AD

Tác phẩm “Người Trong Bóng Tối” của Paul Auster

AD

Trong việc tìm hiểu về Mỹ-Mỹ Latin, đi cùng với sự phát triển của địa lí, của lịch sử, cùng với đó là sự hình thành của những đặc điểm xã hội-văn hóa,…không thể không nhắc đến đó chính là sự phát triển nền văn học Mỹ-Mỹ Latin. Không ít những tác phẩm nổi tiếng đã được dịch ở Việt Nam như: “Lá thư đỏ thắm” của Nathaniel Hawthorne, “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Michell, hay “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner,….. Tuy nhiên, cũng như bao nền văn học khác, văn học Mỹ vẫn tiếp diễn đầy sôi động và bất ngờ với nhiều tác giả đôi khi vẫn còn là ẩn số. Đến với việc tìm hiểu về cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết “Người trong bóng tối” của Paul Auster sẽ mang đến cho người đọc những cái nhìn khác biệt và sâu sắc hơn. Và tất nhiên, cái hay, cái đặc trưng của mỗi tác phẩm sẽ mang người đọc đến với sự tò mò và thú vị hơn khi tìm hiểu về nó.
Paul Auster là một tác giả đương đại khá nổi tiếng. Ông nổi tiếng với các chủ đề riêng biệt như có chứa các yếu tố phi lý, khủng hoảng danh tính và chủ nghĩa hiện sinh. Ông đã tự khẳng định mình là một trong những nhà văn độc đáo và nguyên bản nhất trong văn học đương đại và các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn ba mươi ngôn ngữ trên khắp thế giới.
Còn với tiểu thuyết “Người trong bóng tối”, nhắc đến tác giả Paul Auster, người ta thường sẽ nhắc nhiều về tác phẩm “Trần trụi với văn chương” hơn là “Người trong bóng tối”. Tính từ thời điểm xuất bản đến nay thì “Người trong bóng tối” đã ra đời chỉ được hơn bốn năm, vì vậy đây càng được xem là một điều thú vị, và mang đến làn “gia vị” mới mẻ cho nền văn học.
Đây là một câu chuyện phi trọng tâm, phi tuyến tính và có lẽ cái hay, cái đặc sắc của tác phẩm lại là nằm ở đó.

Nhà văn Paul Auster
Nhà văn Paul Auster

1.Từ cốt truyện cho đến cảm quan hậu hiện đại.

August Brill được khắc họa là một nhà phê bình 72 tuổi, ông bị tai nạn ô tô và phải di chuyển bằng xe lăn hoạc nạn, sống cùng nhà với con gái và cháu gái cả hai đều gặp những nỗi đau riêng trong cuộc sống. Trong những đêm không ngủ Brill tưởng tượng một thế giới khác một “thực tại song hành” đang diễn ra đầy phức tạp và phi lí. Có thể thấy trong thế giới ấy Owen Brick-một ảo thuật gia bất ngờ bị đẩy vào cuộc nội chiến lần 2 ở Mỹ đầy khói lửa. Cũng trong những đêm dài thức trắng ấy Brill còn suy nghĩ miên man những dòng hồi ức về quá khứ, những chuyện đã qua để lại những ám ảnh trong cuộc đời ông như về hôn nhân của ông và người vợ yêu quý, bạo động, chiến tranh…Và cả những chuyện của hiện tại về con gái, cháu gái ông. Nghĩ về cuộc đời, xây dưng nên một thế giới ảo, xem phim cùng cháu gái…như những lời kể rù rì trong đêm của Brill hay của chính tác giả đã xây nên một câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc.
Cũng từ cốt chuyện, sự kiện trong tác phẩm đã dẫn đến việc cảm quan hậu hiện đại trong tác phẩm ra đời. Tác giả không chỉ tái hiện sự hỗn loạn của đời sống mà còn chính là một nguyên tắc nhìn đời sống của nhà văn: đời sống như là một sự hỗn độn, không còn tiêu chuẩn giá trị và định hướng có ý nghĩa nào. Nhà văn xem bản chất thế giới là hỗn mang, và anh ta chấp nhận sự hỗn độn như là một sự kiện…. Có thể xem cảm quan hậu hiện đại là một dấu hiệu văn hoá của văn chương, ghi nhận kịp thời một hiện trạng tinh thần của con người thời đại. Và đó cũng là dấu ấn của câu chuyện này.
Cảm quan hậu hiện đại
Có thể nói rằng nếu xét về mặt nội hàm, cảm quan hậu hiện đại trước tiên là một thuật ngữ mang tính thế giới quan, nó dựa trên hai nguyên tắc cơ bản của nhận thức luận hậu hiện đại, đó là chaos (hỗn độn) và epistemological uncertainty (bất tín nhận thức). “Cảm quan hậu hiện đại” là một phạm trù then chốt của hậu hiện đại. Biểu hiện của nó khá phức tạp. Trên nét lớn, đó là sự ghi dấu đậm cơn khủng hoảng niềm tin của con người. Lí tưởng và các thang bảng giá trị đời sống đổ vỡ, trở thành “kẻ vắng mặt” kinh niên. Bài ca cuộc sống bị “vặn cổ”. Đời sống, xã hội hỗn loạn. Con người méo mó, đáng thương, mất sức đề kháng, thậm chí tê liệt. Trạng huống bi – hài trở nên phổ biến.
Cảm quan hậu hiện đại còn mang ý nghĩa là một thuật ngữ trong lĩnh vực lý thuyết văn học, nhằm chỉ “lối viết tiểu luận nhiều ẩn dụ. Đây là nói về hiện tượng “tư duy nghệ thuật”.Gắn với sự khủng hoảng của chủ nghĩa duy lý”.

2. Bóng ma chiến tranh bao trùm trong thế giới của các nhân vật.

2.1 Ông già August Brill và trận chiến của bóng đêm

Nhân vật August Brill là người kể chuyện, được hiện lên với hình tượng một nhà phê bình 72 tuổi. Và cuộc sống của ông gắn với những sự ám ảnh và những sự đau khổ. Chị gái Betty của ông chết trong cô đơn với một cuộc đời đầy đau khổ, những sai lầm của chính ông và cái chết của người vợ yêu quý, con gái và cháu gái ông đang sống hết sức khổ sở.
Trong cảm quan hậu hiện đại, trên hết, đó là dấu ấn đậm về cơn khủng hoảng niềm tin của con người. Dường như lí tưởng và các thang bảng giá trị đời sống từ đó cũng đổ vỡ. Vì thế xuất hiện trong tác phẩm là những hình ảnh mang đậm dấu ấn của cảm quan hậu hiện đại. Bỏ rơi cuốn sách dự định viết về gia đình mình, ông ngập chìm trong bóng tối trong “một cuộc hành trình dài của đêm vào trong ngày”. Ông đã sáng tạo nên câu chuyện đầy phi lý nội chiến lần hai ở Mỹ, đồng thời qua những dòng hồi ức miên man ông đã bộc lộ những suy tư trăn trở, triết lí về cả cuộc đời mà ông đã sống và còn tiếp tục phải sống. Cuộc chiến với chính ông, với bóng đêm, một cuộc chiến âm thầm và dai dẳng.
Không những thế, trong cảm quan hậu hiện đại này, con người cũng trở nên méo mó, đáng thương hơn bao giờ hết. Họ mất sức đề kháng, thậm chí tê liệt. Cái đẹp thưa vắng, mà nếu có thì cũng yếu ớt, mong manh, lạc lõng, chẳng cứu vớt được ai…. Vì thế, nhân vật Brick được tạo ra từ những ám ảnh chiến tranh của Brill nhưng đồng thời cũng được tạo ra để ông có thể đắm chìm trong thế giới của những đêm không ngủ, giúp ông chiến đấu với cô đơn, tuổi già, bệnh tật và cả những day dứt ân hận về những lỗi của mình. Bril đã tự giới thiệu mình ngay từ đầu cuốn sách như sau: “Tôi một mình trong bóng tối, đang quay cuồng vật lộn với một cơn mất ngủ nữa, một đêm trắng nữa trong chốn hoang mạc Mỹ vĩ đại”.
Và dường như mọi thứ đã được bắt đầu từ: “Tôi đã đặt hắn vào một cái hố. Vào chuyện như vậy có vẻ được, một cách mở đầu hứa hẹn khởi động được mọi thứ. Đặt một người đàn ông đang ngủ xuống một cái hố, rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra khi anh ta thức dậy và cố trèo lên khỏi đó. Là tôi đang nói đến một cái hố dưới đất, sâu xấp xỉ ba thước, đào thành một hình tròn hoàn hảo, vách nện rõ chặt, cứng nhẵn như sành, mà thậm chí thành ra như thủy tinh”.
Trong cuộc chiến của nhân vật ảo tưởng Brick do chính mình tạo nên, dù cố chạy trốn định mệnh của mình nhưng nhân vật này đã thất bại. Anh ta đã không thể giết Brill cũng như không thể trở về cuộc sống yên ổn vốn có của mình. Phải chăng cuộc chiến của Brick cũng chính là cuộc chiến của Brill, ông chống lại nỗi sợ hãi chiến tranh, một thứ đã ám ảnh suốt cuộc đời ông với những cuộc bạo động mà ông đã chứng kiến. Ông quay cuồng trong thế giới bóng đêm của mình cũng như chính Brick quay cuồng trong cuộc nội chiến mà anh được tạo ra như một con cờ.
Có lẽ khi đọc trong tác phẩm, ngoài ấn tượng từ “bóng tối” xuất hiện trong nhan đề tiểu thuyết, thì từ “bóng tối” còn xuất hiện rất nhiều lần nhằm để mang dụng ý của tác giả. Từ “bóng tối” nó lặp lại nhiều lần đến nỗi tạo nên một sự ám ảnh mà ta nghĩ Brill sẽ không thể nào thoát ra được. Bởi trong hoàn cảnh hiện tại với đôi chân tàn tật, tuổi già, và nỗi cô đơn vì vợ chết và cuộc sống khổ sở của con cháu, tạo nên một thế giới đen tối xám xịt quanh ông. Bênh cạnh đó những ân hận về qua khứ với những lỗi lầm bỏ vợ, bỏ con nhưng lúc già lại chính họ là những người cưu mang ông trong những năm tháng cô đơn cuối đời. Bóng đêm với sự tĩnh lặng và huyền bí của nó Brill đã có thể suy nghĩ về mọi chuyện với cái nhìn triết lí hơn như chuyện về cái chết của chị gái Betty của ông: “Betty đã chết vì một trái tim tan vỡ. Sẽ có người cười khi nghe câu nói ấy, nhưng đó chỉ là vì họ chẳng biết gì về thế giới này. Người ta vẫn chết vì trái tim tan vỡ. Chuyện xảy ra hàng ngày và sẽ như vậy cho đến tận cùng thời gian”.
Đặt cảm quan hậu hiện đại vào trong tác phẩm, ta mới có thể thấy rõ được cái tác giả muốn nói, cái người đọc muốn biết. Cảm quan hậu hiện đại trong văn chương không chỉ thể hiện ở chỗ nhà văn tái hiện sự hỗn loạn của đời sống, mà quan trọng hơn, chính là một nguyên tắc nhìn đời sống của nhà văn. Vì thế, có lẽ những suy nghĩ của nhà văn đôi lúc cũng đã “áp đặt” lên những hình ảnh, hành động của nhân vật. Với người già những đêm không ngủ là chuyện bình thường, có lẽ họ biết họ sắp phải đi vào bóng đêm vĩnh hằng, vì vậy phải thức, thức để suy tư, để chiêm nghiệm và để nhìn lại mình. Bóng đêm hấp dẫn nhưng cũng thật đáng sợ nếu như cứ chìm đắm mãi trong nó. Nếu còn thở thì hãy sống, vì vậy hãy bước ra bóng đêm để đón nhận bình minh ngày mới, dẫu biết rằng thế giới này còn lắm đau thương và mất mát. Và ông già tàn tật August Brill đã quyết định bước ra ngoài để dùng “một bữa sáng nông dân”.

paul auster

2.2 Gia đình Brill – nỗi đau, nỗi mất mát của số phận

Hàng ngày Brill đối diện với chính mình trong bóng tối qua những đêm mất ngủ và để giết thời gian, nghĩ ra một gã Brick nào đấy, vứt gã xuống một cái hố rồi bắt đầu thay gã quyết định cuộc đời. Người đàn ông đang sống những giây phút cuối đời này nghĩ ra một câu truyện ảo tưởng để quên đi thực tại. Chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh trong từng câu chuyện của Augus Brill, và không những thế, những nỗi đau, nỗi mất mát mà gia đình Brill phải chịu đựng cũng luôn thấp thoáng cái bóng đen của chiến tranh. Chính Brill và cô cháu gái luôn luôn bị ám ảnh khủng khiếp bởi chiến tranh, những hậu quả và nỗi đau khủng khiếp mà nó mang lại.
Thế nhưng cuộc chiến thực sự lại chính là cuộc chiến giữa Brill với bóng tối, vẫn diễn ra hằng đêm trong căn phòng nhỏ của mình. Bóng tối đeo bám tâm trí Brill bấy lâu nay chính là cái chết của người vợ yêu dấu và của Tidus, bạn trai cháu gái mình. Ở tuổi 72, Brill nhìn lại những sai lầm đã mắc phải trong cuộc đời mình cũng như cuộc sống hiện tại của con và cháu mình, Katya.
“Katya tự đổ tội cho mình vì những gì đã xảy ra, cho rằng nó đã can dự vào mọi biến cố dây chuyền cuối cùng đã dẫn đến cái chết của Tidus”.
Với cảm quan hậu hiện đại, các nhà hậu hiện đại nhìn thế giới không phải dưới một chỉnh thể theo quan hệ nhân quả, mà là một tập hợp hỗn độn các sự vật hiện tượng theo quan hệ hiện tượng-ngẫu nhiên. Từ đó, thế giới là một thế giới phi trật tự, phi hệ qui chiếu, phi định mức giá trị. Vì thế, nỗi nhớ, sự đau khổ trong gia đình Brill cũng đi theo sự “hỗn độn” đó, mỗi người một sự đau khổ, mỗi người một nỗi nhớ khác nhau, không ai giống ai. Trong gia đình Brill, mỗi thế hệ đều có những mất mát của riêng mình, và họ đều có những cách khác nhau để chấp nhận nó. Brill luôn sống trong nỗi dằn vặt và nhớ mong người vợ Sonia quá cố. Cô con gái Mirian đã li dị chồng thì chỉ biết viết sách và sống một cuộc sống giường đơn gối chiếc: “Miriam bốn mươi bảy tuổi đứa con gái duy nhất của tôi đã ngủ một mình từ 5 năm qua”. Cô cháu gái Katya thì sau một cú sốc tâm lý nặng nề đã “Bỏ dở trường điện ảnh New York để về ở với mẹ ở Vermont” và một tai họa khủng khiếp, một mất mát khủng khiếp trong cộc đời cô, đó là cái chết của Titus. Titus là một thanh niên trẻ tình nguyện đến Iraq và tham gia vào cuộc chiến để tìm kiếm một con đường trưởng thành , cho ta thấy sự tàn bao nhất cũng có thể diễn ra theo cách phi lý nhất, nhưng cũng chân thực và đầy xót xa.
“Miriam, bốn mươi bẩy tuổi, đứa con duy nhất của tôi, đã ngủ một mình từ 5 năm qua, và Katya hai mươi ba tuổi, đứa con duy nhất của Miriam, trước đây vẫn ngủ với một thanh niên tên là Titus Small, nhưng giờ thì Titus đã chết rồi, và Katya ngủ một mình với con tim tan nát của nó”. Tất cả mọi thứ dường như đã đánh mất hệ quy chiếu, đến cả những nỗi đau cũng trở nên một “mớ hỗn độn” đầy xót xa.
Tuy nhiên ở cảm quan hậu hiện đại, con người cũng được thể hiện nhiều giá trị của cuộc sống. Và nó còn có những chức năng nhằm để “ngầm gỡ rối” cho nhân vật trong những bế tắc đến vô cùng. Chiến tranh luôn lấy đi của con người ta rất nhiều thứ, và trong những thứ đó có cả niềm tin vào cuộc sống hiện tại và tương lai. Gia đình Brill vứi những nỗi mất mát đau thương của riêng từng thế hệ, không phải vì thế mà làm cho tác phẩm rơi vào bi kich. Những con người cô đơn trong gia đình Brill đã xích lại gần nhau san sẻ những nỗi đau và làm dịu đi những mất mát mà họ phải chịu đựng.

2.3 “Lời cảnh báo” vẫn tiếp tục diễn ra của thế giới kì lạ

Đã có nhà văn người Mỹ từng nhận định rằng: “Với cảm quan hậu hiện đại, văn học hậu hiện đại chối từ mọi nỗ lực diễn giải và nhận thức thế giới một cách toàn vẹn, thống nhất”.
Và trong tiểu thuyết “Người trong bóng tối” của Paul Auster cũng không ngoại lệ. Thế giới trong tác phẩm được xem là một thế giới kì lạ, kì dị mà trong đó tác giả dường như không có được sự lí giải, tác giả vẫn để nhân vật “lẩn quẩng” trong cái thế giới kì lạ ấy. “Trong lúc thế giới kì dị này vẫn trôi lăn tiếp tục”-Chính nhân vật Brill đã ấn tượng mạnh câu thơ này và với ông đó là câu thơ hay nhất dù người viết ra nó chỉ là thi sĩ thường thôi. Phải chăng bằng sự từng trải, với những đắng cay, ngọt bùi, chua chát của một nhà văn đã đi gần hết cuộc đời ông mới thấm thía được “ta đang sống trong một thế giới kì dị”. Với chiến tranh, bạo hành, sự bất công, phân biệt chủng tộc… vẫn ngày ngày hiện hữu ngay chính trong một xã hội văn minh là nước Mỹ.

Vì chính sự “chối từ mọi nỗ lực diễn giải và nhận thức thế giới một cách toàn vẹn, thống nhất” ấy của cảm quan hậu hiện đại, nên không chỉ thế giới diễn ra trong sự kì lạ mà ở đây còn có sự vận hành kì lạ ngay chính trong mỗi con người. Con người ta thật kì lạ “máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn” vậy những bất ổn trong thế giới ấy đều do con người gây ra, họ tự làm cho nhau đau khổ, họ mang đến những mất mát đau thương cho chính đồng loại của họ, dù đôi khi họ rất yêu thương nhau. Brill đã gây ra sự đổ vỡ cho gia đình để từ đó phải sống trong day dứt ân hận. Titus một thanh niên thánh thiện dù căm gét chiến tranh nhưng lại lao vào cuộc chiến để rồi chết thảm để lại những nỗi đau ám ảnh không nguôi những người sống. Nước Mỹ sẽ còn ném bao nhiêu những thanh niên như Titus vào cuộc chiến vô nghĩa này, ngoài những lợi nhuận thu được nước Mỹ sẽ nhận được gì đây khi mỗi công dân Mỹ đều sẽ bị nỗi ám ảnh dày vò.

AD

Với Brill, trải nghiệm đầu tiên của ông về chiến tranh là lần ông cùng chị gái và anh rể đi ăn tối. Trên đường về, họ được cảnh sát thông báo: “Khu trung tâm Newark đang trong tình trạng rối loạn”. Brill coi như đây là một cơ hội phiêu lưu hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị, và thầm nghĩ: “Thế là tôi có dịp chứng kiến một trong những cảnh nổi loạn chủng tộc tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Nhưng ngay sau đó Brill kinh hoàng nhận thấy sự tàn khốc của cuộc nổi loạn. “Hơn hai chục người bị giết, hơn bảy trăm người bị thương, hơn ngàn rưỡi người bị bắt, thiệt hại tài sản lên đến hơn trục triệu đô la”; “Nhà cửa bốc cháy, tiếng đám đông cuồng loạn chạy trên phố, tiếng kính bị đập vỡ từ hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, tiếng còi bạo động, tiếng súng nổ”;…..
Bên cạnh đó, không gian của tác phẩm cũng là không gian gây ấn tượng đối với người đọc. Và một phần, không gian này đã ám ảnh vào nội tâm khiến nhân vật dường như không còn lối thoát nào ra khỏi cái “thế giới kì lạ” ấy. Các phòng giam đều chật ních tù binh toàn bộ là người da đen, và ít nhất là một nửa số họ đều “quần áo tả tơi mặt mũi xưng vù, máu chảy đầm đìa từ trên đầu xuống”. Và cơn tức giận của một viên cảnh sát tiểu bang New Jersey trước sự nổi dậy của người da đen, hắn hùng hồn tuyên bố: “Ta sẽ săn lùng cho bằng hết bọn da đen khốn kiếp ở cái thành phố này”. Vậy nghĩa là nếu người da đen còn tồn tại ở thành phố thì cuộc chiến vẫn còn tiếp tục, và chỉ một viên cảnh sát của một tiểu bang cũng có thể gây ra những cuộc chiến kinh hoàng. Và từ đó Brill sống với lỗi lo sợ về một cuộc chiến luôn có nguy cơ xảy ra và đe dọa đến cuộc sống của mọi người: “Có thể chưa phải là một cuộc chiến tranh thực sự, nhưng một khi đã chứng kiến bạo lực ở quy mô như thế, ta khó có thể tưởng tượng cái gì tệ hơn nữa, mà khi đã tưởng tượng được thì ta hiểu ra rằng mức độ xấu xa nhất của nó chính là cái đất nước mà ta đang sống”.

“Thế giới kì lạ” này còn được thể hiện qua cách vận hành của cuộc sống với cuộc sống của những người đàn bà, đàn ông. Và điều này được thể hiện qua những câu tuyên bố của các nhân vật. “Tất cả điều là những người đàn bà. Họ là những người đã gánh vác thế giới này như thế nào. Họ làm những việc thực sự, trong lúc bọn đàn ông vô dụng chỉ láng cháng làm mọi thứ khó khăn hơn”. Quả thật thế giới rất dị kì, bao lâu nay người ta cứ nói về những người đàn ông như những người gánh vác việc lớn, họ xem thường những công việc bình thường của phụ nữ. Nhưng họ có biết đâu trong khi họ gây gỗ với nhau trong thế giới rộng lớn ngoài kia thì phụ nữ bằng sự dịu dàng của mình đang xếp lại thế giới một cách trật tự hơn bởi những những việc làm nhỏ nhặt những ý nghĩa thiết thực của mình.
“Nạng trên tay, nó bước trở lại giường và ngồi xuống bên tôi. Bố ơi, đúng là như vậy, nó nói, nhìn kĩ đứa con gái với ánh mắt lo âu, thế giới kì dị này vẫn trôi lăn tiếp tục”.
Câu thơ “Thế giới kì dị này vẫn trôi lăn tiếp tục” vẫn luôn gây một sự ám ảnh và dường như nó vẫn luôn nằm trong tiềm thức của nhân vật. Thế giới dị kì vẫn trôi lăn tiếp tục, Brick đã chết nhưng cuộc nội chiến biết đâu vẫn còn tiếp tục. Cô cháu gái Katya của Brill đã bắc đầu nguôi ngoai về cái chết cậu bạn trai và có thể sẽ trở lại trường. Mariam đã có thể viết được một tác phẩm hạng nhất để khẳng định tài năng của mình. Bản thân “người trong bóng tối” Brill đã quyết định bước ra ánh sáng: “Không, hôm nay thì không. Bố nghĩ mình nên ra ngoài sáng hôm nay”. Dù thế giới có ra sao đi nữa, thì vẫn phải tiếp diễn, con người ta vẫn tiếp tục phải sống. Và chính câu “Thế giới kì dị này vẫn trôi lăn tiếp tục” không chỉ là sự “dấu ấn” trong tâm thức của nhân vật mà nó còn là lời cảnh báo, gợi nên sự bất ổn trong thế giới con người và sự tiếp diễn của nó.

2.4 Cảm quan hậu hiện đại với câu chuyện của Brick và câu chuyện về nỗi sợ chiến tranh

Có thể nói rằng trong cảm quan hậu hiện đại, nó đã chỉ ra thế giới như một sự hỗn độn, nơi không còn bất kì tiêu chuẩn giá trị và định hướng ý nghĩa nào, thế giới này ghi đậm dấu ấn của cơn “khủng hoảng niềm tin” vào tất cả những giá trị đã từng tồn tại trước đó. Vì thế mà nhân vật trong tác phẩm cũng mang một dấu ấn đặc biệt. Cùng với đó là những nỗi sợ, là những lúc mất niềm tin vào mọi thứ. Và nhân vật Brick cũng là một nhân vật đặc sắc thể hiện những đặc tính đó. Owen Brick được tạo ra bởi ông nhà văn già August Brill hay thật sự anh đang tồn tại, và có đâu đó một thế giới song hành với thế giới mà ta đang sống?
“Người đàn ông ấy tỉnh giấc và thấy mình đang nằm ngửa, chăm chăm nhìn lên một trời đêm không mây. Tên hắn là Owen Brick, và hắn không thể hiểu nổi tại sao mình lại ở đó, không hề nhớ là đã bị ngã xuống cái hố hình trụ tròn ấy mà hắn ước lượng có đường kính khoảng ba thước rưỡi. Hắn ngồi dậy, rất ngạc nhiên thấy mình đang mặc một bộ quân phục bằng vải len thô sẫm màu”.
Câu chuyện khá phức tạp và bản thân Brick là một nhân vật khá phi lí. Hàng đêm, không ngủ, trong bóng tối bên cạnh dòng hồi tưởng miên man về quá khứ , những cảm xúc đớn đau hay suy tư về kiếp người, Brill đã tạo ra một nhân vật khác trong trí tưởng tượng của mình, đó là Owen Brick – nhân vật sẽ bị lôi vào cuộc nội chiến nước Mỹ tưởng tượng, và nhận lãnh trách nhiệm tìm giết chính ông. Owen Brick là một người đàn ông sắp bước sang tuổi 30, một ảo thuật gia, “lên giường với vợ ở New York, làm tình, rồi ngủ, và khi tỉnh dậy thì lại đang nằm dưới một cái hố ở giữa một nơi vô định khốn khiếp nào đó, mặc một bộ quân phục mắc dịch”. Điều duy nhất hắn có thể chắc chắn là đây không phải một giấc mơ và ngoài kia súng ống, lựu đạn đang nổ vang trời.
Và tất nhiên một điều rằng những nỗi sợ về chiến tranh, những nỗi sợ về sự mất mát luôn luôn đeo bám trong các nhân vật. Tất cả những nỗi sợ này đều được hình thành nên trong quá trình họ sống và bị đeo đuổi.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa hậu hiện đại tán thành thái độ hoài nghi có hệ thống cái viễn cảnh lấy lí thuyết làm nền tảng. Nhà văn Nguyễn Văn Tùng đã từng có ý kiến rằng: “Chủ nghĩa hậu hiện đại là một cách nhìn nhận thế giới và con người, là hệ quả tất yếu của thời đại khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão”. Chính vì thế trong tác phẩm, nhân vật được thể hiện như là quan niệm của cuộc đời. Từ một người đang sống hạnh phúc với vợ, sắp được làm bố, bỗng bị ném vào cuộc chiến một cách bấc ngờ, đi qua những thành phố đổ nát xa lạ, bị săn đuổi, và cuối cùng là chết trong bom đạn. Vậy cuộc đời của Brick là thật hay ảo? Có thế giới nào đang tồn tại song hành hay không, khi mà mọi thứ diễn ra quá thật. Qua cách kể của Paul Auster thế giới giữa thực và ảo trở trên quá mong manh, và từ cuộc đời ngắn ngủi của Brick cũng gợi nên nhiều suy nghĩ băn khoăn với những bất lực của con người trong cuộc chạy trốn số phận. Đồng thời cũng qua nhân vật tưởng tượng bộc lộ được thế giới nội tâm của ông già Brill với những ám ảnh chiến tranh và những hậu quả khôn lường của nó: “Chuyện chiến tranh. Cứ mất mát một tí thôi là chúng lại ùa đến, từng trận một, từng trận một”. Vậy nhân vật Brick mà Brill xây dựng lên phải chăng chính là câu chuyện về nỗi sợ hãi chiến tranh ám ảnh suốt cuộc đời Brill.

Như vậy, với sự thể hiện cảm quan hậu hiện đại, cùng với lối viết đặc trưng của mỗi tác giả sẽ hình thành nên một tác phẩm đặc sắc. Cùng thể hiện lối viết về sự mất mát, sự sợ hãi, sự cô đơn,…. nhưng với đặc trưng riêng của từng ngòi bút đã khiến cho mỗi tác phẩm mang một vẻ đẹp khác nhau. Sự thể hiện “Giờ xấu” của G.G.Marquez, “Rừng Nauy” của tiểu thuyết gia Nhật Bản Murakami Haruki, hay “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Murakami Haruki,….. vô hình chung đều mang những cảm quan hậu hiện đại, thế nhưng tác phẩm văn học Nhật Bản, hay văn học Mỹ đã ít nhiều mang những tư tưởng, mang những cách viết khác nhau, không tác phẩm nào giống một tác phẩm nào. Vì thế mà “Người trong bóng tối” đã mang một dấu ấn về cảm quan hậu hiện đại một cách đặc sắc. Trong cảm quan hậu hiện đại, sự dịch chuyển về tâm thức hậu hiện đại trong văn chương còn thể hiện ở chỗ: trước cái hỗn loạn, đổ vỡ, tai biến của hiện thực, thay vì “khóc than”, “đề kháng”, hay “nỗ lực chữa trị”, nhà văn lại “xâm nhập vào nó bằng một tình cảm mật thiết”, thậm chí còn “chơi cùng cái hỗn loạn”…. Vì thế, trong tiểu thuyết “Người trong bóng tối” ta có thể tìm thấy những dòng độc thoại nội tâm từ trong thế giới vô thức đầy những vết thương của một ông già – một biểu tượng cho tâm thức mệt mỏi của con người vì chiến tranh, vì bao nỗi mất mát, vì đổ vỡ niềm tin. Nhưng dù sao đi nữa thì đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết mang tinh thần lạc quan. Sau bao nỗi đau và bất hạnh, dù cho bóng ma chiến tranh vẫn ám cứ ám ảnh trong tâm thức mỗi người nhưng họ đã chọn cách sống và đối mặt bước ra ngoài ánh sáng chứ không phải đắm chìm hoài trong bóng đêm

Viết một bình luận

AD
AD Sticky Ad
×