Những vấn đề chung

Tác giả

Cuộc đời

Wiliam Shakespeare ( 1564-1616) sinh ra tại Stratford upon Avon thuộc miền trung nước Anh. Shakespeare được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh, nhà viết kịch đi trước thời đại. Shakespeare là người đại diện tiêu biểu nhất cho văn đàn Anh thời Phục hưng, được xem là văn hào vĩ đại nhất của nhân loại.

+ Stratford upon Avon là một thành phố nhỏ xung quanh là ruộng và đồng cỏ. Shakespeare lớn lên giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Từ nhỏ, đã làm quen với ngôn ngữ nhân dân, với những câu chuyện và những bài hát dân gian. Tất cả điều đó để lại một ấn tượng sâu đậm trong những tác phẩm sau này của Shakespeare.

+ Năm 7 tuổi, Shakespeare theo học trường “ Grammar School ” . Tại đây, Shakespeare được tiếp xúc với các môn phổ thông, được học tiếng Hi Lạp, La Tinh và một vài tác phẩm thời cổ đại của Hi Lạp, La Mã. Nó giúp tác giả quen với thơ tình ái của Ovid, Chuyện những con người trứ danh của Plautus và lịch sử Anh…

+ Năm 14 tuổi, gia đình Shakespeare sa sút nhanh chóng, bố Shakespeare bị mất chức Thị trưởng, Shakespeare phải bỏ học đi làm phụ giúp gia đình. Thoạt tiên, Shakespeare đến giúp việc tại lò mổ, về sau nhờ có ít chữ Shakespeare chuyển sang nghề dạy học.Đây chính là trường đời giúp Shakespeare thành con người của nhân dân, hiểu nhân dân, hiểu xã hội sâu sắc.

+ Năm 18 tuổi, Shakespeare kết hôn với Anne Hathaway, người lớn hơn Shakespeare tám tuổi. Sinh hoạt gia đình ngày càng chật vật vì sau ba năm họ đã có ba con.

+ Năm 23 tuổi (năm1585) Shakespeare rời Stratford ra kinh thành Luân Đôn với hai bàn tay trắng và niềm đam mê sân khấu. Khi Shakespeare đến Luân Đôn, chính là lúc kịch Anh đang sống những ngày sôi nổi. Shakespeare đã tìm thấy ở đấy một thế giới tình cảm mới mẻ, những đề tài và những nhân vật và tất cả những kỹ thuật của nền kịch Phục hưng. Quan trọng hơn, ông đã tìm thấy con người xem kịch. Quảng đại quần chúng đòi hỏi kịch phải nói lên những khát khao, nguyện vọng của họ; phải vạch trần những tật xấu, nêu lên sự thắng lợi của tư tưởng nhân đạo chống lại ý thức hệ phong kiến nhà thờ, thể hiện được con người trung thành với nhân dân.

AD

Shakespeare tìm đến rạp The Theatre (rạp kịch đầu tiên được xây dựng ở Anh) xin làm chân giữ ngựa rồi soát vé. Về sau do chứng tỏ được khả năng Shakespeare được giao làm chân nhắc vở và đóng những vai phụ. Cuộc sống này có tác động lớn đối với tư tưởng và nghệ thuật của Shakespeare.

Trong thời gian này, Shakespeare không ngừng học hỏi để nâng cao tri thức. Ngoài tiếng Pháp, Italia…Shakespeare còn nghiền ngẫm cuốn Sử biên niên của Anh, Ailen và Scotland của Raphael Holinshed (1529-1580) để hiểu thêm quá trình phát triển của nước Anh. Tìm hiểu về lịch sử La Mã cổ đại và nước Italia bấy giờ.

+ Từ 1590, Shakespeare bắt tay vào sự nghiệp sáng tác. Ông sáng tác hài kịch, kịch lịch sử, bi-hài kịch, bi kịch. Những vở hài kịch tiêu biểu của Shakespeare là: Ầm ĩ và chuyện không đâu, Đêm thứ mười hai, Giấc mộng đêm hè, Người lái buôn thành Venice. Hamlet là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo của Shakespeare.Ngoài ra, Othello, Vua Lear, Macbeth…cũng được đánh giá là những bi kịch kiệt xuất của ông.

+ Hoạt động sân khấu của Shakespeare tạm thời bị gián đoạn trong hai năm (1592 -1594), bấy giờ ở Luân Đôn có bạo động và bệnh dịch nên các rạp hát đóng cửa. Trong hoàn cảnh này, ông đã viết hai tập thơ trữ tình là Venus và Adonis được người đương thời hoan nghênh nhiệt liệt. Ông được gọi là “chàng Shakespeare với cái lưỡi bằng mật ” và được xếp ngang với thi sĩ Ovid của La Mã. Nó chứng tỏ tác giả đã tiếp thu rất sâu sắc cả tinh hoa của thời Phục hưng Ý.

+ Có thể nói từ 1594 trở đi, suốt mười mấy năm những vở kịch của Shakespeare đã làm bá chủ kịch trường Anh một cách tuyệt đối. Đó là thời gian sáng tác sôi nổi . Năm 1599, đoàn kịch Shakespeare dựng nên rạp hát “Global” lớn nhất ở Luân Đôn .

+ Năm 1612 Shakespear rời khỏi kịch trường , quay về thành phố Stratford sống cuộc đời yên lặng cho đến khi chết ( 23-4-1616). Năm 1623, toàn tập Shakespeare được xuất bản cắm mốc quan trọng cho việc tìm hiểu Shakespeare.

Sự nghiệp

Trong khoảng 20 năm cầm bút với những sáng tác thuộc các thể loại khác nhau như: hài kịch, kịch lịch sử, bi-hài kịch, bi kịch, Shakespeare để lại gần 40 vở kịch trong đó hầu hết là kiệt tác; 2 trường ca và 154 bài thơ Sonnet. Các tác phẩm của Shakespeare khái quát toàn bộ nước Anh: nước Anh tha thiết yêu đời, nước Anh hưng thịnh, nhưng cũng là nước Anh đau thương trong thời kì tích lũy nguyên thủy của Tư bản.

Hiện nay, có nhiều tài liệu khác nhau về cách phân chia quá trình sáng tác của Shakespeare. Ở đây, nhóm chúng tôi lựa chọn cách phân chia theo sách “ Văn học phương Tây – Tập thể tác giả – NXB Giáo dục ”

Quá trình sáng tác của Shakespeare chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (1590-1594) là thời kì Shakespeare mới vào nghề. Shakespeare tập sự, thử sức với việc sửa chữa, cải biên các vở cũ và hợp tác với soạn giả khác khi viết vở mới.

Sản phẩm giai đoạn này là các vở: Hài kịch của những hiểu lầm, Hai chàng công tử ở Verona (The two Gentlemen of Verona )… Vở kịch lịch sử Henry VI ( 3 phần), Richard III (1592), Richard II (1594)…

Đây cũng là thời kì Shakespeare cho ra đời các bản trường ca như: Venus and Adonis (1593)…cùng một số bài xonne làm say mê độc giả, đưa Shakespeare lên ngôi bá chủ thi đàn. Vở Romeo and Juliet cũng ra đời vào cuối thời kì này.

  • Giai đoạn 2 (1594-1600) là thời kì Shakespeare trình diễn các vở kịch lịch sử Henry VI ( 2 phần), Henry V…Cùng hàng loạt hài kịch vui nhộn như: Ầm ĩ và chuyện không đâu, Đêm thứ mười hai ( Twenlfth Night), Giấc mộng đêm hè( A Midsummer Night’s Dream), Chàng lái buôn thành Venice ( The Merchant of Venice)…

Thời kì này, tài năng Shakespeare nở rộ như hoa mùa xuân mà cảm hứng chủ đạo là lạc quan yêu đời, yêu người, yêu đất nước, tự hào và say mê về đất nước, phản ánh đúng tinh thần của “ Nước Anh vui vẻ ”.

  • Giai đoạn 3 (1601-1608) là giai đoạn của các vở bi kịch lớn như: Hamlet, Macbeth, Othello, King Lear, Antony and Cleopatra…

Xen kẽ các vở bi kịch này là các vở hài kịch chua chát, đắng cay: Tất cả đều tốt đẹp khi kết thúc tốt đẹp (All’s Well That Ends Well),..

ad

Giai đoạn này có sự chuyển biến dữ dội trong trong cách nhìn của Shakespeare để giờ đây cảm hứng lạc quan, vui vẻ , yêu đời phải nhường chỗ cho một cảm hứng khác: phê phán những mặt đen tối, những cái xấu xa, lên án tội ác, cường quyền bạo ngược, sự khủng hoảng bế tắc của xã hội, thời đại. Chiều sâu tâm lí nhân vật, đỉnh cao nghệ thuật ở các vở giai đoạn này nâng cao hơn nữa vị trí của Shakespeare trong lịch sử văn học Anh, cũng như văn học thế giới.

  • Giai đoạn 4 (1609-1613) là thời kì của các vở kịch viết về những cuộc tình thơ mộng, đầy gian nan trắc trở nhưng kết thúc tốt đẹp: Câu chuyện mùa đông ; Bão táp; Pericles, Prince of Tyre…Vở kịch lịch sử Henry VIII ra đời vào cuối giai đoạn này.

Các sáng tác thời kì này có phần nhẹ nhàng hơn. Mâu thuẫn ở đây không còn gay gắt, quyết liệt, đau đớn tột cùng gây đỗ vỡ, tan nát như giai đoạn trước nữa. Vì vậy, kết thúc thường vui vẻ, sum vầy.

Hoạt động văn học của Shakespeare gắn liền với cả một trào lưu tư tưởng và nghệ thuật mới đã thu hút Châu Âu từ giữa thế kỉ XIV gọi là thời văn nghệ Phục Hưng. Shakespeare đã cố gắng phản ánh trung thành tiếng nói của nhân dân, nguyện vọng, ước mơ, hoài bão của nhân dân vào các tác phẩm của mình

Nhà văn William Shakespeare
Nhà văn William Shakespeare

 

Tác phẩm

Nguồn gốc

Nhan đề đầy đủ vở Hamlet của Shakespeare là Bi kịch Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch ( Tragedy of Hamlet, Prince of Denmark ) được Shakespeare viết vào khoảng 1601 và được công diễn 1602.

Ban đầu, Shakespeare viết Hamlet theo thể melodrame ( kịch tuồng), một hình thức sân khấu thịnh hành ở nước Anh thời bấy giờ. Nhưng rồi qua nhiều năm trình diễn, tác phẩm bị tam sao thất bản, Shakespeare đã tự tay chỉnh lí dần tác phẩm.Văn bản cuối cùng theo thể kịch nói xuất bản năm 1623 và được dùng cho đến ngày nay.

Cũng như nhiều vở kịch khác của Shakespeare, kịch bản Hamlet cũng được dựa theo tích cũ và các văn bản kịch được lưu hành trước đó.

+ Trước hết, Hamlet có cốt truyện phỏng theo câu chuyện cổ Đan Mạch. Truyện này được Saxo Grammaticus – một thầy tu Đan Mạch sống vào thế kỉ XII ghi lại trong cuốn Truyện lịch sử Đan Mạch. Câu chuyện có nội dung gần nhưng giống hệt với Hamlet nhưng chủ đề thì không giống. Đây chỉ là sự trả thù đẫm máu mang tính gia đình, chứ không có tính bi kịch.

+ Năm 1570 nhà văn Pháp Francois De Belleforest đã viết lại câu chuyện này đưa vào bộ Câu chuyện bi thảm thứ năm trong tập truyện của ông.

+ Khoảng cuối thế kỉ XVI, các nhà soạn kịch Anh đã đưa Amleth lên sân khấu. Thomas Kyd được xem là soạn giả đầu tiên của Hamlet. Công lao của Kyd là sáng tạo nên nhân vật hồn ma vua cha Hamlet và để Hamlet chết chứ không phải giành thắng lợi như truyện cổ…Tuy nhiên chủ đề Hamlet của Kyd cũng chỉ giới hạn trong phạm vi của một bi kịch báo thù gia đình chứ chưa đạt tới tầm bi kịch xã hội như Hamlet của Shakespeare khi ông đưa thêm vào cốt truyện những người phu đào huyệt, Fortinbras và cái chết của Ophelia…

Shakespeare đã cải biến câu chuyện trả thù thành một vở kịch phản ánh sâu sắc đặc trưng thời đại bấy giờ; sự khủng hoảng bế tắc của lý tưởng nhân văn; nói lên nỗi băn khoăn trăn trở về lẽ sống, về ước vọng của con người thời đại ấy một cách thống thiết. Hamlet là tác phẩm kết hợp tuyệt vời giữa thi ca và triết học, giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa sân khấu và cuộc đời.

Vài nét tiêu biểu về tác phẩm Hamlet

AD

– Hamlet mở đầu giai đoạn sáng tác bi kịch của Shakespeare, là vở kịch có ý nghĩa tâm lý, xã hội sâu sắc nhất của Shakespeare.

– Hamlet được xem là đỉnh cao nghệ thuật của Shakespeare, những vấn đề mà Hamlet đề cập mang đậm hơi thở thời đại, phản ánh sâu sắc những giá trị tinh thần của thời đại Phục hưng. Chính điều đó giúp Hamlet trường tồn mãi với thời gian và giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử sân khấu của thế giới.

– Hamlet ra đời năm 1601 là thời kì tích lũy sơ khai tư bản Anh đẻ ra những mâu thuẫn xã hôi gay gắt: quần chúng nhân dân bị tư sản và phong kiến áp bức bóc lột, cường quyền chà đạp mọi đạo lý, sự lên ngôi của thế lực đồng tiền => Tự thân Hamlet đã mang trong mình bản chất thời đại.

Những vấn đề thời đại trong Hamlet của Shakespeare

Những vấn đề thời đại trong Hamlet của Shakespeare
  • Vấn đề thời đại ở đây là những vấn đề lớn làm nên diện mạo tinh thần thời Phục hưng.

Không khí mở đầu vở bi kịch là sự lo âu, kinh hoàng, là linh cảm về những biến động dữ dội rồi sẽ xảy ra. Việc hồn ma xuất hiện đã làm nổi bật bầu không khí bao trùm đất nước Đan Mạch. Cả đất nước sống trong lo âu, sợ hãi. Hoàn cảnh rất bất lợi. “Có cái gì đang thối nát trong đất nước Đan Mạch này”. “Hồn ma hiện lên là điềm báo trước một tai họa bất thường cho đất nước ta”(lời Horatio).Quả là những gì đang xảy ra trong tác phẩm Hamlet có liên quan tới những vấn đề trọng đại mang tầm cỡ quốc gia. Vua Đan Mạch Claudius và cả triều đình đang hiệp lực với nhau thành một liên minh ma quái. Mình Hamlet phải đương đầu với cả khối liên minh ma quái ấy. Hamlet thực sự trở thành kẻ đơn độc trong hoàn cảnh, không khí vây bủa thù địch với chính mình. Xã hội với sự trái ngược giữa bề ngoài và thực tế bên trong.

Tiếng nói của bất kì nhân vật nào cũng âm vang lời của người khác, đặc biệt là lời của thời đại.

Trân trọng, đề cao con người trái ngược với thái độ, nhân sinh quan thời Trung cổ là hạ thấp, coi rẻ, miệt thị con người => thể hiện tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng.

– Hamlet ca ngợi “ Kì diệu thay là con người! con người cao quý làm sao về mặt lí trí, vô tận làm sao về mặt năng khiếu..Trong hành động thật như thần tiên, về trí tuệ ngang tài Thượng đế! Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài…” ( trích Hồi II, cảnh 2)

=> Câu nói cho thấy được cái nhìn tiến bộ của thời đại Phục hưng. Thời đại đó coi Con người là trung tâm của vũ trụ. Con người ở đây là con người trần thế với tất cả những nhu cầu vật chất và tinh thần, xác thịt và trí tuệ ;với tất cả những khả năng và triển vọng to lớn.

– Giữa thời đại đảo điên, trong thế giới nhà tù, vẫn có những con người xứng đáng với danh hiệu Con người như Hamlet đã dũng cảm chiến đấu để “ xây dựng lại cho nó ngay ngắn, vững vàng” cái xã hội bất công, thoái nát ; giành lại tự do và lập lại công lí dù biết rằng mình có thể phải hi sinh. Hamlet không chỉ quan tâm đến nghĩa vụ trả thù và ngai vàng mà quan tâm hơn hết là lẽ sống và lối sống của con người.

  • Các giá trị nhân văn Phục hưng bị lấn át bởi sự lạnh lùng, ích kỉ của chủ nghĩa cá nhân.

– Lời dạy con của Polonius: “…có nghĩ gì, cũng đừng nên nói ra mồm; chớ có hành động, khi ý nghĩ chưa được cân nhắc kỹ: hãy thân mật mà không suồng sã; với bạn bè đã được con thử thách, thì hãy buộc chặt họ vào tâm hồn con bằng những vòng đai thép. Nhưng chớ có làm chai sạn lòng bàn tay mình vì bắt tay thân thiện với những kẻ cha căng chú kiết vừa mới quen biết không đâu. Chớ có dính dấp vào những cuộc ẩu đả, nhưng một khi đã dính vào, phải làm thế nào cho đối phương phải gờm mình. Hãy lắng tai nghe tất cả mọi người, còn mình thì nên hà tiện lời thôi, cứ nghe mọi lời phê phán, còn ý kiến mình ra sao, thì nên dè dặt. … Đừng cho ai vay mượn, cũng đừng vay mượn ai, vì cho vay thường mất cả tiền lẫn bạn; mà mang công mắc nợ, thì mất dần cả tính tiết kiệm. …” ( Hồi I, cảnh 3)

AD

– Vua Claudius nói “ Tuy vương huynh Hamlet thân yêu của trẫm mất đi, kỉ niệm hãy còn tươi xanh, đáng lẽ chúng ta phải giữ niềm đau buồn trong lòng, cả đất nước phải rầu rĩ tang tóc; vậy mà lẽ phải với thường tình chẳng dung nhau, thương tiếc người là hợp tình nhưng cũng còn phải nghĩ đến bản thân chúng ta; chính vì thế mà chị dâu trước của trẫm, giờ đây là hoàng hậu, người kế tục ngôi báu của đất nước thượng võ này, trẫm đã cùng người xe duyên, lòng vừa mừng vừa đau, một bên mắt chói ngời hạnh phúc, một bên đau buồn rơi lệ, cười trong tang tóc, khóc trong hôn lễ, bắc cân lên, niềm vui và nỗi buồn thật quá đều nhau. Mà trẫm vẫn không làm gì trái với những lời khuyên rất sáng suốt của các khanh đã tự ý phò trẫm trong việc này. Trẫm cảm ơn tất cả.” ( trích Hồi I, cảnh 1)

=> Những câu nói trên khái quát được cái nhìn ích kỉ của một người tư sản đang làm phá sản những giá trị nhân văn Phục hưng.

+ Chứa đựng trong lời dạy con của Polonius là sự ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của cá nhân. Với Polonius sống phải biết lạnh lùng, giả tạo trong các mối quan hệ xã hội để bảo vệ bản thân không bị thiệt thòi. Ở đây, lợi ích bản thân được đặt lên hàng đầu.

+ Ở mức độ đáng ghê sợ nhất, Claudius là hiện thân của thứ chủ nghĩa cá nhân ác độc, ham danh lợi không chùn tay trước những tội ác, sẵn sàng vi phạm những phạm trù đạo đức cơ bản của con người để đạt được mục đích.

Hai mặt bi-hài toát ra từ câu nói
  • Cái bi thể hiện những giá trị truyền thống –những giá trị của thời Phục hưng không còn phù hợp với hiện tại.
  • Cái hài là những sự việc bất thường, suy nghĩ và hành động trái với đạo lí ấy lại được cả đám triều thần tán đồng.

Chế độ phong kiến cản trở mọi mặt trong đó thứ tư tưởng chống khoa học, phục tùng số mệnh… của Nhà thờ là một cản trở rất lớn chống mọi tiến bộ.

– Từ đối thoại giữa hai phu đào nguyệt, thấy được ý nghĩ của quần chúng nhân dân nước Anh thời bấy giờ đối với lập pháp, lễ nghi và cả cái xã hội mà ở đấy mọi người đều điên cả.

+Lên án Nhà thờ chống lại mọi tiến bộ: “Cái luật đời thối tha ấy cứ như cái giá treo cổ nhỉ! Nó sống lâu hơn cả nghìn thây ma treo trên giá, vững chắc hơn cả Nhà thờ”…Một người sau khi chết muốn được nhớ lâu thì “ chắc chắn y phải cho xây dựng Nhà thờ”…

+Cường quyền áp bức bất công “ở trên đời này cứ hạng người phú quý thì có nhiều đặc quyền hơn những con chiên đồng loại khác ’’…

Quan trọng nhất: “Bi kịch nhận thức”

Con người “lý tưởng của thời đại” hoang mang, đau đớn trước sự tan vỡ của những giá trị làm thành ý nghĩa của cuộc sống, luôn luôn muốn nhận thức và đánh giá mọi vấn đề xã hội, cố gắng tìm một thái độ, hành động phù hợp trong cuộc đấu tranh vì một xã hội công bằng, tốt đẹp.

Hamlet là hình mẫu lí tưởng của thời đại.

Hamlet hội tụ mọi tố chất, thừa kế mọi tinh hoa của thời đại Phục hưng “Một tâm hồn cao quý …Đôi mắt của nhà thông thái, thanh gươm của trang hiệp sĩ, miệng lưỡi của người hào hoa; niềm hi vọng đóa hồng tươi của quốc gia gấm vóc, gương sáng của thời trang, kiểu mẫu của mọi người…” ( trích câu nói Ophelia Hồi )

Sự tan vỡ của những giá trị làm thành ý nghĩa cuộc sống ( sự bế tắc của lý tưởng nhân văn)

+ Sự đổi thay ghê gớm trong con người và thực trạng xã hội trước sự hoành hành của cái ác, cái xấu xa

Hamlet: “ Hình như” ư, tâu Lệnh bà? Không, thực chứ, con nào có biết chuyện hình như, vì người ta có thể đóng kịch ra như thế mà!”(trích Hồi I, cảnh 2)

Nếu hoàng hậu và những kẻ cùng quan điểm với bà coi cái chết của nhà vua và đi bước nữa với em chồng là Claudius là chuyện bình thường thì ngược lại Hamlet coi đó là chuyện lạ lùng. Hamlet khẳng định rõ ràng như vậy và vạch ra rằng cái gọi là “hình như” là cái mà “người ta có thể đóng kịch ra như thế”, còn ở Hamlet thì tất cả đều là thật. Hamlet không thể nào chấp nhận sự giả dối . Vì sự giả dối thường vay mượn cái hình thức bề ngoài để che giấu cái bản chất đích thực bên trong

=> Sự trái ngược giữa “ hình như ” và “ thực chứ ” là điều Hamlet đã nhận thức được qua kinh nghiệm bản thân, đó chính là vấn đề về cách sống như thế nào cho xứng đáng với giá trị con người.

+ Sự tan vỡ của mọi mối quan hệ thiêng liêng: tình cảm vợ chồng, tình thân, tình yêu, tình bạn… Giấc mơ về xã hội Phục hưng trong sáng đã đổ vỡ tan tành.

Băng hoại lòng chung thủy: Hamlet đau đớn tột cùng khi người mẹ kính yêu trước cái chết của chồng chưa được bao lâu đã vội tái giá “ thịt quay trong đám tang sẽ dùng làm đồ nguội cho đám cưới ”. Hamlet đã khóc cho sự đổi thay đó.

ad

Hamlet kinh sợ bản chất độc ác, tâm địa đen tối, bất chấp mọi thủ đoạn của chú chàng – vua Claudius (giết anh để cướp ngôi và loạn luân với chị dâu) mà giờ đây chính con người này lại đang thống trị xã hội.

Hamlet ghê sợ sự phản bội trong tình bạn của Rosencrantz và Guildenstern.

Hamlet không thể đặt lòng tin vào người con gái chàng yêu là Ophelia, vì nàng đã bị biến thành con rối trong những âm mưu đen tối của cha nàng là Polonius và vua Claudius.

Hoang mang, đau đớn trước hiện thực cuộc sống -> Hamlet luôn muốn nhận thức đánh giá mọi vấn đề xã hội.

– Từ đau khổ của riêng mình Hamlet nhìn rộng ra xã hội và thế giới. Hamlet : đau nỗi đau chung của con người thời đại mình “một thời đại đảo điên tan tác ” đã biến “ Đan Mạch thành một ngục thất ghê tởm” và “ biến cả thế giới” thành “ một nhà tù đen tối ”, “phải hàng vạn người mới nhặt ra một kẻ lương thiện”. Nhận thức về nhà tù là sự ý thức được nỗi đau khổ lớn nhất của con người. Hamlet thấu hiểu sâu sắc nỗi đau khổ của nhân dân đang phải rên xiết dưới gông cùm, xiềng xích, đang bị tước mất quyền tự do vốn có => Nhận thức này, sự phát hiện này đã giúp Hamlet đến với nhân dân và nhân loại.

– Việc Hamlet giả điên vừa nhằm đánh lừa kẻ thù, vừa để biểu thị thái độ muốn tách mình ra khỏi xã hội xấu xa, trì trệ. Thời bấy giờ những người có đầu óc suy nghĩ, có tư duy tiến bộ không chịu bó mình vào những tín điều cũ kĩ, lạc hậu, giáo điều… của bọn thống trị nhà nước Nhà thờ bấy giờ.

– Hamlet bị ném bên lề cuộc đời. Thế giới của những kết cánh, ác độc, lọc lừa, thủ đoạn không phải là thế giới của Hamlet. Hamlet muốn tìm, muốn trông thấy một thế giới khác.

Hamlet băn khoăn về ý nghĩa của sự sống và cái chết. Hoài nghi,đau đớn trước hiện thực cuộc sống: “ Sống, hay không sống. Tồn tại hay không tồn tại – đó là vấn đề”. “Chết” theo Hamlet “ Là ngủ. Không hơn”. Tuy nhiên những ai chọn cái chết khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ (tranh đấu cho lẽ phải) trên đời thì cũng sẽ không có giấc ngủ bình yên. “Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn? Vì, trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai họa cho cuộc sống dằng dặc này! ” ( trích Hồi III, cảnh 1)

Có hai quan niệm về sự phản ứng trước hiện thực cuộc sống được Hamlet đặt ra để lựa chọn: chịu đựng hoặc vùng lên đấu tranh để diệt hết khổ đau. Hamlet chọn sống là chiến đấu để tiêu diệt khổ đau, điều ác, khôi phục lại trật tự. Từ hoài nghi, chán nản Hamlet dần tìm lại nghị lực sống, quyết tâm đứng lên chống lại cái ác “ Từ đây ý nghĩ ta phải đẫm máu”=> Hamlet biết tự đấu tranh với bản thân để chiến thắng cái hèn nhát, yếu đuối của mình. Hamlet biết tự mổ xẻ , phanh phui chính mình để tìm kiếm một hướng đi đúng đắn.

=> Hình tượng Hamlet là đại diện tiêu biểu nhất cho vấn đề nhận thức thời đại giai đoạn hậu kỳ Phục hưng. Hoài nghi của Hamlet không phải là hoài nghi tiêu cực, nó có tác dụng tích cực khi được xem là “ phát súng đầu tiên bắn vào chủ nghĩa tư bản giữa lúc đang xây dựng”.

T Bên cạnh đó, Hamlet còn đề cập đến một khía cạnh khác của xã hội là nghệ thuật kịch thời bấy giờ thông qua đoạn đối thoại giữa Hamlet và Guildenstern, Rosencrantz ở Hồi II, cảnh 2 => kịch phản ánh được nhu cầu tinh thần, thị hiếu của thời đại bấy giờ.

Một vở kịch hay của thời đại đó và cả trước đó thì phải có tính bạo lực “Đã có một hồi, nếu anh soạn kịch và anh diễn viên không giở đấm, giở đá ra với nhau thì vở kịch chẳng đáng được lấy một xu” -> Shakespeare không tán thành điều đó xuất phát từ quan niệm văn chương là vũ khí đấu tranh chống cái xấu . Shakespeare đã đối thoại lại những quan điểm sai lạc, chạy theo thị hiếu của số đông khán giả có trình độ thấp.

Shakespeare đưa vào Hamlet đoàn kịch với vở diễn “ Vụ mưu sát Gonzago” thông qua Hamlet Shakespeare cho thấy sức mạnh của nghệ thuật. Nghệ thuật là một phương pháp có thể dùng để kiểm chứng và bóc trần sự thật ám muội ẩn phía sau mà con người muốn che giấu.

Nghệ thuật

Xây dựng nhân vật điển hình

+ Hamlet tiêu biểu cho một con người đúng nghĩa với trái tim và trí óc.Nhân vật hoài nghi Hamlet là một hiện tượng có ý nghĩa lịch sử, lần đầu tiên trong văn học thế giới một nhân vật dám lên tiếng hoài nghi cả xã hội.

+ Bên cạnh Hamlet, Shakespeare còn xây dựng những hình tượng độc đáo, điển hình khác như: Claudius nham hiểm được ngụy tạo bằng những lời nói đường mật ; Polonius lão già ti tiện, giả dối, độc đoán, sâu cay ; Gertrude một người đàn bà yêu con nhưng nhẹ dạ ; Ophelia là cô gái có trái tim chung thủy nhưng sợ lễ giáo, cường quyền….

Ngôn ngữ kịch điêu luyện, sâu sắc

+ Ngôn ngữ đối thoại thiên biến vạn hóa khi thì giễu cợt, khi thì gay gắt, khi mỉa mai, khi triết luận

+ Ngôn ngữ độc thoại giữ vai trò hết sức quan trọng trong Hamlet. Đây là những điểm kết tinh tư tưởng và ý đồ nghệ thuật sâu sắc của Shakespeare.

Xung đột kịch

Xung đột chính là xung đột nội tâm của Hamlet: Nội tâm Hamlet phát triển sâu sắc dần theo diễn biến kịch. Từ niềm tin mãnh liệt vào con người -> hoang mang, đau đớn trước sự đỗ vỡ xã hội, con người -> hoài nghi chán nản -> Hamlet dần xác định nhận thức được thế giới có lại niềm tin, nghị lực chống lại cái ác, cái xấu => Xung đột phức tạp của nội tâm Hamlet là hạt nhân thành công của vở bi kịch.

(Khoa Văn học và Ngôn ngữ – ĐHKHXH&NV)