Văn học hiện thực Pháp thế kỷ XIX

Thế kỷ XIX được đánh dấu là một thế kỷ lớn trong văn học Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung, mang tính chất bản lề khi mở ra những triển vọng về chiều hướng thẩm mỹ mới và khép lại những tư tưởng thẩm mỹ cũ. Phong phú và đa dạng với nhiều trào lưu, khuynh hướng, hiện tượng văn học song có thể nhìn nhận được hai dòng chủ lưu của thế kỷ này : trào lưu lãng mạn thăng hoa rực rỡ vào những thập niên đầu thế kỷ XIX và sau đó là sự lên ngôi của trào lưu hiện thực với những thành tựu đặc sắc của những tên tuổi như Stendhal, H. Balzac, Gustave Flaubert, G. de Maupassant… khiến văn đàn Pháp chói sáng.

Chủ nghĩa lãng mạn đi sâu và khám phá cái tôi cá nhân và biểu hiện nó bằng những trạng thái tâm lý khác nhau, đặc biệt là nỗi cô đơn của con người khi phải đối diện với hiện thực. Các nhà văn lãng mạn tìm đến với thiên nhiên, lịch sử và sự say mê về một xã hội lý tưởng. Chủ nghĩa lãng mạn đã mở đầu thế kỷ XIX và được coi là hiện thân tinh thần của cả một thời đại với ý nghĩa quan trọng mà nó tạo ra.

Trong khi đó, chủ nghĩa hiện thực (Realism) trên cơ sở kế thừa tinh thần của những nhà văn đầu thế kỷ thì đến năm 1857, Tuyên ngôn chủ nghĩa hiện thực của Champfleury đã trở thành chủ thuyết chính thức của xu hướng văn học này. Ở đó, các nhà văn bộc lộ sự quan tâm đến đời sống sinh hoạt, những phong tục, những vấn đề của cơ cấu chính trị và xã hội, phản ánh thực tại xã hội mà ở đó tầng lớp tư sản đang càng ngày càng tìm cách khẳng định vị trí chủ thể của lịch sử. Với tinh thần quan sát, phân tích và khái quát quy luật cuộc đời thông qua những hình tượng văn học mang tính điển hình, chủ nghĩa hiện thực đã nhận thức và phê phán hiện thực một cách thành công. Vào những thập niên đầu của nửa sau XIX, văn học hiện thực đã có bước chuyển mình rõ rệt. Nếu như các nhà văn hiện thực nửa đầu XIX chọn việc mô tả bức tranh xã hội Pháp rộng lớn với muôn mặt con người, hoàn cảnh, trạng thái…thì các nhà văn về sau như Gustave Flaubert, Maupassant ngoài việc tái hiện khung cảnh ấy, còn đưa người đọc đến với những cảm thức mang tính ám ảnh của thời đại. Trong đó, Gustave Flaubert là tên tuổi được đánh giá như người tiên phong cho sự đổi mới đó.

Khái quát về Gustave Flaubert và tiểu thuyết Bà Bovary

Về tác giả Gustave Flaubert

Nhà văn Gustave Flaubert
Nhà văn Gustave Flaubert

Vài nét về tiểu sử

Gustave Flaubert (1821 – 1880). Ngay từ bé, Gustave Flaubert đã sớm mang trong lòng một thiên hướng nỗi buồn về sự bi quan, bên cạnh lòng yêu mến khoa học, một khả năng nhận xét tỉ mỉ và thận trọng, khách quan. Do điều kiện gia đình, ông đã sớm được tiếp nhận các kiến thức cũng như tư tưởng ngành y. Ông học trường cấp hai ở Rouen, năm 1841 ông học luật ở Paris. Từ đây, năng khiếu văn chương của Gustave Flaubert được khơi dậy.

Vào năm 1844, Flaubert mắc phải một căn bệnh thần kinh tương đối nghiêm trọng. Vì lý do sức khỏe, ông về nghỉ tại ngôi nhà của gia đình ở Le Croisset, nơi mà ông sống lặng lẽ và cống hiến bản thân cho sự nghiệp viết văn và nghiên cứu. Flaubert có mối quan hệ đặc biệt với hai phụ nữ trong cuộc đời. Người đầu tiên là Elisa Schlessinger, một phụ nữ lớn tuổi, đã kết hôn, bà được xem là hình mẫu lý tưởng trong lòng ông. Người phụ nữ còn lại là Louise Colet, một nhà thơ, tuy đã có gia đình nhưng bà đã trở thành là người tình của Flaubert. Dần dà, Flaubert trở nên suy sụp và thất vọng khi nhận ra Louise thật sự không giống như trong tưởng tượng ban đầu của ông. Vì vậy, sau cùng ông đã chọn sống một cuộc sống đơn độc ở Le Croisset. Trong quãng đời về già ông bị nhiều cú sốc nặng về cái chết của mẹ và những người bạn thân thiết như nữ sĩ George Sand. Ông lại khó khăn về tài chính khi phải hy sinh cả gia sản để cứu đứa cháu khỏi bị phá sản.

Tư tưởng nghệ thuật
AD

Flaubert đã từng nói: “Ở trong tôi có hai con người, một bị lóa mắt trước những khoa trương văn vẻ tính trữ tình, những đôi cánh bay bổng và âm vang của câu chữ, những đỉnh cao lý tưởng; con người thứ hai thì đào bới lục lọi tất cả sự thật mà anh ta có thể, anh ta kết án điều nhỏ bé một cách mạnh mẽ cũng như khi anh ta kết án sự vĩ đại, anh ta muốn các bạn cảm nhận một cách cụ thể bằng cảm giác vật chất.”

“Con người thứ nhất” là khi ông đang ở thời kỳ sùng bái Victor Hugo chủ nghĩa lãng mạn, những đam mê thời non trẻ đã để lại trong Flaubert một trái tim dịu dàng nhạy cảm nhiệt tình mà sau này ông buộc phải phủ nhận tất cả để thay vào đó là một thái độ hoài nghi sâu sắc.

“Con người thứ hai” đã đứng trước nhiều băn khoăn và tan vỡ trong tâm hồn. Xuất phát từ cảm quan đó nên thái độ của Flaubert cũng khác với cá nhà văn hiện thực khác. Ông không cố đi tìm lại cái đẹp cái lý tưởng như Stendhal, không đấu tranh lên án những cái xa của những “kẻ hãnh tiến” trong xã hội đang trên đà tư sản hóa như Honoré de Balzac. Thái độ phê phán hiện thực của ông gắn liền với cảm giác tuyệt vọng. Nên các nhân vật thành công nhất của ông như Emma Bovary (trong Madame Bovary), Fréderic (trong L’Éducation sentimentale) đã nổi loạn hoặc thỏa hiệp một cách âm thầm.

Tiểu thuyết Bà Bovary

Kết quả hình ảnh cho Bà Bovary (Madame Bovary)

Giới thiệu tiểu thuyết Bà Bovary

Tác phẩm ra mắt độc giả lần đầu vào tháng 10 năm 1856 trên tờ báo Revue de Paris. Tiểu thuyết được dựa trên một câu chuyện của người bạn Louis Bouilhet. Bouilhet đã nhắc Flaubert nhớ về câu chuyện gia đình Delamare. Eugene Delamare là một sinh viên nghèo theo học y khoa với cha của Flaubert. Không vượt qua được kì thi, Eugene đã đến làm việc ở một thị trấn nhỏ gần Rouen. Tương tự như nhân vật Charles Bovary, Eugene kết hôn với một góa phụ lớn tuổi, sau khi bà ta mất, ông ta tái giá với một phụ nữ trẻ xinh đẹp là con gái của một nông dân trong vùng. Bà Delamare sớm trở nên buồn chán, thất vọng với cuộc sống hôn nhân. Cũng giống như nhân vật Emma Bovary, bà Delamre phung phí tiền bạc và ngoại tình. Dần dà bà không thể trang trải các khoản nợ nên cuối cùng phải uống thuốc độc tự sát. Vì quá yêu vợ, sau đó Eugene Delamare cũng qua đời để lại đứa con gái duy nhất cho mẹ mình nuôi nấng trong cảnh nghèo khó khốn cùng.

Sau khi cuốn tiểu thuyết này được phổ biến, nhà văn đã bị đưa ra tòa vì xúc phạm vào nền luân lý công cộng do vấn đề liên quan đến phong tục và các chi tiết thẳng thắn, nhưng rồi về sau, ông đã được tha bổng. Tác giả đã dùng thể văn gián tiếp tự do (Free indirect style) qua đó các tư tưởng của nhân vật được thuật lại bằng người kể chuyện rành mạch và khách quan.2.2.2 Tóm tắt tác phầm

Tác phẩm bắt đầu bằng việc giới thiệu Charles Bovary, một anh chàng lớn con thực thà và chậm chạp, làm đối tượng gây cười cho bạn bè trong lớp vì vẻ “thộn” của mình, là loại người không có cá tính, không có khả năng gây ra một sự ngạc nhiên nào cho người khác. Tuy vậy, anh ta hiền lành chăm chỉ, tuy không thông minh nhưng cũng lên lớp đều đều rồi theo học y sĩ, cuối cùng ra trường một cách vất vả, và về quê làm nghề thầy thuốc. Vì không có ý kiến và quan niệm riêng, Charles đã cưới một bà góa lớn tuổi nghe đồn là khá giả theo sự quyết định của bố mẹ. Từ khi Charles đi chữa bệnh cho một chủ trại và quen biết với con gái ông ta – cô Emma thì vợ Charles luôn ghen tuông. Về sau, vợ Charles chết vì một cơn uất ức. Charles kết hôn với Emma. Vì Emma là người được giáo dục trong tu viện nên có một tâm hồn mơ hồ, bí ẩn, luôn mong chờ thứ tình yêu lớn lao khác để đền bù cho sự buồn chán của thực tế. Mặc dù đã có con với Charles nhưng Emma này vẫn có hai mối tình dan díu với Rodolphe – người gặp ở hội chợ và gã luật sư Léon. Những cuộc tình dan díu nhanh chóng kết thúc trong sự chán nản cùng với sự suy sụp tài chính khiến cho Emma rơi vào tuyệt vọng. Mọi thứ đổ vỡ đưa Emma đến cảnh tự sát bằng thạch tín. Cái chết đau đớn và vật vã của Emma làm cho Charles sa sút về thể xác lẫn tinh thần. Và ít lâu sau, anh ta đột ngột chết khi đang ngồi ngoài ngoài vườn với con gái. Câu chuyện kết thúc bằng việc gã dược sĩ Homer được thưởng huy chương Bắc đẩu bội tinh.

Vấn đề cái tầm thường trong tiểu thuyết Bà Bovary

Với nội dung phê phán xã hội tư bản và mặt tiêu cực của nó khi làm tha hóa con người, đặt con người dưới sức mạnh đồng tiền, danh vọng, các nhà văn hiện thực thường chọn viết về cái xấu, cái ác. Hình ảnh con người lý tưởng của thời đại không còn chiếm thế thượng phong và dần bị lu mờ đi, thay vào đó, các nhà văn hiện thực tìm thấy cảm hứng với những vấn đề, những con người bình thường, thậm chí là tầm thường. Chính sự tầm thường đó đã phản ánh cách nhìn và thái độ của tác giả với hiện thực đời sống quanh mình. Tiếp thu từ những tiền nhân, Gustave Flaubert khai thác chủ đề vỡ mộng của con người, sự đối lập giữa hiện thực và lý tưởng đã khiến con người mất thăng bằng. Và trong chính trạng thái đó, cái tầm thường nổi lên như một vấn đề thời đại đáng được để tâm trong dòng chảy văn học.

Tiểu thuyết Bà Bovary nói lên sự phản kháng của cá nhân chống lại những quy tắc xã hội và đạo đức của thế giới tư sản chật hẹp và giả dối, đồng thời vạch ra sự tan vỡ của những ảo tưởng thơ mộng lãng mạn mà cá nhân khao khát hạnh phúc đặt vào cái thực tại tư sản tầm thường và hèn kém.

Cái tầm thường từ góc nhìn của bà Bovary

Emma Bovary mang nhiều đặc điểm của một nhân vật lãng mạn

Emma Bovary là con của một nông dân khá giả, nàng là một thiếu nữ có học, được nuôi dạy trong trường dòng cho đến năm 18 tuổi mới về nhà. Thay vì học giáo lý và các khuôn phép, ra khỏi trường Emma chỉ giữ lại một tâm hồn lãng mạn khát khao đi tìm một bóng hình lý tưởng như các tiểu thuyết mà cô đã đọc lén khi còn ở trong trường dòng. Emma chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết lãng mạn khá đậm nên ước mơ một cuộc sống phóng khoáng, phong lưu. Hình ảnh nàng gắn liền với váy áo lụa là, cung cách cư xử thanh lịch, yêu thích thêu thùa, đọc sách, vẽ tranh, chơi dương cầm. Nàng cư xử như một quý cô danh giá và nàng luôn khao khát mình là một phần tử của cái xã hội thượng lưu ấy, nàng không chấp nhận được cuộc sống tù túng và ngột ngạt của vùng quê Tostes. Sau một lần tham gia vũ hội nhà bá tước, nàng được tiếp xúc với thế giới khác, một thế giới giàu sang và cao quý. Được ở nơi sang trọng, ăn ngon, mặc đẹp và sinh hoạt theo cung cách hoàng gia. Đó chính là ước mơ lớn của nàng. Nhưng sau đó nàng buộc phải quay về với cuộc sống nhàm chán và tẻ nhạt trước đây làm nàng cảm thấy thất vọng, khó chịu và cáu gắt với mọi người xung quanh.

Cái tầm thường mà Bovary cảm nhận về con người.

Mang trong mình những tính cách lãng mạn như thế, Emma gần như sụp đổ khi phải đối diện với thực tại phũ phàng và không hề hoàn hảo như nàng mong muốn. Tượng đài tình yêu lý tưởng cùng với người yêu lãng mạn mà Emma luôn khao khát, lần lượt trở thành những thứ tình cảm xấu xí tầm thường.

ad

Với Charles: Trong Emma, trước khi kết hôn cùng Charles nàng luôn nghĩ mình sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, những tháng ngày lãng mạn, được đến những chốn xa hoa, thoát khỏi cuộc sống nông thôn tẻ nhạt và cô quạnh cùng người cha của mình. Nhưng trong chính ngày hưởng tuần trăng mật, Emma phát hiện ra sự tầm thường của chồng mình : không lãng mạn, không chu đáo như những nhân vật tiểu thuyết mà nàng đã từng gặp. Chuyện trò với Charles thì tẻ nhạt như vỉa hè ngoài phố (…) Hắn chẳng biết bơi, chẳng biết múa kiếm, chẳng biết bắn súng. Có một hôm, hắn không cắt nghĩa nổi cho nàng một thuật ngữ về khoa cưỡi ngựa mà nàng đã đọc thấy trong một cuốn tiểu thuyết. (…) hắn chẳng dạy gì cả, chẳng biết gì cả, chẳng mong ước gì cả. Nàng cảm thấy chán nản vì người chồng không biết gì hết, nàng muốn tên tuổi mình được mọi người biết đến, muốn mình được vinh dự nhưng chồng không những không tiến bộ mà còn kém cỏi, ông bị đồng nghiệp sỉ nhục ngay trước mặt bệnh nhân. Nàng coi tất cả điều đó là những điều xấu hổ và nhục nhã với bản thân mình. Nàng chửi chồng người đâu mà hèn đến như vậy, những cử chỉ thô lỗ từ việc húp súp sùm sụp, đôi mắt nhỏ tí và dáng người phì ra chậm chạp làm nàng khó chịu chiếc mũ két của hắn chụp xuống tận chân mày, và đôi môi dày của hắn mấp máy, cái đó khiến cho vẻ mặt hắn thêm vẻ đần độn… và nàng cảm thấy ở đó phơi bày trên chiếc áo rơ-đanh-gôn tất cả cái tầm thường của con người. Một Charles bình thường, dưới con mắt của Emma lại là một người tầm thường đáng khinh, Emma luôn thấy Charles không thấu hiểu mình, không thể đem lại hạnh phúc cho mình, thế nên nàng xem ngoại tình là một con đường tất yếu để dẫn nàng đến với hạnh phúc thực sự của đời mình.

Với Rodolphe: Vậy là cuối cùng nàng sắp được những niềm vui của tình yêu, cái nóng hổi của hạnh phúc mà nàng đã thất vọng. (…) cuộc sống tầm thường chỉ xuất hiện ở xa, tận dưới kia, trong bóng tối. Thất vọng với chồng, Emma dường như coi Rodolphe là cứu cánh tình yêu cho mình. Nàng tiếp tục nuôi ảo tưởng về một tình yêu hoàn hảo và lãng mạn như tiểu thuyết và nàng đặt Rodolphe là nam chính. Nhưng một lần nữa, nàng lại rơi vào bi kịch khi nhận lấy sự từ chối phũ phàng từ người tình Rodolphe. Giữa lúc nàng khốn khó với số nợ chồng chất, Rodolphe mà nàng kì vọng đã ngoảnh mặt quay đi, để nàng tự xoay sở với món nợ ấy. Bằng tất cả sự phẫn nộ, nàng trút lên Rodolphe những lời mỉa mai cay độc, nhưng thực sự, đó là sự tuyệt vọng của nàng. Rodolphe cũng đã hiện ra với chân dung một con người tầm thường trong cuộc sống thực tại. Sau những tuyệt vọng ấy, nàng tìm đến cái chết một cách đau xót.

Với Léon: Emma đã trải qua cuộc tình cùng với Léon, một chàng luật sư trẻ mới ra trường, đó là một mẫu người mà Emma muốn lựa chọn, Léon có một tâm hồn say mê nghệ thuật, chính điều này đã làm nên sự đồng điệu giữa họ. Cuộc tình của hai người diễn ra êm đềm và lãng mạn như trong tiểu thuyết, nhưng sự nhàm chán bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ đó, khi những mâu thuẩn nảy sinh cũng là lúc Emma cảm thấy sự tầm thường nơi Léon như chính người chồng Charles. Và rồi hai người cũng chỉ dừng lại bởi con người quá tầm thường như Léon cũng không thể nào giúp thỏa mãn và đáp ứng được nhu cầu của Emma. Y thiếu dũng khí, hèn yếu, tầm thường, nhu nhược hơn một người đàn bà, vả lại y keo kiệt và nhút nhát. Rồi lúc nguôi đi, cuối cùng nàng nhận ra nàng chắc hẳn đã vu oan cho y. Nhưng việc bới xấu người mình yêu bao giờ cũng đẩy mình ra xa họ một chút. Không nên đụng đến các tượng thánh: chất mạ vàng của ngôi tượng sẽ dính vào tay. Emma lại thấy trong ngoại tình mọi điều vô vị của hôn nhân. Cho đến khi Emma rơi vào bế tắc thì nàng mới quay lại nhờ Léon giúp đỡ. Nhưng tác giả lại xây dựng tình huống Léon từ chối bởi vì cả hai con người đến với nhau có lẽ là một sự hưởng lời và lợi dụng lẫn nhau, chứ thật ra tình yêu chỉ là một bức bình phong, Léon từ chối lời giúp đỡ cũng là cách muốn tình yêu phải chia lìa. Và cuộc ngoại tình của Emma bị ruồng bỏ.

Tóm lại, dưới con mắt lãng mạn của Emma Bovary, những con người bình thường của xã hội hiện lên quá đỗi tầm thường, nàng luôn nhìn thấy ở họ sự thấp kém, hèn mọn. Chính cái ước mơ vượt thoát mà nàng khao khát đã giết chết nàng. Nàng đã lý tưởng hóa con người trong xã hội mình đang sống tới mức cực đoan. Nhưng nhìn ở một cách khác, có thể thấy Emma Bovary cũng là một người đáng thương. Xung quanh Emma, những con người sống cuộc đời nhàm chán, không ai có tư tưởng thoát khỏi sự tù túng, ngột ngạt của cái cuộc sống luẩn quẩn. Phía sau đời sống của người đàn bà, một xã hội tư sản Pháp hiện ra với nhiều sắc màu, để lại cho người đọc nhiều đánh giá, suy ngẫm. Nàng ngoại tình để tìm kiếm hạnh phúc hay chỉ là sự thỏa mãn những ham muốn xác thịt tầm thường trong con người nàng.

Cái tầm thường từ điểm nhìn của tác giả Gustave Flaubert

Việc nói đến “cái tầm thường” trong tác phẩm không chỉ được thông qua điểm nhìn của nhân vật nữ chính Emma Bovary mà trong đó còn là tiếng nói kín đáo của Gustave Flaubert. Nhà văn người Pháp này đã dùng cái nhìn, đánh giá của một loạt các nhân vật khác để chuyển tải đến cho người đọc thấy được suy nghĩ của bản thân. Không có một nhà văn nào lại không để cho tác phẩm của mình như một “phát ngôn viên” chứa đựng những tư tưởng cá nhân bên cạnh hình tượng nhân vật, và Flaubert cũng không là ngoại lệ. Chúng ta có thể tóm gọn “cái tầm thuờng” theo tác giả cảm nhận ấy qua nhưng điểm chính sau đây.

Tôn giáo không còn giữ được vị trí quan trọng trong cuộc sống

Nếu ở thời kì trước đó, tôn giáo mà cụ thể ở đây là Kitô giáo là một quyền lực thần quyền chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của con người, nắm trong tay sự sùng kính của các tín đồ mộ đạo thì đến sau này, với sự lên ngôi của tư tưởng duy lý ở thế kỷ XVIII, những luồng ánh sáng mới thì tôn giáo đã dần đánh mất đi vị thế của mình. Đến thế kỷ XIX, trong tác phẩm Bà Bovary, mặc dù Gustave Flaubert không hoàn toàn chịu ảnh hưởng của tinh thần duy lý như thế kỷ trước nhưng ông cũng đã lồng ghép trong nội dung tác phẩm sự đi xuống của tôn giáo trong cuộc sống con người.

Tác giả đã để chính các nhân vật của mình nói lên cách đánh giá về tôn giáo qua hình ảnh đại diện là viên linh mục. Viên linh mục hiện lên lúc thì mặt mũi y đỏ gay và thân hình y vạm vỡ, lúc thì thở phì phò, cười thô lỗ… Còn tay dược sĩ Homais thì cho rằng chẳng cần đến nhà thờ để hôn những đĩa bạc và để bỏ tiền túi ra nuôi béo một lũ trò hề ăn sung mặc sướng hơn chúng ta; với ông ta thì các cha cố xưa nay vẫn đắm chìm trong sự ngu dốt và họ cố dìm dân chúng vào đấy với họ. Cuộc đấu khẩu giữa viên linh mục và Homais thật ra chính là tiếng nói giữa hai bộ phận, một bên là Giáo hội cũ kĩ còn một bên là hiện thực cuộc sống. Và nhân vật chính của chúng ta, nàng Emma Bovary lại tìm đến Chúa vẫn bằng những lời ngọt ngào mà xưa kia nàng đã tỉ tê với tình nhân, trong những lúc đôi gian phu dâm phụ bộc lộ nỗi lòng để gây dựng niềm tin nhưng cuối cùng lại thấy một sự lừa dối lớn lao. Khi hẹn hò với tình nhân Léon – viên luật sư tập sự, Emma đã chọn đến nhà thờ, để rồi mỉa mai làm sao khi viên giám sát tuy oai nghiêm hơn một hồng y giáo chủ và bóng lộn như cái bình bạc đựng thánh thể lại là người gây phiền phức đến buồn cười. Với Léon, nhà thờ lúc ấy lại được xem như một khuê phòng đồ sộ.

Dường như tất cả nhân vật kể trên đều chỉ xem nhà thờ nói riêng và tôn giáo nói chung là một phương tiện để che giấu những cái tầm thường trong tâm hồn mỗi người, đây đã không còn là nơi đón nhận sự thờ kính, tin tưởng thật sự. Hình ảnh viên mục sư hay viên giám sát hiện lên với vẻ thô kệch, tầm thường hay bóng bẩy đến giả tạo. Mọi thứ chỉ còn mang trên mình lớp vỏ của quá khứ, của một thời mà nói như tay dược sĩ là Chúa chưa phải là Chúa của Socrate, của Franklin, của Voltaire và của Béranger.

Một xã hội tư sản giả dối, mị dân

Ở thế kỷ XVIII, khuynh hướng tư sản hóa bao trùm tất cả, tinh thần dân chủ hóa trong đời sống và văn học đều hướng tới những vấn đề về tiêu ngữ : tự do – bình đẳng – bác ái như một lời hiệu triệu, một lời hứa hẹn của tầng lớp tư sản với tất cả mọi người. Tuy nhiên tinh thần tốt đẹp này chỉ thật sự tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, sang đầu thế kỷ XIX, châu Âu bước vào thời kì hiện đại và đã hé lộ ra nhiều điều đi ngược lại với mong ước trước đó.

Cái đi ngược lại ấy trong Bà Bovary được cụ thể hóa và khái quát hóa qua chi tiết Hội chợ nông nghiệp. Ngày hội này là một ngày cực kì quan trọng khi đó là lúc các quan chức cao cấp sẽ đến dự và phát biểu. Nhưng nếu đọc kĩ thì cái việc tất bật chuẩn bị cho hội chợ qua ngòi bút tác giả lại trở nên rất lộn xộn, màu mè khiến hội chợ này có vẻ như là một gánh xiếc. Bài phát biểu của ông nghị toàn là những lời lẽ sáo rỗng, vô thưởng vô phạt, đem cái ngôn văn của chính quyền để che lấp đi thực tại xã hội, cuộc sống thật sự của người nông dân. Việc Nhà nước sẽ chú ý tới các bạn, Nhà nước khích lệ các bạn, bảo hộ các bạn như ông nghị nói không thể làm người đọc quên đi sự miêu tả đời sống trước đó: nhiều trường hợp mắc bệnh do điều kiện vệ sinh tồi tệ, đường sá chật hẹp, chợ thì nghèo nàn, thị trấn lười biếng cứ xa rời đồng ruộng… Sự xen lẫn không liên quan giữa bài phát biểu và những lời tán tỉnh của Rodolphe với Emma tạo nên tiếng cười trào phúng kín đáo đối với bộ mặt của sự thống trị. Khi ông nghị nói đến vấn đề trách nhiệm thì Rodolphe đã thốt lên rằng: Lại nhiệm vụ… Họ là một lũ người giàu u mê mặc áo gilê nỉ mỏng, một bọn sùng đạo ngu muội mang lồng ấp và tràng hạt không ngớt hát vào tai ta: “Nhiệm vụ! Nhiệm vụ!”… Ôi lạy Chúa! Nhiệm vụ là cảm thấy cái gì lớn lao, thiết tha đến cái gì đẹp, chứ đâu phải thừa nhận mọi tục lệ xã hội với những điều nhục nhã mà xã hội buộc ta phải chịu, cho thấy sự bất bình, phản đối, coi thường của con người trước xã hội thực tại.

Chi tiết trao thưởng một huy chương bạc giá hai mươi lăm quan cho một bà lão nông dân đã lao dịch năm mươi tư năm liền trong một trang trại thật hết sức lố bịch, dối giá, lừa bịp người dân vô cùng. Đứng trước bọn tư sản phởn phơ kia là cả một nửa thế kỷ tôi đòi, cái phần thưởng danh dự ấy không thể che lấp đi sự thật về một cuộc sống nghèo khổ, vất vả, thân phận con người bị bỏ quên. Tất cả mọi thứ kiểu cách phô trương ấy cuối cùng đều đi đến một kết thúc đám đông giải tán; và bây giờ các diễn văn đọc xong rồi, ai nấy đều trở về địa vị của mình và mọi sự lại trở về lề lối cũ: chủ nhân ngược đãi đầy tớ, đánh đập súc vật, những kẻ chiến thắng thản nhiên trở về chuồng với một vòng lá xanh giữa cặp sừng, ngoài ra còn có sự đồng ý ngầm giữa Rodolphe và Emma Bovary về một cuộc ngoại tình vụng trộm. Đây mới chính là lát cắt thật sự của bộ mặt xã hội tư sản lúc bấy giờ.

Sự xuống cấp, tha hóa đạo đức của con người trong xã hội

Tác giả đã tạo dựng cho tác phẩm của mình một hệ thống nhân vật mang trong mình những đặc điểm yếu kém. Với một xã hội tư sản tầm thường như ở trên thì cũng khó lòng đòi hỏi được những con người với những lý tưởng tốt đẹp. Ta có thể mượn lời của nhân vật Léon để bước đầu vẽ ra bức tranh tổng thể về con người như sau: Binet, vài nhà buôn, hai ba chủ quán rượu, ông linh mục, và sau hết, ông Tuvache thị trưởng, với hai con trai ông, những người giàu sụ, lỗ mãn, đần độn, tự tay cấy lấy ruộng, chè chén no say ở xó nhà; hơn nữa lại sùng đạo và có một lối xã giao hoàn toàn làm cho người khác khó chịu.

AD

Con người đến với nhau bằng sự tính toán hẹp hòi, luôn coi lợi ích bản thân là mục đích hướng tới đầu tiên. Tay dược sĩ tỏ ra là người hàng xóm tốt bụng nhất nhưng không phải từ nhu cầu chăm sóc người khác mà sau đó là cả một kế hoạch: chạy trốn pháp luật. Vì mong muốn sự nổi tiếng, Homais cùng Charles đã bất chấp kiến thức thấp kém của mình, liều lĩnh làm cuộc phẫu thuật cho anh chàng Hippolyte ngốc nghếch, khốn khổ tội nghiệp; rồi khi thất bại lại trốn chạy. Lương tâm y sĩ còn được bộc lộ qua việc chữa chạy của tay bác sĩ Canivet: đến nhà bệnh nhân của mình, bao giờ ông ta cũng lưu tâm trước tiên tới con ngựa cái và chiếc xe của ông ta đã. Linh mục – đại diện cho tình thương, an ủi con người thì trước đau đớn của Hippolyte, ngài hết sức vui mừng và coi đó là ý Chúa, xen lẫn những lời giễu cợt. Các tình nhân đến với Emma chỉ vì sắc đẹp ban đầu để rồi sau đó thấy nàng thật như thứ gì đó dẻo dai và đồi bại, vừa ghê sợ nàng vừa coi thường nàng; cuối cùng khi nàng muốn họ bên mình mãi mãi thì họ lại lẩn tránh không suy nghĩ. Những tờ giấy cho vay, những khoản nợ mà Emma gánh lấy là kết quả của “lòng tốt” từ những tay buôn lúc nào cũng sẵn sàng kiếm sống trên sự khó khăn của kẻ khác.

Tác giả Flaubert nói về con người trong truyện với lời kể hết sức tự nhiên, không có một sự đánh giá trực tiếp nào nhưng qua cách xây dựng hành động, suy nghĩ, những con người ấy hiện lên một cách rõ ràng, vây quanh Emma Bovary như chính là cuộc sống hiện thực mà nàng phải đối mặt. Trực tiếp hay gián tiếp, những con người này, xã hội này đã một phần đẩy bà Bovary đến bước tận cùng của cuộc sống; đây là những mâu thuẫn của tính hiện thực ở cuộc sống với những mong muốn ảo mộng của nàng Emma.

Nguyên nhân và hậu quả của “cái tầm thường” trong tác phẩm

Nguyên nhân

Nguyên nhân cơ bản và dễ thấy nhất là những ước mơ, khát vọng của con người và thực tại cuộc sống có một khoảng cách xa vời đồng thời lại đối lập nhau. Nó là ranh giới làm cho con người không thoát khỏi “cái tầm thường” được khắc họa qua hình tượng nhân vật trung tâm Emma Bovary. Là người phụ nữ được hun đúc và trưởng thành trong thế giới lãng mạn nên khi nhìn thấy hiện thực phũ phàng thì nàng hoàn toàn vỡ mộng rồi rơi vào hố sâu tuyệt vọng, nàng ngày càng bị ám ảnh và suy nghĩ trở nên tiêu cực. Từ cái nhìn chủ quan của mình, bà Bovary lúc nào cũng thấy chán chường, thất vọng và cuối cùng là trạng thái tâm lí chán ghét, không thể dung hòa với thế giới mình đang sống, luôn cảm thấy tất cả thật tầm thường.

Sâu xa hơn chính là tâm trạng cô đơn. Bà Bovary với sự cô đơn của mình – một đề tài về cái tôi trong các tác phẩm lãng mạn – cùng suy nghĩ rằng những con người tầm thường xung quanh không cách nào hiểu được những ham muốn của bản thân càng ngày càng tách mình ra khỏi thế giới hiện thực. Lúc bé, nàng cảm thấy cô đơn với tuổi thơ ở vùng nông thôn; khi kết hôn, nàng lại thấy tẻ nhạt trước một người chồng ù lỳ, đơn điệu, không đủ sức đong đầy trái tim cuồng nhiệt tình yêu của nàng. Nàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn cuộc đời cô đơn của mình. Bà Bovary đến với những người tình nhân như một lối thoát cho sự tù túng, đau khổ. Flaubert đưa Emma từ niềm hy vọng sang sự thất vọng để nêu bật lên rằng, sự tồn tại của Emma chỉ có thể gắn với nỗi cô đơn thường trực trong nàng, với những mong muốn không thể nào đạt được.

Flaubert đã xây dựng nhân vật ở trên cả hai yếu tố lãng mạn và hiện thực. Sự đối nghịch của hai thế giới này càng khiến cho Emma với sắc đẹp, trí tuệ trở nên bế tắc, lạc lõng giữa một cuộc sống tư sản coi trọng giá trị vật chất. Đó là những người sống xung quanh Emma Bovary luôn giả dối, tư tưởng họ thấp kém, họ bị lôi cuốn vào đam mê sắc dục, chẳng hạn hai người tình của nàng: Léon Dupuis và Rodolphe Boulanger. Sự khoác lác, ích kỉ, nhỏ mọn, tham lam, nịnh bợ của tay dược sĩ Homais, sự thật thà “ngẩn ngơ”của anh chồng Charles hay tính chất con buôn của gã Lheureux. Mọi thứ trên khiến Emma trở thành một côn đảo trước dòng đời, khiến không ai có thể hiểu nàng cũng như càng khẳng định suy nghĩ về tất cả mọi điều xung quang đều tầm thường của nàng.

Kết cục bi kịch của cuộc đời từ “cái tầm thường

Thông qua góc nhìn đa chiều từ các nhân vật, vấn đề cái tầm thường đã dần trở thành sợi dây nối kết từng nhân vật tưởng như rời rạc, nhỏ bé trong tác phẩm, cho ta thấy được suy nghĩ, hành động ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung truyện tạo nên tính chặt chẽ cho tác phẩm. Từ thế giới quan của mình, từ việc vấp ngã trong sự hòa hợp giữa lý tưởng và thực tại, Emma đần trở nên phóng đãng, thêm chán ghét cuộc sống, đỉnh cao là nàng cũng tự thấy rằng nàng đã rơi đến tận đáy sâu của sự tầm thường, chịu đựng mọi sự lăng nhục nhưng vẫn chấp nhận.

Tiểu thuyết kết thúc bằng cái chết đau đớn của nhân vật bà Bovary, một kết cục cho bước đường cùng cả về vật chất lẫn tinh thần của người phụ nữ này, là sự giải thoát cho những mộng tưởng tan vỡ của nàng dưới sự tàn nhẫn của thực tại. Nỗi đau bi kịch của Emma Bovary cũng chính là nỗi đau của Flaubert, ông đã từng nói: Khi miêu tả cảnh Emma Bovary uống thuốc độc, quả thật tôi đã cảm thấy trong miệng mình có cái vị của thạch tín, tôi cảm thấy như tôi đã uống thuốc độc, hai lần tôi thấy khó chịu thực sự, khó chịu đến mức tôi bị nôn kia, ông hiểu được cái cô đơn của nhân vật này “Bà Bovary, đó là tôi!” (“Madame Bovary, c’est moi!”). Ta hiểu được rằng cái tầm thường không xuất hiện đột ngột hay to lớn mà nó tồn tại hằng ngày xung quanh chúng ta, tuy vô hình nhưng có sức tàn phá tàn nhẫn về cả tinh thần và thể xác con người.

Nghệ thuật trong Bà Bovary

Sự khách quan trong miêu tả

Tác giả vạch ra cái hiện thực xã hội tư sản lúc bấy giờ – một xã hội đã không còn mang tính chất của những lời hứa “bình đẳng – dân chủ – bác ái” như trước đó. Về nhân vật trong truyện, ông đã vạch ra cái tầm thường ngay trong các ảo mộng tốt đẹp, cho thấy sự xuống dốc của mọi lực lượng trí tuệ cũng như sự sa đọa về nhân cách con người. Flaubert quan niệm sáng tạo nghệ thuật là một hành vi nhận thức. Nghệ

sĩ phải thể hiện bản chất của sự vật, phải nhìn hiện tượng trong tổng thể, trong mối liên hệ với các hiện tượng khác, phải logic hơn tính ngẫu nhiên của các hiện tượng, phải gạt bỏ cá nhân nghệ sĩ ra ngoài tác phẩm văn học. Nhà văn Nga Maksim Gorky đã từng nhận định Flaubert là “nhà pháp sư của ngôn ngữ, cũng khách quan như mặt trời gay gắt rọi sáng cả vào đám bùn nhơ ngoài phố lẫn mớ đăng-ten sang trọng”

Điểm nhìn mở rộng

Không chỉ qua điểm nhìn từ nhân vật chính là bà Bovary và từ chính những ghi nhận của mình, Flaubert còn để cho mạch truyện được xây dựng qua góc nhìn của các nhân vật khác như Charles, Léon hoặc Rodolphe, và có cả qua tiếng nói của chính tác giả… Tất cả điều này giúp người đọc có cái nhìn với biên độ lớn hơn và ít mang tính chủ quan hơn về nội dung mà tác phẩm nói đến, tuy có thể gây ra cho nhiều người cảm giác thiếu tập trung nhưng lại thích hợp để miêu tả, tái hiện bức tranh xã hội phức tạp, đa tâm.

Miêu tả tâm lý tài tình
AD

Flaubert đã xây dựng tâm lý nhân vật Bovary rất sâu sắc, với vô số những biến đổi phức tạp. Emma Bovary sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả, được học hành và chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết lãng mạn Pháp nên nàng có rất nhiều mộng ước về tình yêu và dường như cuộc đời phơi phới đợi nàng phía trước. Nhưng đến tuổi lấy chồng, Emma phải kết hôn với một người đàn ông hiền lành đến mức tẻ nhạt. Trong một cuộc sống tư sản đủ về vật chất nhưng thật đơn điệu, nhàm chán, nàng thấm thía được nỗi chán chường, sự vỡ mộng. Emma đắm chìm trong những khát khao và rồi lại liên tiếp vỡ mộng. Sau khi sinh con, nàng cảm thấy cuộc đời của mình như thế là chấm hết. Nàng mơ một cuộc sống khác, lung linh màu sắc, lãng mạn, thi vị như trong các cuốn tiểu thuyết. Điều đó đã khiến Emma đi ngoại tình – ngoại tình là một trào lưu của giới tư sản Pháp trong thế kỷ XIX. Emma đã yêu say đắm và muốn cùng người đàn ông mà nàng yêu bỏ trốn. Nhưng chính con đường này đã dẫn nàng đến một kết cục bi đát : một lần nữa Emma vỡ mộng thảm hại và đã phải tìm đến cái chết. Emma Bovary mang một tính cách phức tạp, đem lại cho người đọc nhiều xúc cảm: vừa đáng thương vừa đáng trách. Ban đầu, nàng chỉ lẳng lặng đánh giá người và cảnh vật xung quanh là tầm thường. Nàng chê bai mọi thứ, chán chường hết thảy trong tâm tưởng. Mỗi một giấc mơ nàng vẽ ra trong dòng suy nghĩ của bản thân là thêm một lần nàng gián tiếp hạ thấp hiện thực nàng đang sống. Dần sau đó, nàng đã có những hành động cụ thể như để phản kháng lại cuộc sống đang dần đi vào lối mòn của mình.

Đa dạng trong cách miêu tả thời gian

Đó là những phương pháp miêu tả tự nhiên, miêu tả đồ vật và miêu tả tâm lý. Cách miêu tả tự nhiên và miêu tả tâm lý đã trở nên quen thuộc và ít nhiều được nói đến ở trên, ở đây chỉ xin nói rõ hơn về khía cạnh miêu tả đồ vật. Theo Flaubert mọi sự trên đời không đổi mới mà chỉ là sự tuần hoàn bất biến. Chính vì vậy mà bức tranh thiên nhiên của ông mang sự chuyển động của thời gian mà vẫn im lìm, lặng lẽ và đôi khi thiu ngủ trong một nỗi buồn mênh mang. Trong Bà Bovary ta thấy có một hệ thống đồ vật đã “xâm lăng” vào không gian sống, hoạt động của con người. Miêu tả đồ vật trong trạng thái nhất định cũng là một phương thức biểu thị thời gian: Đồ đạc dường như càng trở nên bất động tại chỗ và mất đi trong bóng tối như trong đại dương u ám. Lửa trong lò sưởi đã tắt, chiếc đồng hồ quả lắc vẫn đu đưa và Emma sửng sốt một cách mơ hồ trước sự yên tĩnh ấy của mọi vật…Đưa hệ thống đồ vật vào tác phẩm, tác giả làm nổi bật hơn tính trì trệ về thời gian trong tiến trình phát triển của nhân vật.

Sự lạc điệu, khoảng trống

Điều này là một nét nghệ thuật mới trong tác phẩm, được thể hiện qua Hội chợ nông nghiệp, chi tiết này được xem như then chốt của tư tưởng và nghệ thuật của Flaubert. Một bên là khung cảnh nhộn nhịp, ồn ào của chương trình hội chợ, một là lời diễn văn của một vị tai to mặt lớn và một bên là lời tình tự giữa Emma và Rodolphe: một bên nói chuyện lợn, bò, phân bón…một bên thì ước mơ hạnh phúc, tình cảm cao đẹp. Trên văn bản chúng ta không hề thấy một mối liên hệ nào giữa những mạch ngắt đoạn của hai phát ngôn trên, tưởng như một cuộc hoà tấu lỡ điệu. Khoảng trống và quãng lặng toát ra từ chính sự khập khiễng, không ăn khớp của các đối thoại. Một bên là giọng bịp bợm, mị dân của chính quyền với bọn ưa phỉnh nịnh. Một bên là sự lừa bịp của tình yêu. Tác giả không đưa ra một lời bình luận, giải thích, so sánh trực tiếp nào mà chính người đọc phải tự tìm lấy qua những đối thoại “ông chẳng bà chuộc”, “ông nói gà bà nói vịt” kia. Khoảng trống và quãng lặng góp phần tạo ra tính đa âm, khách quan và giầu sức thuyết phục.

Kết luận

Theo dòng chảy thời gian, tiểu thuyết Bà Bovary đã có một sức sống dài lâu trong lịch sử văn học thế giới. Mọi thứ Flaubert thể hiện trong kiệt tác này không chỉ ảnh hưởng đến các thế hệ nhà văn sau ông về phong cách nghệ thuật mà còn về nội dung tư tưởng. Trong số đó, vấn đề cái tầm thường vẫn luôn là một đề tài được nhiều nhà văn tiếp tục đào sâu khai thác. Đây là hiện thân cho kết quả của sự mâu thuẫn và va chạm giữa ước mơ và đời thực, là một bi kịch điển hình mà mỗi người chúng ta đều cảm thấy ít nhiều trong đời. Nếu trong tác phẩm, nhân vật bà Bovary phải giải quyết bi kịch cuộc đời bằng việc dùng đến thạch tín thì ngoài đời thực, nỗi cô đơn của nàng đã nhận được sự sẻ chia rộng khắp trong suốt hơn 150 năm qua khi từ câu chuyện cuộc đời nàng đã phái sinh ra chủ nghĩa Bovary (Bovarisme) – một chủ nghĩa nơi mà những ai khao khát sự vượt thoát khỏi sự tầm thường của đời sống, của kiếp người đều hướng đến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Khảo sát sự chuyển hướng thẩm mĩ Văn học Pháp cuối thế kỉ XIX – TS. Nguyễn Hữu Hiếu (2011)
  2. Bà Bovary (Madame Bovary), NXB Văn học, 2012
  3. Lịch sử văn học Pháp, Darcos Xavier, Nxb Văn hóa Thông tin, 1997
  4. Gustave Flaubert – website: