AD

Tính nữ trong thơ Vi Thùy Linh

AD

Tính nữ trong thơ Vi Thùy Linh được tạo nên từ một tâm hồn chín sớm. Tính nữ rất riêng ấy đã mang tới cho thơ Vili màu sắc bản nguyên, nồng nàn nhất của tình cảm, khai mở thế giới nội tâm phức tạp và mâu thuẫn của người phụ nữ trong sự khao khát tuyệt đích niềm hạnh phúc lứa đôi.

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Sau năm 1975, chiến tranh hoàn toàn kết thúc, nước nhà được thống nhất, văn học vì thế cũng không còn mang trên mình nhiệm vụ cổ vũ, tuyên truyền chính trị nữa. Trong bối cảnh đó, văn học Việt Nam buộc phải chuyển mình theo một hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức đã đổi khác của công chúng, làm xuất hiện một thế hệ cầm bút trẻ với những đổi mới, cách tân mạnh dạn đến táo bạo, đặc biệt là ở mảng thơ ca đã bắt đầu rơi vào trạng thái trì trệ, cũ mòn sau nhiều năm đứng ở vị trí chủ đạo. Vi Thùy Linh chính là một trong những gương mặt thơ thuộc về lớp nhà thơ rất mới này. Ở tuổi 19, cô xuất hiện trên thi đàn Việt Nam như một hiện tượng đặc biệt bởi lối thơ tràn đầy cái “tôi” cá nhân không chịu bị hòa tan vào bất kì khuôn mẫu nào. Thơ Vi Thùy Linh trẻ, lạ nhưng có đủ độ chín, độ sâu của một tâm hồn phụ nữ. Vì lẽ đó, tính nữ đã trở thành một đặc điểm dễ nhận thấy trong tác phẩm của cô. Trong khuôn khổ một tiểu luận và khả năng còn nhiều giới hạn, chúng tôi sẽ trình bày sự tìm hiểu của mình về tính nữ trong thơ Vi Thùy Linh dưới góc độ bản năng và tâm lý nữ với mong muốn làm rõ hơn những nguyên nhân tạo nên phong cách thơ của nhà thơ nữ đặc biệt này.

Đôi nét về nhà thơ Vi Thùy Linh

Vi Thùy Linh sinh ngày 4.4.1980 tại Hà Nội, là một nhà thơ trẻ nhưng sớm nổi tiếng, thường được biết đến với bút danh Vili. Cô có thơ được đăng báo từ năm 15 tuổi và tập thơ đầu tay KhÁt được xuất bản năm 19 tuổi nhận được nhiều quan tâm của dư luận đưa cái tên Vi Thùy Linh trở thành một “hiện tượng” của thơ Việt Nam. Từ năm 1999 đến nay, cô đã xuất bản một số tập thơ như: Khát (1999), Linh (2000), Đồng Tử (2005), Vili in love (2008), Phim đôi – Tình tự chậm (2011), Vili và Paris (2012),… và một tập văn xuôi Vili tùy bút (2012). Không như nhiều nhà thơ khác, Vi Thùy Linh rất chú ý tới việc trình diễn thơ của mình. Cô là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp mời thực hiện một đêm thơ riêng tại Paris mang tên Tình tự Hà Nội, cũng là nhà thơ đầu tiên thực hiện tour diễn Pháp – Châu Âu.

Cũng như nhiều nhà thơ khác, đề tài lớn nhất trong thơ Vi Thùy Linh là tình yêu. Ngay từ tập thơ đầu tiên, cô đã thể hiện cái nhìn già dặn trước tuổi về ái tình: Tình yêu của Vili không phải kiểu cảm xúc bâng quơ đầu đời của cô gái mới lớn mà là tình yêu mang tính tận hiến về cả tâm hồn và thể xác, là sự hòa hợp của nhục cảm trần thế và lòng sùng tín thiêng liêng. Bên cạnh đó, cô cũng mượn tình yêu để thể hiện nhiều suy nghĩ cá nhân và triết lý cuộc sống về một xã hội hiện đại – nơi con người ngày càng xa cách nhau còn thật – giả thì lẫn lộn. Trong các sáng tác của mình, Vi Thùy Linh chủ yếu sử dụng thể thơ tự do không vần, từ ngữ và hình ảnh có nhiều mới lạ, mạnh bạo. Điều này khiến cho thơ cô khó đọc, khó hiểu, khó tiếp cận với đông đảo độc giả, thậm chí giới chuyên môn cũng có những ý kiến tiêu cực về thơ Vili. Dù vậy, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã gọi Vi Thùy Linh là thi sĩ của ái quyền, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng cô là nhà thơ nữ trẻ có lẽ là đáng kể nhất trên văn đàn Việt Nam hiện nay và thơ Vili vẫn thu hút được một lượng độc giả nhất định. Điều này cho thấy nhà thơ nữ có cá tính đặc biệt này đã thật sự để lại dấu ấn của mình trong nền văn học Việt Nam đương đại cũng như chứng minh rằng thơ Vili còn nhiều điều cần tìm hiểu chứ không đơn thuần là kết quả của sự nổi loạn trong cá tính sáng tác của cô.

Giọng điệu nữ tính – Nhạc tính đậm đặc

Người xưa thường nói thi trung hữu nhạc. Thật vậy, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, không trường phái thơ nào có thể thoát khỏi quy tắc này. Dường như trong tâm thức mọi người, nhạc tính đã trở thành tính chất tất yếu của thơ: Một bài thơ hay có thể không có vần nhưng nhịp điệu và tính hài hòa của âm tiết thì luôn phải có. Trong sáng tác thơ ca đương đại, nhịp thơ chính là nhịp cảm xúc của chủ thể trữ tình trong ngữ cảnh. Khác với thơ cổ giấu cảm xúc trong tứ thơ và thơ mới bày tâm trạng bằng hình ảnh, thơ đương đại hướng cảm xúc thẳng vào nhịp điệu, lấy hình thức ngữ âm làm công cụ biểu hiện nội dung. Lối sáng tác này dễ được bắt gặp trong thơ của các tác giả sau này như Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến,…

AD

Ở trường hợp Vi Thùy Linh, tính nhạc được thể hiện chủ yếu qua nhịp điệu thơ được liên tục biến hóa, thay đổi linh hoạt theo dòng tâm tư của chủ thể trữ tình. Trong lần đầu đọc một bài thơ Vili, người đọc dễ bị gây ấn tượng bởi những nét phá cách trên phương diện ngôn từ của tác giả hơn phần nhịp điệu. Thế nhưng, càng đọc kĩ thơ Vi Thùy Linh, ta thấy những nhịp điệu của cảm xúc lại hiện lên một cách vô thức rồi tự chuyển mình thành nhạc điệu. Nắm bắt được cái nhạc điệu âm thầm ấy rồi, người đọc mới có thể hiểu điều gì đã tạo nên cảm hứng cho các nhạc sĩ như Ngọc Đại, Phú Quang sáng tác những bài hát dựa trên nền thơ của Vi Thùy Linh như Phía ngày nắng tắt (phổ nhạc bài Từ phía ngày nắng tắt), Dệt tầm gai (Người dệt tầm gai), Dòng sông không trở lại (Dòng sông không trở lại),… Có lẽ vì chú trọng đến yếu tố trình diễn nên trong quá trình sáng tác, Vi Thùy Linh đã chú ý đến khả năng kết hợp của nhịp điệu thơ với âm nhạc sao cho hài hòa và cố tình tạo cho câu thơ âm điệu gần giống những câu hát: lúc luyến láy, lúc lướt nhẹ, lúc ngân dài. Điểm qua một vài bài thơ Vili, ta sẽ nhận ra được phong cách thơ – nhạc kết hợp này.

Trong bài thơ Giáng sinh con, cách ngắt nhịp 2/2 theo dạng thức những bài đồng dao dễ hát, dễ nhớ.đã tạo nên sự nhịp nhàng, vui tươi của tâm hồn trẻ thơ.

Nu na/ nu nống

Trái đất/ nằm trong

Trẻ con/ quay vòng

Nối liền/ thế giới

Mùa đông/ thật ấm

Noel/ cho em

Noel/ lung linh

Binh boong/ náo nức

Xoa dịu/ đớn đau

Vỗ về/ thiếu thốn

ad

Xua tan/ tủi sầu…

(Giáng sinh con)

Ở những bài thơ khác, không chỉ nhịp điệu trong từng câu thơ được liên tục thay đổi mà cách ngắt dòng để tạo những câu thơ ngắn, dài khác nhau cũng được vận dụng triệt để, khiến mạch thơ lúc tuôn trào, lúc bị ngắt đứt, lúc lại lửng lơ.

Tự nhủ/ không thể yêu ai nữa

Người đàn bà sống một mình, vừa muốn quên, vừa mong ngóng.

Chị cố tránh con đường xưa…

Lại đêm…

Lại đêm…

(Thiếu phụ và con đường)

Trong bài thơ này, nhịp thơ chia cắt, câu thơ bị kéo dài đã gợi một không gian suy nghĩ miên man của dòng cảm xúc với những chán chường, nỗi buồn thương tuyệt vọng nơi người thiếu phụ rồi đột nhiên ngắn lại, rớt dòng tạo những hụt hẫng bâng khuâng như chính những hố sâu không thể thoát ra trong lòng người thiếu phụ.

Em tức tưởi trở về/ khoảng trời bóng đỏ

Bóng chèn nhau

AD

vỡ

Lòng em

vỡ

Em lầm lũi/ lại đến trước nhà Anh/ nhặt xác nỗi buồn vừa rơi

Đốt lên/ thành lửa

Rồi đi

Sau lưng em/ ngày nắng tắt.

(Từ phía ngày nắng tắt)

Trong đoạn thơ trên, các dòng thơ dài dù được chia tách thành những nhịp ngắn lại không mang đến cảm giác gấp gáp, hối hả như thường thấy mà tạo nên một độ chùng trong cảm xúc còn những dòng thơ ngắn lại bị phân tách đến mức lửng lơ. Việc ngắt nhịp một tại những từ “vỡ” kết hợp với lối ngắt dòng thơ như vậy đã tạo nên sự phân rã của câu chữ để cùng lúc thể hiện hình ảnh mối tình đổ vỡ lẫn thế giới nội tâm đã rạn nứt của cô gái. Cái đặc biệt trong chất nhạc nơi thơ Vili chính là sự “ăn khớp” giữa từng gợn sóng tâm trạng với sự chuyển đổi nhịp điệu, tạo nên sự rung động mỏng manh, tinh tế rất riêng chỉ giới nữ mới có.

Giọng thơ trữ tình – tự thuật

AD

Đối với một người phụ nữ, tình yêu luôn là nỗi trăn trở, là khát khao, ham muốn khó lòng cưỡng lại được. Là một nhà thơ nữ, bản thân Vi Thùy Linh cũng không hề nằm ngoài quy luật ấy. Được tạo ra bởi một bản ngã nữ tính, thơ Vi Thùy Linh mang đậm dấu ấn trữ tình của một tâm hồn nữ giới. Vì phụ nữ là những con người suy nghĩ bằng tình cảm nên trong lời thơ của Vi Thùy Linh, cảm xúc lất át tất cả, không bị che giấu, không chút nghi hoặc. Vì phụ nữ là những con người muốn được trải lòng nên thơ Vi Thùy Linh cũng tựa hồ một lời bộc bạch về chính mình. Mỗi bài thơ của Vi Thùy Linh lại là một mảnh ghép trong bức tranh tâm hồn của cô, là một câu chuyện nhỏ về những trải nghiệm của cô trong cuộc đời. Cách Vi Thùy Linh viết thơ cũng giống như cách viết của các nhà văn nữ – tự viết về mình, tự kể về mình để thể hiện tất cả cảm xúc, ước mơ sâu kín nhất trong lòng. Giọng thơ Vili có sự chứa đựng và phô bày nỗi niềm khao khát tình yêu của một nội tâm mãnh liệt.

Thềm mưa thềm mưa

Phấn hoa bay trên làn da cẩm thạch

Trời trong vắt như bình vang trắng

Cơn gió đực

Làm tình một mình trên mái

Anh tô son môi em chín chín lần trong một buổi tối bằng môi anh

Điệu Samba thôi miên mùa thu

Rượu Bohème đổ không biết cạn

Tha bổng mọi ưu phiền ma mị.

(Bản đồ tình yêu)

Cái bản ngã trữ tình của Vi Thùy Linh luôn bộc lộ sự cuồng nhiệt đến mức dữ dội mỗi khi nói đến tình yêu, nhiều lúc bạo dạn đến gần như nam tính bởi sự thường trực của mong muốn tận hiến, tận hưởng và chinh phục tới tận cùng. Thế nhưng, nét nữ tính của Vi Thùy Linh lại nằm ngay trong những dòng thơ thoạt nghe như quá ư nổi loạn đó bởi cơn gió đực, điệu Samba và rượu Bohème phóng khoáng, cuồng nhiệt đã bị thềm mưa, phấn hoa và làn da cẩm thạch thanh khiết làm dịu lại và nhất là anh tô son môi em chứ không phải em. Người con gái trong bài thơ dù có đắm đuối trong hoan lạc bao nhiêu cũng vẫn mang nét thanh tân, dịu dàng chứ không hề suồng sã, gợi dục. Nét đẹp nguyên sơ của con người luôn được Vi Thùy Linh thể hiện qua một giọng điệu trữ tình mượt mà, đằm thắm đầy nữ tính bởi không ai có thể hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp trong sạch của cơ thể phụ nữ rõ bằng một người phụ nữ.

Khi tắm.

Tôi thường ngắm mình.

(Như có một người, cùng tấm gương, ngắm tôi).

Mảnh mai, lóng lánh ướt….

Lan khắp chúng ta, sự choáng ngợp của vẻ đẹp mong manh và trong sạch làm chúng ta dịu lại.

(Bóng người)

ad

Hơn thế nữa, thế giới thơ Vili vẫn luôn tồn tại những ảo mộng biếc xanh, những nỗi phiêu linh huyền hoặc mà nhẹ nhàng như vầng trăng mê mải, tinh khiết như những đọt yêu thương. Lời thơ thỏ thẻ như chuyện kể và Vi Thùy Linh sinh ra để nổi loạn lại trở nên ngây thơ như một thiếu nữ mới lớn với lối diễn tả còn vương nét hồn nhiên trẻ thơ.

Em gặp mình.

Qua hợp âm giấc mơ.

Màu xanh mơ ước.

Sao trời phiêu linh.

Vòm đêm vỡ sáng.

Vầng trăng mê mải tròn đầy…

Đêm rơi qua dải khăn mây.

Gió đợi chở nhau thơ thác.

Nảy đọt yêu thương.

Lớn trên tay những mầm khao khát

Khẽ về sắc cỏ thanh miên…

(Giấc mơ đi qua)

Bản năng nữ giới – Sự tinh nhạy về xúc cảm

Phụ nữ là những con người nhạy cảm theo một cách kì lạ: Họ tự tạo ra cho mình những cảm giác vu vơ không rõ nguyên do, mà buồn thường chiếm nhiều chỗ hơn vui; họ có thể suy diễn nhiều điều từ những hành động nhỏ nhặt vô tình như thể họ được sinh ra chỉ để sống bằng cảm tính. Cũng vì vậy nên khi đối diện với nỗi đau trong tình cảm, phụ nữ vẫn thường cảm nhận được nó thật nhanh chóng.

Nơi em ở là phía ngày nắng tắt

Nỗi buồn nhiều như gió

Em ước được thả lên trời như bóng bay…

…Gió vẫn thổi, buồn phiền không mất nổi

Chỉ còn phía anh thôi

Em không nhớ đã gặp anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay đã tắt

Để rồi đêm nay

Em cay đắng khi anh đẩy em bằng ánh mắt!

(Từ phía ngày nắng tắt)

Người con gái trong thơ Vi Thùy Linh vẫn thường xuất hiện như một nhân vật mang nỗi buồn – nỗi buồn mang màu sắc đa đoan. Ở đây, cô gái sống trong phiền muộn, dường như chỉ còn tìm được sự an ủi nơi người tình của mình nhưng cuối cùng thì người ấy cũng ra đi. Chỉ qua ánh mắt của người con trai, cô gái đã cảm nhận được sự cự tuyệt, cảm nhận được cái “đẩy” đi xa từ người cô yêu – giống như một sự chia tay không dùng lời nói. Đó là sự cảm nhận tinh nhạy của một cô gái trẻ có tâm hồn già dặn của một phụ nữ trưởng thành, được tạo nên bởi những khao khát yêu thương sớm xuất hiện trong lòng tác giả và khả năng nhận biết mạnh mẽ cái thay đổi của tình cảm tồn tại sẵn như một giác quan thứ sáu của phụ nữ.

Cái tôi cô đơn và nổi loạn của phương Đông

Bản tính nhạy cảm thường mang đến cho người sở hữu nó một nỗi cô đơn thường trực bởi họ cảm nhận nhiều, suy nghĩ nhiều, thấy mình lạc lõng nhiều và cô đơn do vậy cũng nhiều. Cái tôi mạnh mẽ của Vi Thùy Linh khi gặp cô đơn thì trở thành cái tôi bướng bỉnh không chịu cởi mình, cái tôi cô đơn đến không thể hòa nhập hoàn toàn với bất kì ai mà chỉ có thể luôn ôm một bí mật.

Có cô gái tìm đến anh

Khi vui

Khi đau khổ

Khóc

Cười

Như đàn bà

Như đứa trẻ

Trong thân hình mảnh khảnh

Là cô đơn

Khát sống và yếu đuối

Lần nào đến, cũng mang theo bí mật

Sau – những – gì – nhìn – thấy

Là em.

(Em – bí mật)

Đoạn thơ chứa đựng nhiều mâu thuẫn: vui – buồn, sâu sắc – hồn nhiên, mạnh mẽ – yếu mềm diễn tả cái phức tạp trong cảm xúc cũng như tính cách của một cái tôi đa cảm, bí ẩn cũng vì thế mà luôn hấp dẫn. Cái tôi cô đơn trong thơ Vili có khi xuất hiện như một sản phẩm của sự xa cách, trở thành cái tôi đau đớn vì yêu nhưng vẫn khát yêu và muốn yêu trọn vẹn, cái tôi vừa mạnh mẽ vừa yếu mền, rất kiên cường mà cũng rất mong manh.

Chúng mình ở hai miền

Ngày nào em cũng khóc…

Anh yêu của em ơi

Em yêu anh điên cuồng

Yêu đến tan cả em

Ào tung kí ức

Ngày dài hơn mùa

Em mong mỏi

Em có lúc như một tội đồ nông nổi

Về đi anh

Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh

Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng

Ngày nối ngày bằng hi vọng

Em là người dệt tầm gai…

(Người dệt tầm gai)

Thế nhưng, cái cô đơn thường hằng trong thơ Vi Thùy Linh được bắt đầu từ cái cô đơn thời niên thiếu, khi tâm hồn cô vẫn còn non nớt đã cảm nhận được sự cách biệt trong gia đình.

Bố

Mặt trời nóng rực và ồn ã

Con muốn gần… lại sợ… tan ra

Mẹ

Mặt trăng xa

Con ngần ngại cận kề

Con

Vì sao lạc giữa

Lớn lên và sáng bằng nước mắt

(Những đối lập)

Trong mối quan hệ mà cha – mẹ – con giống như những tinh cầu xa cách, cái tôi Vili trở thành cái tôi bơ vơ, cái tôi ấy luôn bị thúc giục bởi ước muốn đi tìm người tri kỉ. Cái tôi bé nhỏ đó khi lớn lên muốn được thoát ra khỏi vòng cương tỏa ràng buộc mình, lại vừa muốn được buộc mình vào người khác.

Cha mẹ định quàng dây cương vào tôi

“Hãy để con tự đi!”

Độc mã

Quyết làm những gì mình muốn

Tôi tự viết truyện đời bằng suy cảm

Và biến những ý nghĩ thành sự thật.

Bỗng một hôm

Tôi đứng yên để một người buộc vào tôi dây cương và đi theo người ấy

Đó là người tôi yêu.

(Tôi)

Niềm mong mỏi đầy mâu thuẫn ấy đã bộc lộc hết chất Á Đông trong con người Vili: người phụ nữ phương Đông bao đời bị kiềm hãm về tinh thần nay muốn được bứt mình ra vòng phụ thuộc để thỏa sức bay nhảy cũng đồng thời là người phụ nữ truyền thống luôn sẵn sàng buông tay Tự Do để đi theo tiếng gọi của Tình Yêu, để gắn chặt cuộc đời mình với một cuộc đời khác. Những tâm sự ấy của Vi Thùy Linh cũng chính là lời của rất nhiều người phụ nữ vẫn đang băng khoăng đứng giữa hai đầu lựa chọn: nổi loạn hay truyền thống, để bay hay để yêu, khi mà những điều này vẫn thật khó để cùng lúc có được.

Khao khát yêu đương và yếu tố nhục cảm

Tính nữ trong thơ Vi Thùy Linh tự biểu đạt ở những xúc cảm tinh nhạy, tự khẳng định bằng tâm hồn cô đơn nổi loạn và tự nuôi dưỡng mình bằng những khát khao yêu thương và nhục cảm. Đấy là phần sâu kín nhất trong thế giới thơ Vi Thùy Linh, cũng là suối nguồn của mọi xúc cảm, rung động được gợi lên trong thơ của cô. Đó cũng là nền tảng sau cùng để thơ Vi Thùy Linh gọi ra được phong cách, cái thần, cái hồn của mình.

Khác với những nhà thơ nữ thời kháng chiến (Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ) làm thơ theo những cảm xúc tế vi, mềm mại, với Vi Thùy Linh, yêu thương luôn gắn liền với nhục cảm sống động. Thơ Vili vẫn thể hiện những xúc cảm, rung động tinh tế theo một cách riêng, nhưng sóng đôi với những đường nét xúc cảm ấy luôn là những ảnh hình được viền nổi của những chuyển động da diết, rạo rực. Hành trình sáng tạo của Vi Thùy Linh cũng là một hành trình khẳng định những khát vọng yêu thương, hoàn thiện hình dung của mình về thế giới của tình yêu. Từ những tập thơ đầu KhÁt và Linh đến Đồng Tử và Vili in love, hành trình dấn thân, trải nghiệm, hòa điệu với những cơn khát yêu thương càng trở nên tinh tế và phức tạp hơn; những góc cạnh của tình yêu càng mở rộng, để những người nữ trong thơ càng sống rạo rực, sống da diết hơn trong thế giới của diễn từ. Những xúc cảm càng trưởng thành lại càng mạnh mẽ ấy đã luôn dẫn đường, luôn cung cấp một nguồn năng lượng nghệ thuật dồi dào cho Vi Thùy Linh. Những khát vọng yêu thương được cô bày tỏ theo cách chân phương nhất, trở thành những nỗ lực khẳng định tình yêu, cơn khát yêu của mình với thế giới:

Em muốn nổ tung khối chữ trong mình

Thành lời: Em yêu anh!

Người đàn bà

Rùng mình vì cô đơn

Đấy không phải bí mật!

Em thấm những dòng chữ không thẳng

Sức trẻ có hạn

Em cứ gồng lên

Bỏ lời tỏ tình của những chàng trai nhập nhờ dưới suy nghĩ về anh

(Em – Bí mật?)

Đấy là khi những cơn khát tự vấn mình theo cách dữ dội nhất, đến độ chỉ những câu thơ đơn giản, thô ráp, ngắn gọn và thu mình – những câu thơ không đeo trang sức – mới có thể chiều lòng những đợt sóng tình cảm ấy. Đấy là những khi Vi Thùy Linh khẳng định và cũng là chiêm nghiệm về tình yêu, những khi tiếng lòng của khát vọng yêu bừng dậy mãnh liệt đến độ nhà thơ chỉ có thể để ý thơ hiện hình theo cách nguyên sơ nhất. Nhưng thông thường, Vi Thùy Linh thường để những câu thơ duỗi dài tấm lưng theo tình cảm, duỗi dài theo khát vọng hòa nhịp, hòa quyện, hòa điệu với người mình yêu:

Cho em nắng óng cất từ màu da Anh

Cho em tiếng cười từ khoé môi rộng lượng Anh

Cho em ngủ ngon trong vòng ôm định phận của Anh

(Cất giấu)

Em nghe thấy nhịp cánh êm ái ân

Một làn gió thổi sương thao thác

Đêm run theo từng tiếng nấc

Về đi anh

Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh

(Người dệt tầm gai)

Căn phòng thành đại dương

Em đi không ướt gót

Chiếc gối lưu dư chấn

Búp búp chồi lồng ngón

Thời gian thành rừng yêu

Anh cùng em làm bản đồ tình yêu

Chân mây thăm thẳm

Xoải cánh mùi thịt da lồng lộng

Em luôn muốn hôn anh cẩn thận

Xiêm y vũ hội là làn da xuân

(Bản đồ tình yêu)

Từng động tác và hơi thở, sự gấp gáp và cuồng nhiệt là những biểu hiện thường thấy nhất ở thơ Vi Thùy Linh khi nữ sĩ để tình yêu với đầy đủ nhục cảm lên tiếng. Cô để cho mọi mặt của những bản năng quen thuộc nhất của nữ giới được gọi ra và được trải dài miên man trong khát vọng của mình, đến độ thơ Vi Thùy Linh không chỉ dừng lại ở sáng tác văn học nữ quyền (lấy chủ thể, lấy trung tâm là những cảm nhận nữ giới) nữa. Nói như nhà phê bình Chu Văn Sơn, đó là thi ca Ái quyền, là những vần thơ với đầy đủ phẩm tính nữ giới khẳng định quyền yêu đương, quyền tận hiến cho tình yêu, theo một bản năng đầy chân thực của con người. Cũng chính vì vậy, thơ Vi Thùy Linh xuất hiện nhiều những động tác của yêu thương như vuốt ve, ôm ấp, tô son, cài then đôi môi hay cơ thể người phụ nữ bằng người đàn ông; những hình ảnh kết nối cả tâm lý và sinh lý như tấm lưng, những đôi chân và tay, bào thai và đồng tử – những hình ảnh chân thực, viên mãn nhất của yêu đương, nhục cảm.

Còn lại là những lúc nữ sĩ dùng những hình ảnh nhục cảm để triết lý về tình yêu. Khi ấy, những đường nét sống động của sức nóng, của khát khao vẫn vằng vặc trên câu chữ, nhưng đằng sau đó là ánh sáng của một thứ tôn giáo:

Dành em cho Anh – tặng vật của Chúa trời

Vì chỉ Anh thấy em trong tấm gương đức hạnh

Phủ phục dưới hào quang huy hoàng của vòng tay thống trị

Chuông bắt sáng từng hồi diễm lệ

(Teresa)

Anh trao em ngày mới

Cuộc sống khác từ mùa xuân chưa từng thấy

Dài theo đôi mắt, kín đất hoa linh những bàn chân non đường thon âm thanh hoan lạc

Bình minh mọc từ vầng ngực Anh đầy ắp hồng cầu

Sao lên từ mắt

Cả thế giới chật ních buồn phiền bỗng nhiên vắng lặng

Để loài người học yêu nhau trở lại

Để loài hoa không bao giờ mãn khai, hé mở

(Đường ong)

Đó là tôn giáo của ái tình, là tư tưởng của khát khao hài hòa trong tình tự, khát khao kết nối với những diễn trình của tồn tại từ tình yêu viên mãn và tràn đầy. Đây chính là phần lý trí và phức tạp trong suối nguồn của yêu thương, khát vọng trong hồn thơ Vi Thùy Linh; nơi bản năng và ẩn ức, ưu tư và phức cảm trở thành triết lý và luân lý; cũng là nơi nuôi dưỡng những niềm tin của nhà thơ về giá trị của ái tình – một chuyển động không thể thiếu với thế giới, với những kẻ đang tồn tại, với những khoảnh khắc bừng ngộ đầy tính hiện sinh. Người phụ nữ trong thơ Vi Thùy Linh, khi tận hiến cho tình yêu cũng là khi sống tận cùng với mọi khả năng giao kết với thế giới, kết nối với những thiên chức cao cả của mình, giao tiếp với cả lịch sử và thời gian, khẳng định phần âm tính đã làm chuyển động những mạch ngầm của thế giới này như thế nào. Nói cách khác, bằng những phút giây sống đến tận cùng với suối nguồn của tình yêu và nhục cảm, Vi Thùy Linh đã kết nối tính linh thiêng, tính huyền nhiệm với những khát khao tình tự. Xứ thơ ca Vili là nơi thờ phụng tình yêu, nhưng không chỉ thờ phụng bằng xúc cảm đơn thuần, mà bằng cả xúc cảm đã chuyển thành lý trí, thứ lý trí của tình cảm chỉ có nữ giới đạt được khi họ đã sống trọn vẹn với những phức cảm của mình.

Mọi khát khao yêu đương và dục vọng, những gì cao khiết và những gì trần thế nhất gắn liền với những nguồn năng lượng, động lực sống trong thơ Vi Thùy Linh. Nhà thơ không ngần ngại khẳng định vẻ đẹp, sự thanh cao và chân thực trong những khát vọng yêu để sống của người phụ nữ. Điều này không hề xa lạ với khái niệm dục năng (libido) mà Sigmund Freud đã tìm ra và cho rằng chính những bản năng tình dục đã chống lại bản năng chết (sự điêu tàn hủy hoại dần con người theo thời gian), những khát vọng chính là phần cốt lõi khẳng định sự hiện tồn của con người. Vi Thùy Linh đã đưa những luận lý ấy vào thơ ca Việt, vận dụng theo cách rất nữ tính một lý thuyết nam quyền. Với cô, yêu thương chính là sức sống của người phụ nữ để chống lại mọi điều tẻ nhạt, giả dối, chống lại cả cái chết và sự tàn phai để tìm đến những ranh giới của sự vĩnh cửu, của những chuyển động diệu kỳ trong cuộc sống theo con đường bản nguyên nhất.

Vì mọi lẽ trên, tình yêu trong thơ Vi Thùy Linh luôn là sự tận hiến, trở thành một ấn tượng quen thuộc đến độ ám ảnh trong thơ cô. Vậy nên hầu hết mọi người phụ nữ trong thế giới thơ của nữ sĩ đều muốn hòa nhập, hòa quyện đến độ như tan vào yêu thương và khát vọng. Tận hiến đến mê đắm, kiệt sức chính là mục đích, cũng là bản chất của mọi khát vọng yêu trong thơ Vi Thùy Linh. Đó là sự tận hiến đến độ nhiều khi không cần biết rằng có được đáp lại hay không nhưng không phải là sự tận hiến đến ngây dại. Những người phụ nữ trong thơ Vi Thùy Linh tận hiến với cả trái tim, tận hiến cho người tình nhưng cũng tận hiến cho cả tình yêu, cho thiên chức của mình, cho những khoảnh khắc người phụ nữ được được sống trọn vẹn với mọi gương mặt và ẩn ức thường ngày lặng im được lên tiếng say mê, mãnh liệt và tràn đầy. Vậy nên, những người nữ ấy dù chịu đựng rất nhiều hy sinh (thơ Vi Thùy Linh có khi vẫn đầy nỗi ám ảnh của cô đơn, lạnh lẽo, rạn vỡ, hoang mang) vẫn không hối tiếc và mãn nguyện theo cách của riêng mình bởi bằng tận hiến, tình yêu đau đớn của họ mới hạnh phúc với những giấc mơ tìm về vĩnh cửu.

Kết luận

Tính nữ trong thơ Vi Thùy Linh được tạo nên từ một tâm hồn chín sớm, một tâm hồn được nuôi dưỡng trong thời kì xã hội thay đổi đến chóng mặt. Chính vì vậy, thơ cô tươi mới mà sâu sắc, có hoang mang nhưng chỉ trong nhất thời, lãng mạn là thực như hơi thở, thể hiện một tính cách đa chiều đến vô cùng phức tạp. Tính nữ rất riêng ấy đã mang tới cho thơ Vili màu sắc bản nguyên, nồng nàn nhất của tình cảm, khai mở thế giới nội tâm phức tạp và mâu thuẫn của người phụ nữ trong sự khao khát tuyệt đích niềm hạnh phúc lứa đôi. Thông qua đó, thơ Vi Thùy Linh đã bật lên tiếng nói của người phụ nữ hiện đại dám sống, dám yêu, dám khác biệt và tạo nên một Vi Thùy Linh nổi bật không thể nhầm lẫn trên thi đàn Việt.

Viết một bình luận

AD
AD Sticky Ad
×