AD

Sử thi Iliad

AD

Dù vẫn còn những hạn chế của thế giới quan thần thoại, nhưng sử thi Iliat đã xuất hiện những yếu tố tiến bộ của một thế giới quan mới đúng đắn hơn. Thế giới quan này mang chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, khi mục tiêu là hướng vào con người, khẳng định vai trò và vị trí của con người trong cuộc sống. Hàng thế kỉ nữa sẽ trôi qua, nhưng những đóng góp của Hômerơ cho văn học nhân loại vẫn luôn là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tình cảm của mỗi con người.

GIỚI THIỆU CHUNG:

1.1 Bối cảnh xã hội thời Homer:

Nếu như thời Crete-Mycenea là thời đại của những cuốn thần thoại thì đến thời Homer lại là thời đại của những bản anh hùng ca. Theo các nhà nguyên cứu xác định, thời Hômerơ là thời xảy ra cuộc chiến thành Troy- một cuộc chiến tranh đẫm máu, lớn và nổi tiếng của thế giới thời cổ đại cho đến thời nay. Đây là cuộc chiến giữa quân Hy Lạp và quân thành Troa, nổ ra vì Parix- con vua Troa đã quyến rũ nàng Helen- vợ Mênêlax, vua một tiểu bang Hy Lạp. Vì muốn đòi lại vợ, Mênêlax nhờ anh trai là Agamemnông và kêu gọi các vị vua khác ở khắp Hy Lạp thực hiện lời cam kết lúc trước, đòi lại nàng Helen để khôi phục danh dự nên đem quân trừng phạt Troy. Cuộc chiến xảy ra kéo dài 10 năm và cả hai bên tham chiến đều tổn thất nặng nề, hi sinh nhiều binh sĩ và các dũng tướng lừng lẫy. Cuối cùng nhờ vào mưu của Ulyxơ: Người Hy Lạp giả vờ rút quân, để lại con ngựa gỗ lớn tế thần. Người T’roa lấy ngựa và đưa vào thành. Trong đêm đó, quân Hy Lạp từ bụng ngựa chui ra trong thành Troy. Từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, chẳng mấy chốc thành Troy đã bị san bằng, người Hy Lạp chiến thắng, kết thúc trận chiến 10 năm thành Troy.

  • Tác giả Homer:

Về cuộc đời của Homer, cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào chính xác. Có tới 9 bản tiểu sử về ông và có 7-11 thành bang giành cái vinh dự là quê hương của  Hômerơ. Thời gian sống của ông được xác định là vào khoảng thế kỉ thứ XI, VIII, thậm chí thế kỉ thứ VI TCN. Nhiều truyền thuyết đã thuật lại đời ông kì diệu và huyền ảo như một huyền thoại. Theo nhà sử gia Hy Lạp Hêrôđốt, Homer là một ca sĩ mù hát rong, sinh ở vùng tiểu Á. Cha ông không biết là ai, mẹ ông là bà Krêtêit. Lúc nhỏ ông được đặt tên Mêlêxigieng. Nhà nghèo ông được thầy giáo Phêmiốt dạy bảo nuôi nấng. Sau khi thầy chết, ông nối nghiệp thầy làm nghề dạy học.Vì mến mộ tài năng của Homer, một thương nhân cùng thời đã mời ông đi du lịch nhiều nơi. Đi nhiều, vốn sống ông càng phong phú, tri thức ngày càng đầy trong ông. Khi tới Côlôphông, ông bị mù. Trở về quê hương xứ Ximê ông mới bắt đầu làm nghề ca hát và đổi hẳn sang tên Homer. Sau đó, khi tới đảo Kiốt, ông được một gia chủ mời lại dạy học. Ông cưới vợ và sinh được hai người con gái. Hai thiên sử Iliad và Ôđyxê cũng ra đời vào quãng thời gian cuối đời này. Một thời gian sau, ông bệnh nặng và chết tại đảo Iôt.

Đường đến cổ điển: Khám phá thiên sử thi kinh điển ‘Iliad’ của Homer
Homer – Một trong những nhà thơ Hy lạp cổ đại xuất sắc nhất
  • Anh hùng ca Iliad

Iliad là tác phẩm đặc sắc của Homer. Nó là một bản anh hùng ca, ca ngợi cuộc chiến đấu giữa người Hy Lạp và người thành Troy. Tác phẩm gồm 24 khúc ca, khúc ca mở đầu đã khái quát nội dung cụ thể, có giới hạn của tác phẩm: “ Cơn giận của Asin”, bao hàm 15.693 câu thơ. Tác phẩm không thuật lại hoàn toàn cuộc chiến 10 năm thành Troy, mà nó chỉ thuật lại một giai đoạn ngắn, 50 ngày cuối của năm thứ 10 của cuộc chiến Hy Lạp- Troy. Dựa vào cuộc chiến thành Troy để xây dựng nên một sử thi chiến trận hào hùng, Homer đã tái hiện một cách sinh động, trung thực xã hội của người Hy Lạp dưới chế độ quân chủ dân sự. Có thể tóm tắt cốt truyện như sau: Mở đầu là “cơn  giận của Asin” đáp trả lại lại sự xúc phạm của chủ tướng Agamemnông. Trong một trận chiến của quân Hy Lạp với quân thành Troy, quân Hy Lạp thu được một số thắng lợi. Trong số những thứ thu được, có hai nữ tù binh xinh đẹp, được đem làm phần thưởng cho hai thủ lĩnh là Asin và Agamemnông. Nhưng nữ tù nhân được tặng cho Agamemnông lại là con của viên tư tế phụng thờ thần Apôlông- vị thần mà cả người Hy Lạp và người Troy đều kính nể. Viên tư tế đem đồ tế tới để xin chuộc con gái mình về, nhưng Agamemnông lại sỉ nhục và đuổi viên tư tế đi, không cho chuộc con về. Tức giận, viên tư tế cầu xin thần Apôlông trừng phạt quân T’roa. Kết quả, một trận dịch kinh khủng đổ xuống đoàn quân Hy lạp. Một đội kị binh được thành lập, Asin với tư cách là người nâng đỡ tinh thần đã làm cho vị bốc sư trong quân nói ra sự thật chính Agamemnông đã xúc phạm thần Apollo. Dưới sức ép của Asin và binh sĩ,  Agamemnông đã phải trả con gái cho viên tư tế. Nhưng do tham lam mà Agamemnông đã cướp đoạt nàng nữ tù binh của Asin. Và Asin đã vô cùng tức giận vì việc làm vô liêm sỉ đó của Agamemnông nên đã quyết không tham gia chiến trận. Mẹ của Asin xin thần Zeus cho quân Hy Lạp thua vì đã xúc phạm con bà. Dớt đồng ý lời khấn nguyện đó. Trên chiến trường, cả hai bên Hy Lạp và Troy đều thoã ước, mỗi bên cử ra một đại diện, người đại diện nào thắng thì coi như quân đó thắng. Người Hy Lạp cử Mênêlax, người Troy cử Parix. Họ cùng giao ước và được Dớt chứng giám, không cho vị thần nào tham gia vào trận chiến. Kết quả Parix bị Mênêlax ép vào thế cùng, thần Aphrôđit ra tay giúp Parix. Giao ước bị pha vỡ, hai quân lao vào đánh nhau. Zeus đồng ý cho quân Hy Lạp thua và Zeus cho người báo mộng cho Hector. Dũng tướng thành Troy xuất hiện. Quân Hy Lạp bị quân thành Troy tấn công liên tiếp, Agamemnông nhiều lần cho người đến thương lượng với Asin, mong Asin bỏ qua hận cũ để tiếp tục ra trận. Tuy thế, nhưng Asin mặc kệ và từ chối lời thỉnh cầu đó, quyết không hợp tác với Agamemnông. Bạn thân của Asin là Pat’rôclơ vì thương xót các tướng sĩ nên đã mượn áo giáp và vũ khí của Asin, đóng giả Asin ra trận. Asin đồng ý cho mượn. Kết quả đội quân Hy Lạp thoát khỏi nguy hiểm nhưng trong một trận chiến kịch liệt, Pat’rôclơ đã bị Hecto giết chết và chiếm bộ áo giáp và vũ khí của Asin làm chiến lợi phẩm. Đau lòng và tức giận trước cái chết của bạn, Asin trở lại trận chiến với lòng báo thù cao độ. Thần thợ rèn Hêphaixtôs  đã được mời xuống để rèn vũ khí và áo giáp cho Asin. Với giáp và vũ khí mới, Asin bước vào trận chiến khiến cho quân Troy kinh hãi. Họ giẫm đạp lên nhau mà chạy nhưng đều bị mũi giáo Asin chặn lại. Hector ra trận và chiến với Asin, cuối cùng Hector chết dưới mũi giáo của Asin. Vì cơn giận chưa nguôi và lòng muốn trả thù cho bạn, Asin đã kéo lê thi thể Hector xung quanh thành Troy khiến thần và dân chúng hết sức phẫn nộ. Họ yêu cầu Zeus bắt Asin ngừng ngay hành động trả thù đó và trả lại thi thể Hecto cho dân Troy. Kết thúc tác phẩm là lễ tang long trọng của nhân dân thành Troy an táng cho Hector.

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT

2.1 Yếu kì ảo trong sử thi Iliad

2.1.1 Đặc trưng của yếu tố kì ảo:

AD

Thuật ngữ kì ảo ( fantastic) xuất hiện trong tiếng Anh trung cổ vào thế kỉ XIV ( tiếng Pháp: fantastique, tiếng Latin: phantasticus), nó được bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp. “ Phantasticus” có nghĩa là “ tạo ra những hình ảnh thuộc về tinh thần” và chữ “ phantazein” có nghĩa là “ xuất hiện trong tâm trí.

Trong lịch sử văn học nhân loại, yếu tố kì ảo đã ra đời từ rất sớm ( trong các sáng tác folklore) nhưng dòng văn chương kì ảo mang hình thức hiện đại chỉ mới phát triển trong vòng hai thế kỉ lại đây. Khái niệm yếu tố kì ảo cũng như quan niệm về văn chương kì ảo vẫn chưa tìm được sự thống nhất.

Theo định nghĩa của “ Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê, nxb Đà Nẵng, 1998) thì “ Kì ảo là kì lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng”. Và tất nhiên, một tác phẩm văn chương kì ảo phải có những yếu tố siêu nhiên, kì lạ, hư ảo, huyễn hoặc trong nhân vật, cốt truyện, chủ đề tạo nên những phản ứng nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ. Trong “ Dẫn luận về văn chương kì ảo” T. Todorov cho rằng cái kì ảo giống như một giới hạn bất định giữa cái kì diệu (merveilleux) với cái kì lạ ( étrangé). A.Marino lại suy luận “ cái kì ảo chỉ có thể ra đời từ bản thân trí tưởng tượng ( fantaisie)”. Nhưng theo nhà nghiên cứu Roger Caillois thì “ cái kì ảo là cái không thể cắt nghĩa được bằng lí tính từ điểm nhìn của chúng ta, với tầm nhận thức thực tại. Nó không chỉ biểu hiện quan niệm của tác giả về thế giới đa chiều và mang tâm linh; sự hữu hình hóa cái ác, xấu xa và những ước mơ, khát vọng về các giá trị chân, thiện, mỹ mà còn thể hiện cảm hứng nhận thức lại thực tại và đem đến triết lí thẩm thấu trong tác phẩm.

Ở nước ta những năm gần đây cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu về yếu tố kì ảo. Lê Nguyên Cẩn trong “cái kì ảo trong tác phẩm Banzac” ( nxb Giáo dục, 1999) cũng đưa ra định nghĩa “cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nó hiện diện dưới hình thức thần linh, quái dị, maquỉ, khác lạ, phi thường, siêu nhiên”. Phùng Hữu Hải trong bài “Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975” cũng cho rằng “ yếu tố kì ảo không phải là cái gì hư vô bên ngoài con người mà nó được bắt nguồn từ chính thế giới tưởng tượng, tinh thần, thế giới nội tâm bí ẩn của con người”.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng yếu tố kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng khó xảy ra trong thực tế. Nó thường nằm ngoài tư duy lí tính của con người nhưng lại có mối quan hệ với bản chất của cái có thật trong đời sống. Yếu tố kì ảo góp phần cùng với các yếu tố nghệ thuật khác để xây dựng cốt truyện, nhân vật hướng đến việc bộc lộ chủ đề tư tưởng tác phẩm. Chính các sắc thái thẩm mĩ của yếu tố kì ảo không hề làm giảm giá trị hiện thực của tác phẩm mà nó còn cung cấp cho chúng ta cách nhận diện về cuộc sống, làm gia tăng điểm nhìn nghệ thuật và các chiều tiếp cận hiện thực.

Sử thi Iliad

2.1.2 Biểu hiện của các yếu tố kì ảo trong  Iliad:

Ta có thể khẳng định yếu tố kì ảo thần kì là một phần quan trọng của một tác phẩm sử thi, và sử thi Iliat cũng không ngoại lệ, Yếu tố kì ảo phủ đầy trong câu truyện, nó xuyên suốt toàn bộ tác phẩm và cũng chính vì có yếu tố kì ảo đã khiến cho tác phẩm trở nên vô cùng đặc sắc. Trong tác phẩm yếu tố kì ảo được bộc lộ với rất nhiều khía cạnh khác nhau, sau đây chúng tôi sẽ phân tích một vài khía cạnh trong đó

2.1.2.1 Yếu tố kì ảo biểu hiện dưới góc nhìn giữa con người với thần linh:

Những người Hi Lạp luôn có lòng tin vào sự linh thiêng. Họ thần thánh hóa thiên nhiên, giải thích những hiện tượng kì lạ bằng sự can thiệp của các vị thần. Home đã xây dựng nhân vật thần kỳ. Những vị thần sẵn sàng tham gia vào công việc trần gian giống loài người. Bất tử và cao đẹp, họ có tất cả những ham muốn của người trần. Mỗi lần con người đứng trước một hiện tượng tự nhiên hay hiện tượng kỳ bí không giải thích được, họ lại tạo dựng những lực lượng thần bí, những con người bí ẩn, những vị thần để giúp đỡ. Những tiên nữ và các vị thần cũng có tính cách như con người.

Trong sử thi Iliad, Homer đã xây dựng những nhân vật thần linh giúp đỡ cho quân thành Troy và hơn nữa là để giải thích các hiện tượng cuộc sống. Chúng ta có thể nhận thấy trong sử thi Iliad, vị thần Zeus đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm, Zeus được xem là vị thần tối cao ngự trị trên đỉnh núi Olympơ. Đây là vị thần có quyền quyết định mọi chuyện và  quản lý, ra lệnh cho các vị thần khác. Khi quân Hy Lạp buộc Agamemnông phải trả lại Chryseis cho viên tư tế, song Agamemnông tức vì bị thiệt, cậy quyền chủ tướng, cướp đoạt người nữ tỳ Briseis của Asin. Asin bất bình ra lệnh cho bộ lạc Micccmidon của mình ngừng tham chiến cùng với liên minh các bộ lạc Hy Lạp. Chàng còn nhờ mẹ là nữ thần Thêtix lên thiên đình xin Zeus cho quân Hy Lạp thua vì họ không tôn trọng con bà và Zeus chấp nhận lời cầu xin đó. Thần Zeus cấm các vị thần tham chiến để thực hiện lời hứa với Thêtix giúp quân Hy Lạp thắng trận. Asin buộc xác Hector vào sau xe ngựa cho kéo quanh thành Troy giữa những tiếng than khóc của cha mẹ, vợ con Hecto và nhân dân thành Troy. Một số vị thần trên thiên đình không bằng lòng với hành động tàn ác của Asin, do đó đã xảy ra bất hòa.Thần Zeus quyết định ra lệnh cho nữ thần Thêtis phải bảo con mình chấm dứt ngay hành động vô nhân đạo và sai nữ thần Iris đến báo mộng cho lão vương Priam, cha của Hecto, đem của cải đến doanh trại Asin xin chuộc xác con. Ở đây ta thấy rất rõ vị trí của thần Zeus, vị thần tối cao có quyền ra lệnh cho các vị thần khác nhưng hoàn toàn không xa lạ mà ngược lại rất chân thật, sống động và gần gũi với đời sống của con người.

Bên cạnh đó còn có một số vị thần khác cũng được tạo nên một cách thần kỳ trong tác phẩm như vị thần Apollo – vị thần mà cả người T’roa và người Hy Lạp đều rất kính trọng, nữ thần Thêtis – mẹ của Asin, nữ thần Hera và Athena, nữ thần Aphrodite…. Chủ tướng Agamemnon được người nữ tỳ Chryseis. Người chuyên chế tự thần xin Agamemnon cho chuộc lại con gái mình là Chryseis nhưng không được. Căm tức vì bị xúc phạm, ông nhờ thần Apôlông trừng phạt quân Hy Lạp bằng cách gây ra bệnh dịch. Các vị nữ thần Hera và Athêna vì căm tức quân T’roa, đã phá hoại mọi ý định của hai bên muốn giải quyết chiến tranh một cách chóng vánh, đỡ tổn thất. Trong trận chiến khi vua Mênêlax xông ra, sắp sửa giết chết Parix thì nữ thần Aphrôđit đưa Paris về một căn phòng bên trong kinh thành Troy. Các vị thần trong tác phẩm xuất hiện như một lẽ tự nhiên trong cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người dân. Họ tin tưởng và tôn thờ một cách tuyệt đối vào các vị thần; khi gặp khó khăn vướng mắc bởi những chuyện mà bản thân con người không thể giải quyết con người sẽ tìm đến sự giúp đỡ của những vị thần như một lý lẽ cho những việc kỳ ảo như gây bệnh dịch hay báo mộng,…những chuyện nằm ngoài khả năng của một con người. Nhưng bên cạnh đó ta vẫn nhìn thấy được hình ảnh các vị thần thật gần gũi với hình ảnh của con người, gần như hòa vào nhau một cách kỳ ảo, các vị thần vẫn có hỷ nộ, tình cảm như một con người. Home đã rất thành công xây dựng nhân vật thần linh mang dáng dấp tính cách như con người. Tuy nhiên bên cạnh đó ông đã dùng việc xây dựng nhân vật thần Dớt để giải thích cho nguyên nhân vì sao trong các cuộc chiến hay những sự việc kỳ ảo lại có sự thay đổi, sự bất thường của kết quả trong tương lai. Thật đơn giản, vì thời của Hômerơ khoa học chưa phát triển, trình độ hiểu biết về tự nhiên còn non trẻ, vì vậy có thể dùng các vị thần để giải thích. Hơn thế nữa chính sự ly kì hấp dẫn đã tạo nên sức hút kỳ lạ đố với độc giả.

2.1.2.2 Yếu tố kì ảo biểu hiện dưới góc nhìn giữa con người với thiên nhiên

ad

Cuộc chiến tranh trong tác phẩm diễn ra giữa hai dân tộc hùng mạnh là Hi Lạp và T’roa, cuộc chiến không chỉ diễn ra giữa con người với con người mà còn có sự can thiệp của thần thánh( chính họ là nguyên nhân gây ra cuộc chiến) mà sự tác động của họ không ít lần thay đổi cục diện của trận chiến, thần thánh trong tác phẩm chia thành 2 phe một bên ủng hộ Hy Lạp một bên ủng hộ Troy, họ âm thầm dung sức mạnh của mình để điều khiển cuộc chiến và sự can thiệp của họ được biểu hiện qua các yếu tố thiên nhiên mà không ít lần các anh hùng phải gặp khốn đốn

Trong lần giao đấu với Mênêlax, Parix hoàng tử của thành Troy  đã xuýt bị đánh bại, bởi vì chàng đã chọn Aprodite là nữ thần xinh đẹp nhất, nên nữ thần đã ra tay can thiệp hóa ra mây đen che phủ Parix và đưa chàng ra khỏi trận đánh . Một lần khác cuộc chiến giữa Asin với sông Xăng-tơ một cuộc chiến khốc liệt diễn ra sức mạnh của một người anh hùng đấu với thiên nhiên thần thánh được miêu tả vô cùng rõ rệt, từ đó cho ta thấy ý chí quyết tâm chinh phục thiên nhiên vĩ đại của con người cổ đại.

Trong sử thi Iliat các cuộc đấu giữa các vị thần cũng góp phần tạo ra những tai họa khủng khiếp mà dưới mắt người thường đó chính là những hiện tương thiên nhiên kì lạ; đầu tiên phải kể đến cuộc chiến giữa Athêna và Ares, cuộc chiến diễn ra kịch liệt đến cuối cùng phần thắng nghiên về Athêna khi nữ thần đâm một cây lao xuyên qua người Aret khiến vị thần chiến tranh lồng lộng, gào thét bỏ chạy tạo ra những cơn lốc xoáy khủng khiếp, một lần khác là cuộc chiến giữa Hephaixtos và Xangto ; thần Hephaitos dung ngọn lửa của mình thiêu trụi hai bên dòng sông xangto khiến cây cối bốc cháy khói lửa mù mịt, dòng sông trở nên sôi sục cá chết nổi lên hang đàn nhìn thấy cảnh tượng ấy ai cũng phải kinh hãi.

Nói tóm lại yếu tố thần được biểu hiện dưới góc nhìn là những hiện tượng thiên nhiên kì ảo đã góp phần khiến cho tác phẩm sử thi trở nên đặc sắc, hào hùng, bi tráng hơn qua đó càng làm nổi bậc ý chí của con người trong chiến tranh cũng như việc chinh phục tự nhiên

2.1.2.3 Yếu tố thần kì dưới góc nhìn con người trong chiến tranh:

Đinh Gia Khánh từng viết: “Nhìn chung, thần thoại đã sản sinh trên cơ sở những yêu cầu của thực tiễn lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội của người xưa. Nhưng tại sao thần thoại lại phản ánh hiện thực dưới hình thức hoang đường ? Muốn giải đáp vấn đề, cần chú ý đến khả năng rất hạn chế của người nguyên thuỷ. Trong thế giới, đại bộ phận những hiện tượng có liên quan trực tiếp với đời sống vẫn còn ở ngoài tầm hiểu biết của họ. Trình độ của loài người chưa cho phép hiểu được các hiện tượng ấy, trong khi nhu cầu của cuộc sống lại buộc phải giải thích chúng. Bắt buộc phải giải thích những vấn đề vượt lên trên khả năng trí tuệ của mình, người nguyên thuỷ đã đi đến những nhận thức sai lệch, những quan niệm huyễn hoặc về thực tại”

Con người luôn nhìn nhận thế giới bằng con mắt của sự tưởng tượng, đôi khi lại hoang đường kỳ ảo….. nó phản ánh rất lớn tới vấn đề nhận thức của con người về thế giới quan, về nhân sinh quan đặc biệt là trong chiến tranh mà đại diện là bản anh hùng ca ILIAT của Hômerơ.

Biểu hiện của yếu tố thần kỳ trong chiến tranh qua bản anh hùng ca Iliat được thể hiện một các rõ ràng, đầy tinh tế, mang đậm tính sử thi, cụ thể:

Về nguyên nhân của cuộc chiến tranh:Trong tiệc cưới của vua Hy LạpPeleus và nữ thần Thetis. Tất cả các thần đều dược mời tới tham dự trừ Eris (Thần Bất hòa, Xung đột, Lừa dối, Già nua, Buồn phiền). Tức giận, Eris bèn thả một quả táo giữa bàn tiệc, có khắc chữ: “Cho người đẹp nhất!” Ba nữ thần Athena, Aphrodite và Hera tranh nhau quả táo. Và Parix hoàng tử thành Troy là người phán xét xem ai là người xinh đẹp nhất. Cuối cùng Paris đã chọn Aphrodite, Aphrodite hứa sẽ ban cho Paris một người phụ nữ đẹp nhất thế giới đó là Helen vợ của Menelaus. Được nữ thần Aphrodite giúp đỡ, Paris đã chiếm được tình cảm của Helen và họ cùng nhau bỏ trốn và đây là nguyên nhân chính của cuộc xung đột giữa đội quân thành Troy với đội quân Acai.

Qua đó, ta thấy được nguyên nhân của chiến trận kinh hoàng được gây ra không phải vì vàng bạc, vì địa vị mà bởi một yếu tố vô cùng phi lí, đó là sự mâu thuẫn, xung đột của các vị thần mà con người bình dị là người phải trả giá cho mọi xung đột, mọi sự phẫn nộ của các vị thần trên núi Olempơ

Vũ khí sử dụng trong cuộc chiến: Hai nhân vật trung tâm là Hecto và Asin, hai nhân vật này được trang bị một vũ khí vô cùng độc đáo, mới mẽ… chỉ là những chiếc khiên đẹp đẽ, mũ trụ chắc chắn, trang bị vũ khí bằng lao… toát lên một sức mạnh vô cùng to lớn, một sức mạnh khó lòng chóng nổi được các vị thần ban tặng, đó có phải chăng chính là sức mạnh của thần thánh, với những con người bình dị thì liệu có được một sức mạnh, một ý chí kiên cường đến như thế.

Trang bị vũ khí cho Asin :“ Hephaixtos rèn một tấm khiên lớn, chắc chắn, chạm trổ khắp nơi, chung quanh rèn rèn ba đường vành sáng chói và treo vào đấy một dây đeo bằng bạc. khiên dày năm lớp, và trên mặt khiên Hephaixtos trang trí những hình chạm khắc rất tài tình khéo léo.

AD

Người khắc lên khiên hình mặt đất, bầu trời, biển thái dương chói lọi, mặt trăng tròn và tất cả các tinh tú trên trời….

…chạm lên khiên hai thành bang xinh đẹp của người trần. Ở một thành là cảnh đám cưới và tiệc tùng….chung quanh thành bang kia, có hai đoàn quân đang đóng, vũ khí sáng ngời…..

…còn chạm lên khiên một thửa đất xốp, màu mỡ, rộng thênh thang.

…chạm lên một lãnh thổ của nhà vua…

…chạm lên một đàn bò cái sừng thẳng, những con bò này làm bằng vàng và thiếc…

…còn chạm lên một cánh đồng cỏ trong một thung lũng nhỏ rất đẹp…”

Chiến thuật trong cuộc chiến: Với một chiến thuật được tính toán khá rõ ràng, khá chi tiết….và cụ thể tới mức khó tin. Trong cuộc giận dữ của Asin, nhờ được sự giúp đỡ của các thần nên Asin nhanh chóng giết được quân thành Troy, mọi sự trốn chạy đều đi đến ngõ cụt, đều được Asin chặn đánh mà không ai có thể ngăn nổi bước chân của Asin thần thánh, chạy nhanh như gió, mọi sự van xin đối với Ngài đều là vô nghĩa.

Kết quả của cuộc chiến: Asin trong bộ áo giáp và vũ khí mới đã xuất trận. Sự xuất hiện của Asin khiến quân T’roa xiêu hồn bạt vía. Họ xông nhau bỏ chạy về thành nhưng đều bị Asin chặn lại. Không biết bao nhiêu người đã ngã ngục dưới mũi giáo của Asin.

Cuối cùng Hector quyết định đương đầu với Asin và bị Asin giết chết. Để trả thù cho bạn và được hả giận , Asin đã kéo thi thể của Hector quanh thành Troy khiến các thần và dân chúng T’roa hết sức bất bình. Họ đòi Zeus bắt Asin phải chấm dứt sự trả thù tàn nhẫn đó và trả lại thi thể Hector cho người T’roa . Sử thi Iliat kết thúc bằng cảnh lễ tang lễ trọng thể của nhân dân thành T’roa. đám táng người anh hùng Hecto trong thành bang của mình.

Nếu như nguyên nhân của cuộc chiến tranh là xuất phát tứ mâu thuẫn của các vị thần thì kết quả của cuộc chiến họ là những người đứng ra để giải quyết.

AD

Và qua đó cái khát vọng mãnh liệt của con người muốn khám phá, hiểu biết, muốn thử thách và đấu tranh để làm chủ thế giới đã được bộc lộ rõ ràng. Như vậy, có thể khẳng định rằng, cái làm nên giá trị trong trường ca “Iliat” của Hôme được thể hiện trên nhiều phương diện nghệ thuật đặc sắc và phong phú khác nhau mà yếu tố hoang đường, kì ảo cũng là một đóng góp không nhỏ.

Valery có một ý rất hay : “ Có tác phẩm văn học nào bền vững hơn là những sáng tạo văn chương kì ảo. Cái ảo và cái thần kì lại còn giàu nhân tính những con người hiện thực”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “ Văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết…Trong văn học, thế giới hoang tưởng nhà văn dựng nên có thể như thực, giống thực, khác thực và siêu thực…”

Nhà lí luận mĩ học Nga V.G Bielinxki đánh giá: “ Thiên tài nghệ thuật của Hôme là một cái lò nung, qua đó những tảng quặng thô sơ của truyền thuyết dân gian và thơ ca được nấu chảy ra thành những thứ vàng nguyên chất”.

 2.1.2.4  Yếu tố kỳ ảo biểu hiện dưới góc nhìn giữa con người với con người:

Trong Iliad, không chỉ kể về cuộc chiến giữa các vị thần mà còn có con người với con người. Bên cạnh yếu tố kỳ ảo giữa con người với thiên nhiên, thì những yếu tố kỳ ảo còn xuất hiện trong cuộc chiến và đối thoại giữa con người với nhau, tuy không nhiều nhưng đã khiến cho tác phẩm trở nên sống động, đồng thời đề cao ý chí và sức mạnh của con người, được thể hiện thông qua một số nhân vật như sau:

Nhân vậy Asin, như được biết, là con của nữ thần Thêtix và Pêlê đáng kính, vì vậy, chàng được hưởng một sức mạnh vô song. Mỗi khi chàng xuất hiện, quân thành Troy đều kinh hồn bạt vía. Sức của chàng có thể đánh bại hàng nghìn người, nhờ có chàng mà quân Acai đi đến đâu thắng đến đó. Quân địch sợ chàng đến mức chỉ có thể bỏ chạy, cầu xin chàng tha chết hay trốn biệt dưới lòng sông mà không chịu lên. Ngay đến cả tướng lĩnh hùng dũng nhất của quân giặc cũng chạy quanh tường thành đến ba vòng mới chịu dừng lại giao chiến. Những cú đánh mạnh mẽ cùng với sự chuẩn xác của chàng, đã tiêu diệt kẻ thù một cách nhanh chóng. Sức mạnh của Asin biểu hiện cho sức mạnh tập thể được thần thánh hóa của cả hai bên quân đội Hy Lạp và Troy.

Hector, vốn là người anh hùng của quân Troy nên được nhân dân yêu quý, nên khi mất đám tang của chàng được tổ chức rất long trọng, nước mắt như nước mưa và hàng nghìn người có thể đứng truớc cổng thành khóc Hector suốt ngày cho đến lúc mặt trời xế bóng. Trong chín ngày, người ta chở về hàng đống củi khô để mai táng cho chàng. Các yếu tố kì ảo đó đã góp phần thể hiện tình yêu của nhân dân dành cho chàng, cho người đọc thấy được vẻ đẹp của con người chàng.

Việc Pat’rôclơ sau khi hy sinh đã hiện hồn về xin Asin mai táng đã thể hiện được mong muốn được yên nghỉ sau khi mất, tận hưởng một cuộc sống yên bình. Đó cũng chính là khát vọng của người dân Hy Lạp lúc bấy giờ muốn sống một cuộc sống hòa bình, không có chiến tranh.

Qua các nhân vật kể trên, tuy có những yếu tố hư cấu nhưng đã góp phần làm cho người đọc thấy tiêu chuẩn về vẻ đẹp con người của nhân dân Hy Lạp thời bấy giờ, đồng thời đề cao sức mạnh, ý chí kiên cường bất khuất không chịu thua phục trước các thế lực thù địch, thể hiện khát vọng có một cuộc sống thanh bình.

2.1.3 Vai trò và Giá trị của yếu tố kì ảo trong Iliad

2.1.3.1. Giá trị của yếu tố kì ảo trong Iliad

Iliat là bản anh hùng ca phản ánh đời sống xã hội Hi Lạp cổ đại, trong đó có thể thấy quá trình diễn biến từ chế độ thị tộc đến sự hình thành thành bang của chế độ nô lệ, đồng thời ca ngợi các nhân vật anh hùng kiệt xuất như Asin, Hecto. Có thể nói anh hùng ca Iliat có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực như văn học, quân sự…đối với Hi Lạp cũng như các nước khác trên thế giới. Với Iliat, Hômerơ đã vẽ ra một thế giới kì diệu, huyền ảo khác xa với cuộc đời thực. Nhưng đằng sau những huyền ảo ấy lại lấp lánh ánh sáng của trí tuệ con người, của sức mạnh con người chiến thắng mọi trở lực của tự nhiên và xã hội. Và cũng qua đó cái khát vọng mãnh liệt của con người muốn khám phá, hiểu biết, muốn thử thách và đấu tranh để làm chủ thế giới đã được bộc lộ rõ ràng. Qua đó có thể thấy rằng, cái làm nên giá trị trong trường ca Iliat của Hômerơ được thể hiện trên nhiều phương diện nghệ thuật đặc sắc và phong phú khác nhau mà yếu tố hoang đường, kì ảo cũng là một đóng góp hết sức quan trọng.

Đặc biệt, với Iliat Hômerơ đã cho chúng ta được tắm mình trong không khí huyền thoại, âm vang sử thi, thế giới các vị thần trong anh hùng ca Iliat vô cùng phong phú và sinh động. Các thần can thiệp hầu hết các công việc của người trần, giúp đỡ họ chiến đấu và chiến thắng. Không những thế, yếu tố kì ảo còn thể hiện ở những chi tiết như dòng sông âm phủ nơi tắm Asin, là cảnh các cánh quân xung trận, khí thế ngút trời, là các lều trại san sát…khắc họa nên một cuộc chiến hết sức khốc liệt qua đó làm bật lên vẻ đẹp lớn lao, mạnh mẽ của các anh hùng thành Troy. Đặc biệt trong sử thi Iliat, Hômerơ đã giới thiệu hàng trăm nhân vật anh hùng, mỗi người mang một đặc điểm riêng, không ai giống ai nhưng tất cả họ đều mang đặc điểm chung của những người anh hùng.

2.1.3.2.Vai trò của yếu tố kì ảo trong Iliad

Yếu tố kỳ ảo xuất hiện trong  sử thi Iliat ở nhiều khía cạnh khác nhau, có dạng  tiềm ẩn, có dạng thức bộc lộ, như: Đời sống tâm linh, lòng tin ở đấng tối cao, tin ở các vua chúa, những cơn mê, mộng mị, hồn, cảnh tượng kỳ dị… tồn tại trong những khung cảnh mờ ảo và bí hiểm… là những tín hiệu thẩm mỹ đắc địa tác động mạnh vào trường thẩm mỹ cảm thụ của người đọc, qua đó cho người đọc có một cảm giác hư ảo, đưa người đọc vào những khung cảnh thực, cảnh chiến tranh đan xen, hoà quyện, đi vào thế giới chập chờn tỉnh mê được dệt kết bằng một nền văn hóa của Hi Lạp.

Vai trò của yếu tố kỳ ảo trong sử thi Iliat đã khắc họa cho người đọc không chỉ một lần rơi vào cảnh tượng chìm đắm trong sự hăng say chiến tranh trong bút pháp miêu tả của Hômerơ chúng ta còn thấy được sự tài tình mà cũng rất tinh tế đó là lối miêu tả kể chuyện không cần phối cảnh, không tuân theo quy luật xa gần. Nhà thơ trong khi miêu tả các sự kiện không kể chúng theo một trình tự nhất định của thời gian, trước sau mà miêu tả tách sự việc ra thành từng đoạn độc lập hoàn chỉnh, do đó những sự việc xảy ra cùng thời gian không được kể phối hợp. Lối kể chuyện, miêu tả như thế được gọi là lối miêu tả không cần phối cảnh hay lối miêu tả không phù hợp với trật tự thời gian. Nhưng bên cạnh đó, kết hợp với yếu tố kỳ ảo, làm cho mọi người trong chúng ta, đều cảm nhận được cái giá trị của một sử thi hào hùng tráng lệ. Nếu nói sử thi Iliat không có yếu tố kỳ ảo thì chắc có lẽ sử thi Iliat không thể tồn tại đến bây giờ?

Xét cho cùng, chúng ta có thể nói Homer là một thiên tài nghệ thuật của nền văn học nhân loại. Sự tài tình của ông không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn thể hiện ở hình thức của tác phẩm.Sự tương phản trong bút pháp miêu tả của Hômerơ còn thể hiện ở chỗ nó vừa mang yếu tố hiện thực vừa mang yếu tố hư ảo. Cái hư và cái thực quyện vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên không khí kỳ ảo siêu nhiên của sử thi và chính vì vậy khiến nó có sức hấp dẫn. Cũng chỉ con người thời bấy giờ mà còn cả thế hệ sau này vì “ trong người lớn nào cũng có một đứa trẻ con cả”. Trong khúc I, khi Asin tức giận Agamemnông , định rút kiếm đâm ông ta, thì bỗng chàng bị kéo tóc và khi quay lại thì nhìn thấy nữ thần Athêna vừa hiện xuống để can ngăn chàng. Mênêlax đã đánh ngã Parix, định cúi xuống két thúc đời anh ta, bỗng một màn sương mù dâng lên che phủ tất cả và khi sương tan thì chàng không thấy Parix đâu nữa. Đó là do “Aphrôđit tóc vàng” đã hóa phép để cứu kẻ mà nữ thần bảo trợ. Asin và Hector đang đuổi nhau, chưa biết sự thể ra sao thì các thần đã lấy cái cân số mệnh của hai người anh hùng lên. Cân nghiêng về phía Hecto thì Hecto phải chết…Vừa khái quát vừa cụ thể, vừa thực và vừa hư, rõ ràng đặc trưng của thời đại anh hùng, thời đại chiến tranh bộ lạc, của thế giới quan thần linh chủ nghĩa đã ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật của Hômerơ. Và đó cũng chính là cơ sở tạo nên tính khách quan trong miêu tả của ông.

ad

Còn nhiều lần khác nữa, người đọc cũng được sống trong cảnh tượng mơ hồ, huyền ảo “:“Asin không phải không đau lòng trước tổn thất mà người Hi Lạp phải chịu. Chàng lo lắng theo dõi tình hình chiến trường, sức mạnh của Asin chỉ được nhân lên khi Pat’rôclơ ngã xuống trên chiến trường.”. Đó là cõi mộng mơ, cõi ảo, lệch ra khỏi cõi thực, cái cõi được tác giả cảm nhận bằng khả năng thụ cảm, bằng con mắt tâm linh. Tạo ra cho người xem một khung trời mênh mông huyền ảo, da diết không nguôi. Cái cảm giác nửa vời ấy, đã góp một phần không nhỏ để tạo thành món ngon cho biết bao nhiêu người ăn. Cái yếu tố kỳ ảo đã và đang hình thành tạo thành cái riêng cho sử thi Iliad nói riêng và cả đất nước xinh đẹp Hy Lạp nói chung. Tác giả đã khắc họa lên những chân dung anh hùng tráng lệ, những nhân vật vừa thực vừa hư. Yếu tố kỳ ảo đó đã góp một vai trò không nhỏ để tạo nên giá trị của một tác phẩm sử thi anh hùng này.

Nói đến khía cạnh trong nhiều tầng lớp, chiều của không gian và thời gian mê đắm ấy người đọc có thể tiếp xúc với nhiều sử thi hoành tráng có nguồn gốc xuất thân khác nhau của các vị thần, các cuộc chiến tranh đẫm máu của các chiến binh anh dũng , kiên cường luôn đứng về lẽ phải. Có thể đó là chiến sĩ giải phóng, hoặc là những kẻ đầy tội ác, hoặc là những thần xung phong và có lối suy nghĩ biến hóa theo từng trang sử thi hào hùng Iliat  trong những, làm nên một gia trị riêng đậm đà bản sắc. Dù là mọi nhân vật trong môi trường khác nhau nhưng họ có một bút pháp xây dựng nhân vật huyền ảo, hư hư thật thật.

Thế nhưng, có khi những chiến binh Asin xuất hiện một cách trực tiếp ở giữa khung cảnh hiện thực, có khi lại xuất hiện mờ ảo trong những sự tưởng tượng nhiều lúc lại chỉ là những tiếng vọng của cõi thần linh sâu thẳm như trong những sử thi Hi Lạp với kết tinh cao nhất là sử thi Homer là thành tựu quan trọng của ánh sáng tạo tinh thần Hi Lạp. Ở đây con người đã được tự do hoạt động, tự do vẫy vùng, tự hành động theo nhu cầu và lợi ích thực tiễn được đặt ra với chính con người Hy Lạp sử thi Iliad đã góp một  phần không nhỏ tạo ra nghệ thuật hát rong cổ đại Hi Lạp là mảnh vườn ươm màu mỡ cho các tài năng sử thi trong đó có Hômerơ. Thiên tài nghệ thuật của Homer là một cái lò nung qua đó những tảng quặng thô sơ của truyền thuyết dân gian và thơ ca.

  • Nghệ thuật chính trị và quân sự trong Iliad

2.2.1 Chính trị trong Iliad :

Cuộc chiến thành T’roa, bối cảnh chính của thiên anh hùng ca Iliat, được cho rằng đã diễn ra suốt mười năm (1194 – 1184 TCN) với kết quả là thành phố phồn thịnh này đã bị đoàn quân viễn chinh hùng mạnh của Hy Lạp hủy diệt hoàn toàn. Với tư cách là nhà sáng tạo vĩ đại từ vốn lịch sử, văn hóa, văn chương phong phú của dân tộc mình, Homer đã vẽ nên bức tranh sinh động của một đời sống văn hóa thành bang đang dần thoát thai từ giai đoạn cuối của đời sống thị tộc thuở sơ khai.

Xét trong tiến trình lịch sử Hy Lạp, cuộc chiến tranh đẫm máu này xảy ra vào cuối thời kì văn hóa Crete – Mycenea song chất liệu cuộc sống hiện thực như đời sống sinh hoạt của nhân dân, phong tục, tập quán, quan hệ xã hội, v.v… được đại thi hào Hômerơ vay mượn để xây dựng nên tác phẩm lại thuộc thời kì từ thế kỷ XI – IX TCN. Chủ nhân của nền văn hóa Mycenea là tộc người Akêăng, một trong những tộc người Hy Lạp cổ đại vốn cư trú ở vùng Bắc bán đảo Pêlôpônedơ. Thời kỳ huy hoàng nhất của văn hóa Mycenea là từ thế kỷ XVI – XII TCN. Thời kì này, cư dân Hy Lạp đã biết sử dụng đồng thau làm chất liệu chế tác công cụ phục vụ lao động, góp phần gia tăng năng suất. Điều này dẫn đến cư dân tộc người Akêăng đã một đời sống tương đối thịnh vượng. Trên cơ sở ấy, họ đã xây dựng nên những nhà nước tương đối hùng mạnh ở Crete và Mycenea. Và với nhu cầu mở rộng lãnh địa, nhà nước Mycenea đã tiến hành cuộc chiến tấn công thành Tơroa ở Tiểu Á và tiêu diệt quốc gia này. Tiến trình lịch sử tất yếu ấy là nền tảng cho sự phát triển huy hoàng của thời kì văn hóa Hômerơ và các thời kì diễn ra sau đó. Như vậy, nhà nước tự trị đã được hình thành nhưng vẫn mang đậm tính thị tộc. Các thành bang độc lập với nhau, không ngừng tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực, phát triển quân đội và sẵn sàng tiến hành xâm chiếm thành bang lân cận.

Các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ khi tìm hiểu về thời kì văn hóa Crete- Mycenéa, đặc biệt là cuộc chiến tranh thành T’roa đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện ra những di chỉ khảo cổ, chứng minh cho sự tồn tại thật sự của một thời kỳ, một thành quách đã đi vào huyền thoại của văn học kinh điển thế giới. Mãi cho đến năm 1870, nhà nghiên cứu người Đức Heinrich Schliemann cùng đoàn khảo cổ của ông đã tiến hành khai quật ở Hissarlik của Thổ Nhĩ Kỳ, thành Pylos và thành Mycenea, nơi mà vị tư lệnh của quân đoàn viễn chinh Hy Lạp, vua Agamemnông, trị vì. Kết quả mà ông và đoàn nghiên cứu thu được thật mỹ mãn. Họ đã tìm thấy được rất nhiều áo giáp, cung tên, chiến xa, v.v… minh chứng cho sự hiện tiền của một đạo quân hùng dũng thời kỳ xa xưa.

Nhìn chung, Homer đã chắt lọc giai đoạn cuối của thời kỳ văn hóa Crete – Mycenea, trọng tâm là cuộc chiến thành T’roa, để viết nên sử thi Iliat đồ sộ. Tác phẩm của ông đã phản ánh một cách chân thật mọi mặt của đời sống xã hội thời bấy, đặc biệt là bộ mặt chính trị của thời Hy Lạp cổ đại.

2.2.2 Nghệ thuật đánh trận trong Iliat:

2.2.2.1  Những phong cách quân sự đặc trưng của thời đại đương thời

Trong thời hiện đại, các vị tướng chỉ cần đơn thuần làm tốt vai trò chỉ huy, không nhất thiết phải giỏi chiến đấu hay nhất thiết phải trực tiếp chiến đấu trên chiến trường như các binh sĩ. Điều này không sai vì có thể giúp việc chỉ đạo được ổn định. Nhưng trong thời Hy Lạp cổ đại, mà cụ thể lúc này là thời kỳ Mycenae (thời kỳ diễn ra cuộc chiến thành Troy), các tướng lĩnh phải là người vừa giỏi chỉ huy vừa giỏi chiến đấu, vì họ là những người tham gia huấn luyện binh sĩ, vừa là những người khích lệ tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Các tướng lĩnh của hai bên tham chiến như Hector, Achilles, Ajax,… thì không ai dở chiến đấu cả. Cũng vì vị trí quan trọng như vậy, trong các trận chiến của hai phe tham chiến cũng thường xuất hiện cảnh  giao đấu giữa tướng lĩnh của hai phe (Hector giao đấu với Patroclus do nhầm đó là Asin,…).

Trong “Ca khúc II”, tôi xin trích dẫn một đoạn thoại của Agamemnon khi ông nói với quân lính Hy Lạp : “Và giả thử mỗi tốp chúng ta lại lấy một lính Trojan để hầu rượu, thì rất nhiều tốp sẽ thiếu người hầu. Cho nên ta nói quyết rằng số quân Achaeans vượt bậc số quân Trojans sống ở trong thành”. Một yếu tố khác trong phong cách quân sự thời Hy Lạp cổ đại là dường như số lượng binh sĩ là khá quan trọng, mà nhất là trong suy nghĩ của quân Hy Lạp. Điều này trong thời hiện đại với sự phát triển của vũ khí tối tân thì dĩ nhiên là không hợp lý, nhưng ngay cả trong thời cổ đại thì tôi cũng không mấy ủng hộ quan điểm này. Dù là thời cổ đại, tôi vẫn đánh giá cao chất lượng và sự tinh nhuệ của binh sĩ, cùng với chiến thuật khôn khéo của người chỉ huy mới có thể giúp đội quân đó có khả năng chiến thắng cao nhất có thể (dĩ nhiên không phải những điều đó sẽ giúp đem lại chiến thắng một cách chắc chắn hoàn toàn).

2.2.2.2 Những biểu hiện mang tính nền tảng cho các hoạt động quân sự về sau

Sẽ là nhầm lẫn nếu chúng ta cho rằng những khái niệm, hiện tượng như ban cố vấn quân sự, diễn đàn quân sự, hội nghị quân sự,… là những khái niệm, hiện tượng xuất hiện vào thời hiện đại. Homer đã miêu tả những diễn biến, khung cảnh của hội nghị binh sĩ trong “Ca khúc II”. Từ thời Hy Lạp cổ đại, những hội nghị binh sĩ đã xuất hiện và đóng vai trò hết sức quan trọng, ở cả phe thắng lẫn phe thua. Hội nghị binh sĩ thường diễn ra sau trận đánh để kiểm điểm kinh nghiệm, trước trận đánh để lên kế hoạch tác chiến, từ đó quyết định yếu tố thành bại của bên tham chiến.

Việc chọn lựa thành Troy cho thấy đầu óc và tầm nhìn quân sự của người Hy Lạp giai đoạn này xuất sắc như thế nào. Tôi không nghĩ rằng người Hy Lạp chọn thành Troy chỉ vì một người phụ nữ, nếu có thì Helen thật ra chỉ là cái cớ để châm ngòi. Tôi cũng không cho rằng đó là vì nô lệ hay sự giàu có của thành Troy. Nếu chiếm được Troy, số nô lệ mà quân Hy Lạp có thể bắt đem về chắc cùng lắm cũng chỉ bù lại số quân Hy Lạp đã chết trong 10 năm chiến tranh ở đây. Nếu chiếm được Troy, số vàng bạc hay tài sản có giá trị mà quân Hy Lạp có thể đem về lại càng không thể bù đắp nổi chi phí cho việc đóng gần 1000 chiến thuyền có thể vượt biển Aegean và chi phí cho việc trang bị vũ khí cho gần 50000 binh lính. Tôi muốn đề xuất giả thuyết của riêng tôi về khu vực xung quanh Troy (nay thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ). Không cần phải đợi đến tầm nhìn của Winston Churhill hay ngay cả Sir John Fisher trong chiến tranh thế giới thứ nhất thì quân Anh và Pháp mới biết thèm khát khu vực này (nhưng quân Anh và Pháp không có bất cứ cách nào dù rất cố gắng để đánh chiếm khu vực này vì quân Thổ được sự giúp đỡ của các tướng lĩnh và tàu ngầm Đức), ngay từ thời cổ đại thì sự thèm khát đó đã có ở người Hy Lạp. Troy là thành trì vững mạnh nhất trong một khu vực có vị trí quá chiến lược này. Thời Hy Lạp cổ đại, vũ khí chưa giúp khắc phục đáng kể trở ngại về mặt địa lý, thì chiến tranh phải là chiến tranh trận địa, phải xem trận địa như là một trong những yếu tố sống còn. Làm chủ được Troy nghĩa là làm chủ được eo biển Dardanelles (trước đây có tên là Hellespont), nhiều khi là luôn cả bán đảo Gallipoli. Như vậy cũng tất nhiên sẽ làm chủ luôn cả con đường biển đi từ vùng Địa Trung Hải sang biển Đen, nếu cộng thêm những phối hợp trên đất liền thì có thể khống chế dễ dàng các hoạt động quân sự và giao thương giữa châu Âu và châu Á. Việc làm chủ khu vực như vậy là rất cần thiết với một quốc gia đang cần vươn lên như Hy Lạp cổ đại.

Cảnh tượng tôi tâm đắc nhất trong Iliad không phải bất cứ trận giao chiến nào, trận đấu tay đôi nào hay trận tranh cãi nào mà là cảnh tượng sau cái chết của Hector. Đối với tôi, chiến tranh chân chính luôn phải đi kèm với việc giết người trơn tru. Mà giết người thì không chỉ đơn thuần là giết chết ai đó, mà chính là phải khiến đối phương chết trong đau đớn về thể xác và tinh thần một cách âm ỉ. Nói theo cách khác, giết người là một nghệ thuật, và Homer cùng nhân vật Achilles của ông đã làm rất tốt những việc cần làm. Những hình ảnh đáng xem trong “Ca khúc XXII” được Homer miêu tả ấn tượng, “Chàng chọc thủng gân phía sau chân Hector, từ gót đến mắt cá, xỏ dây da vào đấy, buộc vào chiến xa, còn để đầu kéo lê dưới đất. Thế rồi chàng cầm lấy những vũ khí quang vinh bước lên xe, quất ngựa chạy. Hai con ngựa liền ngoan ngoãn phóng như bay. Xác chết bị kéo, bụi tung mù mịt”. Tuy chưa phải là nghệ thuật giết người đỉnh cao, nhưng sáng tạo của Achilles đã trở thành nền tảng cơ sở cho hình thức nghệ thuật này, giúp nó ngày một phát triển theo thời gian. Cần phải nói thêm rằng những người thành Troy được chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ này, đặc biệt là Priam và Andromache, hẳn không biết rằng mình đang thưởng thức một khung cảnh nghệ thuật đi trước thời đại.

2.2.2.3 Sức mạnh con người :

Con người trong Iliat có những đặc điểm vốn là động lực đằng sau hành động của họ. Còn các vị thần chỉ đơn giản là cho phép con người thực hiện ý chí tự do của riêng mình.Trong suốt các văn bản, các vị thần được miêu tả với tất cả các sai sót vàsự lập dị cũng như những hành vi giống với con người. Họ tồn tại chỉ để giải thích các khía cạnh khác nhau của bản chất con người. Do vậy, họ có một ảnh hưởng đến những vị anh hùng của con người, không bởi vì họ là những vị thần toàn năng, nhưng bởi vì họ đại diện cho đặc điểm nhân cách đã cố hữu trong mỗi cá nhân.Các  hành động của những anh hùng trong Iliat là hành động của ý chí tự do, chứ không phải là vì sự can thiệp của Dớt. Trong suốt Iliat, Dớt và các vị thần còn lại trên đỉnh Olympơ được khắc họa giống con người trong gần như mọi mặt. Các vị thần được tạo ra theo cách này để giải thích hành vi của con người.Trong thực tế, rõ ràng sự khác biệt duy nhất giữa các vị thần và các nhân vật con người là các vị thần thì bất tử. Một trong những điều mà các vị thần khác con người là họ đối phó với nhau mãi mãi. Phải chịu sự hiện diện của nhau mãi mãi dường như là một biện pháp tốt để giữ hòa bình. Tuy nhiên, hòa bình hầu như không nằm ở sự mô tả mối quan hệ giữa các vị thần, có lẽ bởi vì sự bất tử của họ,gần như mọi trường hợp, chống lại nhân loại của họ. Một cảnh đáng nhớ, Hera đã không kìm hãm được cơn thịnh nộ của mình và cáo buộc con trai của Kronos âm mưu việc gì đó sau lưng mình. Lúc này, rõ ràng người đọc nhận thấy rằng Dớt và Hera hầu như không phải là biểu tượng thiêng liêng của hòa bình và sự thanh thản.
Cũng giống như những con người như Agamemnông và Asin mỗi người một khác với sự nghi ngờ và không khoan nhượng, các vị thần trải nghiệm những cung bậc cảm xúc giống hệt như vậy, sự cảnh giác, sự tức giận, và lòng đố kị. Các vị thần cũng được thể hiện thông qua các cảm xúc tích cực của con người như sự tha thứ. Mặc dù phải nhờ tới sự thuyết phục của Hephaistos, Hera cũng đã nhanh chóng tha thứ cho thần Dớt với mưu đồ bí mật của ông, và sớm vui vẻ vào bàn tiệc khác với các vị thần khác (Iliad, trang 30). Những chi tiết trên cho thấy rằng các vị thần đang được trình bày theo những cách để giúp lý giải hành vi của con người – cụ thể hơn, hành vi của con người trong Iliad.

Bên cạnh đó, qua Iliat, Hômerơ còn cho ta thấy mẫu người của thời đại, mà ở đây điển hình là Asin, Hecto. Họ là những con người mang lí tưởng tập thể, tài năng phi thường, tràn đầy sức sống, tự do phóng khoáng, luôn vì nghĩa khí, khát khao chiến công và vinh quang. Mẫu người lí tưởng này, các tác phẩm thời bấy giờ có lẽ chưa ai đặt ra được. Đây cũng là một điểm đặc sắc trong nội dung của Iliat.

Giá trị to lớn mà Hômerơ đã đóng góp cho nhân loại là lần đầu tiên đưa con người vào văn học và tôn vinh họ với những phẩm chất cao đẹp của chính con người. Qua Iliat, ta có thể thấy được hình ảnh con người được Homerơ xây dựng nổi trội lên đẹp lung linh với vẻ ngoài hoàn hảo, sức mạnh phi thường cùng những hành động kiêu hùng…,nhưng đó lại là một vẻ đẹp rất trần thế, rất Người, không hề xa vời, mà rất dễ nắm bắt và cảm nhận, vì đó là vẻ đẹp của trái tim. Hai nhân vật tiêu biểu cho hình ảnh này đó là Asin và Hecto, đây chính là hai anh hùng của thiên sử Iliat. Chính vì là là hai hình tượng điển hình của truyện, mà họ bộc lộ rất rõ phẩm chất và vẻ đẹp của mình, cho dù có những phút giây họ say mê lập chiến công, coi việc chém giết như một thú vui nhưng khi đối diện những người họ yêu thương, họ lại cho chúng ta thấy một cách thể hiện tình cảm vô cùng sâu sắc và cảm động. đây cũng là vẻ đẹp của người anh hùng lúc bấy giờ.

Asin không chỉ là hiện thân cho vẻ đẹp của người Hy lạp- vẻ đẹp tâm hồn, mà còn rất cao thượng trong cuộc sống, cao cả trong tình yêu. Xây dựng nhân vật Asin, Hômerơ đã khái quát cơn tức giận của cả thời đại trong cơn tức giận của một con người, khi con người ý thức được giá trị làm người của mình, đây là một trong những điểm thành công của Iliat. Còn Hecto là một con người trần thế đầy thông minh, lịch lãm và giàu nghĩa tình, chàng là người công dân trung nghĩa, hết lòng yêu thương gia đình. Ở Hecto, chiều sâu của cuộc sống đã bắt đầu được phát hiện, bởi vì Hômerơ đã xem chàng như một con người thật sự, chẳng dính dáng gì đến dòng máu thần linh.

Khi xây dựng hai hình tượng người anh hùng lí tưởng Asin và Hecto, Hômerơ một lần nữa lại muốn khẳng định và đề cao vai trò của con người trong cuộc sống. Họ chiến đấu bằng chính sức mạnh của bản thân mỗi người, bằng ý chí và lí tưởng trong trái tim đầy nhiệt huyết. Bởi vậy, chiến thắng của người anh hùng, hoàn toàn là do chính mỗi con người quyết định, chứ không hẳn là do thần linh hay số mệnh định đoạt. Mặc dù trong truyện có cả một thế giới thần linh đầy quyền năng, với vai trò là chi phối cuộc chiến, số mệnh áp đặt con người đi theo một cái đích đã được định trước, nhưng con người mới thực sự là người chủ động và độc lập thực hiện hành động của mình. Nó diễn ra trong tâm hồn con người thành những dòng cảm xúc rất nhân văn. Như vậy, ý chí, tâm hồn, tư tưởng của con người mới là quan trọng, rồi mới được đem gán cho thần thánh, và con người vẫn sáng đẹp trong vai trò của mình trong cuộc sống. Hômerơ đã đưa những người anh hùng – con người vào trong tác phẩm với tư cách là nhân vật chính và tôn vinh giá trị của chính họ.

Nổi trội lên trong tác phẩm, đó chính là sức mạnh của chính bản thân con người, điều này được Hômerơ khẳng định lại rất nhiều lần. Tuy trong những cuộc chiến, có sự hỗ trợ của thần linh, nhưng đó cũng chỉ là sự tác động đến một phần nào đó mà thôi. Chính con người mới là chủ nhân, trung tâm của cuộc chiến và quyết định thắng bại của cuộc chiến mà mình tham gia. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của thần linh trong tác phẩm, chính là cái nền để người anh hùng thêm rực rỡ, để tô đậm và nâng cao hơn sức mạnh cũng như giá trị của người anh hùng, có thể ví đó như là một bức tranh, mà trong bức tranh đó, người họa sĩ đã làm cho hình tượng người anh hùng trở thành tâm điểm , khiến người xem không thể rời mắt khỏi nó.

Dù vẫn còn những hạn chế của thế giới quan thần thoại, nhưng sử thi Iliat đã xuất hiện những yếu tố tiến bộ của một thế giới quan mới đúng đắn hơn. Thế giới quan này mang chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, khi mục tiêu là hướng vào con người, khẳng định vai trò và vị trí của con người trong cuộc sống. Hàng thế kỉ nữa sẽ trôi qua, nhưng những đóng góp của Hômerơ cho văn học nhân loại vẫn luôn là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tình cảm của mỗi con người.

(ĐHKHXH&NV)

Viết một bình luận

AD
AD Sticky Ad
×