AD

Thần Thoại Hy Lạp

AD

Thần thoại Hy Lạp đã trở thành nguồn đề tài phong phú cho sử thi, anh hùng ca, bi kịch, hài kịch ứng với từng thời kì phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Là cơ sở góp phần hình thành nền móng vững chắc cho nền văn học nghệ thuật phương Tây.

Thần thoại Hy Lạp là gì?
Thần thoại Hy Lạp

Chương 1: Tóm tắt Thần thoại Hy Lạp

Thần thoại Hy Lạp gồm có ba phần: câu chuyện các vị thần, các vị anh hùng và truyền thuyết liên hoàn.

1.1.Các vị thần

Đỉnh Olempo chót vót, rực sáng, không bao giờ có mưa, có tuyết chỉ có mùa hè bất tận vui tươi. Ở đây, cái buồn chỉ thoáng qua và niềm vui là bất tận. Ngự trên đỉnh Olempo có mười hai vị thần.

Zeus-Héra

Zeus- chúa tể của các vị thần. Là con của Chronos và Rhéa, sau khi cướp được ngôi vua cha, giải cứu ba chàng Xiklốp, thu phục được Tiphôn chàng lên làm vua. Zeus phân chia quyền hành cho những vị thần bên cạnh mình. Nữ thần Héra (vợ thần Zeus) là thần chủ trì hôn nhân, tình yêu, bảo trợ cho các bà mẹ khi sinh đẻ.

AD

Zeus trị vì trên đỉnh Olempơ cùng với nhiều vị thần khác như Hermès với đôi dép có cánh đi thực hiện nhiệm vụ do Zeus yêu cầu, nữ thần Nikê với đôi cánh bay đi mọi nơi, Êrênê-nữ thần hòa bình, cạnh Hera là nữ thần Iris.

Mặc dù là chúa tể các vị thần nhưng Zeus lại có tính xấu là hay đi ngoại tình với nhiều phụ nữ khác (cả nữ thần và người trần) và sinh ra những đứa con. Héra vô cùng ghen tức tìm mọi cách giết những đứa con rơi của Zeus. Zeus thì tìm mọi cách che chở, cứu thoát con mình. Đây là một quá trình rượt đuổi thú vị.

Poséidon

Là anh trai của thần Zeus cai quản đại dương và sông hồ, thần có thể điều khiển thủy triều khiến cho các con sóng cuồn cuộn hay là chỉ là những gợn sóng. Thần xuất hiện với cây đinh ba mạnh mẽ và là người gây kinh hoàng cho những người đi biển.

Hadès

Là anh của Zeus trị vì trong lòng đất, cai quản vương quốc âm phủ cùng vợ là Perséphone. Ở đây không có sự sống chỉ có những bóng ma vật vờ kéo nhau đi. Tùy theo những điều họ đã làm trên trần, thì sẽ được khen thưởng hay bị xử phạt. Xong họ phải đi qua con sông Lêthê uống thứ nước mà khi uống vào sẽ quên hết mọi chuyện.

Arès và Héphaistos

Là con của Zues và nữ thần Héra. Arès là thần chiến tranh, thích những trận đấu ác liệt, khi xuất hiện chàng mặc áo giáp, tay cầm cái khiên chính. Đây là thần mà Zeus ghét nhất trong các vị thần, nếu không phải là con mình thì có lẽ Arès đã bị đày xuống địa ngục Tácta. Ares thường phải chịu thua trước nữ thần Athéna vì nữ thần thông minh và có tài phán xét mọi việc.

Héphaistos là thần thợ rèn, tuy là con thần Zeus và Héra nhưng chàng không được cái may mắn có thân hình xinh đẹp. Trong một cơn tức giận, Zeus ném thẳng con xuống mặt đất làm chàng thọt một chân. Lớn lên Héphaistos tuy xấu xí nhưng có đôi tay hùng mạnh, chàng rất thông minh, chăm chỉ và trở thành người đứng đầu nghệ thuật rèn.

Aphrodite

Aphrodite là thần tình yêu và sắc đẹp, nàng có chiếc thắt lưng quyến rũ. Là vợ thần chiến tranh Arès không thích can thiệp vào chiến trận, nàng là hình ảnh tượng trương cho sắc đẹp, sự trẻ trung bất diệt. Sinh ra từ bọt biển nàng có khuôn mặt diễm lệ, mái tóc vàng. Nàng rất thích đùa, giễu cợt, châm chọc người khác. Tất cả các thần đều bị năng lực của nàng chi phối.

Apollon

ad

Apollon – thần ánh sáng, thần âm nhạc, thần công lý. Khi thần xuất hiện, ánh sáng soi chiếu khắp mọi nơi, sự sống cũng bắt đầu từ đó. Là con của thần Zeus với nữ thần Latone. Chàng đại diện cho hình ảnh thanh niên Hy Lạp, bảo vệ nghệ thuật, điều khiển các bữa tiệc bằng cây đàn xita của mình cùng với chín nữ thần văn nghệ. Apollon có tài bắn cung với mũi tên vàng và cây cung bạc và hình ảnh vòng nguyệt quế dành cho người chiến bại.

Artémis

Là con của thần Zeus với nữ thần Latone nàng sinh ra cùng với thần Apollon. Nàng là thần săn bắn và đem cho muôn vật sự sống con người. Nơi nàng xuất hiện,vạn vật bừng dậy. Nàng còn chủ trì cưới hỏi, hôn nhân, phù hộ sự sinh nở.

Athéna

Athéna được sinh ra từ đầu của thần Zeus, là thần trí tuệ, công lý và thường xuất hiện với bộ giáp trụ. Nàng bảo vệ các vị anh hùng. Đặc biệt, nàng rất thạo về nữ công là nữ thần thêu thùa, dệt vải, không ai có thể sánh kịp nàng ở lĩnh vực này. Athéna cũng là vị thần bảo trợ cho thành Athen.

Hermès

Là con của thần Zeus và tiên nữ Maia. Hermès là thần liên lạc của Zeus,vị thần của điền kinh, nghề thủ công, nghệ thuật hùng biện. Ngoài ra, chàng còn có biệt tài ăn trộm ngay từ khi mới chào đời. Tính tinh nghịch của Hermès làm cho cuộc sống đầy tiếng cười, ngay cả khi bị đày xuống trần do ăn cắp sét của Zeus chàng vẫn vui vẻ sống cuộc sống của người chăn bò chờ tới hạn trở lại thiên đình.

Dionysos

Con của thần Zeus và nàng Xêmêlê con gái vua Cátmốt. Chàng là vị thần rượu, luôn đem tiếng cười đến cho mọi người. Chàng dạy mọi người cách trồng nho, cách làm rượu nho và còn khuyên mọi người đừng uống quá nhiều rượu để tránh các hành động kỳ quặc.

Déméter

Nữ thần của nông nghiệp cai quản mùa màng, trồng trọt ở hạ giới nếu không có nàng thì thì cây cối không thể mọc được, đất đai khô cằn. Nàng còn dạy người dân trồng lúa mì được mọi người yêu mến, tôn kính. Nữ thần có người con gái là Persephone, mỗi năm Persephone chỉ ở sáu tháng với mẹ nên mặt đất đâm chồi nảy nở vào thời gian này (ứng với xuân-hạ). Nửa năm còn lại về với Hades nên mặt đất u buồn, cây cối héo úa (ứng với mùa thu-đông).

1.2.Các anh hùng trong thần thoại Hy Lạp

AD

1.2.1.Nguồn gốc loài người

Theo thần thoại Hy Lạp, con người trải qua năm thời đại đó là: thời đại Vàng, Bạc, Đồng, Bán Thần và Sắt. Trong số đó, thời đại Vàng con người sống sung sướng chẳng khác gì thần linh, qua đến thời đại Bạc con người không chịu phục tùng các vị thần vì vậy mà Zeus đã tiêu diệt dòng dõi của họ trên mặt đất. Nhưng đến thời đại Đồng, Zeus đã tái tạo ra những con người đồ sộ, dũng cảm. Thế nhưng, sức lực của họ chỉ khiến cho họ chém giết lẫn nhau và họ đều nhanh chóng đi xuống vương quốc của thần Hades. Thời đại thứ tư có những con người tiêu biểu, đó là thời đại của Odip, Cadmus, Akhin và những cuộc chiến ở thành Troie. Thời đại cuối cùng và còn tồn tại đó là thời đại Sắt. Thời đại của sự bạo lực và lao động nhọc nhằn vất vả.

1.2.2. Các anh hùng

Thần thoại Hy Lạp với các vị thần và những anh hùng vĩ đại vẫn luôn còn mãi không chỉ đối với người dân Hy Lạp mà trên thế giới mọi người vẫn luôn ca ngợi. Các anh hùng với những số phận và hoàn cảnh khác nhau đã có những chiến công tuyệt vời luôn sáng mãi.

1.Prometheus 

Prometheus là một người khổng lồ, con trai của Lapetus và Themis, anh em với hai chàng khổng lồ Atlas và Epimetheus. Chính Prometheus là người đã giúp đỡ Zeus trong cuộc chiến chống lại các Titan và cũng chính Prometheus đã lấy trộm ngọn lửa từ thần Zues cho những người trần thế để truyền cho họ niềm hy vọng, cho họ biết được những kiến thức làm cuộc sống sung sướng hơn. Prometheus là người duy nhất biết trước được ai là người sẽ cướp ngôi Zeus và cách để tránh điều đó nhưng Prometheus vẫn không chịu nói chính vì vậy mà Zeus rất căm ghét và trừng phạt chàng.

2.Êac

Êac là con của thần Zeus với Egin. Êac trở thành một vị vua đảo mà không ai có thể sánh kịp chàng về lòng say mê chân chính và chính nghĩa. Ngay cả các vị thần trên đỉnh Olempo cũng chọn chàng làm người phân xử trong các cuộc tranh chấp của họ. Êac cũng trải qua nhiều sóng gió khi mà Héra ghen tuông đã gây ra nhiều tai họa khác nhau nhưng cuối cùng  đảo Egin cũng trở lại là một nơi tuyệt đẹp và đông người như xưa.

3.Perseus

Perseus là con trai của thần Zeus và Danae ( công chúa xứ Agos). Perseus nổi bật với vẻ đẹp và sức mạnh hơn người. Chính chàng là người đã tiêu diệt con quái vật Meduzo Gorgon với sự giúp đỡ của Hermes. Hecmet đã cho chàng mượn đôi dép có cánh và thanh kiếm cong, vật duy nhất có thể chém đứt đầu con Meduzo. Nữ thần Athena cho mượn cái khiên đồng sáng như gương phản chiếu lại mọi vật. Hades đội lên đầu chàng chiếc mũ kì diệu khiến chàng trở thành vô hình. Perseus cũng đã cứu được Andromeda con gái vua Xephe và nàng Cassiopia khỏi con quái vật khổng lồ của thần biển Poseidon.

AD

4.Bellerophontes

Bellerophontes là con trai của anh hùng Glaucus và là chú nội của Xizip. Chàng có một vẻ đẹp và lòng dũng cảm ngang với các vị thần nhưng chỉ thích săn bắn. Trong một lần vô tình chàng đã vô tình giết em ruột của mình. Bellerophontes đã giết chết con quái vật Khime, đó là một con quái vật đầu sư tử mình dê đuôi rắn hết sức hung ác và tàn bạo. Hình ảnh gắn liền với Bellerophontes là khi chàng cưỡi con ngựa có cánh Pegasus bay ra khỏi nơi trú ngụ của Khime. Sau đó chàng lại lên đường chiến đấu và giành chiến thắng trước các nữ kỵ sĩ Amazon vô địch. Những chiến thắng đã khiến chàng trở nên kiêu ngạo và cuối cùng trong khi đang cưỡi Pagasus chàng bị ngã và trở nên mất trí, đi lang thang cho đến khi thần chết Thanatot bay đến cướp lấy linh hồn.

5.Pelops

Pelops là con trai của Tantalus. Chàng cai trị thành Xipinan nhưng đã bị vua thành Troie đánh bại, Pelops phải rời bỏ quê hương tới sống tại một bán đảo. Chàng say mê nàng Hippodamia và quyết định cầu hôn với sự giúp sức của Miectin – con trai của Hermes. Và cuối cùng chàng đã thắng Onomaus. Nhưng Pelops không giữ lời hứa thưởng cho Miectin một nửa vương quốc mà còn đẩy Miectin xuống những ngọn suối. Cuối cùng lời nguyền của Miectin là con cháu Pelops sẽ phải chịu mọi tai họa và bị thần linh trừng phạt.

6.Cadmus

Cadmus là hoàng tử, anh trai của Eropa người đã bị Zeus bắt đi và quyết định lên đường đi tìm em gái của mình. Chàng đã giết chết một con rồng và Zeus đã gả Harmonia cho chàng, buổi tiệc cưới được tổ chức linh đình với sự tham dự của tất cả các vị thần trên đỉnh Olempo. Nhưng cuối cùng số phận của chàng thật nghiệt ngã, chàng biến thành rồng cùng với Harmonia và được Zeus đưa lên đỉnh Olempo khi chết.

7.Zethus và Amphion

Là hai anh em sinh đôi, con trai của Zeus và Antiope. Zethus khỏe mạnh, thích giúp đỡ mọi người, được Pandarot gả con gái là Aedon, hai người có một con trai. Còn Amphion dịu dàng ân cần, say mê âm nhạc. Amphion được Apollon tặng cho cây đàn xita bằng vàng, lấy Niobe con gái của Tantan, họ sinh được bảy người con trai và bảy người con gái với sắc đẹp không kém các vị thần. Nhưng vì Niobe đã xúc phạm tới nữ thần Laton nên Apollon và Artémis đã dùng tên bắn chết các con của nàng, Amphion tự sát còn Niobe biến thành tảng đá trên đỉnh núi Xipin.

8.Theseus

Theseus có một cuộc đời giống như của Herculo. Trên đường đi tìm cha Theseus cũng đã trải qua nhiều sóng gió đối mặt với người khổng lồ, tên cướp rồi giết chết con bò của Herculo. Thesese trở thành vua của Aten, chàng là một vị vua anh minh đem đến hạnh phúc cho dân chúng. Theseus cùng với Pirithut cướp nàng Helen xinh đẹp nhưng rồi nàng lại do Castor và Pollux cứu thoát. Cuối cùng, chàng bị vua Licomet đẩy xuống vực.

  1. Orpheus

Orpheus là con vua Oeagrus và nữ thần hùng biện Calliope. Chàng là người nhạc sĩ vĩ đại nhất của thần thoại Hy Lạp. Những tiếng đàn du dương của chàng làm vạn vật xiêu lòng, suối ngừng chảy gió ngừng thổi. Chàng có vợ là Eurydice xinh đẹp nhưng bị rắn cắn chết, Orpheus quá đau lòng chàng đi xuống vương quốc của Hades để xin thần trả lại sự sống cho vợ, nhưng cuối cùng không vượt qua được thử thách chàng phải sống một mình nơi dương thế.

10.Đedan

Đedan không phải là anh hùng có dòng dõi quyền quý, chàng xuất thân bình thường nhưng nổi tiếng trong các ngành nghệ thuật : hội họa, kiến trúc, điêu khắc. Chính chàng là người đã xây nên các cung điện nguy nga cho các vị vua ở Athen nhưng Đedan là một người hẹp hòi, không muốn ai hơn mình. Đedan với đôi cánh làm bằng lông chim và sáp ong đã thoát khỏi mê cung mà vua Minot cố ý giam ông (con ông đã chết trong hành trình đó). Đedan đến đất nước Italia xa xôi cầu xin vua Cocalot che chở nhưng vua Minot hùng mạnh đến đòi Đedan. Với kế hoãn binh vua Cocalot đã làm vua Minot chết trong lúc tắm. Đedan từ nay yên tâm tận hưởng tuổi già.

  1. Castor và Pullux

Hai anh em đầu là con của Leda và là những vị anh hùng nổi tiếng, luôn sống cạnh nhau. Castor giỏi về tài điều khiển xe ngựa và không ai địch nổi Pollux về tài đấu quyền. Castor bị Idat giết chết, Pollux cầu xin Zeus cho chàng được sống bên cạnh người anh yêu quý. Zeus bèn cho Castor sống chung số phận với em, một ngày sống dưới âm ti ảm đạm, một ngày sống trên Olempo với các thần linh. Hai anh em bao giờ cũng sống cạnh nhau.

  1. Paris

Paris là con trai thứ hai của vua Priam thành Troie hùng mạnh. Paris lớn lên giữa những người chăn cừu. Paris xinh đẹp lạ thường, chàng nổi tiếng về sức mạnh phi thường và tinh thần giúp đỡ mọi người. Trong cuộc bình chọn người phụ nữ đẹp nhất (Athena, Hera, Aphrodite) Paris đã chọn Aphrodite người đã hứa giúp chàng lấy được người con gái đẹp nhất loài người tên Helen. Helen là vợ của Menelaus xứ Spratra xinh đẹp tuyệt trần, nhờ sự giúp đỡ của Aphrodite, Paris đã có được trái tim nàng và đem về thành Troie. Việc này đã mở đầu cho một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài mười năm trời làm đầu đề cho truyền thuyết liên hoàn ở thành Troie.

1.3. Câu chuyện liên hoàn

Hérculơ

Thần Zeus ân ái trộm với nàng Ancơmen sinh ra Hérculơ. Zeus vui sướng vì đứa con trai sắp chào đời, Ngài đưa ra một lời thề sẽ cho con trai mình trị vì tất cả dòng họ. Do sự căm tức, ghen ghét của mình, Héra bày ra thủ đoạn khiến cho Orixthe – con của Xthenexilot mới là người cai trị dòng họ Pécxé và Hérculơ phải làm tôi tớ của Orixthé.

ad

Zeus muốn con đỡ khổ cực, cho nên Ngài đã ra lệnh rằng Hérculơ chỉ phải thực hiện 12 kì công dưới quyền của Xthnéxilot, sau đó chàng sẽ được tự do. Để cho đứa con của mình trở thành bất tử, khi Hérculơ vừa lọt lòng, Zeus đã cho chàng bú trộm sữa của Héra.

Khi Hécculơ vừa lên 10 tháng, Héra sai hai con rắn xuống quấn chết chàng và người em trai Iphiklét. Khi con rắn trườn tới, Iphiklét sợ quá khóc thét lên, trong khi đó, Hécculơ giơ bàn tay nhỏ xíu ra bóp chết con rắn.

Hérculơ có tài bắn tên mà không ai có thể sánh kịp, đến nỗi thần Apollon phải khen ngợi và tặng cho chàng chiếc cung cùng những mũi tên quý báu của mình.

Do giúp vua thành Thebes, chàng lấy được nàng Mégara và sinh ra 8 người con. Do vẫn còn căm tức, Héra khiến chàng hoá điên và giết hết tất cả các con mình. Để chuộc lỗi, chàng đành phải làm nô lệ cho Orixthé và lập 12 kì công.

Một số kì công như: Giết sư tử ở Nêmê, Giết lòng xà ở Lécnơ, Bắt sống bò mộng ở đảo Crét, Lấy chiếc thắt lưng của nữ hoàng Hippôlít…

Sau khi đến Calidôn, chàng lấy được nàng Đêiania, trên đường về gặp con nhân mã Nétxốt muốn bắt cóc người vợ xinh đẹp. Chàng giương cung bắn, trước khi chết, con nhân mã giục nàng lấy một ít máu của mình và hãy nhuộm áo vào máu này khi bị Hérculơ phản bội. Nàng Đêiania tin là thật, liền giấu một ít máu trong mình.

Sau này, Hérculơ đến xứ Ơcali bắt sống nàng Iôlơ. Đêiania sợ mất chồng, liền gửi chiếc áo nàng thêu cho chồng. Hérculơ mặc vào thấy người nóng như lửa đốt, muốn cởi áo ra thì áo rứt theo từng mảng thịt. Biết mình sẽ chết, chàng và người bạn là Philôctét dựng một hoả đàn.

Nhưng một tiếng sét giáng xuống, nữ thần Athéna mang Hérculơ về đỉnh Ôlempơ, trở thành một vị thần bất tử.

Odip

Laios làm vua ở Thebes đến thăm vua Pelop ở Pizơ. Nhân dịp này, Laios bắt cóc con trai của Pelop. Pelop tức giận cầu nguyện thần linh cho con của kẻ bắt cóc con mình sẽ giết chết cha nó và lấy mẹ của nó.

Laios lấy nàng Iôcát nhưng không có con, ông bèn đến hỏi thần tiên tri ở Đenphơ thì nhận được câu trả lời rằng: “ Ngươi sẽ có con trai nhưng ngươi sẽ chết vì tay con trai mình”. Sau đó, Laios có con trai. Hoảng sợ trước lời tiên tri, ông lấy đinh đâm xuyên qua hai gót chân con mình rồi dùng dây xâu và sai nô lệ đem bỏ vào rừng. Người nô lệ thương hại đứa bé, cuối cùng đứa bé được đưa đến cho vua Pôlibốt – vốn là người không có con. Đứa bé đó được đặt tên là Odip, nghĩa là “chân sưng”.

Sau khi lớn lên, trong một bữa tiệc, Odip vô tình nghe được thân phận thật của mình. Chàng không tin và đến hỏi nữ tiên tri ở Đenphơ. Khi được biết mình sẽ giết cha và lấy mẹ, chàng tuyệt vọng đi khỏi nhà, trở thành kẻ lang thang. Trên đường đi đến thành Thebơ, trong một cuộc ẩu đả, chàng đã vung gậy đập chết cha ruột mình là Laios.

Tại Thebes, chàng diệt trừ được con nhân sư phá hoại dân chúng nên được tôn lên làm vua và lấy hoàng hậu Iôcát. Vậy là chàng đã lấy mẹ mình như lời tiên đoán.

Bỗng một tai hoạ giáng xuống thành Thebes, thần Apollon gieo rắc một chứng bệnh hiểm nghèo giết hại tất cả già trẻ, lớn bé. Odip phái Kreon đến Đenphơ hỏi thần Apollon cách trừ thảm hoạ thì được biết: “ Chỉ khi nào kẻ giết Laios bị trừng phạt, lúc đó thiên tai mới chấm dứt”

Odip quyết định tìm cho ra kẻ giết Laios. Chàng bèn mời vị tiên tri Tirêxiát đến. Tirêxiat nói với Odip rằng: “Chính ngươi đã làm ô uế thành bang này. Chính ngươi là kẻ sát nhân ngươi đang tìm kiếm”.

Quá đau khổ, Iôcát treo cổ tự sát, Odip giật cái kim thêu trên áo Iôcát rồi chọc vào hai mắt mình, sau đó chàng rời thành Thebes sống kiếp lang thang. Sau bao ngày lưu lạc, Odip tới thành Athen dưới sự cai trị của vua là anh hùng Thêxê, rồi chết ở đấy và là linh hồn bảo vệ cho thành.

Chương 2 Hai vấn đề rút ra từ Thần thoại Hy Lạp

2.1 Chất hiện thực trong thần thoại Hy Lạp

Có bốn gia hệ thần trong thần thoại Hy Lạp và qua mỗi gia hệ với sự xuất hiện lần lượt của các vị thần thể hiện khả năng và mức độ nhận thức của con người về giới tự nhiên. Bởi vì, mỗi một Thần gắn với một phạm vi đảm nhiệm trong cuộc sống. Tính hoang đường là đặc trưng của thần thoại nhưng qua cái hoang đường đã thể hiện sự phát triển trong tư duy nhận thức của con người về giới tự nhiên. Điều đó khẳng định trong thần thoại có chất hiện thực của cuộc sống.

Chất thực thể hiện qua cuộc sống của các vị thần – con người.Trong thần thoại Hy Lạp, suy nguyên nguồn gốc của con người là do Thần tạo ra. Nhưng qua tìm hiểu ta có thể nhận định: con người thời Hy Lạp cổ đại vì muốn chinh phục tự nhiên và ngày càng hoàn thiện mình nên mới nhân hóa thần và thần hóa con người. Có thể nói con người lấy dáng dấp, hình thể của mình để mường tượng, hình dung và vẽ ra các vị thần. Cuộc sống của người và Thần tồn tại vừa song song vừa hòa quyện vào nhau.Trong chốn thiên đình, nơi các vị thần ngự trị lại pha lẫn cuộc sống trần tục. Giữa các vị thần có một vị thần cao nhất để thống trị. Tuy cuộc sống của thần là bất tử và mỗi Thần ai cũng có quyền lực riêng nhưng vẫn còn tồn tại sự giành giật, cướp ngôi, lật đổ nhau. Đỉnh Ôlempơ cao tít là chốn tiên cảnh, nơi ở của các vị thần nhưng không khác gì cuộc sống dưới trần thế của con người. Các thần cũng tổ chức tiệc tùng đình đám, thần linh nhưng vẫn còn mang những tâm trạng buồn, vui, giận, yêu, ghét, căm tức, có nhiều thần tốt nhưng cũng còn thần có tâm địa xấu. Và trong bản thân mỗi vị thần đã có sự đa nguyên tồn tại nhiều yếu tố tốt và xấu, thiện và ác, nhân hậu và nhẫn tâm.

Cụ thể, thần Zeus là vị thần thiếu chung thủy, có quan hệ tình ái với nhiều nữ thần và người phàm trần, nhiều lần giở những thủ đoạn thiếu đứng đắn như biến thành hạt mưa, bò mộng, thiên nga để tiếp cận người đẹp, làm phép giấu người  tình để tránh cơn ghen của vợ là Hêra. Nữ thần Héra cũng thuộc phận “ nữ nhi thường tình”, Héra ghen điên cuồng và đã nhiều lần đánh ghen (Héra trả thù Latôn-mẹ của Apollon).Thế giới của các vị thần cũng thường xảy ra tranh chấp cãi cọ (câu chuyên quả táo bất hòa và cuộc chiến thành Troie). Các vị thần ít nhiều đều thể hiện những bản tính rất “ con người”. Thần Zeus trăng hoa, nữ thần Héra nhẫn tâm trả thù người tình của chồng, thần Hermes khôn ngoan, tài giỏi nhưng có tính hay trộm cắp, thần Apollon và Artemis đã giết những người con của Niôbê vì nàng dám xúc phạm tới Lêtôn-mẹ của mình.

Chất thực thể hiện qua sự kiện lịch sử. Cuộc chiến tranh giữa quân đội Hy Lạp và quân dân thành Troie là một sự kiện có thật xảy ra trong lịch sử Hy Lạp. Nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh này là do nữ thần bất  hòa gây ra sự tranh cãi, căm ghét, thù oán giữa nữ thần chăm lo việc sinh đẻ Héra, nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite và nữ thần trí tuệ Athéna.Tuy cuộc chiến tranh có sự giúp đỡ của các vị thần ở cả hai bên nhưng đây chỉ là yếu tố thứ yếu. Cuộc chiến tranh thể hiện tinh thần ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, nổi trội vẫn là những vị anh hùng vượt lên cả thần thánh. Thần thoại Hy Lạp mô tả đôi nét về chế độ chiếm hữu nô lệ, trải qua những cuộc chiến, kẻ chiến bại sẽ bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ. Nô lệ  chiếm số lượng đông nhất và là lao động chính cho những kẻ thống trị thời Hy Lạp cổ đại. Nô lệ đã trở thành thứ tài sản di động thuộc toàn quyền sở hữu của chủ nhân, người ta có thể tự do mang nô lệ ra chợ trao đổi như trao đổi một thứ hàng hóa. Trong Thần thoại có chi tiết thể hiện điều này “Khi thành Troie bị phá hủy, các con của vua Priam đều bị giết, riêng nàng Catxanđrơ thì bị bắt làm nô lệ”.

Chất thực thể hiện qua cuộc sống lao động của con người. Vào thời Hoàng kim, thế hệ người bằng vàng được các thần tạo ra, con người thời kỳ này không phải lao động vì thiên nhiên đã mang lại những điều như cây trĩu quả, lúa chắc bông, đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, con người sống như các vị thần, không biết đến lo âu, phiền não. Trải qua những thế hệ tiếp theo là người bạc, người đồng, những người anh hùng của dòng giống thần linh và đến thời đại thứ năm-thời đại sắt thì con người phải lao động vất vả, con người phải chịu lấy mọi sự cực khổ, tự gieo trồng để có miếng ăn. Theo lí giải của thần thoại Hy Lạp, điều này do con người ngày càng suy đồi về đạo đức, con người ngày càng có nhiều thói hư tật xấu và không được sự ưu ái của thần linh nữa mà con người phải bị trừng phạt. Nhưng trái lại với yếu tố thần thánh thì đúng với quy luật phát triển tư duy nhận thức của con người về thế giới xung quanh, con người ngày càng chế ngự được tự nhiên, con người cần cải tạo tự nhiên, khai rừng phá núi, gieo trồng cày cấy, để đáp ứng cho nhu cầu đó thì con người cần nông cụ. Những con người sáng tạo ra nông cụ, khí giới, xây dựng công trình…sẽ được tôn vinh như những vị thần (thần hóa con người).

Thần thoại Hy Lạp để lại nhiều bài học hiện thực. Với thành ngữ “gót chân Asin” và điển tích “ câu chuyện quả táo bằng vàng” ta nhận ra nhiều bài học quý giá trong cuộc sống. Thần là bất tử nhưng thực tế không có gì là bất tử. Tất cả mọi sự vật đều tuân theo quy luật được sinh ra, sinh trưởng phát triển, cực thịnh và sau đó sẽ suy thoái dẫn đến suy tàn: Asin-người anh hùng mình đồng da sắt nhưng lại có yếu điểm là gót chân.

Cuộc sống có muôn vàn thử thách, khó khăn đặt ra đối với con người nhưng với quyết tâm và một lòng hướng tới đích đến thì sẽ thành công (người anh hùng Pecxê vượt thử thách để lấy đầu quái vật Mêzuđơ, Hérculơ lập mười hai chiến tích, cuộc hành trình trở về nhà của Odysse).

Những người sống có đạo đức, biết phép tắc thì sẽ được hưởng cuộc sống lý tưởng, hạnh phúc (nàng Antigôn giữ trọn tình nghĩa gia đình, Caxto và Pônlut là hai anh em cùng cha khác mẹ nhưng hết mực yêu thương nhau và được sống mãi bên nhau).

2.2 Suy nghĩ về vấn đề định mệnh trong thần thoại Hy Lạp.

Định mệnh do yếu tố bên ngoài chủ thể quyết định.Trong thần thoại Hy Lạp, số phận của người trần nằm trong tay thần Zeus. Hạnh phúc và hoạn nạn, cái thiện và cái ác, cái sống và cái chết đều thuộc vào Zeus. Nhưng vận mệnh của mọi người cũng như vận mệnh của Zeus lại do các nữ thần Moiro quyết định. Không ai thoát khỏi được mệnh lệnh của số mệnh hà khắc. Ba vị nữ thần số mệnh làm ba việc khác nhau. Nữ thần Khlotho xe sợi chỉ của cuộc sống con người, quy định thời gian người ta sống, sợi chỉ đứt thì cuộc sống chấm dứt. Nữ thần Lakhexit “nhắm mắt” rút các thẻ quyết định cuộc sống của con người trần thế. Nữ thần Atropot ghi tất cả những điều mà hai nữ thần chị đã quyết định vào một cuộn chỉ. Nhất là những gì đã ghi vào số mệnh thì không ai có thể thay đổi được, dù người đó có là Zeus, cũng đành bất lực.

Dường như, định mệnh đã trở thành một thế lực có sức mạnh lớn lao chi phối toàn bộ cuộc đời con người. Số phận của cả một đời người mà lại do hành động nhắm mắt rút ngẫu nhiên những tấm thẻ và sợi chỉ mong manh quy định. Đó là điều tưởng chừng như phi lý nhưng không thể chống lại, không thể thay đổi.

Cụ thể, Cronos là người con út của Uranos và Gaia đã chống lại và lật đổ cha mình. Đến lượt ông, ông lo sợ việc tương tự xảy đến với mình. Vì thế, vợ ông sinh ra người con nào thì ông liền nuốt chúng vào bụng. Như một vòng tròn lẫn quẩn của định mệnh, đứa con trai sau cùng của ông là Zeus được mẹ bảo vệ và các yếu tố ngẫu nhiên mà định mệnh sắp đặt che chở, đã hội đủ điều kiện để thực hiện định mệnh đã định sẵn là lật đổ bố và làm chúa tể các vị thần. Về sau định mệnh lại tiếp diễn, đến lượt Zeus đề phòng và lo sợ các con mình.

Một nhân vật khác là Io con gái vua Inakhot xứ Axgot. Để tránh mối tình vụng trộm giữa nàng và Zeus bị Héra phát hiện, nàng bị Zeus biến thành con bò cái trắng tinh như tuyết. Từ đây, cuộc đời nàng gặp nhiều trắc trở. Io bị canh giữ, bị mất tiếng nói, bị con ruồi trâu đuổi theo đốt làm máu chảy ròng ròng. Bò Io lồng lộn chạy miết hết nước này sang nước khác. Theo lời mà Prometer tiên đoán về định mệnh của nàng, sự bất hạnh chỉ chấm dứt khi nàng đến được đất nước Ai Cập phì nhiêu. Cuối cùng, quả thật đúng như vậy.

Định mệnh dung hợp nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Trong một lần tình cờ, Acteon cùng các bạn đi săn đến rừng Xitheron. Thời tiết tạo cơ hội ngẫu nhiên, những người đi săn mệt mỏi nằm nghỉ trong những lùm cây râm mát, chỉ có Acteon một mình đi đến thung lũng Gacgati đầy hoa xanh tươi, tĩnh mịch mà không hề hay biết nơi này thuộc về nữ thần Artémis. Thế rồi, chàng tình cờ nhìn thấy nữ thần đang tắm. Trong cơn tức giận Artémis đã biến chàng thành một con hươu xinh đẹp. Để rồi đàn chó của chàng không thể nhận ra chủ đã đuổi theo xé xác con hươu bất hạnh.

Định mệnh như một tấm lưới trong suốt, tuy vô hình nhưng luôn bủa vây số phận và theo suốt cuộc đời họ. Khi bị vua Laios lấy đinh nhọn đâm suốt gót chân, dùng dây xâu qua hai chân đứa trẻ sơ sinh, nhưng Odip (chân sưng) không chết. Tiếp đến là việc người nô lệ được sai đem vứt vào rừng. Thế nhưng, lòng thương hại lại tồn tại ngay đúng thời điểm này để ông trao đứa bé cho một người chăn gia súc của một đất nước xa xôi khác. Và tại sao đứa bé không phải là con nuôi của ai khác mà lại là chính nhà vua Polip đã nhận nuôi và hết mực chăm sóc nó.

Để rồi trong một bữa tiệc khi Odip đã trưởng thành, một người say rượu tình cờ bảo Odip là con nuôi nhà vua. Từ đây Odip bắt đầu mơ hồ băn khoăn về thân phận của mình. Thế nhưng, tại sao vua và hoàng hậu lại không nói sự thật cho chàng biết ngay lúc này. Để chàng phải đi hỏi nữ tiên tri. Lời tiền định “giết cha-lấy mẹ” là một định mệnh đau đớn đối với Odip.

Đứng trước định mệnh của chính mình con người đã phản ứng như thế nào. Đầu tiên là phản ứng trốn chạy. Vua Laios đã diệt trừ đứa con của mình để phòng hậu họa, nhằm muốn làm sai khác số mệnh. Đứng trước định mệnh của đời mình Odip cũng trốn chạy, chàng vẫn còn đang tin rằng vua Polip là cha mình, chàng không muốn viễn cảnh đó xảy ra nên chàng trốn xa vương quốc. Nhưng số phận nghiệt ngã cứ mãi bám riết; trên đường đi chàng gặp ngay đoàn xe của vua Laios, hành động ngẫu nhiên hất chàng ra bên đường. Hành động vô ý của nhà vua là lấy gậy đánh vào đầu chàng tạo ra một kết thúc thảm hại, Odip đã lỡ tay giết chết nhà vua.

Tại sao con nhân sư hung ác lại xuất hiện ngay lúc Odip đến thành Thebes, tại sao không phải ai khác mà chính Odip lại là người giải được câu đố của con nhân sư và kết thúc số phận của nó. Odip giải được câu đố đó có phải do trí tuệ hơn người của chàng hay sự rung rủi của số phận. Thế rồi nghiễm nhiên chàng trở thành người trị vì đất nước và lấy hoàng hậu làm vợ.

Quả thật, Odip đã run sợ trước số phận nhưng trong con người đại diện cho cái đẹp này luôn tìm cách thay đổi số phận. Odip đã rất mừng khi vua Polip qua đời do bệnh tật tuổi già. Odip nghĩ rằng, rõ ràng mình không giết cha và chàng đang ở rất xa mẹ. Vậy thì, lời tiên tri không thành sự thật.

Odip lại là người luôn muốn tìm ra sự thật dù sự thật có đau đớn đến dường nào. Trải qua nhiều biến cố, nhiều cuộc trốn chạy nhằm mục đích thay đổi số phận; nhưng tất cả dường như lại đang chạy theo một vòng mà định mệnh đã định sẵn. Càng chạy càng khép chặt. Càng tránh xa lại càng xiết chặt.

*Kết luận:

Người Hy Lạp gọi thần thoại của mình là Mythologia. Mythologia được tạo thành từ hai yếu tố mythos (cảm tính, huyền thoại) và logia (tư duy lý tính, tư duy khoa học). Bên cạnh phần huyền thoại được lưu truyền thì yếu tố ghi chép mang tư duy tiến bộ của con người ưu tú đại diện của đất nước làm cho câu chuyện mang tính triết lý của thời đại.

Chất hiện thực của thực tế cuộc sống, đời sống văn hóa, điều kiện lịch sử – xã hội được thể hiện rõ nét trong toàn bộ tác phẩm. Tác phẩm còn thể hiện sâu sắc tư tưởng, quan niệm, cách nhìn về định mệnh và niềm tin của con người đối với các thế lực thần bí.

Thần thoại Hy Lạp đã trở thành nguồn đề tài phong phú cho sử thi, anh hùng ca, bi kịch, hài kịch ứng với từng thời kì phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Là cơ sở góp phần hình thành nền móng vững chắc cho nền văn học nghệ thuật phương Tây.

(ĐHKHXH&NV)

Viết một bình luận

AD
AD Sticky Ad
×