Molière tên thật Jean – Baptiste Poquelin (1622 – 1673), là nhà hài kịch vĩ đại của nước Pháp và của nhân loại. Ông được đánh giá là “người hề vĩ đại” trong nền văn học Pháp. Ông là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Pháp mà còn là niềm kiêu hãnh của cả lịch sử sân khấu thế giới. nhà hài kịch Pháp. Thời trẻ bỏ tất cả để được chạy theo đam mê sân khấu. Từ nhỏ, ông đã rất đam mê sân khấu. Năm 21 tuổi (1643), Molière cùng với anh em Bejart thành lập đội kịch “Illustre Theatre” (Trứ danh), đội kịch hoạt động được hai năm thì vỡ nợ. Molière bị tống giam vì không có tiền trả nợ, sau đó ông được bố mình chuộc ra.

Sau sự kiện đó ông phải đi diễn ở các tỉnh lẻ.13 năm sau, đoàn nổi tiếng và trở về Paris (1658). Molière vừa viết kịch bản vừa làm diễn viên, đạo diễn, nhà quản lí sân khấu, bậc thầy của hài kịch cổ điển Pháp; người cải cách vĩ đại của nghệ thuật sân khấu Pháp; người sống với sân khấu và chết trên sân khấu (khi diễn vở “Người bệnh tưởng”).

Tác phẩm của ông có thể kể đến: “Những bà đài các rởm” (1659), “Trường học làm vợ” (1662), “Tactuyp” (1669), “Đông Joăng” (1665), “Kẻ ghét đời” (1666), “Lão hà tiện” (1668), “Người bệnh tưởng” (1673), v.v… Molière được các nghệ sĩ chân chính và nhân dân quý mến. Vua Louis XIV trọng tài năng của Molière, che chở Molière chống lại sự căm thù của quyền lực nhà thờ và những đại quý tộc hủ bại. Molière tiếp thu những truyền thống của hài kịch dân gian và những thành tựu của kịch cổ điển, đã sáng tạo nên những vở hài kịch có nội dung xã hội sâu sắc. Nhiều nhân vật trong kịch của Molière như Đông Joăng (Don Juan), Tactuyp (Tartuffe), Arpagông (Harpagon) … đã trở thành những điển hình xã hội về những thói hư, tật xấu.

Nhà văn Molière
Nhà văn Molière

Molière là người sáng tạo ra hài kịch Pháp, đóng góp vào mĩ học cổ điển Pháp nhiều quan niệm mới về nghệ thuật. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông đã đóng vai trò lớn trong sự phát triển của hài kịch toàn châu Âu và cả thế giới.

Tác phẩm Lão hà tiện

Thể loại hài kịch

Hài kịch là một thể loại văn học (đối lập với thể loại bi kịch) được sân khấu hoá dùng hình thức gây cười để đả kích, phê phán thói xấu, hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Các nhân vật trong hài kịch góp phần làm nên thành công cho các tác phẩm hài kịch, là người mang đến tiếng cười cho khán giả. Tiếng cười trong hài kịch là tiếng cười hài hước, vui nhộn, nhưng đồng thời cũng là tiếng cười chấm biếm và phê phán xã hội đương thời.

Trong thời cổ điển hài kịch Pháp phát triển rất mạnh, thúc đẩy nền sân khấu kịch Pháp trở nên đa dạng. Một số nhà soạn kịch đỉnh cao trong thời kì này: Về bi kịch, có P. Corneille, và J. Racine, hài kịch có Molière. Hài kịch xuất hiện đã góp phần thúc đẩy cho sự phát triển các thể loại văn học sân khấu Pháp và sân khấu cổ điển thế giới.

Tóm tắt tác phẩm

AD

Vở kịch được công diễn lần đầu vào ngày 9/9/1668 trên sân khấu của Hoàng cung. Tác phẩm được tác giả lấy từ đề tài tác phẩm Cái hũ vàng của Plautus, nhà viết kịch nổi tiếng thời La mã cổ đại.

Harpagon là một gã giàu có, goá vợ, có một con trai tên là Cleante và một con gái tên Elise. Lão có một tráp đựng một vạn Êquy được cất giấu trong vườn. Do đó, lão nghi ngờ tất cả mọi người trong gia đình, thậm chí cả con cái vì lão sợ họ trộm cái tráp của mình. Lão dè sẻn từng đồng bạc các trong các chi phí gia đình. Sự ngờ vực cộng với sự keo kiệt của lão làm cả người ở lẫn con cái ngày càng không thích lão. Ngay cả trong chuyện hôn nhân của con cái lão cũng tính toán để có lợi cho mình. Lão định gả con gái cho Anselme-một lão già lắm của, và gả con trai cho một bà goá lắm tiền, vì họ không đòi của hồi môn. Trong khi đó con trai lão đang yêu nàng Marian và cũng chính là người mà lão đang yêu, vô tình cả hai cha con lão trở thành tình địch của nhau. Cả hai người con đều phải đấu tranh và tìm mọi cách bảo vệ tình yêu của mình. Nhờ sự giúp đỡ của Fleche-đầy tớ của Cleante, anh đã lấy được cái tráp tiền và lấy nó ra làm vật trao đổi với Harpagon về tình yêu. Harpagon phải đành lòng chấp nhận chuyện hôn nhân của con cái, và đánh đổi cả tình yêu của mình để lấy lại được cái tráp. Trong khi mọi người đều vui vẻ trong niềm hạnh phúc, thì hạnh phúc to lớn và duy nhất đối với lão là cái tráp vàng. Cho đến cuối cùng, tính hám vàng vẫn vẹn nguyên trong cái tráp tiền, không có gì có thể thay đổi được sự tham lam về mặt vật chất, bản chất hám tiền của lão Harpagon.

Lẽ sống trong Lão hà tiện

Con người thay đổi cách nhìn cuộc sống.

Dưới thời vua Louis XIV thi hành những chính sách có lợi cho giai cấp tư sản về kinh tế và những chức trách quan trọng trong triều đình còn giai cấp tư sản thì đem lại những nguồn tiền khổng lồ cho nhà vua.

Do đó giới tư sản thời kì này có cuộc sống rất sung túc và giàu có, nắm giữ nguồn của cải to lớn do mình làm ra.

Trong Lão hà tiện, đồng tiền có sức mạnh to lớn, xoay chuyển tất cả mọi thứ làm thay đổi cách nhìn nhận của con người sống trong xã hội thời bấy giờ. Dưới thời vua Louis XIV thi hành những chính sách có lợi cho giai cấp tư sản về kinh tế và những chức trách quan trọng trong triều đình còn giai cấp tư sản thì đem lại những nguồn tiền khổng lồ cho nhà vua. Do đó giới tư sản thời kì này có cuộc sống rất sung túc và giàu có, nắm giữ nguồn của cải to lớn do mình làm ra.

Lão Harpagon đại diện cho giới tư bản thời bấy giờ, chỉ chú tâm đến việc có được thật nhiều tiền từ việc cho vay nặng lãi, tiết kiệm tới mức tối đa để không phải hao tốn nhiều tiền bạc. Trong mắt lão chỉ có tiền, tất cả mọi mối quan hệ từ người ăn, kẻ ở, cho đến cả con cái ruột thịt cũng chỉ hướng đến tiền. Lão chỉ nhìn trước cái lợi trước mắt, cái lợi của bản thân mà không hề nghĩ đến người khác, không hề quan tâm đến hạnh phúc con cái. Bản thân lão là chưa làm tròn trách nhiệm, chưa xứng đáng là một người cha trong gia đình. Dưới cách nhìn đúng đắn của thời đại, lẽ ra cha mẹ sẽ lo nghĩ đến hạnh phúc của con cái, và hi sinh cho con cái. Chính vì thế, lão đã trở nên rất phong kiến cổ hũ trong việc sắp đặt hôn nhân cho các con “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Điều đó cho thấy lão là một người có cái nhìn ích kỉ đối với cuộc sống, đối với gia đình mà không nhìn nhận dưới vị trí của một người cha về hạnh phúc tương lai của con cái.

Vì đồng tiền đã làm cho các con Harpagon có cách nhìn nhận hết sức sai lệch. Họ luôn cố gắng giành lấy hạnh phúc của mình, nhưng không hề biết mình đang rời vòng xoáy và chịu sự chi phối của đồng tiền. Họ không làm tròn bổn phận của người con, họ khinh thường cha mình, thậm chí Cleante còn mong cha mình chết sớm để thừa hưởng gia tài.

Rõ ràng đồng tiền có một sức mạnh to lớn làm con người trong Lão hà tiện có cách nhìn sai lệch với thời đại. Chỉ nhìn về lợi ích của bản thân mà không nhìn nhận một cách đúng đắn, không nghĩ đến tình nghĩa gì nữa. Đồng tiền không còn được xem là vật quy đổi, trao đổi mua bán trong cuộc sống, mà trở thành chuẩn mực trong xã hội, có thể đánh đổi hạnh phúc và nhân cách con người. Đồng tiền làm lu mờ suy nghĩ con người, thậm chí có sức mạnh sai khiến con người

Vàng là chuẩn mực của cái đẹp.

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, xã hội ngày càng tiến bộ con người dần nhận ra giá trị của vật chất – hàng hoá trao đổi thông thương. Vàng từ lâu đã được coi là kim loại có giá trị và nó đã được sử dụng làm bản vị cho nhiều loại tiền tệ (gọi là bản vị vàng). Vì vàng mang giá trị cao nên nó là một vật mang ý nghĩa biểu tượng cho: quyền lực, sự giàu có, hạnh phúc, tình yêu,… Và vàng trong Lão hà tiện đã trở thành chuẩn mực của cái đẹp.

Với lão Harpagon thì con người mang vẻ đẹp lí tưởng thời đại trước hết phải là người có nhiều tài sản, có nhiều vàng bac, sau đó mới tình đến sự đảm đang, tháo vác, sự thông minh hay sắc đẹp,….

Đồng tiền lúc này mang sức mạnh vạn năng nó là tiêu chuẩn để đo lường các chuẩn mực khác. Con người chỉ cần có nhiều tiền thì nhất định sẽ được lão Harpagon cho là đẹp cả về nhân hình lẫn nhân cách. Vì vậy mà lão đã sắp đặt hai cuộc hôn nhân cho hai đứa con của lão với ý nghĩa là nhất định hai cái đám này sẽ đem lại một mòn lợi kha khá cho lão đây.

Con người bất chấp đạo đức, văn hoá.

Dưới sức mạnh của đồng tiền nhân cách của con người đã bị méo mó, những lễ giáo tốt đẹp, những lễ nghi trật tự trong gia đình bị phá vỡ (con không tôn trọng cha, cha bất chấp hạnh phúc của con, người làm không tôn trọng chủ,…).

ad

Hai cha con Harpagon cãi vả thậm chí xỉ vả lẫn nhau vì đồng tiền, vì tranh giành tình yêu. Vì tiền mà con (Cléante) nguyền rủa cha mình, mong cho cha chết sớm.

Vì tiền mà một người nhu mì trở nên nhẫn nhục và cam chịu (Mariane).

Từ những con người lanh lợi thông minh vì tiền mà trở nên điêu trá, gian ngoa (Frosine).

Nhân vật Harpagon phản ánh tính chất xã hội: Đại diện cho tầng lớp tư sản mới nhen nhóm hình thành trong thời kì tích luỹ của tư bản, với đặc điểm nổi bật là tàn ác, quỷ quyệt, khát vàng, hung ác, tham lam, bần tiện, luôn luôn suy nghĩ thu gom từng đồng để làm giàu. Ông mang đặc điểm của một kẻ nhà giàu mới phất lên nên ít nhiều vẫn còn sót lại những thói ti tiện theo kiểu phong kiến. Harpagon là nhân vật tiêu biểu cho nhân cách của con người bị chi phối bởi đồng tiền:

Vừa mới xuất hiện đã la mắng người khác, cho người ta là quân ăn cắp, luôn suy diễn mọi người trong nhà đang dòm ngó tài sản của lão. Harpagon giữ tiền của mình rất cẩn thận “cái gì cũng khoá chặt và ngày đêm cẩn mật canh phòng”. Lão lo sợ người khác biết mình có giấu tiền trong nhà, lại còn khám xét người giúp việc sợ họ giấu đồ ăn cắp được trong người.

Lúc nào cũng lo sợ, nói lảm nhảm một mình về chuyện số tiền lão đang có. Ngay cả con trai con gái của mình lão cũng không tin tưởng lúc nào cũng đề phòng. Cho rằng con của mình tiêu xài lãng phí, xa hoa là do đã ăn cắp được tiền của lão.

Lúc nào cũng tính toán để tiền được sinh lãi nhiều thêm, ngay cả việc cho vay nặng lãi cũng làm.

Quyết định hôn nhân của con cái, đơn giản là vì lão không tốn của hồi môn, còn chàng rể tương lai là một lão già, không có người thân, và con dâu là một bà goá giàu có.

Tổ chức tiệc thì lúc nào cũng muốn linh đình nhưng không tốn kém. Rất thích những lời nói ngọt, nịnh bợ lão và điều quan trọng là dù cho ai có giúp lão tốt đến như thế nào lão cũng không hề hé một xu để thưởng hay trả công cho họ.

Nuôi ngựa thì chỉ cho ăn khi nào nó kéo xe thôi, khiến con ngựa ốm yếu đến không còn sức để đi nữa, huống hồ chi là kéo xe.

Bị con trai lấy chiếc nhẫn kim cương của lão tặng cho Mariane, Harpagon tức điên người lên không sao đòi lại được, vừa tức giận vừa sợ mất mặt trước người đẹp.

Xem việc liên quan tới tiền là quan trọng nhất, dù đang tiếp khách quan trọng nhưng khi nghe người làm gọi đi lấy tiền là lập tức đi ngay.

AD

Đối với lão tiền là người bạn thân, là tri kỉ, tiền là cả sự sống của lão. Khi phát hiện bị cái tráp vàng của mình bị mất trộm lão đau đớn và kêu la điên loạn. Lão như mất kiểm soát, mất hết lí trí, chỉ còn biết đến tiền và cho rằng tất cả mọi người là kẻ trộm, là kẻ ăn lấy tiền của lão, và lão cả tin đến mức mù quán.

Lão còn cho rằng con mình đã phải lòng một kẻ trộm. Harpagon tự cho mình là kẻ bất hạnh nhất trên đời.

Khi nghe rằng lão sẽ tìm được tiền của mình bị mất cắp. Lão sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu, kể cả hi sinh tình cảm của mình.

Ngay cả chuyện cưới xin của con cái lão cũng chẳng bỏ ra một xu nào, không những vậy mà còn yêu cầu nhà thông gia may cho lão một cái áo mới.

Cho đến cuối cùng lão cũng quyết giữ cho nguyên vẹn cái tráp tiền của mình.

Một xã hội mà hạnh phúc của con người cũng bị chi phối bởi đồng tiền (hai đứa con của Harpagon phải lấy người mình không yêu chỉ vì sự hám tài sản của lão,…).

Xuất hiện một xã hội coi đồng tiền là trên hết, xuất hiện những hình thức cho vay nặng lãi: lão Harpagon dạy con trai lão rằng thay vì đi đánh bạc thì hãy lấy số tiền mình có được đi cho vay lấy lãi sẽ tốt hơn, còn lão thì lúc nào cũng chỉ nghĩ cách để tiền của lão ngày càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Đồng tiền tư bản chủ nghĩa đã huỷ hoại nhân cách, bóp chết tình cảm, cắt đứt các mối quan hệ tốt đẹp của lão với xã hội. Chính nó đã làm cho Harpagon trở nên có những ham muốn kệch cỡm, hình thành thói ranh ma lừa lọc, hạ thấp nhân cách,…

Đây chính là thời kì lịch sử (thời kì tích luỹ của tư bản) làm cho xã hội có sự phân biệt giai cấp. Bọn tư sản thì xuất hiện những tính cách mới: khát vàng, hung ác, tham lam,… Nhưng vẫn chưa hoàn toàn rũ bỏ hết những đặc điểm tính cách của thời phong kiến.

Một xã hội đầy mâu thuẫn: vừa giàu có, vừa bần tiện, vừa vì có tiền vừa lo mất của, vừa ham tích luỹ vừa ham khoái lạc,… Xuất hiện nhiều mâu thuẫn trong vở kịch:

Mâu thuẫn giữa hai cha con lão Harpagon: cả về tình lẫn về tiền:

AD

Về tình cảm: hai cha con lão cùng yêu một cô gái tên là Mariane.

Về tiền: lão Harpagon là người cho vay nặng lãi, còn con trai lão lại là người đi vay.

Mâu thuẫn giữa tình cảm cá nhân và tình cảm gia đình: Elise vừa yêu chàng Valère những cũng không thể nào cãi lệnh cha được, Mariane thì vì yêu thương mẹ và muốn có điều kiện tốt hơn dể chăm sóc mẹ mình nên đành phải giấu tình cảm với chàng Cléante để nghe theo lời mụ mối lấy lão Harpagon,….

Và mâu thuẫn cơ bản nhất chính là mâu thuẫn giữa sức mạnh đồng tiền với nhân cách cảu con người: ở đây các nhân vật trong vở kịch đều bị đồng tiền chi phối làm méo mó cả nhân cách vốn tốt đẹp của mình.

Lão hà tiện đã góp thêm tiếng nói tố cáo về tác hại của đồng tiền trong tay của những con người tư sản ích kỉ, tham lam, độc ác,…

Nghệ thuật

Vở kịch Lão hà tiện là một thành công lớn vè nghệ thuật của Molière và đặc biệt chính là nghệ thuật gây cười.

Nghệ thuật gây cười: Molière đã phát hiện ra khía cạnh hài hước trong các hiện tượng, tính cách, tiếp thu và nâng cao các biện pháp gây cười của kịch hề dân gian Pháp, giấu kín bên trong những tiếng cười chính là những mối lo, những nỗi đau, những vấn đề xã hội, mang đậm ý nghĩa triết lý sâu sắc, giàu tính hiện thực và chiến đấu. Nghệ thuật kết hợp nhiều sắc thái tiếng cười khác nhau: tiếng cười hề kịch, tiếng cười khôi hài pha lẫn mỉa mai, tiếng cười châm biếm, tiếng cười bi kịch – tiếng cười đau đớn, xót xa, cười ra nước mắt.

Nghệ thuật khắc họa và xây dựng tính cách nhân vật: được vận dụng khá mềm dẻo, tập trung mô tả những nét tính cách cơ bản và nổi bật nhất của nhân vật; loại bỏ những tình tiết phụ, rắc rối, đối lập. Mỗi nhân vật được gắn với một tính cách cụ thể như : lão Harpagon với thói keo kiệt bủn xỉn hám lợi, trở thành điển hình độc đáo tiêu biểu cho thói hà tiện (nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình).

Nghệ thuật cường điệu hóa tính cách: tính hà tiện được phóng đại đến đỉnh cao, có nền móng cơ sở của hiện thực chắc chắn, nên có sức mạnh và được thừa nhận, do đó tính cách được phóng đại đậm nét hơn.

Nghệ thuật xây dựng xung đột kịch: xung đột trong hài kịch Molière luôn gắn liền với các hành động kịch toát ra từ ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ như xung đột giữa Harpagon và Valère là một điển hình. Ngoài ra, xung đột kịch còn gắn với các tình huống kịch, mỗi một tình huống đều hàm chứa một sắc thái của tiếng cười như màn Harpagon bị mất tráp vàng cũng là tình huống đắt giá.

Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ:

Ngôn ngữ đối thoại: được sử dụng phù hợp với tính cách nhân vật, thường gắn với những tình huống hiểu lầm, gắn với nhiều nhân vật khác nhau với những tính cách khác nhau như: sự hiểu lầm giữa Harpagon và Valère khi một người nói chuyện về tiền còn một người nói chuyện về tình. Bằng thứ ngôn ngữ đối thoại lấp lửng tạo ra một cái cười có nhiều sắc thái khác nhau: lúc thì khôi hài, lúc thì mỉa mai châm biếm.

Ngôn ngữ độc thoại: đó là hình thức giúp nhân vật bộc lộ nội tâm, được thể hiện rõ trong màn kịch Harpagon bị mất cái tráp vàng.

Kết luận

Với Lão hà tiện – Molière đã sáng tạo ra một vở hài kịch tính cách thành công nhất. Nhân vật Harpagon nổi bật với thói hà tiện, hám vàng đã trở thành nhân vật điển hình. Harpagon là một trong những nhân vật được xây dựng thành công nhất của Molière. Lão hà tiện là một vở hài kịch lớn, nêu lên một loạt vấn đề xã hội và nghệ thuật hài kịch. Tác giả thông qua nhân vật của mình để phê phán một người làm giàu một cách lạc hậu và tàn nhẫn trong cách đối xử với những người xung quanh, sự tha hóa suy đồi về mặt đạo đức của những giai cấp tầng lớp trên, sức phá hoại của đồng tiền trong xã hội tư bản buổi đầu. Và như vậy, bằng một nghệ thuật đa dạng, pha lẫn kịch hề, bi kịch, hài kịch, kịch cổ đại, kịch Molière đã tạo cho mình một phong cách độc đáo.

Molière góp thêm một tiếng nói tố cáo tác hại của đồng tiền trong tay những con người tư sản ích kỉ, tham lam, độc ác, vô liêm sỉ. Xây dựng nên một điển hình nghệ thuật bất hủ về thói hà tiện, làm cho Harpagon trở thành cái tên quen thuộc trong đời sống xã hội, là một cống hiến quan trọng của Molière cho lịch sử phát triển văn học nghệ thuật.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

  1. Văn học Phương Tây, Đặng Anh Đào – Hoàng Nhân – Lương Duy Trung – Nguyễn Đức Nam – Nguyễn Thị Hoàng – Nguyễn Văn Chính – Phùng Văn Tửu, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2012.
  2. Từ điển văn học, tập thể tác giả, Thế giới, Hà Nội, 2004
  3. bachkhoatrithuc.vn
  4. idoc.vn
  5. vnthuquan.net
  6. diendankienthuc.net
  7. khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
  8. sites.google.com

(Khoa Văn học và Ngôn ngữ – ĐHKHXH&NV)