường cho gió tây đuổi…”

Đoạn miêu tả cái chết của tên cầu hôn Angtinot: “…Nhưng Ulysses đã bắn một mũi tên vào cổ họng Angtinot. Mũi tên xuyên suốt qua cái cổ mềm của hắn ra tận đằng sau gáy. Hắn ngã ngửa ra, tay buông rơi cốc rượu. Từ mũi hắn, máu đỏ ộc ra, còn chân thì giãy giụa đạp mạnh vào cái bàn làm cho thịt quay, bánh mì và những thức ăn khác lăn rơi cả xuống đất, trộn lẫn với bụi bẩn…”

Phải nói nếu không có một óc quan sát tinh tế, tài giỏi thì không thể có những đoạn miêu tả sinh động, sáng sủa và đẹp đẽ như vậy.

Một biến dạng của lối miêu tả chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ là có những đoạn miêu tả kéo dài thành một cảnh đơn lập, làm chậm hẳn sự phát triển của hành động truyện, của dòng chính câu chuyện đang kể như đoạn người vú già Oricle rửa chân cho Ulysses thấy vết sẹo và nhận ra chủ mình, nhà thơ đã dừng lại và kể chen vào đó lai lịch của vết sẹo, sau đó mới kể tiếp câu chuyện của mình. Và có những đoạn lại miêu tả rất ngắn, như đoạn miêu tả chiếc cung của Ulysses.

Nhìn chung lối miêu tả chi tiết này đã phát triển chi tiết thành những đoạn dài phá vỡ sự cân xứng, hài hòa trong việc trình bày các sự kiện trong dòng truyện, hành động truyện. Nhưng rõ ràng là tác giả cũng không ý thức được điều đó. Các nhà nghiên cứu gọi lối miêu tả phát triển chi tiết thành từng cảnh độc lập này là lối “trì hoãn sử thi”. Cách miêu tả này là mẫu mực điển hình của lối kể chuyện chậm rãi kiểu sử thi, một trong những đặc điểm của phong cách sử thi.

Lối miêu tả không phù hợp với trật tự thời gian

Homer đã sử dụng lối miêu tả, kể chuyện không có phối cảnh, không tuân theo quy luật xa gần. Nhà thơ, trong khi miêu tả các sự kiện, không kể chúng theo trình tư nhất định của thời gian trước sau, tuần tự, mà miêu tả, tách sự việc ra thành từng đoạn độc lập hoàn chỉnh, do đó những sự việc xảy ra cùng một trình tự thời gian không được kể phối hợp. Lối kể chuyện, miêu tả như vậy được gọi là lối miêu tả không có phối cảnh hay lối miêu tả không phù hợp với trật tự thời gian.

Trong Odysses, cùng lúc với việc miêu tả sự việc Telemachus đi tìm hỏi tin tức người cha là sự viêc Ulysses rời đảo Oghidi ra đi và bị trôi dạt vào xứ sở Pheaki và dừng lại ở đó ít ngày. Nhà thơ đã kể tách hai sự việc xảy ra đồng thời thành hai đoạn độc lập, dường như hành trình của Ulysses xảy ra sau hành trình của Telemachus và chỉ đến khúc ca thứ XV, nhà thơ mới kể đến việc hai cha con gặp nhau.

Lời nhắc lại

Một trong những yêu cầu của công chúng – những người nghe – cũng như yêu cầu của nghệ thuật kể chuyện là nhà thơ phải làm sao cho công chúng của mình biết được, nắm được dễ dàng nội dung chủ yếu của cậu chuyện, và trong quá trình nghe kể, họ cũng đồng thời theo dõi được dễ dàng diễn biến của các sự kiện và tình tiết của dòng truyện. Lối kể lặp lại, nhắc lại hình thành do yêu cầu đó. Như đoạn kể việc Penelope dùng kế dệt tấm vải liệm cho bố chồng, ban ngày dệt ban đêm lại tháo ra để trì hoãn việc trả lời bọn cầu hôn, được nhà thơ kể ở khúc ca thứ I rồi lại nhắc lại ở khúc ca XIX và khúc ca XXIV. Nhìn chung sự kể lại này đã phục vụ cho việc kể chuyện, đem lại ít nhiều hứng thú mới mẻ cho người nghe vốn chỉ được nghe từng đoạn.

Những định ngữ

Gần gũi với lời nhắc lại là các định ngữ. Thần thánh, người, anh hùng, dũng sĩ, đồ vật trong thiên anh hùng ca đều được Homer kể theo một định ngữ. Chính những định ngữ này giúp người nghe nắm được đặc tính và thuộc tính của nhân vật hoặc đồ vật.

Những định ngữ như: “Athena mắt sang long lanh”, “Ulysses muôn vàng trí xảo”

Những đoạn thuyết lý
ad

Trong trường ca Odyssey nói riêng và những thiên sử thi của Homer nói chung, chúng ta còn gặp một biện pháp kỹ thuật nữa của nghệ thuật sử thi đó là đoạn các nhân vật đối thoại với nhau nhưng tách riêng từng đoạn của từng nhân vật ra, chúng được gọi là những đoạn thuyết lý. Qua những đoạn này ta biết được những lí lẽ và cách lập luận chất phác của những con người thời cổ, phản ánh trình độ tư duy của thời đại. Những đoạn thuyết lý này thường là chậm rãi, trang trọng, kể lể chi tiết dài dòng nhưng rõ ràng và có một sức thuyết phục nhất định, mặc dù về lý lẽ có phần đơn giản thô sơ. Trong Odyssey, những đoạn Ulysses trả lời Calypso, Ulysses cầu xin Nausicaa là những đoạn hay, phản ánh được khá sắc nét tính cách nhân vật. Đặc điểm của những đoạn thuyết lý này là chúng thường được diễn tả dài dòng, chậm rãi. Vì thế người ta thường có nhận xét rằng các nhân vật sử thi của Homer đua nhau nói, nói dài, nói chậm ngay cả trong tình thế cấp bách, khẩn trương.

Kết luận

Trường ca Odyssey – bản anh hùng ca về người anh hùng Ulysses, người anh hùng muôn vàn trí xảo, sau khi dùng mưu hạ được thành Troy thần thánh, đã phiêu lưu khắp đó đây, chiến đấu bảo vệ tính mạng của mình và để cho các bạn đồng hành được trở về xứ sở. Ulysses đã chịu nhiều đắng cay, cám dỗ, những gian nan, nguy hiểm… và chàng đã chiến thắng tất cả bằng mưu trí. Ulysses là hiện thân của trí tuệ, thông minh. Chàng không biết khuất phục, không biết nản lòng, là hình tượng người đi tiên phong mở đường cho một sự nghiệp lớn. Ulysses đã tự mình làm ra số phận mình bằng tinh thần đấu tranh không mệt mỏi với lực lượng của thiên nhiên, cũng như với kẻ thù trong xã hội. Ulysses tiêu biểu cho sự giải phóng tinh thần quan trọng, chứng tỏ sự trưởng thành mạnh mẽ của con người. Sau hai mươi năm lưu lạc, Ulysses đặt chân lên mảnh đất quê nhà, sống trọn nghĩa vợ chồng, tình cha con, yêu thương bè bạn, giống nòi, đất nước, quê hương…Người là hình tượng tiêu biểu cho thế hệ người anh hùng Hy Lạp cổ đại.

Thiên anh hùng ca Odysses thật sự là một “tiếng đồng vọng lớn” về huyền thoại thành Troy, đạt đến trình độ hoàn thiện của nghệ thuật sử thi, mà ở đó ta “ có thể nhìn thấy ở đó những đường nét chân phương, thậm chí thô sơ về một thế giới ở buổi rạng đông của quá trình phát triển văn hóa của loài người. Các nhân vật tự phô bày mình một cách cường tráng, bồng bột, đầy sức trẻ; mỗi con người đều muốn lao vào cuộc sống với một nhiệt tình sôi sục, một cách thế vồ vập hết sức đáng yêu, với những biểu hiện nhiều khi còn hoang dại”.

(ĐHKHXH&NV)